Made in Vietnam - Tạp chí Đẹp

Phương Nguyễn – Founder của Lilou Studios – thú thật trước đây cô không hẳn là một người quan tâm đến xu hướng sống xanh. Khi định hướng cho sản phẩm của mình, Phương cũng không cảm thấy thôi thúc về việc phải xây dựng một thương hiệu vị môi trường. Tuy nhiên, tình cờ đọc được những bài viết báo động về tình trạng môi trường trên thế giới, tìm hiểu sâu hơn về những tác động mà trái đất đang phải gánh chịu, Phương nghĩ mình cần hành động.

Lilou Studios được Phương định hướng là một thương hiệu chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ việc trang trí nhà cửa và thư giãn tinh thần. Nến thuần chay là sản phẩm đầu tay của Phương. Đa phần khi nhắc đến nến, người ta thường nghĩ đến các nguyên liệu truyền thống như sáp ong, mỡ trăn… Song việc sử dụng các nguyên liệu này vừa là một hành vi kém nhân đạo với động vật, vừa không tạo ra được mùi hương riêng biệt cho nến. Vì vậy, Phương chọn sáp đậu nành và sáp dừa cho những hũ nến của Lilou.

Mỗi khách hàng khi mua nến từ Lilou Studios sẽ được tặng kèm một tấm thiệp chứa hạt giống. Phương chia sẻ: “Một tấm thiệp nhỏ gửi kèm với sản phẩm là cách để các thương hiệu nhắn nhủ khách hàng nhớ đến mình. Nhưng tôi biết người ta thường vứt những tấm thiệp đó đi. Vậy nên tôi đã nảy ra ý tưởng làm tấm thiệp đó bằng giấy tái chế từ sách báo, tạp chí cũ và đặt các hạt giống bên trong. Dùng xong nến, mọi người có thể làm sạch hũ, thêm chút đất, vùi giấy hạt vào và chờ đợi một chồi non nhỏ xinh chào đời. Hoặc nếu người ta có vứt mẩu giấy ấy đi thì một mầm cây mới cũng sẽ được sinh sôi”.

 

15 người thợ thủ công đã dành ra 22 giờ làm việc để cùng tạo nên một bộ cờ caro The Recall – một trong những sản phẩm của Maztermind, thương hiệu board game thủ công với những sản phẩm mang đậm văn hóa Việt Nam như cờ cá ngựa, cờ tỉ phú, bầu cua tôm cá…

Doanh nhân Toàn Nguyễn – founder của Maztermind – cho rằng board game không chỉ để giải trí mà còn có thể truyền tải những giá trị thủ công độc đáo của người Việt. Được truyền cảm hứng từ những làng nghề truyền thống Việt Nam như đúc đồng, làm mộc…, các sản phẩm của Maztermind là sự kết hợp hài hòa từ những chất liệu như xi măng, đồng thau, gỗ, da microfiber (một loại da công nghiệp thân thiện với môi trường) và được xử lý sắc nét, gọn ghẽ bởi đôi bàn tay của những người thợ thủ công mà đa phần trong số đó có xuất phát điểm là thợ gia công đồ nội thất.

Xưởng sản xuất của Maztermind hiện tọa lạc tại Bình Chánh với hơn 70 nghệ nhân và thợ thủ công. Tất cả các công đoạn tạo ra một bộ board game từ đúc khuôn, ghép da, đánh bóng, cắt may, mài giũa… đều được họ thực hiện bằng tay một cách trau chuốt, tỉ mỉ. Những bàn cờ tinh xảo của Maztermind vì thế mang nhiều giá trị, đó không chỉ là thứ trò chơi giải trí lành mạnh kết nối con người với con người trong cuộc sống thật, mà còn là những món quà chứa đựng vẻ đẹp bền bỉ của nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

“Vải gai dầu có độ thấm hút tốt, chất bền hơn cả vải bông và vải lanh nhưng vẫn đủ mềm mại và an toàn cho cả da nhạy cảm. Qua nhiều lần giặt, sợi gai dầu càng trở nên chắc chắn hơn và không bị dão. Hơn nữa, nó còn có khả năng chống mốc và mối mọt”. Đó là lý do mà ba cô gái có biệt danh Trần Mùi, Trịnh Ngọ, Nguyễn Thân – founder của Sonson Collective – lựa chọn vải gai dầu của vùng núi Tây Bắc làm chất liệu cho bộ sưu tập khăn nhuộm chàm của mình. Họ đã dành nhiều tháng liền sống cùng những người H’Mông để học cách dệt vải, thêu khăn, vẽ sáp ong và nhuộm chàm thủ công. Những chiếc khăn của Sonson Collective được làm hoàn toàn bằng tay bởi người dân tộc H’Mông, chúng có thể dùng để làm đẹp cho món ăn hay bàn trà, mang theo trong những chuyến đi picnic hoặc để trang trí, làm khăn tay, băng đô, khăn quàng cổ…
Với Sonson, có nhiều cách để tình yêu sáng tạo song hành cùng tình yêu và trách nhiệm với môi trường. Điển hình như việc tận dụng cây chàm – loài thực vật được trồng rất nhiều ở Tây Bắc – là cách Sonson vừa giúp hạn chế tình trạng phá rừng vô tội vạ vừa hỗ trợ giải quyết việc làm cho đồng bào miền núi.

Khăn nhuộm chàm là sản phẩm thứ hai của Sonson Collective. Trước đó, nhóm thiết kế độc lập này từng giành giải Nhất tại Vietnam Design Week 2020 với bộ sưu tập “Góc tĩnh tại” (gồm các thiết kế: Bình phong, Bàn trà và Chiếu) tái hiện không gian sống truyền thống của người Việt. Theo đuổi hướng đi bền vững, hướng tới sự hòa hợp giữa con người, tự nhiên và tinh thần, Sonson Collective quy tụ những sản phẩm mang đậm tính bản địa hồn hậu, chân thành, được làm và cảm nhận bằng tay.

Câu chuyện của Stone Hill bắt đầu từ ngọn đồi đá thuộc xã Phú An, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Mười năm trước, sau khi nghỉ hưu, Tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước, người từng là giảng viên trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, quyết định trở về Đồng Nai làm lâm nghiệp. Ông cải tạo những quả đồi cằn cỗi ở đây thành nơi có “cỏ mọc trên đá, cá lội trên đồi” và trồng được cả loại ca cao thuộc Top 50 loại ca cao ngon nhất thế giới (theo chương trình “Cocoa of Excellence” tại Paris năm 2017).

Thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như thói quen trồng trọt cũ, Tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước dạy cho các hộ trồng ca cao ở đây phương pháp nuôi kiến nhằm bảo vệ cây khỏi sâu hại, mối mọt. Vỏ ca cao cũng được ông chủ trương tái sử dụng để bón cây; nước tưới tiêu được khơi từ mạch nguồn trong núi; than hầm và phân chuồng từ đời sống sinh hoạt và chăn nuôi trong vùng được tận dụng làm nguồn dinh dưỡng cho cây. Tất cả nhằm mang lại môi trường thuần khiết, tự nhiên và bền vững nhất cho ca cao phát triển.

Tuy nhiên vào thời điểm đó, hạt ca cao thô do bà con xã Phước An trồng khi bán ra thị trường thường bị thương lái ép giá, đánh đồng với nhiều loại ca cao kém chất lượng khác. Vì vậy năm 2014, anh Phạm Lộc – con trai của tiến sĩ Phước – đề ra ý tưởng gia tăng giá trị cho hạt ca cao bằng cách sản xuất thêm nhiều dòng sản phẩm khác như bột ca cao, trà ca cao, chocolate, nước ép ca cao lên men và cả xà phòng, sản phẩm dưỡng thể, tẩy tế bào chết…, đóng gói trong những bao bì đẹp mắt. Hướng đi này đã giải quyết được vấn đề “được mùa, mất giá” và tạo thêm việc làm cho người dân trong vùng.

Ngoài kinh doanh ca cao, Stone Hill thường tổ chức các buổi workshop làm chocolate, xà phòng… từ ca cao để người tiêu dùng có thể trực tiếp cảm nhận chất lượng hạt và quy trình sản xuất thân thiện của sản phẩm.

Đặng Thành Long và Simon Phan – hai nhà đồng sáng lập của Khô Mực Studio, xưởng in tiên phong mang kỹ thuật in Risograph từ Nhật Bản về Việt Nam – đều là những người yêu nghệ thuật, mong muốn tạo nên một không gian sáng tạo mới lạ cho giới hội họa. Năm 2018, Khô Mực chính thức ra mắt với 22 tác phẩm in Risograph đầu tiên do 22 nghệ sĩ sáng tác trong chương trình vẽ tranh với chủ đề “Khô Mực”.

Risograph là một kĩ thuật in đặc biệt, điều đó không chỉ hiển hiện trên thành quả in ấn mang màu sắc tươi sáng, mềm mại khác hẳn với sản phẩm in digital, mà còn đến từ tất thảy những gì tham gia vào quá trình tạo ra thành phẩm. Mực in Risograph được làm từ dầu đậu nành, cám gạo và không chứa các chất hóa học, chất làm khô như những loại mực công nghiệp khác. Khuôn in được làm từ xơ chuối; quá trình in không dùng nhiệt, tiết kiệm nhiều nhiên liệu… Mong muốn tận dụng tối đa các vật phẩm để đảm bảo không còn gì thừa lại sau quá trình sáng tạo, Khô Mực sử dụng các băng giấy thừa, giấy vụn, bản in nháp làm thành dòng sổ Riri hoặc tặng lại cho các khách hàng để họ tái sử dụng.

Trong suốt 4 năm từ ngày đầu ra mắt, Khô Mực Studio vẫn luôn hoạt động song song như một địa chỉ cung cấp các dịch vụ in ấn đồng thời là nơi kết nối, hỗ trợ tài năng cho các nghệ sĩ trẻ, mang kỹ thuật in Risograph cùng những tác phẩm của họ đến gần hơn với cộng đồng.

Hanoia ra đời vào năm 1997 tại Bình Dương – một trong những thủ phủ của sơn mài Việt Nam từ thế kỷ XIV. Một nhóm nhỏ nghệ nhân Việt cùng các nhà thiết kế nước ngoài đã khởi nghiệp từ việc thiết kế những đôi guốc sơn mài xuất sang châu Âu. Năm 2002, họ chuyển sang chế tác phụ kiện thời trang cao cấp cho các nhà mốt có uy tín ở châu Âu và mối quan hệ hợp tác này đến nay vẫn còn tiếp diễn.

Trưởng thành nhờ bí quyết riêng trong nghề sơn mài và một phong cách thiết kế độc đáo, kết hợp hài hòa hai nền văn hóa Á – Âu, Hanoia hướng tới phân khúc thị trường hạng sang dành cho đồ lưu niệm cao cấp, nữ trang, đồ trang trí nội thất và quà tặng văn phòng. Với hai xưởng sơn mài đặt tại hai đầu Nam – Bắc, Hanoia là một trong những nhà sản xuất sơn mài lớn ở Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật châu Âu, như chứng chỉ REACH (Đăng ký, Định giá, Cấp phép và Hạn chế sử dụng hóa chất). Các sản phẩm sơn mài Hanoia đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.

Trong hình là Parrot-Dise, bộ sưu tập của Hanoia lấy cảm hứng từ những chú vẹt vui tươi, sinh động, tựa như một cuộc dạo chơi màu sắc của sơn mài. Đây không chỉ là chiếc bình giữ nhiệt tiện lợi để mang theo bên mình mà còn là một sản phẩm thủ công tinh xảo trang trí cho không gian sống.

 

Thực hiện Hương Thủy, Hồng Như Ý tưởng và nhiếp ảnh Travipome
Thiết kế Khôi Nguyên

 

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP