Với Hiếu, sáng tạo là thứ gì đó rất nội hàm, rất tự nhiên. Dù học ngành thiết kế ở trường đại học, nhưng Hiếu thừa nhận chẳng có một cách thức mô phạm nào cho những thiết kế của Ném Project (cái tên được Hiếu Việt hóa sau này). “Nhưng hầu như tất cả đều đến từ bản vẽ, đơn giản vì tôi không muốn làm hỏng những vật liệu của mình vì lý do không tính toán trước. Chúng đã bị người ta ném đi một lần rồi, tôi rất khó tìm lại được một cái y chang như vậy”.
“Mọi người thường thích những vật liệu nặng và nhìn chắc chắn. Quanh đi quẩn lại họ vẫn chẳng thích những chiếc hộp xốp của tôi, dù tôi đã thử làm cho chúng chắc hơn rồi”, Hiếu bật cười. Cậu kể nhiều khi chế ra một chiếc ghế, ai đến nhà cậu cũng nhờ họ ngồi lên, cốt để kiểm chứng xem chúng có đủ chắc và bền không. Bản chất quá trình tạo ra những sản phẩm đã rất khác nhau, nên cũng chẳng có một lượng thời gian cụ thể nào để Hiếu hoàn thiện từng tác phẩm. “Nhiều khi tôi chỉ cần 5 phút là làm được cái bình hoa, có khi cả tháng, vài tháng tôi mới có thể làm xong một sản phẩm. Ghế thường ngốn nhiều thời gian nhất, vì tôi phải xem xét dáng vật liệu, tỉ lệ, lúc mọi người ngồi lên sẽ thế nào, liệu nó có quá nặng hoặc xiêu vẹo hay không”.
Năm nay sẽ là một năm đầy dự định của Hiếu với Ném Project. Đầu tiên là một showroom nho nhỏ nơi anh chàng có thể trưng bày những thiết kế của mình, để người ta sẽ không còn phải tò mò “cái này là cái gì, để làm gì” mà chỉ việc xem, cầm, chạm, chiêm ngưỡng và biết đâu cũng thấy vẻ đẹp của rác như Hiếu đã thấy. Sau đó thì sao? Hiếu nói rằng cậu luôn mong mọi người không chỉ mua các tác phẩm của mình về làm đồ trang trí mà sẽ sử dụng chúng, để chúng có ích một lần nữa. Để làm được điều này, Hiếu đã nghĩ đến chuyện mỗi thiết kế nên có ít nhất 5-7 sản phẩm. Chắc chắn là chúng sẽ khác nhau rồi, vì chẳng có chất liệu nào giống chất liệu nào, chẳng hình thù nào giống nhau hoàn toàn. “Nói chung, ngay cả quá trình cũng đã không hoàn hảo. Nhưng tôi thích dự án Ném cũng vì điều này”.