Dù đã hoạt động trong làng điện ảnh Việt Nam hơn 10 năm nhưng nhà sản xuất Martin Nguyễn là một người rất kín tiếng. Ngay cả với cuộc phỏng vấn này, chúng tôi đã phải thuyết phục rất nhiều để Martin đồng ý đăng tên và hình ảnh của anh trên báo. Là người đứng sau hàng loạt các tác phẩm điện ảnh đình đám như “Để Mai tính”, “Để Hội tính”, “Scandal”, “Bụi đời Chợ Lớn”, “Yêu” và gần nhất là “Thiên thần hộ mệnh”, Martin khẳng định bản thân anh thừa kinh nghiệm để sản xuất một bộ phim tốt, nhưng khát vọng làm phim của anh không dừng lại ở đó.
NẾU CHỌN SAI Ê-KÍP,
TÔI SẼ PHẢI TRẢ GIÁ RẤT NHIỀU
NẾU CHỌN SAI Ê-KÍP, TÔI SẼ PHẢI TRẢ GIÁ RẤT NHIỀU
Ở cương vị nhà sản xuất, tìm được tiếng nói chung với đạo diễn có phải là điều làm khó anh?
Khi một đạo diễn hay nhà sản xuất tìm được một ê-kíp phù hợp với chí hướng của mình thì họ sẽ gắn bó dài lâu. Nếu không phù hợp, sẽ phải mất rất nhiều thời gian để hai bên giải thích qua lại với nhau và tìm được tiếng nói chung. Nhưng có hai người khiến tôi cảm nhận được rõ sự liên kết, thấu hiểu là đạo diễn Charlie Nguyễn và đạo diễn Victor Vũ. Vì cùng sinh ra và lớn lên ở Mỹ, chịu ảnh hưởng từ văn hóa Mỹ nên chúng tôi có cách suy nghĩ, đường hướng và lý tưởng điện ảnh khá giống nhau. Chúng tôi có đủ tin tưởng để cùng đi với nhau ở những dự án khó.
Anh có thử hợp tác với các đạo diễn khác để khám phá những điều mới không?
Tôi đã thử rồi chứ. Tôi tin ở Việt Nam có nhiều đạo diễn tốt nhưng có thể quan điểm của tôi phù hợp với một số người nhất định thôi. Ở độ tuổi của tôi, tôi không nghĩ mình có nhiều thời gian để trải nghiệm với nhiều người mới. Bởi vì một năm tôi chỉ có thể làm được một dự án phim điện ảnh, nên nếu chọn một ê-kíp không phù hợp và chất lượng, tôi sẽ phải trả giá rất nhiều bằng cả thời gian và uy tín. Hiện tại, tôi cần những cộng sự mà mình đã hiểu rõ họ để bắt tay thực hiện những dự án theo cách tôi mong muốn.
Tôi vừa hợp tác trở lại cùng Victor Vũ sau 6 năm với bộ phim “Thiên thần hộ mệnh”. Sắp tới, tôi sẽ lại tiếp tục mời Charlie Nguyễn làm creative producer cho một dự án điện ảnh mới mà tôi ấp ủ ở vai trò đạo diễn.Với dự án phim hành động này, tôi vừa nảy ra ý tưởng cách đây 3-4 tuần thôi nhưng chỉ sau một cuộc nói chuyện 30 phút với anh Charlie Nguyễn, anh ấy đồng ý ngay vì quá thích kịch bản dù anh ấy rất bận. Ai cũng muốn làm phim với anh Charlie. Thế nên, làm phim được với nhau hay không còn tùy thuộc vào duyên số nữa (cười).
Làm sao để anh cân bằng giữa việc sử dụng vốn đầu tư hiệu quả với việc đáp ứng sự cầu toàn của những đạo diễn nổi tiếng khó tính như Charlie Nguyễn và Victor Vũ?
Đó là lý do mà tôi nói mình nên làm việc với những người có cùng chí hướng. Để nói chuyện với nhau dễ hơn, đỡ phải giải thích, phân tích mất rất nhiều thời gian. Dĩ nhiên, giữa nhà sản xuất và đạo diễn lúc nào cũng có mâu thuẫn vì một bên xài tiền, một bên giữ tiền, nói vui là thế. Tôi cam đoan bộ phim nào ở Việt Nam cũng gặp tình trạng như vậy.
Nhưng giữa tôi với Victor Vũ hay Charlie Nguyễn rất dễ thỏa thuận. Khi đã hiểu ý và tin tưởng nhau rồi thì có thể dễ dàng quyết định được cách làm tốt nhất với mức ngân sách hợp lý. Anh Charlie hay Victor Vũ đều có kinh nghiệm làm sản xuất nên họ hiểu được rằng đạo diễn và nhà sản xuất không phải hai phe đối đầu kìm hãm lẫn nhau mà là đồng sự cùng ngồi trên một chiếc thuyền.
LÀM PHIM 10 NĂM,
LẦN CÔNG CHIẾU NÀO CŨNG KHÓC
LÀM PHIM 10 NĂM, LẦN CÔNG CHIẾU NÀO CŨNG KHÓC
Như thế nào là một dự án điện ảnh được sản xuất thành công, theo anh?
Là một dự án không bị lố ngân sách, với mức chi tiêu đã được thỏa thuận đồng lòng từ ba phía: nhà đầu tư, nhà sản xuất và đạo diễn.
Từ trước đến nay, các bộ phim của anh có khi nào bị lố ngân sách không?
Có, nhưng không nhiều. Đa phần phim của tôi vẫn luôn nằm trong mức tiền an toàn. Với kinh nghiệm của mình, tôi không bao giờ để xảy ra tình trạng kiểu như kế hoạch quay 40 ngày mà cuối cùng đôn lên 80 ngày. Thời gian tiền kỳ càng thực hiện tốt, thời gian ra hiện trường sẽ càng được rút ngắn.
Vai trò sản xuất có đòi hỏi anh phải đặt lý trí lên trên cảm xúc và cảm hứng nghệ thuật không?
Nhiều người nói công việc sản xuất là khô khan nếu so với công việc đầy sáng tạo của đạo diễn, biên kịch… Nếu không có đủ tình yêu, đam mê với phim ảnh, không có nhà sản xuất nào chịu đựng nổi áp lực khổng lồ từ vị trí này. Đôi khi, nhà sản xuất còn phải là người truyền lửa, truyền cảm hứng cho đạo diễn và mọi người trong ê-kíp.
10 năm trong nghề, tôi cảm thấy mình già đi mấy chục tuổi. Vì nghề làm phim nó cực quá, làm sản xuất còn áp lực kinh khủng nữa. Bởi có hàng ngàn vấn đề có thể xảy ra để đẩy con thuyền này đi xa khỏi tầm kiểm soát của mình. Nhà sản xuất phải liên tục tính toán, xoay sở để bằng mọi giá đẩy được thuyền về bến mà vẫn còn lành lặn (cười).
Công đoạn nào vui nhất và công đoạn nào cực khổ nhất đối với một nhà sản xuất trong quá trình làm phim?
Cái thú vị của nghề làm phim đó là giai đoạn vui nhất cũng là giai đoạn cực khổ nhất, chính là khi onset. Rất nhiều sự cố có thể xảy ra, là nhà sản xuất, tôi phải vận dụng mọi khả năng để xử lý, miễn sao đoàn vẫn có thể bấm máy. Ví dụ, với một bối cảnh ở nhà hàng, nếu gặp vấn đề không quay được thì nhà sản xuất phải tìm ngay một bối cảnh khác để thay thế, nếu không thì phải dời lịch quay. Mà chỉ cần dừng quay khoảng 2 tiếng thôi là ngày hôm đó trễ lịch, nợ cảnh, dĩ nhiên sẽ phát sinh chi phí.
Thất bại nhất đối với nhà sản xuất phim chính là hai chữ “trễ lịch”. Làm phim điện ảnh mà chỉ cần trễ nửa buổi thôi thì ngân sách đội lên đến hàng trăm triệu rồi. Chính vì vậy, những giây phút trên phim trường thực sự rất áp lực đối với tôi về cả tinh thần lẫn thể chất. Không chỉ mệt mỏi vì làm việc liên tục mười mấy tiếng đồng hồ, mà trong đầu còn phải luôn chuẩn bị sẵn các phương án đối phó với các vấn đề. Nhưng vui và hứng khởi nhất của nguời làm phim cũng nằm ở những giây phút làm việc căng thẳng đó.
Mong muốn lớn nhất anh dành cho các tác phẩm điện ảnh của mình là gì?
Tôi mong phim ảnh có thể là chất xúc tác giúp cuộc sống của người xem có những thay đổi nho nhỏ, khiến họ sống hạnh phúc hơn. Tôi nhớ mãi lần công chiếu bộ phim “Yêu” ở bang San Fransico, Mỹ. Lúc ấy có một người đồng tính nữ đã lái xe 3 tiếng đồng hồ chỉ để đến xem bộ phim này. Khi phim kết thúc, cô ấy gặp và ôm tôi, nói cảm ơn vì đã tiếp thêm sức mạnh cho cô ấy công khai giới tính với gia đình. Những cảm xúc như vậy, nếu không phải làm phim thì tôi không biết tìm nó ở đâu trong cuộc sống này. Hơn 10 năm làm nghề, tới nay, mỗi lần công chiếu bộ phim do mình làm, tôi vẫn khóc như ngày đầu tiên.
VÌ SAO PHIM VIỆT CHƯA BÁN ĐƯỢC RA NƯỚC NGOÀI,
TÔI CẦN TÌM LỜI GIẢI ĐÁP
VÌ SAO PHIM VIỆT CHƯA BÁN ĐƯỢC RA NƯỚC NGOÀI, TÔI CẦN TÌM LỜI GIẢI ĐÁP
Đang có sự nghiệp vững vàng ở Mỹ, tại sao anh quyết định về Việt Nam làm lại từ đầu?
Khi còn ở Mỹ, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ về Việt Nam làm phim. Ở Mỹ tôi làm việc cho một hãng phim lớn trong 10 năm, tiền bạc, sự nghiệp đều vững chắc, đó là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ. Không có lý do gì tôi bỏ hết tất cả để đến một đất nước nơi mình không biết gì và bắt đầu từ con số 0.
Ban đầu tôi chỉ định làm đại diện cho một công ty sản xuất ở Thái Lan trong vòng 2 năm. Sau đó, tôi cùng với anh Dustin Nguyễn, anh Vincent Ngô và hai người nữa quyết định cùng về Việt Nam thực hiện bộ phim “Để Mai tính”. Đây là dự án đầu tiên của tôi ở cương vị một nhà sản xuất phim tại Việt Nam. Lúc đầu chúng tôi dự tính làm cho vui, xem như có một tác phẩm ở quê nhà. Ai ngờ phim ấy lại thành công và chúng tôi nhìn thấy tiềm năng phát triển của thị trường điện ảnh Việt, thế là mấy anh em quyết định thành lập công ty sản xuất phim Early Risers.
Sau 11 năm, công việc của anh tại đây đã có bước tiến triển như thế nào?
Từ dự án đầu, chúng tôi gặp vô vàn khó khăn vì chưa quen với môi trường sản xuất ở Việt Nam. Nhưng sau khi làm nhiều bộ phim, tôi dần thích nghi và học hỏi được rất nhiều điều. Đến bộ phim thứ 4, thứ 5, tôi bắt đầu đạt đến trình độ… không ngán ai hết. Các bộ phim sau đó tôi lại chú trọng nhiều hơn đến tính chuyên môn, chọn lựa dự án khắt khe hơn. Nhưng con đường của tôi không dừng lại ở việc làm nhà sản xuất phim đơn thuần. Mục tiêu sắp tới của tôi là có thể kết hợp với các nhà đầu tư để mang từ Hollywood về Việt Nam những khóa học chất lượng về diễn xuất, đạo diễn, biên kịch.
Vì sao anh lại nảy ra mong muốn này?
Vì tôi cảm thấy ở Việt Nam quá thiếu môi trường học thuật cho các bạn trẻ đam mê điện ảnh. Nhiều bạn muốn học mà chẳng biết học ở đâu. Hơn nữa, muốn một ngành điện ảnh phát triển thì không phải 1-2 cá nhân phát triển là được mà cần có một cộng đồng cùng đi lên. Muốn làm được như vậy thì chỉ có đào tạo thôi.
Ví dụ, ở Hàn Quốc từ 10 năm trước, họ đã nghĩ đến việc cử hàng nghìn người sang Hollywood để học về làm phim. 10 năm sau, lớp người đó trở về và bây giờ ta đã được chứng kiến những điều phi thường ở nền điện ảnh của họ – những bộ phim đẳng cấp và mang tính toàn cầu.
Anh nghĩ điểm hụt của điện ảnh Việt đang nằm ở đâu?
Bây giờ, với vị thế và mối quan hệ của tôi hay một số nhà sản xuất có danh tiếng khác, chỉ cần một cú điện thoại thôi là đã có ngay tiền đầu tư. Nhưng lại phải chờ rất lâu mới có một kịch bản chất lượng để làm phim. Có được kịch bản tốt thì cũng chưa chắc tìm được đạo diễn tốt. Nên tôi nghĩ vấn để ở ngành phim Việt Nam hiện tại không phải là tiền đầu tư mà là chất lượng của người làm phim. Nhiều nhà làm phim chưa đi vững đã muốn bay. Mọi người đang cuốn theo việc làm phim nhưng lại không tự hỏi rằng, nếu không có đạo diễn giỏi, biên kịch giỏi, diễn viên giỏi thì nhà sản xuất nào làm ra được phim tốt?
Chúng ta không thể xây một ngôi nhà cao mà không có nền móng vững chắc. Trong vòng 10 năm qua, thị trường điện ảnh Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong mắt tôi từ nội dung, văn hóa xem phim, cách làm phim… Thế nên trong vòng 10 năm tới, nếu được xây dựng nền tảng nhân lực làm phim tốt thì chúng ta sẽ có thể tiến một bước dài. Chỉ cần chú trọng đầu tư học thuật cho các nhân sự làm phim từ đạo diễn, biên kịch, diễn viên, chuyên gia trang điểm, stylist… 5 năm nữa thôi, tôi bảo đảm khán giả sẽ thấy được màu sắc và chất lượng phim Việt khác hẳn.
Anh có nghĩ bản thân mỗi người làm phim phải làm tốt từng bộ phim đơn lẻ của mình trước khi nói đến những câu chuyện to lớn hơn?
Đúng. Nhưng mình không chỉ làm tốt những cái vốn đã quen thuộc mà còn phải làm khác đi. Đây là lúc chúng ta phải bắt đầu nghĩ đến việc làm những bộ phim mang màu sắc khác, diễn viên khác, câu chuyện khác với những điều ta đã làm.
Những dự án phim tôi thực hiện trong thời gian tới sẽ phải là những câu chuyện độc nhất với chất lượng sản xuất cao hơn, không phải phim rom-com đơn thuần như trước giờ tôi từng làm. Tôi muốn cho ra đời những “bom tấn” đúng nghĩa.
Chưa dám nói đến thành công phòng vé, nhiều nhà sản xuất ở Việt Nam quan ngại việc đầu tư ngân sách lớn sẽ khó lòng thu lại vốn, anh có lo lắng điều này?
Nguồn thu của các bộ phim mà tôi dự định làm sắp tới sẽ không chỉ đến từ thị trường Việt Nam mà còn từ thị trường nước ngoài. Từ trước đến nay, chưa bộ phim Việt Nam nào thành công ở phòng vé nước ngoài. Đó là điều cực kỳ đáng tiếc. Tôi rất muốn hợp tác sản xuất phim với các studio nước ngoài để vừa làm vừa học hỏi cách làm phim chuyên nghiệp của họ. Vì sao họ làm được phim hay và bán được nó ra thế giới còn mình thì không? Đó là câu hỏi tôi phải đi tìm lời giải đáp.
Anh cho rằng phim chỉ phát hành ở thị 55trường Việt Nam thì sẽ ít có khả năng lãi lớn?
Cũng chưa chắc, bây giờ Việt Nam đã có những bộ phim cán mốc 200 tỷ đồng. Theo dự tính, cứ mỗi năm doanh thu phòng vé Việt Nam sẽ tăng 20-30%. Trong vòng 5 năm nữa, tôi tin số rạp chiếu sẽ được mở rộng trên khắp lãnh thổ, lượng khách đi xem phim cũng sẽ tăng mạnh hơn. Đặc biệt, thế hệ trẻ Việt Nam khi lớn lên sẽ coi việc đi xem phim là điều tất yếu trong cuộc sống chứ không chỉ là một lựa chọn giải trí nữa. Nhưng con đường tôi muốn là đem phim Việt ra nước ngoài.
Theo anh, ở Việt Nam, vai trò của nhà sản xuất đã được đặt đúng vị trí là một trong những nhân sự quyền lực nhất của đoàn phim chưa?
Có hai kiểu nhà sản xuất, một là người nắm tiền và đưa ra những quyết định quan trọng nhất trong dự án, họ được gọi là executive producer. Hai là nhà sản xuất có khả năng sáng tạo, vạch ra đường hướng phát triển về nội dung, họ được gọi là creative producer.
Ở Việt Nam, có thể có nhiều nhà sản xuất với danh nghĩa producer hoặc executive producer khi họ quản lý được vốn, tiến độ, nhân sự và đẩy được một dự án đến đích. Nhưng chúng ta lại chưa có nhiều creative producer với khả năng gợi mở ý tưởng như ở Hollywood.
Ngành điện ảnh Việt Nam vẫn còn khá non trẻ nên có sự rối loạn trong vai trò của các vị trí. Cần phải có thời gian dài phát triển hơn nữa để người ta thay đổi tư duy và nhìn nhận được tầm quan trọng của nhà sản xuất đối với sự sống còn của một dự án điện ảnh.
Theo anh, nhà sản xuất có phải là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc thúc đẩy một nền điện ảnh phát triển?
Một nhà sản xuất giỏi có thể làm ra một bộ phim chưa hay, nhưng một bộ phim thành công thì chắc chắn phải có một nhà sản xuất giỏi. Quyền lực của nhà sản xuất không nằm ở đồng tiền, mà nằm ở những bộ phim họ nhào nặn thành công. Trong tay nhà sản xuất giỏi phải có rất nhiều “đồ chơi”, để làm công cụ cho các đạo điễn thỏa sức “chơi” với việc làm phim, miễn sao ra được tác phẩm tốt nhất.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Bài Phương Linh Ảnh NVCC
Thiết kế Thienthienz
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP