Những điều nhỏ nhoi mang tên "hạnh phúc" - Tạp chí Đẹp

Không ai có thể phủ nhận chúng ta đang trải qua một cột mốc lịch sử của nhân loại. Một dịch bệnh vốn đã được tiên đoán bởi các nhà sáng tạo nghệ thuật nhưng chẳng ai võ đoán được bức tranh hậu đại dịch sẽ như thế nào. Chỉ biết rằng sau bao hỉ nộ ái ố, con người đang dần thoả hiệp, bởi giờ đây gần như ai cũng đổi thay, đủ để nhận biết được điều gì là quan trọng và hạnh phúc nhất cho bản thân…

Igna Rasmussen sống ở Đan Mạch, Karsten Hansen sống ở Đức. Hàng ngày cụ bà Igna (85 tuổi) và cụ ông Karsten (89 tuổi) sẽ gặp gỡ nhau ở biên giới hai quốc gia, giữa họ chỉ là một dải ngăn cách, điều chưa từng có trong tiền lệ sau khi nhiều quốc gia Châu Âu trở thành một khối thống nhất. Hai người hoặc sẽ ăn trưa, hoặc chia sẻ vài mẩu bánh và bình cà phê, khi thì món uống có ga nổi tiếng ở vùng này. Vì không thể ôm hay hôn, đôi tình nhân sẽ nâng ly chúc mừng cho tình yêu của họ. 2 năm gặp gỡ. Hai cuộc đời ở tuổi xế chiều. Trong khi nhiều người trẻ bế tắc trong nỗi buồn chán, hàng ngày tìm kiếm người có thể cùng mình vượt qua giờ phút đơn độc bủa vây bằng những cái quẹt vội vã trên Tinder, đâu đó trên hành tinh này, những người yêu nhau như Igna và Karsten thấm thía vô cùng tận cái giá của sự cô đơn, họ chọn chống trả nó bằng việc mỉm cười, trò chuyện, nhìn vào đôi mắt đối phương, và tiếp tục kết nối.

Khi đọc những dòng giới thiệu ngắn ngủi câu chuyện của Igna và Karsen trên Instagram của một trang thông tấn lớn ở Đức, tôi đã thì thầm tự hỏi mình: bao nhiêu sự kết nối là đủ để xoa dịu khoảng thời gian ba tuần tôi “mắc kẹt” ở một thành phố cách nơi gia đình và bạn bè mình sống hơn 2 giờ bay. Nhưng tôi không phải người duy nhất trong 7 tỷ người trên trái đất rơi vào tình huống “lạ lùng” kiểu này: vừa bước ra khỏi một mối quan hệ, mắc kẹt trên căn hộ tầng 8 một tòa chung cư giữa lòng đô thị không phải nhà mình, kết nối của tôi với thế giới bên ngoài phụ thuộc vào đường truyền Internet chập chờn.

Là một người hướng nội, những ngày đầu trong “cuộc bế quan tỏa cảng” diện rộng diễn ra không chút khó khăn với tôi. Tôi đã-từng-nghĩ mình sẽ vượt qua “nhẹ nhàng” như một con cá quẫy đạp trong vùng biển tự nhiên của nó. Laptop, điện thoại, vài cuốn sách, mấy chai rượu vang ướp lạnh, loạt tin nhắn xuất hiện từ lúc mở mắt tỉnh dậy cho đến khi nấn ná lên giường đi ngủ, những kết nối hiện hữu bằng hình ảnh bé xíu trên cửa sổ chat: công việc, bạn bè, gia đình. Mọi hỉ nộ ái ố đời thường giờ nằm cả trong một chiếc màn hình.

Đó hẳn đã từng là giấc mơ với nhiều millennial như tôi: đủ để cảm thấy mình là một phần của cộng đồng lớn hơn, đồng nghĩa với phần quan trọng trong tháp nhu cầu Maslow đã được đáp ứng, vừa chẳng tốn quá nhiều công sức và thời gian cho những cuộc di chuyển hay lao mình vào cơn bão xe cộ với đủ mọi thể loại ô nhiễm trên đường.

Nhưng rồi, cơn thèm thuồng ập đến, bất ngờ và trĩu nặng. Tôi thèm nghe cô bạn thân khuấy cốc sữa chua cà phê ở góc quán cà phê Đinh trong khi kể câu chuyện không đầu không cuối, thèm nghe âm thanh hò reo vào lúc 2 giờ sáng của bố con nhà bên cổ vũ bóng đá ngoại hạng, thèm nghe tiếng leng keng bát đĩa hòa vào bản tin thời sự bên mâm cơm tối cùng gia đình, thậm chí thèm cả tiếng còi xe chí chóe từng khiến tôi phát bực mỗi giờ tan tầm… Hóa ra con cá là tôi đã chọn sai vùng biển của mình. Hóa ra chẳng tin nhắn dài dằng dặc nào có thể thay thế âm thanh ấm áp từ giọng nói, chẳng bữa ăn hàng nào được chuyển đến tận nhà có thể ngon bằng món thịt kho đi kho lại vài lần của mẹ, và đôi khi không một bộ phim hay cuốn sách nào có thể thay thế những tương tác thường nhật từ ôn hòa đến hỗn loạn giữa người với người.

Thế giới sẽ trở lên hoàn hảo khi tôi và bạn có quyền lựa chọn được ngồi ở nhà khi cuộc sống vẫn đảo điên bên ngoài. Nhưng bởi vì thế giới này bất hoàn hảo, bởi vì một cơn dịch bệnh thế kỉ đang càn quét từng thành phố, cướp đi của người này kì nghỉ đã được lên kế hoạch nửa năm trời, cướp đi của người kia một công việc đồng nghĩa với nguồn cơm áo gạo tiền, cướp đi không biết bao cuộc hôn nhân, những cái chạm, những mạng sống, …

Tôi và có lẽ hàng triệu người trên thế giới đột nhiên chấp chới thỏa hiệp với một tương lai mơ hồ, với sự tự do chúng ta hiển nhiên hưởng thụ đến độ không bao giờ có đủ hình dung mất đi nó thì mình sẽ thế nào. Giờ thì không cần phải hình dung, tôi thấm thía nó mỗi ngày khi nhìn lại tệp album ảnh của những chuyến du lịch trong suốt 8 năm trời. Khi ấy những chuyến bay dường như xóa mọi đường biên, chúng ta lao mình vào mọi cuộc dịch chuyển, ngắn có dài có, xa có gần có. Chúng ta bận rộn đếm con số quốc gia mình đi qua trong cảm giác háo hức mòn vẹt từng chút một, chụp vội bức ảnh trong khi trong đầu đã nghĩ đến chuyến đi tiếp theo. Từ chỗ có trong tay khả năng tuyệt vời ấy đến cuộc chuyển giao ngoạn mục của giới hạn di chuyển gói gọn trong bốn bức tường, dù muốn hay không, bạn và tôi bị buộc phải nhìn lại tất cả những gì mình đã có, và hoặc ta chọn đánh mất, hoặc chọn chuyển hóa nó.

Tác giả và triết gia nổi tiếng người Anh Alain de Botton cho rằng giờ là lúc hoàn hảo hơn cả để bạn lục lọi kí ức, nhìn ngắm minh chứng của những cuộc viễn chinh cá nhân và… nhấm nháp lại dư vị tất cả trải nghiệm ấy, những biển xanh nắng vàng, thành quách, phố phường. Và rồi còn cây phượng trổ hoa đỏ rực góc phố? Góc đường dịu dàng khiến bạn xao lòng từ cửa sổ quán cà phê buổi sáng? Tất cả những nốt trầm đẹp đẽ xung quanh đã rơi vào điểm mù bởi tất cả sự kì vọng và thôi thúc của xã hội hiện đại. Giờ là lúc ta tiếc ngay cả những thứ nhỏ nhoi ấy và chuẩn bị sẵn tâm thế khám phá thế giới quanh ta theo cách của một đứa trẻ: dò dẫm, tò mò, học hỏi và cóp nhặt.

Những tin nhắn giờ là không đủ với tôi, thậm chí một nút “send” khi bắt gặp tin tức nào đó thú vị cũng không đem lại cảm giác thỏa mãn. Tôi sẽ thấy mình bấm số gọi, rồi kể cho họ nghe rằng ở dòng sông Vltava nơi chúng tôi cùng nhau ngắm nhìn, đám cá voi đã quay trở về sau cả thập kỉ biệt tăm. Con người ẩn mình trong nhà cũng là khi thiên nhiên quẫy đạp… Khi ta bớt ồn ào và ngưng chuyển động, cuộc sống song song ấy lại trỗi dậy và chiếm lĩnh. Nhưng trái với hàng ngàn tấn khói bụi, khí thải, rác nhựa ta dùng để giao tiếp với tự nhiên, thì hình ảnh dòng nước trong xanh trên những con kênh thành Vience, hay mẹ con cá voi nổi trên mặt nước bờ sông huyền thoại Vltava ở thủ đô Prague, ta mới ngỡ ngàng nhận ra rằng mình đã quên đi có một cuộc vận động song song của những thực thể thầm lặng hơn, nhưng nhân từ và nhanh chóng hơn

Rất khó để không nhắc đến đại dịch trong cuộc trò chuyện với bạn bè, nhưng chúng tôi giao hẹn sẽ chỉ nói về những điều tích cực. Một ngày bạn tôi tâm sự anh trân trọng sự thật rằng mình đang sống qua giai đoạn lịch sử của nhân loại. Bởi đại dịch không chỉ là những con số tăng cao hàng ngày, những thống kê kinh tế, những hỗn loạn thể hiện bản chất yếu ớt của hệ thống chính trị, xã hội, nhân sinh. Đại dịch còn là lúc những mối tình ở một tọa độ bất kì trên địa cầu cũng có thể khiến ta mỉm cười, khi kết nối giữa người với người được thử thách và sự tử tế chân thành dường chưa bao giờ là thứ lỗi thời hay xa xỉ như ta đã mặc định. Với tôi, nó là cảm giác hồi hộp khi nghe giọng mọi người qua điện thoại. Với ai đó, là khi họ học cách chia sẻ và chấp nhận thực sự với người bạn đời.

Không có yếu tố độc tôn nào đủ để khiến chúng ta an nhiên hoàn toàn giữa cơn lốc xoáy âm ỷ ấy, nhưng nó là cơn âm ỷ không vô ích. Hoặc ta hiểu thêm về bản chất thế giới xung quanh, hoặc ta định hình lại những ưu tiên trong đời. Đừng kì vọng những thay đổi lớn lao như cách truyền thông đồn đoán, hãy cứ chỉ cảm nhận nó, từng chút mỗi ngày cho đến khi tất cả chuyện này qua đi.

Và rồi sau tất cả, điều đầu tiên bạn muốn làm, là gì?

Bài VÂN ANH | Thiết kế UYỂN QUÂN

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP