NSND Lê Khanh: Tôi là người bảo thủ trong cuộc sống nhưng là kẻ táo tợn trong nghệ thuật - Tạp chí Đẹp

Lê khanh thừa nhận mình là một kẻ “siêu bảo thủ, siêu sống chậm”, như câu thoại của thúy, nhân vật trong vở kịch nổi tiếng “bến bờ xa lắc”: “tôi luôn luôn cảm thấy mình như người đi ngược lại với mọi guồng quay của cuộc sống”. Và không để tôi bất ngờ, chị nói tiếp, “thế nhưng trong nghệ thuật, tôi là kẻ táo tợn nhất”. Sự trở lại sau 20 năm gián đoạn điện ảnh của lê khanh với vai diễn quý bà sang chảnh, quyền lực trong “gái già lắm chiêu 3” là minh chứng cho lời nói của chị.

Lê Khanh đến buổi trò chuyện với tôi sau khi vừa hoàn thành buổi chụp ảnh bìa cho Đẹp. Chị xin vài phút để tẩy trang gương mặt được makeup đậm và sắc sảo như hình mẫu nhân vật Thái Tuyết Mai trong bộ phim chiếu Tết “Gái già lắm chiêu 3”. Thoáng chốc, Lê Khanh quay trở lại với một gương mặt như tôi nhớ về chị của gần 20 năm trước khi đến nhà để phỏng vấn.

Ở thời điểm đó, Lê Khanh đang tỏa sáng với vai diễn Lý Chiêu Hoàng trong vở kịch “Rừng trúc” trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Mới tối hôm trước chị còn khoác hoàng bào, thoại những câu dài như bất tận mà không vấp một từ. Sáng hôm sau tôi đến nhà chị như đã hẹn, định gõ cửa thì đã thấy một Lê Khanh của đời thường đang co một chân lên ghế và ăn… khoai luộc. Lê Khanh là vậy, ở trên sân khấu và giữa đời thường là hai thái cực khác biệt. Nhưng cái hay của chị là ở thái cực nào, người ta vẫn nhận ra một Lê Khanh riêng biệt và không trộn lẫn. Và cũng nhờ vậy mà có lẽ chị hóa thân vào nhân vật nào, vai diễn nào cũng thuyết phục khán giả, như chị nói trong cuộc phỏng vấn lần này: “Biên độ vai diễn của tôi rất rộng. Và tôi cũng thường dạy các học trò của mình rằng, đừng tự giới hạn và đóng khung mình trong bất cứ dạng nhân vật nào”. 

10 NĂM GIÁN ĐOẠN VỚI ĐIỆN ẢNH LẦN MỘT

Dân sân khấu, điện ảnh và khán giả ái mộ hầu hết đều biết Lê Khanh là con nhà nòi và hai thế hệ gia đình chị đều là những nghệ sĩ nổi tiếng. Không chỉ bố mẹ chị, hai nghệ sĩ sân khấu – điện ảnh tài danh Trần Tiến, Lê Mai mà các chị em gái Lê Vân, Lê Vi cũng là những nghệ sĩ rất thành công, từ sân khấu đến điện ảnh.

Khác cô chị Lê Vân và cô em Lê Vi đi theo nghiệp múa từ nhỏ, Lê Khanh lại chọn điện ảnh và sân khấu kịch nói. Từ năm 9 tuổi, chị đã bước vào điện ảnh với bộ phim “Hai người mẹ” (1972).

Năm 15 tuổi, mẹ Lê Khanh khuyên chị thi vào Nhà hát Tuổi trẻ để nối nghiệp bố, một nghệ sĩ kịch nói rất nổi tiếng trên sân khấu Nhà hát Kịch Trung ương lúc đó, để có một chân biên chế và đỡ phải đi đóng phim khổ cực.

Đến ngày thi, Lê Khanh diễn lại một tiểu phẩm xem trên TV và cầm chắc… rớt vì bản thân chị diễn cũng không thấy xúc động gì, dù là một tiểu phẩm bi kịch. Đúng lúc đó, nữ đạo diễn Đức Hoàn chọn Lê Khanh đóng vai nữ chính trong bộ phim “Từ một cánh rừng” vì gương mặt trong sáng và đẹp như trăng rằm của chị. Ba tháng theo đoàn làm phim quay cực khổ ở Khe Sanh rồi về Huế, đúng lúc phim vừa đóng máy thì chị nhận được tin trúng tuyển vào Nhà hát Tuổi trẻ kèm theo một cam kết: trong 10 năm đầu quân về nhà hát không được lấy chồng, không được sinh con, không được đi làm phim và chỉ tập luyện trên sàn diễn để định hình phong cách của một nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp.

Vào đúng độ tuổi đẹp nhất của thiếu nữ, khi những lời mời điện ảnh đến tới tấp, Lê Khanh từ chối hết để giữ đúng cam kết của mình với nhà hát. Sân khấu kịch Nhà hát Tuổi trẻ có thêm một gương mặt tài năng, nhưng người ta cũng tiếc vì điện ảnh thiếu đi một gương mặt đẹp đầy triển vọng. Đấy cũng là thời điểm mà chị gái Lê Vân bắt đầu tỏa sáng rực rỡ với điện ảnh nhờ một loạt phim như “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Chị Dậu”, “Thằng Bờm”…

BA LẦN HỤT CHẾT VÌ ĐÓNG PHIM

Đúng 10 năm sau, khi bắt đầu có những vai diễn gây dấu ấn trên sân khấu, Lê Khanh quay trở lại với điện ảnh như đã hứa. Năm 1988, chị góp mặt trong bộ phim “Ám ảnh”, tiếp tục là một tác phẩm lãng mạn của nữ đạo diễn Đức Hoàn, đóng chung với hai nam diễn viên nổi tiếng của hai miền Nam Bắc là Trần Vân và Thương Tín.

Và kể từ đó, Lê Khanh bắt đầu… oanh tạc điện ảnh ở khắp ba miền Bắc Trung Nam. Vừa đóng xong “Ám ảnh” thì chị được mời vào Sài Gòn đóng 3 tập phim hành động, tội phạm rất thành công thời điểm đó là “Săn bắt cướp”. Bộ phim dựa theo một câu chuyện có thật về tướng cướp Bạch Hải Đường, tiếp tục do Thương Tín đóng. Trong phim này, Lê Khanh vào vai nữ tu sĩ Băng Thanh, người mà tên tướng cướp Bạch Hải Đường si mê.

Thành công của loạt phim ba tập này cũng khởi đầu mối duyên của chị với nhà quay phim Phạm Việt Thanh và chị chính thức chuyển địa bàn hoạt động vào Sài Gòn vì những lời mời đóng phim tới tấp đến. Khi dòng phim thị trường bắt đầu bùng phát tại Sài Gòn đầu thập niên 90, Lê Khanh là gương mặt đầu tiên của điện ảnh miền Bắc được các đạo diễn và tài tử phía Nam mời hợp tác, sau đó mới đến Thu Hà, nữ diễn viên tỏa sáng nhờ vai diễn trong “Lá ngọc cành vàng”, vai diễn đáng lẽ cũng thuộc về Lê Khanh nhưng do bận lịch diễn của Nhà hát Tuổi trẻ nên chị đành phải từ chối.

Năm 1992, Lê Khanh hợp tác với Chánh Tín trong bộ phim lãng mạn pha lẫn kinh dị “Chiếc mặt nạ da người” do chính ông làm sản xuất và đạo diễn. Bộ phim được quay tại Sài Gòn và Đà Lạt với bối cảnh rất công phu. Bộ phim này cũng gắn liền với một kỷ niệm… hụt chết của Lê Khanh khi cưỡi trên một con ngựa trắng phi nước đại và bị hất văng ra khỏi lưng ngựa. 
May mắn thoát chết và thành công tại phòng vé nhờ “Chiếc mặt nạ da người”, Lê Khanh lại được Chánh Tín mời đóng tiếp bộ phim “Bản tình ca cuối cùng”, một bộ phim tâm lý cân bằng được hai khái niệm nghệ thuật và giải trí, đồng thời biến Chánh Tín và Lê Khanh thành một cặp đôi đẹp của màn ảnh lúc bấy giờ.

Lần hụt chết thứ hai của Lê Khanh là khi chị đóng vai chính trong bộ phim “Dòng sông hoa trắng” của đạo diễn Trần Phương, một tác phẩm mang hơi hướng lịch sử và bi tráng kể về 4 nữ chiến sĩ biệt động miền Nam bị quân đội Mỹ bắt và xử tử trên sông. Sự cố đến từ cảnh xử tử đầy bi tráng cuối phim. Trong cảnh này, Trà Giang, Diễm My, Lê Khanh và một nữ diễn viên trẻ mặc những chiếc áo dài trắng, bị trói hai tay ra đằng sau và bị quân đội Mỹ xử bắn. Bối cảnh được đạo diễn Trần Phương và nhà quay phim Phạm Việt Thanh chuẩn bị rất công phu với những bông hoa đại trắng được rải đầy khắp mặt sông. Cảnh xử bắn nhân vật của Trà Giang, Diễm My được quay trót lọt. Đến cảnh của Lê Khanh thì máu đỏ loang ra chiếc áo dài trắng nhưng không ai nghe tiếng kíp nổ. Hóa ra kíp cài bên trong áo nổ và bao nhiêu mảnh vỡ đã bắn vào trong người chị, may mắn là không để lại thương tích. Đoàn phim quyết định quay thêm lần thứ hai và chuẩn bị kỹ càng hơn. Khi lên phim, nhiều khán giả ngạc nhiên không hiểu sao Lê Khanh bị bắn những… hai phát. Nhưng có lẽ nhờ cú máy thứ hai ấy, chị đã diễn vô cùng ấn tượng và mang lại cảm giác bi tráng cho khán giả. Đó cũng là một cảnh quay rất đẹp và đậm chất điện ảnh, mang về giải Quay phim xuất sắc nhất cho Phạm Việt Thanh tại một LHP quốc tế.

Lần hụt chết thứ ba đến từ bộ phim “Chuyện tình bên dòng sông” của nữ đạo diễn Đức Hoàn. Trong phim này, Lê Khanh đóng vai một thôn nữ miền Trung không chấp nhận cuộc sống tù túng của một bà vợ nội trợ. Để tạo ép phê cho cảnh người vợ chèo thuyền chở nón ra sông bán cho khách du lịch, nữ đạo diễn Đức Hoàn yêu cầu phải có một chiếc xà lan đi qua, tạo nên sóng lớn khiến chiếc thuyền nhỏ của nhân vật bị lật và những chiếc nón trôi bồng bềnh trên nước. Khi chiếc thuyền thúng bị lật, đang lóp ngóp bơi ra khỏi thuyền thì Lê Khanh phát hiện lực hút từ cánh quạt của chiếc xà lan đang cuốn chị về phía nó. Lê Khanh nói đùa, chỉ cần chạm vào nó thì người chị thành… sinh tố, thế là vận dụng hết sức bình sinh để bơi ra khỏi cánh quạt khủng khiếp đó. Cả đoàn làm phim không ai biết là chị vừa hụt chết, chỉ biết vỗ một tràng pháo tay lớn vì có một cảnh diễn rất chân thực và đúng ép phê như đạo diễn yêu cầu.

Đó là chưa kể những pha đau thương khác được “bonus” trong bộ phim này, ấy là khi chị bị giun chui ống mật do ăn rau sống của đoàn phim trong những ngày quay nóng bỏng ở Quảng Bình, hay khi bị Trần Lực, nam diễn viên đóng vai người chồng tát một cái nổ đom đóm mắt vì dám cãi lời.

Những lần hụt chết và chịu nhiều đau đớn về thể xác đó đã mang lại cho Lê Khanh giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam được tổ chức tại Hải Phòng năm 1992. Đó cũng là giai đoạn mà chị thành công nhất với điện ảnh sau 10 năm gián đoạn với bộ môn nghệ thuật này.

“MÙA HÈ CHIỀU THẲNG ĐỨNG” & DUYÊN NỢ VỚI TRẦN ANH HÙNG

Nếu cô chị Lê Vân có những vai diễn điện ảnh mang tính biểu tượng trong các bộ phim như “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Chị Dậu”, “Thương nhớ đồng quê”; cô em Lê Vi cũng gây ấn tượng với “Truyện cổ tích cho tuổi 17”, “Cây bạch đàn vô danh”, “Giải hạn” thì với Lê Khanh, nếu chọn một vai diễn đậm dấu ấn điện ảnh nhất, tôi sẽ nhắc tới nhân vật mang tên chị ngoài đời, Khanh trong bộ phim “Mùa hè chiều thẳng đứng” của đạo diễn Trần Anh Hùng. Đó là một vai diễn mà Lê Khanh gần như không diễn, chị mang con người thật của mình vào phim, tự nhiên, thoải mái như cá bơi trong nước và như chim bay trên bầu trời.

Và để có được vai diễn “đo ni đóng giày” trong bộ phim thứ ba của Trần Anh Hùng về Việt Nam, với Lê Khanh, đó cũng là một mối duyên phải đến.

Lê Khanh kể, chị với đạo diễn Trần Anh Hùng từng có vài mối duyên điện ảnh nhưng không thành. Trong giai đoạn Lê Khanh ở Sài Gòn với lịch quay phim dày đặc thì chị được Trần Anh Hùng mời casting bộ phim “Xích lô” (1995). “Hùng có một cái hay mà hiếm đạo diễn nào có được là khi chọn diễn viên nào thì anh sẽ viết riêng nhân vật cho người đó. Nhưng đúng lúc bộ phim ‘Xích lô’ sắp bấm máy thì tôi phát hiện mình đang mang bầu đứa con gái đầu tiên. Tiếc lắm mà tôi đành phải bỏ vai. Tôi nói với Hùng là có duyên mà không có nợ nên đành vậy, thôi phải đợi phim sau”, Lê Khanh nhớ lại.

“Ngay cả mấy đoạn tôi hát vu vơ cũng được Hùng đưa vào phim. Cái cảm xúc tự nhiên như hơi thở ấy hóa ra ám ảnh và đeo bám mình rất lâu. Nó có thật nhưng không có thật. Không phải đạo diễn nào cũng làm được điều đấy”

Đến phim “Mùa hè chiều thẳng đứng”, Trần Anh Hùng quyết định làm về đề tài Hà Nội đương đại nhưng mang nhiều vẻ đẹp hoài cổ trong quá khứ. Hùng chọn Như Quỳnh, Lê Khanh và Trần Nữ Yên Khê cho ba vai nữ chính và viết riêng nhân vật phù hợp nhất với từng diễn viên thủ vai. “Hùng hỏi tôi muốn đặt tên nhân vật của Lê Khanh trong phim là gì? Chưa có một đạo diễn nào hỏi tôi về quyền đặt tên cho nhân vật trước đó cả. Tôi sướng quá, nói với Hùng rằng nếu được thì đặt tên Khanh đi vì Khanh muốn có một kỷ niệm, muốn có một phần cuộc sống của mình vào phim chứ không phải đóng phim”, Lê Khanh kể tiếp. 

“Nhưng đúng lúc chuẩn bị quay phim thì tôi lại phát hiện mình… có bầu con trai thứ hai. Tôi không biết phải làm sao vì lần này từ chối nữa thì hết cơ hội rồi. May quá, trong cái rủi của Hùng là cái may của tôi. Do kịch bản của Hùng có chút vấn đề và Cục điện ảnh yêu cầu nên vợ chồng Hùng phải ở Hà Nội cả năm để sửa. Đúng một năm sau khi phim sẵn sàng quay thì tôi đẻ xong rồi nên không có lý do gì mà từ chối hết. Chỉ khổ một chút là lúc đó tôi đang phải cai sữa cho con nên trong thời gian quay phim, phục trang phải thay đổi bốn lần vì cứ sau mỗi tuần, ngực tôi lại ngót đi một ít”, Lê Khanh bật cười thoải mái khi kể lại kỷ niệm đáng nhớ.

“Mùa hè chiều thẳng đứng” không chỉ mang lại cho Lê Khanh một mối duyên đẹp, một Hà Nội bãng lãng, cổ kính của ngày xưa, một màu xanh chủ đạo xuyên suốt bộ phim. Đó còn là phim chị vào vai nhẹ nhõm, tự nhiên nhất và đem đến cho chị một cảm giác điện ảnh mới, thứ điện ảnh chưa từng có trước đó ở Việt Nam. “Ngay cả mấy đoạn tôi hát vu vơ cũng được Hùng đưa vào phim. Cái cảm xúc tự nhiên như hơi thở ấy hóa ra ám ảnh và đeo bám mình rất lâu. Nó có thật nhưng không có thật. Không phải đạo diễn nào cũng làm được điều đấy”, Lê Khanh chốt lại một mối duyên đẹp với Trần Anh Hùng. 

 

TRỞ LẠI SAU 20 NĂM ĐỂ BÙ ĐẮP NHỮNG KHOẢNG TRỐNG

TRỞ LẠI SAU 20 NĂM 

ĐỂ BÙ ĐẮP NHỮNG KHOẢNG TRỐNG

Sau “Mùa hè chiều thẳng đứng”, Lê Khanh gần như biến mất khỏi điện ảnh. Đó là thời điểm điện ảnh Việt Nam suy thoái nặng nề sau cuộc khủng hoảng của dòng phim mì ăn liền, trong khi dòng phim cách mạng đã không còn chỗ đứng. Lê Khanh quay trở về với sân khấu và tỏa sáng trên sàn diễn Nhà hát Tuổi trẻ với một loạt vai diễn nặng ký “Bến bờ xa lắc”, “Rừng trúc” và thậm chí cả hài kịch “Đời cười”. Trên sân khấu, Lê Khanh thỏa sức sáng tạo và như chị nói, “biên độ vai diễn của tôi rất rộng”. Từ vai nữ hoàng Anh, bà mẹ Mỹ, nữ anh hùng Joan d’Arc của Pháp đến Lý Chiêu Hoàng – nữ hoàng duy nhất của triều đại phong kiến Việt Nam, Lê Khanh đều đã diễn. Từ một người phụ nữ nội trợ “đi ngược với mọi guồng quay của cuộc sống” trong vở diễn sáng đèn hàng trăm suất “Bến bờ xa lắc” đến bà già nhuộm răng đen, điếc tai lại vừa mới lấy chồng trong hài kịch “Chỉ tại cái tai” (Đời cười 3) đều đã được Lê Khanh hóa thân.

Trong 20 năm say mê với sân khấu kịch Tuổi trẻ, sân khấu thể nghiệm hay hợp tác và lưu diễn với các đoàn kịch quốc tế tại Mỹ, Nhật, Anh, Thụy Điển, Lê Khanh đôi lúc quên đi mình có một mối tình với điện ảnh.

Và đúng lúc Lê Khanh đang muốn quay trở lại với điện ảnh ở tuổi xấp xỉ 60 thì lời mời của hai đạo diễn trẻ Bảo Nhân và Namcito cũng vừa kịp đến. “Chữ duyên với điện ảnh lại là một con số tròn. Lần trước là 10 năm. Lần này là 20 năm. Tôi không nghĩ mình đã xa điện ảnh lâu đến vậy”, Lê Khanh nói.

Lý do Lê Khanh nhận lời đóng một bộ phim mang hơi hướng giải trí của điện ảnh phía Nam thực ra cũng không khác với quan niệm làm nghề của chị: “Tôi bị hấp dẫn bởi những vai diễn mang tính táo bạo, khám phá, thử thách. Tôi không thích đóng khung trong một loại vai. Trong đời sống tôi là kẻ siêu bảo thủ, nhưng trong nghệ thuật, tôi là kẻ táo tợn. Hãy nhìn Meryl Streep mà xem. Bà ấy vừa đóng vai một nữ tu trong phim ‘Doubt’, lại có thể vào vai một bà tổng biên tập tạp chí thời trang sang chảnh, quyền lực trong ‘The Devil Wears Prada’”.

Một lý do nữa thuyết phục Lê Khanh vào vai nhân vật Thái Tuyết Mai là nhân vật này được lấy cảm hứng từ một nguyên mẫu có thật, nữ họa sĩ Bội Trân ở Huế, một người phụ nữ tài hoa nhưng cuộc đời đầy truân chuyên và trắc ẩn. Đó là hình mẫu nhân vật mà chị chưa từng đóng trong điện ảnh. Một người phụ nữ trung niên sắc sảo, quyết liệt nhưng cũng rất khắc kỷ và nghiệt ngã, ngoại hình thì sang chảnh, đầy quyền lực. Một loại vai mà Lê Khanh muốn phá phách, thử thách.

Nhận xét về bộ phim mà chị nói là cột mốc để quay trở lại với điện ảnh này, Lê Khanh nói, mặc dù phim thiên về tiêu chí giải trí, nhưng nó dung hòa, cài cắm được các yếu tố sâu sắc mà khán giả đòi hỏi trong một tác phẩm có nhiều giá trị. Và cuối cùng là những giá trị của cuộc sống khiến chúng ta phải suy ngẫm.

“Gái già lắm chiêu 3” cũng là bộ phim được đầu tư công phu về bối cảnh, thiết kế, trang phục mà Lê Khanh thừa nhận rằng trong cuộc đời làm nghề của mình chỉ có hai bộ phim đạt được điều đó, dù chúng thuộc hai thể loại hoàn toàn khác nhau. Phim còn lại là “Mùa hè chiều thẳng đứng”.

TỪ MỘT SOLOIST ĐẾN … BÀ MẸ CỦA CẢ ĐOÀN PHIM

20 năm trở lại với điện ảnh, Lê Khanh thừa nhận là mình đã… già. “Từ một nữ diễn viên trẻ được cả đoàn phim cưng chiều trong bộ phim đầu tay ‘Từ một cánh rừng’; đến một nữ soloist trên sân khấu và điện ảnh trong hai thập niên 80, 90; vậy mà lần trở lại này, ai trong đoàn làm phim cũng gọi tôi bằng mẹ. Ngay cả bà mẹ chồng của tôi trong phim thì ngoài đời cũng là cô em thua tuổi tôi”, Lê Khanh đùa và nhắc tới Hồng Vân.

Nhưng làm việc với một ê-kíp trẻ trung mang lại cho chị rất nhiều năng lượng vì cách làm việc hiện đại và chỉn chu.

“Mười năm trước, tôi đã từng lên sân khấu để trao giải Nữ diễn viên xuất sắc cho Ninh Dương Lan Ngọc trong ‘Cánh đồng bất tận’. Hồi đó tôi đã tiên đoán cô bé này có tố chất tiềm ẩn và cực kỳ triển vọng. Giờ đây cô ấy đã trở thành ngôi sao – một ngôi sao đúng nghĩa và tôi cũng không việc gì phải dè dặt khi gọi cô ấy là ngôi sao”, Lê Khanh nhận xét về cô con dâu đối đầu với mình trong phim.

Về đồng nghiệp cùng thời Hồng Vân, Lê Khanh nói: “Tôi rất phục phong cách diễn sân khấu của Hồng Vân. Cô ấy diễn rất duyên, tinh tế và nhàn nhã. Diễn hài không bị lố, không hời hợt, không mượn cái hài bằng hình thể hay bôi xấu nhân vật. Thoại không lên gân lên cốt, không gầm gào. Nhìn Hồng Vân diễn rất nhàn nhưng cũng rất sâu. Chúng tôi đã có những tương tác vô cùng ăn ý”.

Sau 20 năm gián đoạn, Lê Khanh quay trở lại với điện ảnh để làm đậm thêm bảng màu đa sắc của chị trong nghệ thuật. Liệu sự trở lại này có bùng nổ như lần gián đoạn 10 năm trước đây? Lê Khanh chưa kịp trả lời thì đã nhận được một cuộc gọi đi “fitting” trang phục cho một bộ phim mới mà chị vừa nhận lời.

Bài LÂM LÊ – Giám đốc sáng tạo HÀ ĐỖ  Sản xuất HELLOS

Nhiếp ảnh HOÀNG PHÚC  – Stylist TÔ QUỐC SƠN

Trang điểm & làm tóc THẠC CUTIE

Chuyên viên làm móng tay AYA HELEN’S NAIL BAR & EYELASHES

Trợ lý sản xuất HUEYTrợ lý nhiếp ảnh KHÁNH QUỐC LÊ 

Trợ lý stylist VŨ UYTrợ lý trang điểm & làm tóc BUNNY

Trang phục LÊ THANH HÒA – Trang sức LEMAN JEWELRY

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP