NSƯT Chiều Xuân: “Bố chính là điều tôi luôn bấu víu trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời” - Tạp chí Đẹp

Tôi gần như quên mất tuổi thật của NSƯT Chiều Xuân khi lắng nghe những mẩu chuyện vừa đáng yêu vừa đong đầy cảm xúc giữa chị và bố – đạo diễn Nguyễn Đức Đọc. Chị khiến tôi càng thêm chắc chắn với suy nghĩ của mình rằng con gái dù có bao lớn, có trưởng thành như thế nào cũng vẫn là cô con gái bé bỏng của bố. Chị còn luôn nhấn mạnh với tôi trong suốt buổi trò chuyện, đó là chỉ cần một sự công nhận, sự tin tưởng mà bố dành cho chị đã khiến chị “sung sướng cả một cuộc đời”. 

BỐ LÀ HIỆN THÂN CỦA CHÂN LÝ

Có bố là một đạo diễn tài danh, đây có phải là nguồn cảm hứng cho con đường nghệ thuật của chị ngay từ khi còn bé?
Hai chữ “cảm hứng” không thể diễn tả hết cả một “cuộc sống nghệ thuật” bố đem đến trước mắt tôi. Từ bé tôi đã được xem bố dàn dựng các vở kịch, dạy diễn xuất, nghe mẹ kể về những lần biểu diễn của bố, xem ảnh ông biểu diễn ở nước ngoài,… Mẹ tôi là công nhân nên mọi thứ xoay quanh mẹ khá giản đơn, vì vậy mà hơi thở cuộc sống xoay quanh thế giới của bố có chút gì đó mới mẻ. Cứ thế, việc dấn thân vào con đường nghệ thuật với tôi là một chuyện hiển nhiên, chứ không phải bỗng một ngày đẹp trời ý tưởng đó nảy mầm.

Những tôn chỉ làm nghề nào của bố đã ảnh hưởng hay định hướng chị trong suốt những năm theo đuổi nghiệp diễn?
Dõi theo bố, tôi nhận ra sự trung thực, hết lòng hết dạ và chân thành với nghề quan trọng ra sao. Và tất cả những tôn chỉ đó phải bắt đầu từ sự nghiêm túc của chính mình với nghệ thuật. Ngay cả trong suy nghĩ về nghệ thuật, đó cũng phải là một ý nghĩ thật thuần khiết. Sự quyết liệt và trung thành với những gì bản thân cho là đúng sẽ giữ chúng ta đi đúng hướng.

Đạo diễn Nguyễn Đức Đọc (trái) và bạn
Đạo diễn Nguyễn Đức Đọc (trái) và bạn

Vậy thì hẳn ông cũng cho chị không ít lời khuyên vào những lúc khó khăn và áp lực nhất với chị trong công việc?
Hơn cả lời khuyên, những suy nghĩ về bố đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Mỗi khi gặp khó khăn, tôi dặn lòng rằng những gì mình đang phải vượt qua, phải chịu đựng thật ra không bằng một phần rất nhỏ những gì bố đã từng trải. Tôi tự nhủ mình vẫn chưa làm được như bố, bố mới là người đi đến tận cùng của tất cả mọi thứ. Nếu chỉ bấy nhiêu thử thách đã không chịu nổi, thì không bao giờ có thể đứng cạnh bố được.   

Tôi nhớ có lần chị từng nói rằng bố là một người thầy đặc biệt với mình. Chữ “đặc biệt” này nên hiểu thế nào để trọn vẹn và đủ đầy ý nghĩa nhất?
Bố là hiện thân của chân lý, mà chân lý thì chỉ có một. Bố chính là điều tôi luôn bấu víu vào trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời, từ lúc vui nhất cho đến khi khó khăn nhất, cơ cực nhất. Bố đặc biệt như thế nhưng không phải là một cái gì đó quá chói lóa; bởi ông cũng chỉ là người bình thường, không hoàn hảo đến mức vô khuyết.

BỐ LÀ NGƯỜI TIN RẰNG CHỈ VỚI VÀI BA XU VẪN CÓ THỂ MUA ĐƯỢC CẢ HÀ NỘI CHO CON GÁI!

Việc kết hôn ở tuổi 20 khiến chị bị nhà trường kỷ luật vì còn trong thời gian đi học. Bố chị đã phản ứng như thế nào khi nghe con gái thưa chuyện?
Phải nói là ông vừa lo vừa mừng. Lo lắng tôi kết hôn quá sớm sẽ xao nhãng việc học còn mừng vì bố đã biết anh Quân (nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – PV) từ lâu và rất yêu quý anh. Bố tôi và bố anh Quân (nhạc sĩ Đỗ Nhuận – PV) khá thân nhau và anh Quân còn là bạn của bố. Hai người rất tâm đầu ý hợp, chuyện gì cũng tâm sự với nhau. Sau khi quen tôi, anh Quân đến nhà chơi thì vẫn gọi bố tôi là “anh” nhưng chỉ hai ngày sau là gọi bằng “chú” (cười).

Bố mẹ biết rằng khó lòng ngăn cản đôi này nhưng quan trọng là bố luôn tin tôi. Bố tin sự lựa chọn của tôi cũng như luôn tin con gái mình sẽ quyết tâm đi đến cùng với nghệ thuật vậy. Và tôi đã không làm bố thất vọng, khi thành tích tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm đó khá xuất sắc. 

Bố thường sẽ không biểu lộ nhiều tình cảm ra bên ngoài như mẹ. Chị có thể kể về một kỷ niệm mà qua đó chị nhận ra được tình yêu không lời của ông dành cho mình?
Bố tôi là đại diện tiêu biểu cho thành phần những ông bố “khắc nghiệt”. Nhớ lần đó, tôi thi vào trường bố đang dạy, nhưng ông không hề dặn dò về kịch bản hay diễn xuất, không nhắc nhở gì cả. Trước đó ông từng tuyên bố rằng: “Con đường nghệ thuật là một con đường chông gai, bố không khuyến khích con vào để chơi bời, nếu vậy thì làm việc khác cho nhẹ người. Nhưng nếu con muốn theo đuổi nó, con phải thật sự có khả năng, còn không thì thôi”.

Cứ miệng là vậy nhưng sau đó tôi mới biết bố đã hỏi han xem tôi thi cử thế nào, lúc đấy tôi đã òa khóc. Bố cũng không bao giờ trực tiếp khen tôi, nhưng có lần nghe lỏm được bố tự hào về mình nhiều ra sao đã làm tôi sung sướng cả một đời. 

Q&A

3 từ ngắn gọn mô tả về bố
Tài giỏi, khắt khe và “phiêu”. Nhà tuy nghèo nhưng bố “phiêu” lắm, vẫn hát hò vẫn chọc cười cả nhà, bố cho người ta cái cảm giác “quên hết sự đời”.

Những đức tính nào của bố mà chị muốn tìm thấy ở người đàn ông của đời mình?
Chu đáo, nồng nhiệt và quyết đoán

Những tính cách nào của bố hình thành nên tính cách của chị?
Quyết đoán và khắt khe

Khoảnh khắc nhận ra “Bố là số 1”?
Giây phút tôi bế con về nhà thăm bố mẹ, tôi liền cảm nhận được tình yêu của bố mẹ là số 1. Khoảnh khắc xúc động ấy đã tràn vào lòng tôi một cách rất tự nhiên như thế.

Những cái nhất nào ở bố mà chị cho rằng không ai sánh bằng?
Giỏi nhất, hay nhất và sáng tạo nhất

Một cụm từ chị yêu thích khi nói về định nghĩa con gái trong mắt bố?
“Con gái rượu”. Bố tôi uống rượu tương đối nhiều nên hồi còn bé chiều nào cũng xách một cái chai hoặc một cái chén mua tí rượu về cho bố uống. Vậy là từ lúc 7-8 tuổi đã là “con gái rượu” của bố rồi (cười).

Thế thì có lời động viên hay khích lệ nào của ông khiến chị mãi không quên?
Sau này khi bắt đầu bước chân vào nhà hát, con cái cũng có rồi thì bố mới nói: “Ở nhà này, bố chỉ khuyến khích Xuân đi theo con đường nghệ thuật nhất còn Lý thì không cần thiết, bởi bố nhìn thấy Xuân có khả năng và nhan sắc hơn chút”. Sự công nhận đó của bố chính là điều tôi bám vào trong suốt những năm tháng sau này. Bố đã khẳng định mình làm được thì chắc chắn mình có thể làm được.

Ngoại trừ nghiêm khắc và khắc nghiệt, tôi đoán vẫn có đâu đó những khoảnh khắc hài hước của bố Đọc khiến chị ấm lòng?
Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm, mấy anh chị em thường đưa bố tiền tiêu. Có lần gia đình tôi gặp khó khăn, bố mẹ chồng bị ốm, thế là bố cho tôi xem số tiền ông cất ở đầu giường và bảo: “Đây này, bố có khối tiền này lấy mà tiêu!”. Ôi giời ơi, lúc đấy tôi thấy ông vừa thương vừa đáng yêu, vì chỉ có vài ba xu mà cảm giác như thể mua được cả Hà Nội cho con gái (cười).

Vậy điều gì khiến chị đến giờ vẫn hối tiếc?
Nhiều lúc sửa xong cái nhà tôi lại nghĩ phải chi bố và anh tôi còn sống thì cũng hưởng được cái phúc này. Giá mà ngày xưa mình trưởng thành hơn để đỡ đần phần nào cho bố thì hay biết mấy. Lúc cuộc sống thoải mái hơn về vật chất và tinh thần thì bố đã không ở bên cạnh. Vì bố tôi sống không thỏa hiệp nên cả cuộc đời vất vả lắm. Nhưng hóa ra, đó chính là gia tài vô giá bố để lại cho tôi.

Một thói quen đáng yêu giữa hai bố con?
Bố biết tôi thích nước hoa nên hễ ai tặng nước hoa bố đều cất trong tủ, xong gặp tôi bố bảo lấy mà dùng. Cứ ai cho nước hoa cũng bảo là “lấy cho con gái”. Ở nhà, người được cưng chiều nhất là tôi. Chưa kể đến chuyện tôi hợp tính bố, có tố chất làm nghệ thuật nên hai bố con đặc biệt gần gũi, thì tôi là “con gái út” nên nghiễm nhiên được hưởng đặc quyền (cười). Nhưng anh Quân nhà tôi thì khác hẳn bố, nhà có hai cô con gái, cứ luôn miệng “con gái yêu quý của bố đâu rồi”.

Kỷ niệm vui có, đáng yêu có, vậy chị sợ bố nhất là lúc nào?
Nhớ hồi mới lớn cũng có đi hẹn hò. Mỗi lần đi như vậy, bố sẽ ngồi đợi ở trước cửa. Đi đâu cũng được miễn về nhà trước 9 giờ. Có lần về nhà trễ khoảng 10 phút mà thấy trong lòng bất an lắm. Bố thấy mình là bố vào nhà, không giận, cũng không nói gì, nhưng cũng đủ khiến mình sợ khủng khiếp (cười).

Bài Huyền My  Ảnh NVCC
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP