Nghệ sĩ Lê Huy: Tôi là một kẻ ham chơi đang ngồi im - Tạp chí Đẹp

Địa chỉ email của anh là Huy logic, cái tên này phải chăng xuất phát từ thói quen tư duy của anh?
Từ năm 2009 đến năm 2011, tôi và vài người bạn mở một công ty chuyên về thiết kế đồ họa tên là Logic. Nguồn gốc của email này xuất phát từ đó. Nhưng thực ra tôi rất thích cái tên này vì quá trình sáng tác luôn cần tính logic, từ khâu nhận diện về mặt đồ họa đến tạo hình sản phẩm, từ không gian trưng bày cho đến phim giới thiệu… Với người làm sáng tạo, ngoài việc để bản thân bay bổng thì rất cần một tư duy đồng nhất để dự án có thể trôi chảy từ đầu đến cuối.

Với anh, logic hay ý tưởng quan trọng hơn?
Cả hai, và tùy vào hoàn cảnh mà logic hay ý tưởng sẽ xuất hiện trước.

Trong trường hợp của “Em bé Điện Biên”, ý tưởng nảy ra khi tôi vô tình nhìn thấy hình ảnh em bé ở Điện Biên phải đi cách ly một mình. Tôi bắt tay vào làm với ý nghĩ ban đầu là để giải trí thôi, vì lúc ấy Hà Nội đã bắt đầu giãn cách, cuộc sống xung quanh tôi đã chậm dần rồi. Phiên bản bằng đất của tượng được tôi làm rất nhanh, chỉ trong vài tiếng buổi chiều. Khi mọi người yêu thích “Em bé Điện Biên”, tôi có cơ hội để phát triển dự án xa hơn nữa.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều dự án được tôi định hình trước, như dự án con giống cho mỗi dịp Tết Nguyên đán. Sau đó thì tôi phải đi tìm một ý tưởng để phát triển dự án ấy.

Lần đầu nhìn thấy hình ảnh em bé Điện Biên, cảm xúc của anh ra sao?
Đó chính xác là ngày 18/5, nhìn hình ảnh các em bé đi cách ly phải mặc bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình vừa dễ thương, buồn cười lại vừa cảm động, tôi nghĩ ngay đến những đứa con của mình. Hai đứa nhóc nhà tôi cũng sàn sàn mấy em nhỏ ấy, nếu hai nhóc mà phải đi cách ly thì đó sẽ là một điều rất kinh khủng đối với tôi.

Như đã chia sẻ, ban đầu tôi làm “Em bé Điện Biên” hoàn toàn là để kỉ niệm một thời kỳ khó khăn. Tôi định chỉ làm tượng bằng đất để bày trong nhà, 5-7 năm nữa xem lại sẽ biết nó là bức tượng về một thời đáng nhớ. Sau đó tôi đăng ảnh bức tượng lên Facebook, bạn bè tôi rất thích, hỏi nó được làm từ chất liệu gì, tôi có bán không và giá bao nhiêu. Nghĩ rằng mọi người cũng có nhu cầu kỷ niệm giống tôi, tôi bắt tay vào làm số lượng nhiều.

Từ ý tưởng ban đầu là làm cho vui đến một dự án dài hơi, anh có bị bỡ ngỡ ở khâu nào không?
Đầu tiên là chất liệu. Tôi phải thử vài loại chất liệu khác nhau chứ không thể “một phát ăn ngay” được. Lúc đầu tôi thử trên gỗ nhưng gỗ không đạt yêu cầu về đường nét. Sau đó tôi chuyển qua composit, dễ thao tác nhưng lại bị hạn chế trong gia công và cần quá nhiều khâu hoàn thiện. Sau cùng tôi thử bột đá trộn nhựa. Khi ra khuôn, chất liệu này cho thành phẩm gần như hoàn thiện, hơn nữa bột đá có màu trắng, trùng với mong muốn của tôi về một gam màu của y tế. Màu trắng còn biểu trưng cho một thời kỳ mà chúng ta không làm được gì, trắng xóa như một dạng thời gian chết.

Tôi không bị lúng túng khi sản xuất số lượng tượng lớn. Chắc chỉ có chút thiếu thốn ở các vật liệu đóng gói, cũng như không thể vận chuyển tượng đi các tỉnh xa do giãn cách xã hội.

Cho đến hiện tại, anh đã hoàn thành được bao nhiêu bức tượng rồi?
120 bức tượng. 100 bức tượng đầu tiên tôi nhận tất cả chi phí và tự chuyển cho Quỹ Vaccine Việt Nam, nhưng từ sau đó, tôi chỉ thu 50% cho chi phí sản xuất và công tác hậu cần – vận chuyển, 50% còn lại người mua tự chuyển vào quỹ. Với tôi, đây là một dự án phi lợi nhuận. Bởi trước đây, các sản phẩm khác của tôi như “Nhàn ngưu”, “Ngựa hoa mai”, “Chuột quả gấc” được nhiều người yêu quý và đón nhận, nên việc làm “Em bé Điện Biên” gần như miễn phí này là lời cảm ơn tôi muốn gửi đến mọi người. Tôi sẵn sàng và thoải mái khi được làm việc này.

“Em bé Điện Biên” và anh đã nhận được những phản hồi như thế nào?
Mọi người thường khen tạo hình dễ thương. Đa phần người mua là người đã có con nhỏ, họ đồng cảm với tôi khi nhìn vào bức tượng, và thương những đứa trẻ đang bị bệnh hay phải đi cách ly.

Tôi nghĩ bức tượng cũng mang đến một niềm vui nho nhỏ trong giai đoạn này. Khi tất cả những thứ xung quanh ta đang không được ổn lắm, thì một chút tích cực cũng là điều tốt đúng không?

Với bản thân anh, bức tượng đem đến cho anh điều gì?
Trong bộ phim “Hai vị giáo hoàng” có một câu thoại rất hay, đại loại là: “Khi nhìn lại, con đường hình như có vẻ thẳng hơn”. Đôi khi trong hiện tại, giữa thử thách muôn trùng, tôi thấy điều gì cũng khó, thế nhưng khi vượt qua rồi thì à, hóa ra mọi chuyện không kinh khủng như mình từng nghĩ.

Một câu chuyện anh chưa từng kể về “Em bé Điện Biên” là…?
Khi gần hoàn thiện, tôi nghĩ em bé sẽ có một con gấu giống tôi có lúc nhỏ. Tôi có một kỉ niệm rất buồn cười liên quan đến chuyện này. Hồi bé ngủ với bố, tôi hay gác sang người ông. Một lần đi công tác về, ông mua cho tôi một con gấu, lúc đó khuya rồi, tôi đã ngủ, vì sợ tôi giật mình nên ông đưa cho em trai tôi chơi trước. Tôi vẫn còn ấm ức vụ này (cười).

Hình ảnh con gấu đối với trẻ con giống như một người bạn, nên khi tạo hình, tôi cho em bé cầm thêm thứ này. Rồi tôi lại nghĩ tiêm vaccine là việc cần thiết nên làm thêm một miếng urgo dán trên tay gấu. Đó là những chi tiết rất nhỏ trong quá trình hoàn thiện bức tượng.

À, thêm một điều nữa, thực ra dòng “Khiêm Tốn – Thật Thà – Dũng Cảm” trên hộp còn bao gồm cả hai phiên bản tượng khác, một em là Khiêm Tốn, một em là Thật Thà. Còn em mà tôi đang bán gây quỹ là Dũng Cảm. Khiêm Tốn, để chỉ mục tiêu kép của Chính phủ khi vừa phải đảm bảo chống dịch, vừa phát triển kinh tế mà không được chủ quan. Thật Thà chính là khai báo y tế đó! Còn Dũng Cảm thì đương nhiên là mạnh mẽ bước đi cách ly, trị bệnh. Sau này, dù không dùng hai em bé kia, nhưng tôi mong cả ba đức tính vẫn luôn tồn tại trong “Em bé Điện Biên” còn lại.

Dự án này có mang đến cho anh áp lực nào không?
Đầu tiên, tôi chỉ muốn làm xong 100 bức tượng và kết thúc luôn, nhưng sau khi nghĩ ra cách chuyển khoản 50% vào quỹ, 50% vào tài khoản của tôi rất tiện lợi và minh bạch, tôi lại muốn dự án này phát triển dài hơi, lan tỏa đến nhiều người hơn. Tôi hy vọng trong tương lai, mình sẽ bán được 2021 bức tượng.

2021, con số không hề nhỏ nhỉ?
Rất nhiều đó. Thực ra đó là tham vọng, tôi cũng không kỳ vọng bản thân sẽ làm được chừng đó bức tượng. Tôi chỉ muốn làm đến khi nào mọi người không còn thích bức tượng nữa, hoặc hết dịch rồi, mọi người cũng không cần phải mua tượng nữa. Như vậy thì càng tốt.

Cuộc sống và công việc của anh có chịu ảnh hưởng nhiều vì dịch bệnh không?
Sau Tết 2020, khi bắt đầu giãn cách xã hội, vợ tôi và con trai nhỏ ở nhà ngoại, tôi cùng con trai lớn khăn gói về nhà nội. Suốt một tháng ở quê, tôi chỉ ăn cơm với bố mẹ, chơi cùng bọn trẻ con, vẽ, nặn đất, làm gốm. Ở quê không có lò gốm thì tôi cho vào bếp than để nung. Tôi cứ nghịch, cứ làm như thế cả ngày không chán.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, tôi ở nhà nhiều hơn, con đường mỗi ngày cũng chỉ từ nhà ra xưởng và ngược lại. Nhân viên thì đảm nhiệm việc hậu cần nên tôi gần như làm việc một mình. Quá trình một mình suốt hai năm như thế, tôi tự hỏi bản thân và trả lời nhiều hơn. Cũng trong từng ấy thời gian, tôi làm được khá nhiều, từ “Ngựa hoa mai”, “Nhàn ngưu”, “Em bé Điện Biên”, và dự định cho Tết năm Hổ sắp tới đây.

Quá trình chất vấn, nghiền ngẫm trong sáng tác chắc hẳn khiến anh thích thú?
Không, đó là gánh nặng (cười lớn). Đùa thôi, thực ra quá trình này có cả hai mặt. Tôi vừa cảm thấy may mắn khi bản thân có thể chậm lại, vừa áp lực vì nghĩ ra quá nhiều thứ. Mỗi khi nghĩ ra cái gì tôi lại phải làm ngay, và làm cho đến khi xong thì thôi. Nếu không làm xong thì tôi sẽ cực kỳ khó chịu. Với một người luôn đến xưởng, không có ngày nghỉ như tôi, đó là áp lực. Rồi đến một ngày đẹp trời, tôi nghĩ rằng chắc mình nên nghỉ ngơi vào ngày mồng một và ngày rằm (cười).

Anh cũng giỏi ngồi im đó chứ?
Trước đây tôi không bao giờ nghĩ mình ngồi im được thế này đâu. Tôi là một người mải chơi mà. Năm nào tôi cũng dành khoảng hai tháng để đi du lịch, vừa chơi vừa ngắm lấy tư liệu sáng tác, hoặc chỉ để đầu óc thoải mái. Nhưng khi ở nhà rồi, tôi lại hình thành thói quen chỉ thích ở nhà.

Vì sao thế?
Trước đây, có 5 năm liền tôi không làm dự án con giống, bởi lúc ấy tôi vẫn đắm đuối với câu hỏi làm sao tạo ra những sản phẩm gốm Việt Nam có sức ảnh hưởng đủ để thay thế cho gốm Nhật. Giờ thì tôi đã tìm thấy cách để đưa vào sản phẩm của mình những yếu tố đậm chất Việt Nam và khiến chúng được mọi người đón nhận. Và thế là chỉ muốn ngồi im ở nhà để thực hiện nốt các ý tưởng trong đầu.

Có điều gì sẽ thay đổi trong anh khi dịch bệnh qua đi?
Mọi người rồi sẽ lại đi làm, lại ngồi cà phê, ăn uống vui vẻ như trước, nhưng về mặt tư tưởng, chắc hẳn sẽ có những thay đổi nhất định. Tôi cũng vậy, khi dịch bệnh kết thúc, tôi cũng sẽ đi chơi nhưng sự biết ơn chắc chắn sẽ tăng lên. Chỉ khi trải qua quãng thời gian này chúng ta mới biết trân trọng từng phút giây đang sống, và nhận ra những điều bình thường mà ta từng tưởng là hiển nhiên như hơi thở hay được gặp gỡ bố mẹ, con cái – hoàn toàn không phải là hiển nhiên.

Bài April Ảnh NVCC
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP