Cuối cùng thì mình cũng đã đến được Mỹ, nơi trước đó từng bị Covid-19 hoành hành đến nỗi mình phải gác lại kế hoạch nhập học vào Berklee, ngôi trường mơ ước của mình, cũng là nơi chị Anna từng theo học và xuất sắc lấy được bằng A+. Và lần này, nếu không có chị và anh Eric – anh rể của mình – xắn tay lo, thì chưa chắc mình đã kịp có được tấm visa đến Mỹ, 1 ngày trước giờ bay và 1 tuần trước ngày biểu diễn mà 88rising ấn định (6-7/11).

2 tháng trước đó, vào một buổi sáng đẹp trời, mình đã gần như bật khóc trước lời mời bất ngờ đến từ hãng đĩa nổi tiếng, chuyên dành cho các ca sĩ châu Á mà họ để mắt một cơ hội quý giá: tới Mỹ. Đúng là không thể nào tin nổi, cho tuổi 19 của mình, sau chỉ mới 1 năm lẫm chẫm bước vào V-pop: mình có hẳn 20 phút để trình diễn 5 ca khúc do mình sáng tác tại Lễ hội âm nhạc “Head In The Clouds” của 88rising, bên cạnh các tên tuổi đình đám mà mình thật chưa bao giờ dám mơ được đứng chung sân khấu với họ: CL, Keshi, Saweetie, Joji,…

Nhưng 2 tháng quả là gấp gáp cho mọi sự cần chuẩn bị, nhất là với một đứa chưa từng “mang chuông đi đấm nước người” như mình. Rồi cuối cùng mình cũng đã kịp tới Mỹ, dù hơi sát ngày và rơi vào một khung giờ biểu diễn không mấy thuận lợi: suất diễn sớm nhất của ngày thứ 2, cũng là ngày cuối cùng diễn ra lễ hội. Thêm lần nữa, mình lại là cái đứa ít tuổi nhất, như trước đó, tại “The Heroes”. Đó là một suất diễn kỳ lạ đối với mình: lần đầu tiên, mình được thấy khán giả rõ và gần đến vậy, từ một sân khấu ngoài trời, ban ngày, những khán giả Tây có Việt có, và có lẽ đều chưa từng biết đến mình. Mình tưởng đâu mình sẽ run lắm, như từng khóc vì sợ mấy ngày trước đó, vì không chắc mình sẽ làm được, cơ hội này là quá lớn đối với mình. Nhưng hóa ra lại không, lúc đứng trên sân khấu của 88rising, mình thực sự chỉ thấy tự tin và phấn khích.

20 phút trôi qua như mơ, và những sáng tác đầu tay của mình được vang lên trên đất Mỹ. 20 phút sau, mình gọi điện về nhà, mẹ vẫn còn… khóc, mẹ gần như không nói được gì ngoài câu: “Mỹ Anh à, mẹ tự hào về con”. Lúc ấy, lạ sao, mình lại không khóc, mình cứ để mẹ khóc thôi, mẹ chỉ là đang vui thôi mà!

Mẹ khóc đâu chỉ vì vui. Mẹ khóc còn vì đó là một giấc mơ từng có, từng dang dở, mà ngày hôm nay con đã bất ngờ viết tiếp.

Giây phút nhìn thấy con bé nhỏ mà chững chạc trên một sân khấu xa lạ, trước hàng trăm khán giả Los Angeles chưa từng xem con hát để lần lượt trình diễn 5 sáng tác đầu tay của con, mẹ quả thật chỉ còn biết òa khóc, nhất là khi nghe chị Anna con hét lạc giọng trong điện thoại: “Mẹ ơi, con yêu em! Con muốn em ở đây với con suốt đời!”.

Với khán giả, đấy chỉ là 20 phút. Nhưng với bố mẹ, thì đấy là cả một hành trình dài suốt 20 năm hoài thai con, trưởng thành cùng con; là giấc mơ mà mẹ và bố, và Anh Em từng viết dở năm mẹ 28 tuổi, mà nay đã được con viết tiếp ở tuổi 19 – rút ngắn 9 năm so với mẹ.

Không biết Mỹ Anh còn nhớ không, chính là trong album “Chat với Mozart” của mẹ mà con thích, ở phần intro, mẹ và bố đã từng gửi gắm vào đó giấc mơ của mẹ cùng ê-kíp về một thứ “âm nhạc không biên giới, không khoảng cách, không màu da” qua giọng rap của chú Lil Knight. Và 16 năm sau, khi đặt những lời rap mới vào trong ca khúc kinh điển của ABBA, “Dancing Queen”, con cũng đã gần như nhắc lại: “Mẹ từng bảo tôi rằng, con yêu à, hãy tin vào chính mình/ Hãy nhìn ra thế giới rộng lớn kia và mạnh dạn ước mơ…”.

Khác chăng, là ở vào thời của mẹ, mẹ đã không có được sự “mạnh dạn” ấy, khi “nhìn ra thế giới rộng lớn kia”. Ấy là vào khoảng năm 2003, không, thật ra chính xác phải là cuối 2002, lúc con còn chưa tròn 1 tuổi, điều mà sau này nghĩ lại, mẹ cứ ân hận mãi vì đã để con ở nhà một mình với bà suốt mấy tháng trời. Con chưa biết nói nên chỉ biết khóc, chắc vì nhớ và hờn bố mẹ, con vẫn luôn là đứa nhạy cảm từ bé. Nếu như trong đời mẹ mà có khoảng thời gian nào làm mẹ day dứt nhất, cảm thấy có lỗi với con nhiều nhất, thì đó chính là khoảng thời gian ấy, cho một giấc mơ mà mẹ đã phải viết thật khó khăn, cả vì nỗi lòng canh cánh thương con của một bà mẹ trẻ.

Mẹ khóc đâu chỉ vì vui. Mẹ khóc còn vì đó là một giấc mơ từng có, từng dang dở, mà ngày hôm nay con đã bất ngờ viết tiếp.

Hợp đồng ghi âm với Blue Tiger Records và Maximus Studio lúc đó dự kiến kéo dài 2 năm, và thoạt tiên, bố mẹ được mời sang Mỹ 4 tháng để làm quen với môi trường mới và cùng các cộng sự Mỹ tìm kiếm cơ hội. Đấy là lần đầu tiên mẹ được tiếp xúc văn hóa Mỹ gần và lâu đến thế; cũng là lần đầu tiên mẹ được dạy cách phát âm tiếng Anh sao cho chuẩn nhất, chứ có đâu được học từ bé như con. 4 tháng ấy, trong lúc con ở nhà khóc quấy bà, thì mẹ và bố bấm bụng ngồi trong phòng thu của Maximus Studio, bắt đầu thu thử một vài ca khúc tiếng Anh kinh điển, trong mong muốn chung của hai bên là sẽ phát hành được một album Mỹ Linh hát tiếng Anh tại thị trường Mỹ, dự kiến phát hành vào hai năm sau đó.

Nhưng câu chuyện thật ra không đơn giản thế, dự định về sau bất thành và nguyên nhân chính theo mẹ vẫn là rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Thiếu đi những kỹ năng cần thiết ấy khi đi ra ngoài, mẹ thật sự đã không có đủ sự tự tin và mạnh dạn để có thể đưa được tiếng hát của mình đi xa hơn.

Đó cũng là một phần lý do mà sau này mẹ và bố luôn quyết tâm bằng mọi giá phải lo được cho các con vào học trường quốc tế ngay từ bé, riêng con lại còn may mắn được học từ mẫu giáo. Không phải để các con theo nghề, mà đó hiển nhiên là hành trang tối cần thiết cho các con khi đi ra ngoài hội nhập. Mẹ thậm chí còn định xui Mỹ Anh đi học về marketing cơ mà, vì mẹ vẫn còn nhớ như in cái video con dựng hồi lớp 5, cho một đề bài đến là khó nhằn: “Làm sao khiến một người không biết gì về toán bỗng cảm thấy yêu môn toán”; và trong đó con gần như “bao sân” hết, “từ tiền vệ, hậu vệ tới trung phong” như sau này con cũng đã ôm tất, tại “The Heroes”. Và đó quả thật là một video được dàn dựng thật khéo, ở vào tuổi của con, khiến mẹ chỉ còn biết kêu lên với bố: “Thôi chết cha, con này nó giỏi! Phải cho nó đi học marketing mới được!”, và y như rằng cãi nhau to với bố, cãi ra trò, vì bố cứ nhất quyết bảo phải cho con học nhạc mới đúng, và mắng mẹ một chặp: “Em không biết thì cứ ngồi im đấy, đừng có mà lằng nhằng!”. Nghe câu đấy lúc ấy phải nói là mẹ ức lắm, nhưng về sau mẹ cũng phải công nhận là bố nói đúng, chắc tại bố sẵn có tư duy của một nhà sản xuất, bố đã nhận ra rất sớm tố chất âm nhạc ở con, khi con còn là một bé con lí lắc ngồi trong xe, “phải” nghe nhạc người lớn với những thứ thật “khó nhằn”, nhưng con đã biết ê a và lắc lư theo nhạc bằng một thứ nhạc cảm có lẽ đã sẵn có từ trong máu.

Bố là thế, bố luôn nhìn trước, nhìn xa hơn chúng ta, chắc có lẽ vì bố luôn an yên hơn mẹ và con chăng? Không biết bao lần con đã được chứng kiến bố ngồi hàng giờ trong phòng thu, bố hẳn đã nghĩ được thật nhiều điều cho mẹ, cho con, cho âm nhạc, trong sự yên tĩnh tuyệt đối ấy. Chứ thời của con, với cái smartphone lúc nào cũng kè kè trong tay, nhiều lúc bị phân tâm lắm mẹ!

Con nhớ có lần con hỏi bố: “Mục tiêu năm nay của bố là gì?”, bố bảo: “Bố chẳng bao giờ có mục tiêu gì cả, cứ việc đến tay là bố làm thôi”. Con nghĩ, không có mục tiêu gì cũng là một loại mục tiêu. Là được sống bình yên và hạnh phúc. Con thích được như bố.

Bố luôn nghiêm khắc, nhưng cũng thật ân cần. Cái lúc mà con nghĩ là sẽ ăn mắng một trận ra trò, thì hóa ra, bố lại chỉ nhắn một cái tin mà con nghĩ là con sẽ nhớ mãi. Nó khiến con lần đầu tiên ngồi nghĩ nghiêm túc hơn về sự hy sinh, hy sinh một cách thông minh và điềm tĩnh trong cái nghề làm dâu trăm họ này. Và để sống chân thành giữa cái thế giới này, nhất là thời mạng xã hội này, không có nghĩa điều gì cũng nên công khai, chia sẻ.

Mẹ cũng đã được… đọc trộm cái tin nhắn đó của bố, và phải nói, mẹ cực ấn tượng. Vào cái ngày mà con gặp phải cú phốt đầu tiên trong đời, khi vừa mới lóp ngóp bước chân vào showbiz: bức ảnh với thông điệp “nữ quyền” vô hình trung gây sốc ấy của con. Lúc mà mẹ gần như chỉ biết kêu giời: “Ối giời ơi, các bà ấy chỉ nghĩ đơn giản đấy là nữ quyền, rằng tôi mặc thế nào là quyền của tôi, thứ tôi nghĩ là của tôi, da mặt tôi là của tôi, thân thể tôi cũng là của tôi…”, thì ở một góc nào đó, bố đã lặng lẽ nhắn cho con một cái tin, ôn tồn hết sức: “Thứ nhất, là bố thấy nó không đẹp. Dĩ nhiên, con người ta có thể quan niệm khác nhau về cái đẹp. Nhưng con cũng không thể ra giữa nước Mỹ mà đốt vàng mã được, chẳng hạn thế. Cái đấy nó là sự phù hợp về văn hóa, ở đâu, khi nào. Thứ hai, là nghệ sĩ thì phải biết hy sinh, bố và mẹ cũng đã từng hy sinh, không ít, chứ không thể cứ thích gì là làm nấy được”. Riêng điều này thì mẹ hoàn toàn đồng ý với bố. Vì đó thật ra cũng từng là một bài học ứng xử của mẹ, trước truyền thông.

Như con cũng biết đấy, mẹ cũng đã từng bị “ném đá”. Ấy là khi mẹ quyết định “bẻ lái”, đi theo con đường bố và chú Tuấn (nhạc sĩ Huy Tuấn – PV) đã vạch ra, với một thứ âm nhạc mà lúc đó bị cho là “không thuần Việt”, thay vì tiếp tục đi theo cái vệt “Thì thầm mùa xuân”, “Hà Nội đêm trở gió”, “Trên đỉnh Phù Vân”… như trước đó vốn thuận tai nghe của công chúng. Tuổi đôi mươi của mẹ vì thế đã không chỉ có những tràng pháo tay, những hào quang, mà còn có cả vị đắng của những màn “ném đá”, dĩ nhiên lúc đó chưa có mạng xã hội nên không đến nỗi khốc liệt như sau này. Và cả những lần mẹ trót phát ngôn “thẳng ruột ngựa” trên mặt báo, do cái bản tính bộc tuệch của mẹ, mà bố cũng từng khuyên mẹ, như đã khuyên con: “Vấn đề là ở đâu, lúc nào”. Hay như chính con cũng đã từng bảo mẹ: “Con sẽ không bao giờ nói những câu như mẹ, con nghĩ là mẹ hơi liều lĩnh, con sẽ thật cẩn thận khi phát ngôn”, thì cái đó chắc là con giống bố, học được từ bố.

Mẹ giờ có lẽ nên ngồi nói chuyện… làm bánh với bà nội thì may ra mới hợp.

Và ngay cả chính bố, bố của các con cũng đã khác, so với thời bố mẹ mới cưới nhau, lúc mẹ ở vào tầm tuổi con bây giờ, nhỉnh hơn một chút. Yêu nhau mấy tháng mà đã cưới, gần như chưa kịp hiểu nhau, hoặc có hiểu, thì cũng tương đối là… không chính xác. Mẹ từng bảo với anh Duy con: “Ơ Duy ơi, bố bây giờ đâu còn là bố của mười năm trước nữa nhỉ!”. Từng chút một, như các con cũng đã chứng kiến đấy, bố mẹ đã học cách chín cùng nhau. Và mẹ bảo bố: “Như thế vẫn tốt hơn, còn hơn là một đứa xanh, một đứa chín”.

Dù thật ra, trong câu chuyện giữa bố và các con bây giờ, về các xu hướng, trào lưu âm nhạc…, mẹ cũng bắt đầu cảm thấy “xanh”, thấy sắp bị cho ra rìa rồi đấy! Mẹ giờ có lẽ nên ngồi nói chuyện… làm bánh với bà nội thì may ra mới hợp.

Ra rìa ư? Con có thấy mẹ bị ra rìa bao giờ đâu nhỉ? Con nghĩ là mẹ không nên cảm thấy thế. Vì như mẹ cũng biết đấy, âm nhạc vốn dĩ rộng mà! Nếu như mẹ ngồi nói chuyện với các danh ca, thì con cũng bị ra rìa là chắc! Chẳng phải con hát thế nào cũng vẫn suốt ngày bị mẹ la sao? Mẹ còn lâu mới chịu ra rìa!

Thật ra, từng có lúc, con cũng đã nghĩ mình bị ra rìa, trên con đường ca hát. Ấy là lúc con cảm thấy con gần như không thể đứng dưới ánh đèn sân khấu như mẹ, không thể chịu nổi những trận “ném đá” như mẹ từng phải chịu; con có lẽ sẽ hợp với một nơi yên tĩnh và khép kín hơn như phòng thu của bố, hay của chị Anna… Nhưng rồi “Got you” bất ngờ được đón nhận và vượt ra ngoài xuất phát điểm của nó là một bài thi tốt nghiệp, điều đó bỗng khiến con phải nghĩ lại: biết đâu vào một ngày nào đó con cũng sẽ cảm thấy thoải mái dưới ánh đèn sân khấu như mẹ; liệu có nên vì sợ áp lực mà từ bỏ đam mê hay không, có đáng?…

Mẹ đâu còn la mắng con nữa đâu, từ sau khi con tròn 18 tuổi. Mẹ cũng chưa bao giờ hối thúc con vào nghề và cần đi nhanh trong nghề này. Bố mẹ trái lại luôn mong con có được sự điềm tĩnh để giảm thiểu va đập và vấp ngã.

Con đã có được một năm 2021 thành công đúng là ngoài sức tưởng tượng của bố mẹ, sau chỉ một năm chính thức bước chân vào làng nhạc. Con một mình sắm cả hai vai (ca sĩ, nhà sản xuất) tại “The Heroes” dù là thí sinh nhỏ tuổi nhất và giành được ngôi Á quân sau 8 tháng quần quật dốc sức; con cũng lại một mình một ngựa tới Mỹ để có được một suất diễn riêng cho mình ở tuổi 19… Thế hệ các con hôm nay phải nói là quá giỏi, khi được trang bị quá nhiều hành trang để đi “ra biển”, các con muốn sáng tạo thế nào thì thế giới cũng vẫn đủ rộng cho các con, với những YouTube, Instagram, Spotify…; không như thế hệ của bố mẹ ngày trước, có cố gắng đi ra ngoài thì cuối cùng cũng chủ yếu quẩn quanh trong cái “ao hẹp, vùng trũng” của mình.

Chắc con vẫn nhớ lá số tử vi thầy từng xem cho con lúc con còn bé tí chứ? Kỳ lạ sao, nó lặp lại hoàn toàn lá số của mẹ. Nhưng mẹ nhớ có lần con nói, con gần như giãy nảy lên là khác: “Con không tin, và cũng không thích tin vào điều đó. Nếu mọi thứ được lặp lại như vậy thì còn gì để phấn đấu!”. Vậy thì trước mắt của con đang là 2022 đấy, một năm thấy bảo sẽ là năm xung của con, cũng chính là năm mà con sẽ trở lại Mỹ, cho một dự án dài hơi hơn. Nhưng mẹ nhớ là, vào cái năm bị cho là xung nhất của mẹ, cũng vào tầm tuổi đôi mươi như con bây giờ, thì đấy lại chính là năm mẹ rực rỡ nhất trong sự nghiệp. Lời hóa giải đẹp nhất, cho cái gọi là năm xung kia, rốt cuộc vẫn là nỗ lực vượt thoát lên mọi cản trở, từ bên ngoài hay trong chính bản thân mình, để khẳng định mình, làm chủ số phận của mình, bằng đam mê, nội lực và sức “chịu lửa”, cả sự nhạy cảm của mình, con nhớ nhé!

Bài Thủy Lê Sản xuất Hellos. Nhiếp ảnh Quang Ming Stylist Jin Juin
Trang điểm & làm tóc Psi Trợ lý Sam Sam, Jessica Hwang, Thùng Đồng
Trang phục Hobb Design (Mỹ Linh), Stylist’s (Mỹ Anh)
Thiết kế Redmaz

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP