“Hình như tiếng trống. Tiếng trống thực của hôm nay hay tiếng trống trong tâm trí? Các em trong sân chơi, tôi đứng bên ngoài cánh cổng. Con đường Thụy Khuê quen thuộc. Đi nữa là lên Bưởi, sang Nội Bài, là những chuyến bay và một quê hương thứ hai xa thăm thẳm. Một ngày nào đó, các em sẽ đứng như tôi đây, ngó vào trường với bao hoài niệm, yêu thương. Khoảng cách giữa chúng ta chỉ là một cánh cổng trường. Nhưng vượt qua cánh cổng này, vào trong lớp cũ, ngồi trên chỗ ngày xưa, tôi vẫn không thể hòa cùng các bạn. Còn khoảng cách của ba mươi năm nữa chứ. Có một ông nhà văn người Pháp có sáng kiến ‘đi tìm thời gian đã mất’. Thời gian của chúng ta không mất, nó thành trí tuệ, thành tâm hồn chúng ta. Nó không mất nên chẳng cần tìm, và dù có tìm cũng không thấy được. Đường tiến thân có nhiều, mà tuổi thơ chỉ một. Cái con đường một chiều, đi không quay lại. Các bạn ơi, hãy trân trọng. Trân trọng ngay khi ta còn ở trong tuổi ấy”.
– Tuổi thơ chỉ một…
“Ba mươi năm trước, là một nửa đời người. Ba mươi năm qua, tôi đã đi rất nhiều nơi trên quả đất này, và các bạn cũng vậy. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, có lẽ bạn vẫn muốn quay về nơi ấy, nơi của những tháng ngày sôi nổi, của tuổi trẻ và ước mơ, với hơi ấm của bàn tay và nhịp đập dồn dập trong lồng ngực.
Nơi bạn đã tìm ra con đường của riêng mình”.
– Budapest, ba mươi năm
Một người viết nhiều ưu tư, hoài niệm? Như chính ông cụ sinh ra anh, cũng từng dắt chúng ta về tuổi thơ, bằng những câu thơ nằm trong sách giáo khoa, đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ học trò:
“Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe thấy tiếng chim hay
Tiếng lích chích chim sâu trong lá
Con chìa vôi vừa hót vừa bay…”
– Nói với em (Vũ Quần Phương)
Người con trai của nhà thơ, nhiều năm sau này, trong một cơn hoài niệm khi về thăm lại trường xưa, ngôi trường nổi tiếng Chu Văn An (Hà Nội), cũng dìu dặt viết về một ngọn gió bay về trong tâm tưởng: “Những hôm trời se lạnh, sương mù bay tỏa che kín mặt hồ, không thấy đâu là bờ. Gió khẽ luồn qua cửa sổ, thổi nhẹ lên mái tóc bạn gái ngồi đằng trước. Lời giảng của cô giáo cũng như nương hơi gió, bay đi…”.
Vẻ như cũng sớm có máu “phong tình”, không hổ danh là con trai của nhà thơ từng “đa tình” tới độ “đứng một ngày đất lạ thành quen/ đứng một đời đất quen thành lạ” và có thể “cháy thành tro vì một màu áo đỏ”…
Nhưng một mặt, hình như cũng có đoạn bị “lỗi gene” sao đó, khi nhà toán học vẻ như xứng là bậc “hậu sinh khả úy”, hơn đứt ông cụ ở khoản “uống nhầm thuốc liều”, đủ để lâu lâu lại cả gan:
“Đàn ông thời hiện đại và trung cổ ai dũng cảm hơn? Các quan khách đi đến sự nhất trí là đàn ông thời chúng ta đang sống là dũng cảm nhất. Trong các truyện cổ tích, ngày xửa ngày xưa các hiệp sĩ (tất nhiên đại diện cho sự dũng cảm) chiến đấu tay đôi với sư tử, hoặc hổ, báo, rồng, tùy theo văn hóa mỗi nước, để giải cứu và sau đó kết hôn cùng công chúa.
Ảnh hưởng nào là rõ nhất từ bố anh – nhà thơ, nhà bình thơ Vũ Quần Phương lên những trang viết của anh?
Lối viết của tôi, cách nhìn, cách nghĩ của tôi chắc là ảnh hưởng văn hóa phương Tây nhiều hơn, từ những cuộc trò chuyện với những người có thể gọi là thuộc giới tinh hoa của những đất nước mà tôi đã đi qua và may mắn được tiếp xúc, từ các cơ hội quan sát, trải nghiệm…
Rời Việt Nam từ năm 17 tuổi, độ mở, độ thấm ở tôi trước nền văn hóa lạ ở quê hương thứ hai hẳn là cũng nhanh và thuận hơn. Nếu đi muộn hơn có thể cũng đã khác.
Nhưng cái gốc thì chắc vẫn có những ảnh hưởng từ ông cụ. Cách nói, cách viết, cách tư duy của bố tôi rất mạch lạc, logic, vốn từ, mẫu câu phong phú, linh hoạt; ông đến đâu là y như rằng trở thành tâm điểm của cuộc ấy. Môi trường sinh hoạt thời nhỏ của tôi cũng đặc biệt, các vị khách hay đến chơi nhà dạo ấy phần nhiều là các nhà thơ nhà văn tên tuổi, mà trước đó tôi chỉ biết qua tác phẩm. Cái tủ sách tôi từng đọc ngấu nghiến, đôi khi chỉ là vớ từng cuốn đọc bừa, nhưng những cuốn sách “đọc bừa” đó đã được tuyển lựa bởi một nhà văn, nhà văn hóa giàu kiến thức. Đó hẳn là một may mắn không phải ai cũng có. Bấy nhiêu chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mình, từ kiến thức chung cho đến cách chọn từ ngữ, hay trong cách liên tưởng, quan sát.
Tương tự, anh có nghĩ nhiều về ảnh hưởng của mình lên con mình?
Hai con tôi sinh ở Mỹ, lớn lên ở Mỹ, học trường Mỹ, nên ảnh hưởng văn hóa Mỹ lên bọn trẻ rất mạnh. Nhưng một mặt, các cháu cũng không bị đè nặng tâm lý phải phấn đấu trở thành ông này bà kia như tâm lý phổ biến của nhiều người gốc Á tại Mỹ. Hạnh phúc phải do chúng nó tự định nghĩa, dựa vào khả năng thực có. Và tôi có thể chắc chắn là chẳng cậu nào chịu trở thành nhà nghiên cứu giống bố cả. Nó cũng là chuyện thường tình thôi, vì giờ trong xã hội có rất nhiều nghề mới thú vị mà mình không biết. Tôi không câu nệ gì việc này, miễn sao bọn trẻ tìm thấy cái nghề phù hợp nhất với nó, với thế hệ của tụi nó.
4 năm cho một cuộc phiêu lưu ngoài dự tính: đang ngồi làm toán trong “tháp ngà” bỗng nhảy phắt sang môi trường sản xuất kinh doanh lắm cạnh tranh và nhiều sức ép, tác giả “Giáo sư phiêu lưu ký” ước rằng nếu có một lúc nào đó rảnh rỗi, hẳn là anh sẽ thu xếp đưa vợ con đi chơi loanh quanh đâu đó chừng dăm ba tháng, tới những chỗ chưa kịp đi hết, đi sâu. Để “giúp cho vốn văn hóa của bọn trẻ con dày lên”, nhưng cũng có thể, để một ngày nào đó, lại viết tiếp, khi đã ngấm thêm vốn sống.
“Kiểu đi của tôi thật ra cũng hơi khác, nó khá là tẩn mẩn và hơi tốn thời gian. Nơi tôi muốn đến không phải là những chỗ người ta thường tìm đến check in, mà thường là những địa điểm bình thường, nơi mà cuộc sống diễn ra như nó phải thế. Ở Tel Aviv có khá nhiều con hẻm nhỏ, có nơi còn có cả mèo hoang, như một con hẻm tôi từng thấy ở Sài Gòn. Thứ tôi muốn nghe là những thanh âm lao xao ở những nơi khuất hình khuất tiếng để có thể cảm nhận nhịp sống bình thường vốn dĩ hơn là nơi người ta trưng trổ. Đôi khi cũng chỉ để biết chỗ này khác và giống chỗ kia thế nào”.
Từng bị “nghề hành”, khi “trong khoảng từ 25 đến 40 tuổi, ngày nào tôi cũng phải ngồi viết 6-7 tiếng đồng hồ đổ lên, số trang viết ra xóa đi không biết bao nhiêu cho kể”, dĩ nhiên đó là các bài báo khoa học từng giúp nhà toán học nổi tiếng đắp đầy sự nghiệp đáng nể của mình, và hệ lụy để lại là chứng đau lưng, đau vai gáy khốn khổ ở tuổi ngũ tuần, nhưng xem ra, con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn chưa “chừa” cái tật ưa gõ phím. “Tôi không nghĩ cứ viết văn thì sẽ được gọi là nhà văn. Nhưng viết văn quả thật là một công việc thú vị không kém gì làm toán, là một cái thú giải trí có thể làm một mình mà không cần đồng bọn, là lữ thứ độc hành nhưng lại chẳng cô đơn”.
Bước vào cái tuổi mà bố anh từng gọi là “Cánh đồng sau vụ gặt/ Phiên chợ khi vãn người/ Ngọn đèn vừa cạn bấc/ Bãi biển ngày nước lui…”, nhà toán học nói rằng, như thường lệ, anh sẽ vẫn quyết “trẻ hóa” bằng cách chọn tiếng cười, làm thầy, làm bạn. Trước hết là cười bản thân. Để không thấy cái gì là quan trọng quá. Sống đơn giản mới là!
Bài Thư Quỳnh Ảnh Lê Lai
Thiết kế Hà Phạm
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP