Nhà làm phim Việt và chuyện chưa kể về thánh địa Phật giáo - Tạp chí Đẹp

Thật khó để gắn một “chức danh” cụ thể cho Hoàng Minh Thúy bởi cùng lúc cô đảm nhận rất nhiều vai trò. Hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh 10 năm, cô kinh qua những vị trí như sản xuất, biên kịch rồi đến đạo diễn phim tài liệu. Song song với đó, cô còn làm giáo viên yoga và là chủ của hai cơ sở kinh doanh đồ trang trí. Và bởi vì bạn đang bắt gặp Thúy trong chuyên đề này, cô ấy chắc chắn phải là một người mê dịch chuyển. Những chuyến đi của Thúy thì rất nhiều, nhưng hôm nay, Đẹp muốn nghe cô ấy kể về hành trình đã mở ra một chân trời mới mẻ trong nhận thức của Thúy.

7 năm trước, Thúy có một chuyến đi đáng nhớ đến vùng đất thiêng Tây Tạng, tiếp sau đó là những thánh địa Phật giáo khác như Ấn Độ và Nepal. Chuyến đi của cô bắt đầu rất tự nhiên, từ một hình ảnh đặc biệt xuất hiện trong lúc cô nhập thiền…

Năm 2015, mối duyên của Thúy với Tây Tạng manh mún từ những lớp học đầu tiên của thầy Frederic tại trung tâm thiền Life School. Khi thiền, Thúy thấy mình là một chú tiểu chập chững lấy nước trong một tu viện ở Tây Tạng. Cô tìm hiểu thêm về vùng đất này qua phim ảnh, điển tích, những trang sách cùng các áng văn của thiền sư Thích Nhất Hạnh, dần dần, mong muốn khám phá Tây Tạng trong cô ngày một mãnh liệt hơn. Một năm sau, Thúy lên đường.

Tua ngược về năm 2016, để đến được Tây Tạng là điều vô cùng khó khăn. Bạn không thể đi một mình, và ngoài visa Trung Quốc, bạn cần xin một loại giấy thông hành đặc biệt để vào Tây Tạng. Đoàn của Thúy có 15 người thì 5 người không xin được giấy này, không rõ lý do vì sao. Và bởi cô đi qua công ty du lịch của người Tạng nên luôn có camera giám sát và cảnh sát Trung Quốc đi theo. Tuy là vùng tự trị nhưng Tây Tạng đã thuộc về Trung Quốc từ năm 1959.

Chuyến đi này đối với Thúy rất khác. Dù cũng phải quá cảnh, cô không thấy mệt mỏi như những chuyến bay dài đến châu Âu hay châu Mỹ. Khi dừng lại Thành Đô nghỉ ngơi một đêm trước ngày đến thủ đô Lhasa, cô chỉ thấy khấp khởi vì sắp được chạm tận tay, ngắm tận mắt giấc mơ mình đã ấp ủ. 

Ngày đầu tiên ở Lhasa khá nhẹ nhàng vì tất cả những gì Thúy cần làm là cố gắng đi bộ thật chậm, hít thở thật sâu để thích nghi với không khí loãng ở độ cao hơn 3.600m. Ấn tượng đầu tiên của cô tại đây là người Tạng rất sùng đạo, trên xe lúc nào cũng treo chỉ ngũ sắc và để ảnh Phật, còn tiếng nhạc văng vẳng luôn là kinh chú, nghe rất bình an.


Nhưng trong chuỗi ngày tiếp theo, nỗi buồn và cảm giác chua xót cứ từ từ xâm chiếm cô khi chứng kiến sự tương phản khắc nghiệt giữa hai đời sống đan xen. Tuyến phố chính và quan trọng nhất của thủ đô Lhasa lại mang tên Beijing (Bắc Kinh). Nơi đây đầy những biển hiệu mang chữ Trung Quốc. Giờ tan học, cô thấy những em bé Tây Tạng học trường Trung Quốc mặc đồng phục, đeo khăn đỏ, còn các bà, các mẹ đi cùng mặc đồ Tạng truyền thống, tay xoay kinh luân, miệng lẩm nhẩm đọc kinh. Buồn thay là những người Tạng ở Lhasa muốn hòa nhập với cuộc sống ở đây cần phải chấp nhận rằng con cháu họ sẽ học văn hóa Trung Quốc ở trường, còn văn hóa Tây Tạng chỉ được dạy một cách không chính thống ở nhà. Nhìn từ quảng trường Barkhor, bên tay phải có thể thấy KFC, còn bên tay trái là Burger King.


Nhưng không vì thế mà sợi dây kết nối giữa Thúy với Tây Tạng biến mất. Liên kết này trở nên mạnh mẽ hơn khi cô ngồi thiền ở Jokhang (chùa Đại Chiêu). Đây là ngôi chùa linh thiêng và quan trọng bậc nhất của Tây Tạng, là điểm đến của những đoàn người đi tam bộ nhất bái từ những đỉnh núi xa xôi đến. Họ cứ đi ba bước lại quỳ một bước. Đông đúc nhưng lại rất ngay ngắn, chỉn chu. Khi nhìn thấy cảnh tượng này, nước mắt cô cứ vô thức chảy ra giàn giụa. Có một liên kết không thể gọi tên đã thành hình từ lúc Thúy chưa đặt chân đến và càng trở nên thân thuộc hơn khi cô đắm mình trong không gian này.

Thúy thích dạo phố trên những ngõ nhỏ tại Lhasa, nghe tiếng xe kéo leng keng cùng mùi thơm nồng, ngai ngái của bơ bò Yak quanh quẩn bên mũi. Mỗi buổi chiều tối, cô thường dành thời gian thiền hành quanh chùa Jokhang hay thực hành niềm tin với những người cùng đoàn – nghi thức cô chỉ có thể làm ở Tây Tạng. Những lúc này, Thúy sẽ nhắm mắt và để bạn đồng hành dẫn đi trong vòng 20 phút. Nghe có vẻ đơn giản nhưng nếu bạn là người thích kiểm soát, còn nhiều bám chấp thì đây sẽ là một thử thách khó khăn.


Là một người thích trải nghiệm, khi đến vùng đất Phật giáo, Thúy cũng thử đi… bar. Bar ở đây được mở ra bởi những đại gia cực kỳ giàu có và có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc. Nhưng dù ở tầng lớp này, họ vẫn có sự sùng đạo nhất định. DJ ở đây remix những bản nhạc Phật giáo, và trên màn hình sân khấu hiện lên hình ảnh những vị Lạt Ma trang nghiêm. Có lẽ ở Tây Tạng, khi đi chơi bạn cũng nên nhắc nhở bản thân sống trong chánh niệm?

Kachenjunga: Đỉnh núi kết nối Bhutan, Nepal và Tây Tạng

Về lại Việt Nam, trong dòng hồi tưởng về chuyến đi Tây Tạng, Thúy nhận ra trong khi mọi người cảm thấy mệt mỏi vì không khí loãng vùng cao nguyên, cô lại có thể vượt qua một cách nhẹ nhàng. Sức bền mà Thúy có được là nhờ những tháng ngày luyện tập yoga.

Thúy cũng ý thức được rằng, cô sẽ còn dễ dãi với bản thân mình chừng nào chưa gắn mình vào trách nhiệm tập thể. Và ngay lập tức, cô quyết định trở thành một giáo viên yoga.
Thúy tiếp tục lên đường, đến Ấn Độ để nghiên cứu và học yoga trong vòng 2 tháng. Cô không chọn “thủ phủ yoga” Rishikesh vì cho rằng nơi đó đã bị thương mại hóa và có thể chất lượng các khóa học sẽ không được đảm bảo. Thay vào đó, cô chọn một trung tâm ở Kalimpong, nơi nhìn ra Kanchenjunga – đỉnh núi kết nối Bhutan, Nepal và Tây Tạng. Đây là một thị trấn yên bình nằm ở phía Tây Bengal, Ấn Độ, cũng là nơi nhiều người Tây Tạng lưu vong do không thể trở về quê hương. Homestay mà cô ở là của một cặp vợ chồng người Tạng, họ cũng là chủ của trung tâm yoga cô sẽ theo học. Cụ của bác gái chủ nhà là một trong hai giáo viên của Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại, gia đình bác là một trong những gia đình chính trị quan trọng nhất của Tây Tạng, hiện đang lưu vong tại Ấn. 


Xuyên suốt khoảng thời gian theo học khóa yoga này, mỗi ngày Thúy đều thức dậy từ tờ mờ sáng để đi bộ trong không gian tối, lạnh và mù sương tới trường. Thời gian biểu của cô khá sít sao khi phải tham gia các lớp học từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối. Tại đây, cô học yoga, kỹ thuật thiền, các tư thế, các bài tập thở, giáo lý Tây Tạng và cả giải phẫu học (để hiểu hơn về cấu trúc xương, cơ và khớp trong cơ thể nhằm hướng dẫn các tư thế cho học viên một cách chính xác và an toàn). Những ngày được tan học khi trời còn quang, Thúy thấy một biển mây khiến cô nhớ đến “thị trấn trong sương” Sapa nơi quê nhà.

Vì lịch học dày đặc, Thúy rất trân quý những khoảng nghỉ hiếm hoi. Những lúc này, cô vào thị trấn và được chứng kiến nhiều nghi lễ cúng bái rộn rã. Thú vui của cô còn là ghé tiệm thảo dược địa phương sắm sửa mỹ phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Bởi đây là khu người Tạng, mọi người thường chào nhau theo cách của người Tạng: “Tashi Delek”, thay vì chào kiểu người Ấn: “Namaste”. Âm thanh này khiến cô thấy vô cùng thân thương.


Tối tối, Thúy nấu ăn và trò chuyện cùng hai bác chủ nhà, học những nghi lễ Tây Tạng như cách chăm sóc ban thờ, ý nghĩa các vị Phật và từng bài kinh chú… Cô cũng cùng bác gái niệm Green Tara Mantra (chú Lục Độ Phật Mẫu) để duy trì sự bình an trong tâm trí. Sau một thời gian sinh sống gần gũi và cảm thấy kết nối, cô được bác gái nhận làm con nuôi.


Nhưng dường như ở giữa nhịp sống thanh thản và bình lặng này, vẫn có điều gì đó khiến Thúy cảm thấy thiếu. Đôi lần cô thắc mắc về kiến thức giải phẫu, các thầy cô ở trường ít khi thừa nhận rằng họ không biết mà thay vào đó, sẽ nói miên man cho đến khi cô quên luôn câu hỏi. Vài lần như vậy khiến Thúy nhận ra, có lẽ họ bị bám chấp bởi danh xưng “guru” (bậc thầy) mà quên đi rằng kiến thức của mình là hữu hạn, và rằng con người không phải là đấng toàn năng. Mang trong mình nhiều câu hỏi chưa có lời giải, kết thúc khóa học yoga tại Ấn Độ, Thúy không trở về Việt Nam mà tiếp tục hành trình không định trước đến một tu viện ở Nepal để học thiền chuyên sâu, nhờ vào lá thư giới thiệu của người mẹ nuôi.

Thời điểm Thúy đặt chân đến thủ đô Kathmandu, nơi đây vừa diễn ra một đám cháy rừng khủng khiếp. Thành phố này trở thành nơi ô nhiễm nhất thế giới với lượng khói bụi đạt mức đỉnh điểm. Ngay cả Đại bảo tháp Boudhanath, biểu tượng tâm linh của Nepal cũng bị hư hại và đang phải tu sửa. Mọi thứ bị phủ lên một lớp bụi mịt mờ.


Phần lớn thời gian của Thúy dành để sinh hoạt và học thiền chuyên sâu trong tu viện. Ban ngày, cô dậy từ 5 giờ sáng để chấp tác (làm những việc Phật sự), sau đó vào tháp chuông để xoay kinh luân đủ 108 vòng rồi học giáo lý Phật giáo. Buổi chiều, Thúy luyện tập yoga và các bài thiền, trong đó có hai bài tập khiến đến giờ nhớ lại, cô vẫn thấy rùng mình vì sự khắc nghiệt.


Bài thứ nhất: thiền trong tháp chuông tối mịt, kín mít. Thúy có 25 phút ngồi thiền, sau đó, cửa được mở ra trong 30 giây mà không có bất kỳ tiếng động hay dấu hiệu báo trước nào, cô phải chạy ngay ra ngoài trong khoảng thời gian ngắn ngủi này. Nhiều lần không căn giờ kịp, Thúy bị mắc kẹt lại đó suốt 5 tiếng đồng hồ và phải đối mặt với rất nhiều sự bùng nổ bên trong. Cô rơi vào vòng xoáy đổ lỗi, trách móc bản thân, buộc phải đối diện với mình ở trạng thái tổn thương nhất, trong một không gian khép kín, kéo dài hàng giờ liền.

Ở bài tập thứ hai, thầy giáo phát cho Thúy một chiếc gối nhưng không phải để nằm. Nhiệm vụ của cô là phải không ngừng nói – thậm chí nói những lời vô nghĩa cũng được – một mình trong vòng 20 phút. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng chỉ được 5 phút là cô không chịu nổi. Đến lúc này, Thúy phải đánh vào gối nếu không sẽ làm đau bản thân vì phát điên với những âm thanh do chính mình tạo ra. Cô đi đến kết luận: “Lời nói thật ra chẳng có nhiều ý nghĩa đến thế. Rốt cuộc thì hàng ngày chúng ta mặc rất nhiều lớp áo, đeo nhiều chiếc mặt nạ cho gia đình, cho bạn bè, cho người yêu, rồi cho chính bản thân. Chưa chắc những lời nói trao nhau đã là chân thật, đó có thể cũng chỉ là một màn trình diễn nhằm vuốt ve cái tôi cá nhân mà thôi. Để có thể đối diện với bản thân một cách trần trụi, xấu xí nhất và chấp nhận được phiên bản đó của mình có lẽ là bài học khó khăn hơn cả”.


Qua một thời gian, những bài tập này dần trở nên dễ dàng hơn, Thúy đã không còn quá căng thẳng khi phải đối thoại với mình, cô coi đó như một cơ hội để hiểu rõ hơn về
bản thân.


Trở về Việt Nam, Thúy thành lập trung tâm Padmeni Yoga tại Hà Nội và theo đuổi ước mơ làm giáo viên yoga cho đến giờ, bên cạnh công việc chính là đạo diễn phim tài liệu. Từ hành trình đã trải qua, Thúy nhận ra mình dũng cảm hơn, không còn quá sợ hãi khi đứng trước các thử thách hay cảm xúc tiêu cực. Cô quan niệm cuộc đời là một chuỗi những bài học, “tốt nghiệp” bài này cũng là lúc những bài học khó khăn hơn được gửi đến. Nếu đang gặp phải những điều không như ý, hay chăng đó là tín hiệu cho thấy đây là cơ hội để ta dần hoàn thiện mình?

Bài Nhi Nguyễn Ảnh Nhân vật cung cấp
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP