MAGAZINE

SHARE

Một ra đời vào tháng 1/2018. Một có nghĩa là một đôi giày để đi nguyên ngày, tới bất cứ đâu, không sợ lạc quẻ khi phối với đủ kiểu quần áo. Một cũng là một ngôn ngữ thời trang bắt nguồn từ văn hóa Việt, khiến người Việt thấy gắn bó và tự tin khi mang. Một là cơ bản chứ không phải tối giản. Một là một sản phẩm “made in Vietnam”, nhưng không hoài cổ mà rất thực tế.

Huỳnh Quang Ngọc Hân (1990) – một trong ba Founder đồng thời là người thiết kế sản phẩm cho Một đã tự nghiên cứu rồi thiết kế phom giày và đế giày phù hợp với khuôn chân hơi bè của người Việt Nam, thay vì sử dụng khuôn giày thuôn dài như sản phẩm của các thương hiệu nước ngoài. Trong suốt 1 năm, Hân thử sản xuất tới 20 đợt giày, gửi cho bạn bè đi xem có vừa vặn không, có đau chân khi mang nhiều hay không, rồi chỉnh sửa dần dần cho đến khi tìm ra phom dáng, đường may khiến đôi bàn chân người Việt cảm thấy thoải mái nhất. Khi Hân đưa thiết kế của giày Một cho xưởng sản xuất, câu đầu tiên người ta hỏi cô: “Em bị điên hả? Cái này không làm được đâu, cũng không ai mua đâu!”.

Giày Một hiện chỉ có một thiết kế duy nhất, xử lý trên hai chất liệu: vải canvas và da bò, ở các màu sắc cơ bản như xám, đen, đỏ, xanh. Thiết kế giày xẻ giữa, giấu dây bên trong được Hân liên tưởng từ chính văn hóa, tính cách của người Việt: không quá cởi mở nhưng chân thật. Họa tiết bao quanh đế giày mô phỏng những viên gạch ngói xếp chồng, khi nhìn xa tạo hiệu ứng như có nước ngập (bắt nguồn từ quan sát của Hân về những con đường ngập nước của Sài Gòn mùa mưa). Họa tiết ở mặt dưới đế giày mô phỏng đường bờ biển Việt Nam hình chữ S.

Trong mỗi hộp giày, Một tặng kèm một chiếc túi vải canvas để khuyến khích mọi người hạn chế sử dụng túi nilon. Điều đặc biệt là những chiếc túi này được tận dụng từ vải thừa ở xưởng may, mỗi túi một màu sắc khác, và bạn sẽ chẳng bao giờ biết được trong hộp giày của mình chứa chiếc túi màu gì. Về điều này, Một còn là một niềm vui tìm đến bất ngờ!

Sau này, hiệu bánh của anh làm thêm cả mảng bánh Âu. Để tạo ra dấu ấn khác biệt so với các hương vị truyền thống, Sơn Mã kết hợp qua lại các yếu tố Đông – Tây trong những vị bánh của mình. Bánh Việt Nam được đưa vào các yếu tố Âu; còn bánh Âu kết hợp với rất nhiều nguyên liệu Việt Nam như bơ, sầu riêng, vải, vỏ bưởi…

Một trong những “đặc sản” của The Vagabond Bakery là những chiếc bánh bơ xanh mướt mát. Sơn Mã chỉ sử dụng một giống bơ duy nhất, hái trên cây khi đạt 600g, từ một vài nhà vườn được anh đặt trước ở Long Khánh, Đồng Nai. Nếu lấy loại bơ khác, bánh sẽ nhão, màu xanh pha xám không đẹp mắt, cũng không đủ độ béo. Loại bánh này chỉ được bán vào mùa bơ.

Có người nói họ không thích bánh của The Vagabond Bakery, mang tiếng là tiệm bánh Âu nhưng nguyên liệu, khẩu vị lại quá Việt. Sơn Mã khẳng định: “Tôi không cố gắng đi tìm cái chuẩn bánh Pháp, bánh Âu, bởi ẩm thực với tôi chính là sự du hành không biên giới”.

Label Concept Store là sản phẩm của The Lab Saigon, đó là một sân chơi sáng tạo thử nghiệm của những cái đầu rất trẻ. Các sản phẩm của Label giống như lời thách thức đối với những thiết kế sản xuất hàng loạt hay hàng tiêu dùng ngoại nhập. Không có bất kỳ giới hạn nào về ý tưởng, chất liệu…, tại Label, ta có thể tìm thấy từ thời trang, nội thất đến các món đồ gia dụng: những chiếc ghế sắt mô phỏng ghế nhựa vỉa hè hay ghế đá công viên, áo phông, quần boxer cho cả nam và nữ, clutch cầm tay làm từ chất liệu silicone, heo đựng card thiết kế dựa trên kí ức về chú heo đất đựng tiền tiết kiệm của trẻ nhỏ, thậm chí họ có ý tưởng thiết kế cả những ngôi nhà phù hợp với tính cách của từng chú chó... Bạn cũng sẽ bắt gặp cả những món đồ đã trở thành “tượng đài bất tử” trong kí ức của người Việt, như chiếc cốc uống nước chấm bi đủ màu của thời kỳ đổi mới hay cốc thủy tinh men xanh quen thuộc trong các quán bia hơi vỉa hè ở miền Bắc; cả những bộ sưu tập kết hợp với các brand thời trang mang tinh thần phá cách, độc đáo của Sài Gòn như Thục hay Môi Điên…

Trong tương lai, những người trẻ ở Label mong muốn sẽ xây dựng được không gian concept store cho riêng mình và các buổi triển lãm kết hợp ra mắt cho từng sản phẩm

Saigon Artbook là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách nghệ thuật để hỗ trợ và giới thiệu những nghệ sĩ tiềm năng ở Việt Nam. Ra đời từ năm 2013, Saigon Artbook đã có 7 ấn phẩm đồng thời tổ chức hàng loạt các buổi triển lãm, lớp học và giao lưu với mục đích kết nối nghệ thuật với cộng đồng.

Khi được hỏi về cái tên Saigon Artbook, người sáng lập Đặng Thành Long chia sẻ: “Chọn tên Saigon vì nó là cái tình, cái hồn của thành phố này. Artbook là lối chơi chữ của ‘art book’, tôi gộp chúng lại thành một vì muốn trộn lẫn hai khái niệm ấy. Giờ đây, mỗi quyển sách chính là một không gian triển lãm”.

Điều khiến Saigon Artbook trở nên hấp dẫn nằm ở việc kết hợp ra mắt sách kèm triển lãm. Mỗi kỳ sách sẽ giới thiệu 5 nghệ sĩ sống ở Sài Gòn, với 5 thể loại nghệ thuật khác nhau nhưng thể hiện cùng một chủ đề. Đó là cách Saigon Artbook phác họa sự đa dạng của nghệ thuật. Sách được in và gia công hoàn toàn ở Sài Gòn, sáng tạo trên chất xám của người Sài Gòn, dành cho những người trẻ đang sống tại thành phố này.

Coboté là cách chơi chữ của “Coconut Beauté” - vẻ đẹp của dừa. Nguyên liệu mà thương hiệu mỹ phẩm 2 năm tuổi này sử dụng là 100% dừa tươi lấy từ các nhà vườn Bến Tre, kết hợp cùng các loại thảo mộc truyền thống khác của Việt Nam. Coboté hiện có 6 dòng sản phẩm chính: dầu dừa tươi đa năng, son dưỡng môi, serum dưỡng mi và lông mày, xà bông tẩy tế bào chết, xà phòng thảo mộc, liệu pháp dưỡng tóc trước gội.

Sản phẩm của Coboté không sử dụng chất bảo quản, thường được sản xuất thành mẻ nhỏ với số lượng ít để đảm bảo mỗi thành phẩm bán ra đều giữ được độ tươi mới khi đến tay khách hàng. Thương hiệu này cũng rất tôn trọng yếu tố thiên nhiên và phát triển bền vững khi cam kết không thử nghiệm trên động vật và không sử dụng những nguyên liệu gây tranh cãi như hạt vi nhựa, parabens, formaldehyde…

100% lao động phổ thông hiện tại của Coboté đều là người dân sinh sống tại Bến Tre, ngoài ra, thương hiệu này có riêng một bộ phận R&D hoạt động độc lập và khá bài bản. Duy Nguyễn (1990), một trong hai người sáng lập ra Coboté tự hào chia sẻ một câu chuyện vui từ những ngày thương hiệu còn chưa được “khai sinh”: “Ngay khi thử nghiệm những mẻ xà phòng tẩy tế bào chết đầu tiên với công thức 100% từ dừa, Coboté đã xuất được 10.000 bánh Coconut Scrub Soap sang thị trường Trung Đông”.

Tuấn Anh (1 trong 3 người đồng sáng lập ra JUS) không uống được cà phê, thức uống duy nhất cô có thể dùng là các loại nước ép trái cây. Nhưng những chai nước ép toàn đá, có thể hút hết trong vòng một hơi khiến cô chán ngán, Tuấn Anh quyết định tự làm nước ép để uống hàng ngày. Nếu bạn hỏi về khởi đầu của JUS - thương hiệu nước ép trái cây không đá, không đường, sử dụng công nghệ ép lạnh, ra đời ở Sài Gòn - thì đó chính là câu trả lời giản dị mà bạn sẽ được nghe.

Chai nước ép JUS được thiết kế hình tam giác với 3 góc đại diện cho cơ thể, sức khỏe và tinh thần. Tiêu chí của JUS là cung cấp các loại đồ uống “fastfood” thơm ngon, nhanh gọn, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống năng động nhưng vẫn có lợi cho sức khỏe. JUS sử dụng nguyên liệu trong ngày, từ rau củ hữu cơ và trái cây đạt chuẩn an toàn được làm sạch, nghiền nhỏ với tốc độ chậm và ép dưới sức ép thủy lực để giữ lại dưỡng chất tối đa. Ngoài 25 món đồ uống được gọi tên bằng cách đánh số, JUS còn xây dựng gói liệu trình detox 3 cấp độ để phục vụ nhu cầu thanh lọc cơ thể, dịch vụ Everyday giao nước ép tận nơi mỗi ngày, và hình thức Box Set để khách hàng toàn quyền chọn lựa những vị nước mình yêu thích… Trong tương lai, tham vọng của Tuấn Anh và các thành viên của JUS là sẽ gây dựng được một mô hình “Healthy Hub” chăm sóc sức khỏe, cung cấp từ đồ uống, thực phẩm xanh sạch đến mỹ phẩm thiên nhiên.

ALLUVIA

Alluvia xóa bỏ định kiến rằng sô cô la ngon phải đến từ Châu Âu và do người Châu Âu sản xuất. Thương hiệu này sử dụng toàn bộ hạt cacao được vun trồng trên mảnh đất phù sa của đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là Tiền Giang - vùng đất sản sinh ra hạt cacao ngon nhất, với công thức lên men sơ chế riêng.

Khi được hỏi về những ngày khởi đầu của Alluvia, chị Nguyễn Ngọc Điệp - người sáng lập thương hiệu nhớ về ba mình, ông Nguyễn Xuân Ron: “Năm 2005, tại Tiền Giang có một dự án phát triển cacao bền vững do nhà nước và Tổ chức Cacao thế giới ACDI/VOCA tài trợ. Họ hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc cây cacao, sơ chế sau thu hoạch và sơ chế hạt khô. Ba tôi khi đó là một nhà giáo đã nghỉ hưu, ông tham gia dự án này ngay từ những ngày đầu”.

Kể từ đó, gia đình chị Điệp thu hoạch cacao từ vườn nhà, thu mua thêm trái cacao tươi từ các hộ nông dân khác, lên men sơ chế và bán hạt khô cho các công ty thu mua cacao xuất khẩu ra nước ngoài. Dần dà, chị nhận ra một thực tế có phần phũ phàng: hạt cacao xứ mình phải bay một vòng trái đất, rồi nằm lại trên tay người Việt dưới hình dáng một thanh sô cô la với cái giá cao hơn gấp nhiều lần.

Alluvia ra đời vào năm 2015 với niềm ấp ủ những hạt cacao từ vùng đất nặng phù sa sẽ không bị quên lãng và người Việt cũng có thể làm ra sô cô la ngon chẳng hề thua kém các quốc gia khác. Thương hiệu đặc biệt chú trọng tính nguyên bản, tự nhiên của sản phẩm, hoàn toàn không sử dụng hương liệu, chất phụ gia hay chất bảo quản. Ở Alluvia, bạn có thể tìm thấy cả sô cô la không đường dành cho người ăn kiêng.

Sản phẩm chính của Alluvia hiện nay là sô cô la thanh gồm 13 loại: 4 dòng cơ bản, 3 vị cà phê, dừa, quế và 6 loại nhân điều, phộng, gừng, tiêu, hạt cacao, ớt. Bên cạnh đó, thương hiệu còn cung cấp các dòng sản phẩm phụ như bột cacao, bơ cacao, hạt rang cacao nguyên chất.

Anh Quang làm cà phê một cách miệt mài, quên ngày quên giờ, hào hứng khám phá những giá trị của cà phê và không ngừng chia sẻ nó. Nhưng đáp lại là sự chối từ của đại đa số khách hàng. Văn hóa cà phê ở Việt Nam hình thành từ hơn 100 năm nay; suốt một thế kỷ, người Việt đã quen nghĩ về cà phê như một thứ đồ uống màu đen, sánh, đậm, đặc, đắng - chỉ dành cho cánh đàn ông, và phải là những người đàn ông thật mạnh mẽ. Cà phê Là Việt khi đó là một khái niệm hoàn toàn mới đối với họ, một thứ cà phê có phần… nhạt. Nhiều người chân thành góp ý nên bỏ thêm hương liệu để nó giống với cà phê của người Việt, nhưng “100 năm uống cà phê theo cách đó, như vậy là đủ rồi”, anh Quang nói.

Là Việt không muốn thay đổi hương vị nguyên thủy của cà phê, bản chất nó là một thứ trái cây có 5 vị (chua, ngọt, đắng, mặn, ngậy) cân bằng mà ai cũng có thể uống. Hàng ngàn năm qua trên thế giới, người ta đã làm cà phê theo cách tôn trọng mùi vị tối đa. Để thay đổi dần dần nhận thức của khách hàng, năm 2015, anh Quang mở một nhà máy cà phê ở Đà Lạt, trong đó có khu sản xuất bao gồm phòng rang, phòng thử sản phẩm, và cả một quán cà phê. Bước vào không gian ngập tràn mùi cà phê đó, người ta có thể nhìn tận mắt mọi quy trình làm cà phê, từ khi chúng còn là những hạt nâu óng bóng bẩy đến khi xuất hiện dưới hình hài một tách đồ uống bắt mắt đặt ngay ngắn trên mặt bàn. Đó là cách Là Việt đến với mọi người, tự nhiên, chân thật và mềm mại.

Cà phê của Là Việt được gom thu hoàn toàn từ Đà Lạt - vùng nguyên liệu cà phê arabica của Việt Nam. Menu đồ uống của quán cà phê Là Việt bao gồm từ những thức uống kinh điển thế giới (như espresso, americano, cappuccino)… đến cà phê pha phin của Việt Nam (cà phê đen, cà phê sữa đá), và cả những món được phát triển, sáng tạo từ hai nền cà phê cơ bản đó như cà phê sữa dừa, cà phê margarita, cà phê oải hương, cà phê trà hạt chia, cà phê trà nếp cẩm… để thức uống từ cà phê không còn đơn điệu. Đầu tháng 8 vừa qua, Là Việt chính thức mở quán cà phê thứ hai ở Sài Gòn. Song song đó, Là Việt vẫn cung cấp cà phê nguyên liệu cho các tỉnh thành Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài.

Về cái tên Là Việt, anh Quang nói: “Tôi muốn làm ra một sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bằng kĩ thuật, kiến thức và sự lao động nghiêm túc, để nó có thể đứng sòng phẳng, ngang hàng với các sản phẩm cà phê khác trên thế giới”.

Là Việt khởi đầu bởi một mình anh Trần Nhật Quang, nhưng “mọi thứ sẽ không thể thành hình nếu không có bàn tay vận hành của vợ tôi”, vị CEO sinh năm 1980 tươi cười chia sẻ.

lavietcoffee

Nhắc đến phô mai, người ta thường nghĩ đó là sản phẩm của phương Tây. Nhưng đứng sau Kashew Cheese, cửa hàng phô mai chay từ hạt điều lại là một cô gái Việt có mái tóc dài đen nhánh và cái tên - như cô nói - ghép từ 4 loại quả thuần Việt 100%: Đậu Thị Lê Na.

Lê Na bắt đầu ăn chay sau một biến cố tinh thần. Dần dần, cô nhận ra dường như có một sự thiếu kết nối khi những người ăn chay ngồi cùng những người ăn mặn. Rất ít món ăn có thể đáp ứng nhu cầu khẩu vị của cả hai nhóm này, từ đó, tạo ra khoảng cách vô hình trong những bữa ăn xôm tụ lẽ ra phải có sự sẻ chia.

Phô mai chay là thứ có thể kết nối được giữa người ăn chay với người ăn mặn, giữa người Việt với người phương Tây. Kashew Cheese được làm bằng hạt điều hữu cơ nhập từ Bình Phước và những thứ gia vị quen thuộc trong khẩu vị của người Việt: tiêu Phú Quốc, ớt Sài Gòn, tỏi Lý Sơn… Mất 1 năm tự mày mò qua sách vở và internet, phải vứt đi rất nhiều mẻ phô mai hỏng trước khi Lê Na sở hữu được một xưởng sản xuất nhỏ, một cửa hàng với trên dưới 10 vị phô mai khác nhau không ngừng được sáng tạo ở Thảo Điền (Q.2, Tp.HCM).

Khách hàng của Kashew Cheese không chỉ có người nước ngoài, lượng người Việt Nam tìm đến với cửa hàng phô mai này đang ngày một đông, bởi sự tò mò trước một khái niệm thực phẩm mới mẻ và có lợi cho sức khỏe.

Với ý tưởng “cả xã hội Việt Nam thu nhỏ trong lòng bàn tay”, bộ bài Toàn Dân được Vũ Hoàng Anh (1989) và team Ù Tròn thiết kế lại toàn bộ nhận diện về chất và những khuôn mặt người. 52 lá bài chứa đầy đủ đại diện của 5 thành phần cơ bản trong xã hội Việt Nam thời kỳ cũ: sĩ, nông, công, thương, binh. Mỗi chất đại diện cho một hoặc hai giai cấp, và những khuôn mặt vừa lạ lại vừa quen xuất hiện trên thẻ bài được Hoàng Anh lựa chọn từ các nhân vật điển hình, như: trẻ, trâu, ông đồ (nông); doanh nhân, bà đầm (thương); nhà khoa học, giáo viên, nghệ nhân (sĩ, công)… Thiết kế của lá bài Toàn Dân mang rất nhiều tầng nghĩa để người chơi tự do khám phá và liên tưởng. Chẳng hạn, giai cấp Sĩ và Công được xây dựng trên chất cơ với biểu tượng trái tim, thể hiện cho tinh thần lao động bằng cả con tim và khối óc. Chất nhép với biểu tượng hạt gạo gắn liền cùng giai cấp Nông; chất rô với biểu tượng kim cương gắn với giai cấp Thương; chất bích với biểu tượng chiếc máy bay, mũi tên, gắn với giai cấp Binh. Có một điều thú vị là nhận diện của 4 chất bài đều được phát triển dựa trên hình ảnh hạt gạo – giá trị cốt lõi, cơ bản và chi phối nhiều nhất tới xã hội Việt. Khi úp tất cả các lá bài xuống, ta có được một khoảng sân đầy thóc lúa, một hình ảnh đậm chất nông thôn Việt Nam.

Bộ bài Toàn Dân ra mắt vào ngày 30/4/2018. Với sản phẩm này, Hoàng Anh và team Ù Tròn có mong muốn bản địa hóa những quân bài Tây đã quá quen thuộc trên toàn thế giới, biến chúng thành thứ đồ chơi bằng giấy có sức mạnh kết nối mọi tầng lớp, mọi thế hệ người Việt lại gần nhau.

Y25 SCENTS OF VIETNAM

Y25 Scents of Vietnam là kí ức mùi hương của chuyên gia Huỳnh Hải Yến về những miền đất đặc biệt ở Việt Nam mà chị từng yêu, sống và làm việc.

La Perle d’Orient là hương thơm nữ tính và cổ điển như ấn tượng về Sài Gòn thời còn là viên ngọc phương Đông, với mùi hương thanh tịnh của những đóa huệ trong nhà chùa và khói hương trầm ấm áp sáng mùng 1 Tết, đâu đó, vương vấn mùi khói thuốc của những cuộc vui nhộn nhịp khi thành phố sáng đèn.

L’Automne de Hà Nội gợi nhắc những cuộc chuyện trò về đêm đầy cảm xúc, dưới hương ngọc lan ngát thơm hòa trong khí trời se lạnh của mùa thu Hà Nội. Thành phố này là nơi chị Yến gặp được một nửa định mệnh của cuộc đời mình, cũng là nơi chị lần đầu biết đến một loài hoa mang tên ngọc lan. Hương nước hoa Hà Nội có sự pha trộn của ngọc lan, gỗ trầm và rêu cổ kính, khi mang lên cơ thể người đàn ông, nó mở ra một vùng trời cảm xúc nao lòng mà những người yêu mùa thu và yêu Hà Nội chắc chắn không thể nào quên.

Matin à Đà Lạt, mùi hương bán chạy nhất trong bộ sưu tập, có mùi thơm tươi mới của những tán thông buổi sáng lẫn cùng hương hoa mimosa mộc mạc. Nó là sự cô đọng của thứ không khí thư thái và cảm giác thanh thản mà ta vẫn có khi bước đi thong dong trên những con dốc, triền đồi của thành phố sương.

Và cuối cùng, La Mer de Nha Trang với hoa súng, bưởi hồng, rong biển… là mùi hương tươi mát của biển đảo, gắn liền với những chuyến nghỉ dưỡng tại các khu resort đẹp và yên ả như mơ, một mùi hương ai ai cũng có thể dùng vào bất kể ngày giờ nào.

Vì sao lại là chai sứ Minh Long thay vì chai thủy tinh thường thấy? Bởi so với bất kỳ chất liệu nào khác, sứ có độ cứng, tinh khiết và không xuyên sáng chính là điều kiện tốt nhất để bảo quản nước hoa. Cái bắt tay giữa một chuyên gia mùi hương người Việt với một thương hiệu gốm sứ lừng danh bản địa đã làm nên một bộ sản phẩm thấm đẫm tinh thần “made in Vietnam” trong từng đường nét, từng giọt hương cất ủ.

Wefit ra đời từ nhu cầu rất thật của người sáng lập khi Nguyễn Khôi gần như cạn sức sau 14-16 giờ làm việc mỗi ngày. Ý thức về việc nâng cao sức khỏe khiến Khôi có nhu cầu tập luyện nhưng anh không thể gắn bó lâu dài ở một phòng tập theo khung giờ cố định.

Khôi tạo ra WeFit - ứng dụng di động cung cấp giải pháp tập luyện bằng cách liên kết các phòng tập trên khắp địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Người dùng chỉ cần mua một gói tập duy nhất của WeFit, kích hoạt ứng dụng trên smartphone để trải nghiệm việc tập luyện tại bất kỳ phòng tập nào trong hệ thống.

Được phát triển từ đầu năm 2016, khởi đầu liên kết với hơn 100 phòng tập và hơn 10 bộ môn khác nhau, đến nay, WeFit đã có hơn 700 phòng tập trong hệ thống cùng với hơn 30 bộ môn khác nhau từ gym, yoga đến zumba, boxing... tại cả Hà Nội và Sài Gòn cùng hơn 65.000 người dùng và đặt lịch đều đặn.

Khôi chia sẻ về tham vọng với WeFit, rằng anh muốn ứng dụng này sẽ phát triển thành một nền tảng công nghệ về sức khỏe và phong cách sống chứ không chỉ gói gọn là một ứng dụng đặt lịch tập. Trong định hướng 5 năm tới, WeFit muốn triển khai ra các thị trường khác như Đông Nam Á, Ấn Độ và Nam Mỹ.

101 BỘ PHIM
VIỆT NAM HAY NHẤT

Nhà báo, nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt “101 bộ phim Việt Nam hay nhất”. Anh cho rằng những sản phẩm “made in Vietnam" phải có một sứ mệnh lớn lao hơn cái tên của nó. Ngoài việc chinh phục khán giả trong nước, chúng cần phải tiến ra quốc tế.

Tiêu chí nào giúp anh chọn lựa các tác phẩm để đưa vào dự án sách “101 bộ phim Việt Nam hay nhất”, thưa anh?

Tiêu chí đầu tiên của tôi là những bộ phim nói về thân phận con người Việt Nam, tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, do nghệ sĩ Việt Nam hoặc nghệ sĩ có dòng máu Việt Nam sáng tạo. Người nghệ sĩ đó không nhất thiết sống và làm việc ở Việt Nam mà có thể ở nước ngoài, bộ phim đó có thể không nhất thiết quay ở Việt Nam mà quay ở nước khác. Điều quan trọng cuối cùng khi tôi chọn lựa một tác phẩm, một bộ phim vào dự án này, là nhất định nó phải có bản sắc Việt Nam, tất nhiên qua cái nhìn có tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Đôi lúc, một tác phẩm của nghệ sĩ gốc Việt lớn lên ở nước ngoài và thụ hưởng nền văn hóa phương Tây tôi thấy còn mang bản sắc Việt hơn nhiều tác phẩm của nghệ sĩ trong nước.

Khái niệm “made in Vietnam” thường hướng đến những điều cổ xưa. Anh có tìm kiếm điều này ở những thứ đương đại hay không?

Tôi không nghĩ những sản phẩm “made in Vietnam” thường hướng đến những thứ cổ xưa, nếu không muốn nói nó hướng tới những giá trị hiện đại mà giới trẻ đang chú trọng. Trong nhiều sản phẩm “start-up” của người Việt, tôi thấy một thế hệ trẻ đang tiên phong xây dựng những thương hiệu, những sản phẩm “made in Vietnam” để xuất khẩu ra thế giới, và một số người thành công, làm giàu từ điều đó.

Chỉ tiếc là trong nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng, con số này vẫn rất ít ỏi. Sự xoay chuyển của thị hiếu và thị trường khiến giới sáng tạo đang chạy theo cuộc đua thương mại, doanh thu phòng vé để chinh phục khán giả trong nước mà bỏ quên một thị trường rộng lớn bên ngoài. Trong thời chiến tranh và hậu chiến, chúng ta có “Chị Tư Hậu”, “Cánh đồng hoang”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”,... từng gây tiếng vang ở quốc tế, ít nhất là tại các nước thuộc khối XHCN cũ. Trong thời Đổi mới và Kinh tế thị trường bắt đầu mở cửa, chúng ta có bộ ba phim về đề tài Việt Nam của Trần Anh Hùng, “Ba mùa” của Tony Bùi, “Mùa len trâu” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, “Dòng máu anh hùng” của Charlie Nguyễn... Nhưng trong vòng 10 năm trở lại đây, con số ấy ít ỏi dần và thậm chí biến mất, ngoài một số bộ phim thể nghiệm của Phan Đăng Di, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Hoàng Điệp. Càng ngày càng hiếm những bộ phim, những tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam có mặt ở các liên hoan phim, các diễn đàn nghệ thuật thế giới. Và không chỉ trong điện ảnh, ở các lĩnh vực nghệ thuật khác, khái niệm “made in Vietnam” cũng quá mờ nhạt.

Nhưng tôi vốn là một kẻ lạc quan và luôn tin vào giới trẻ. Tôi đang chờ đợi một thế hệ mới thực sự, đem đến những tác phẩm “made in Vietnam” thuần khiết hơn, tự tin hơn để không chỉ chinh phục khán giả trong nước mà phần nào đó, ở phạm vi quốc tế.

“Sự lưỡng nan của tình thế làm người”, “Cánh chim trong gió”, “Xem chữ đọc hình” - tên sách của anh thường không thỏa hiệp với yếu tố ăn khách hay bán chạy mà là những câu chữ tiếng Việt nhiều tầng, đa nghĩa. Khi đặt các tiêu đề này và khi viết nói chung, anh có muốn làm giàu tiếng Việt?

Các nhan đề sách của tôi thường mang tinh thần chung của cả tập hoặc gợi mở một điều gì đó hơn là đóng khung nó lại. Có thể do tôi ảnh hưởng từ những bộ phim giàu sức liên tưởng, giàu hình ảnh và không cố để nói, để kể một điều gì đó cụ thể. Tôi thích bay nhảy, chơi đùa với tiếng Việt thì đúng hơn, “làm giàu” nghe có vẻ hơi to tát và vĩ cuồng. Các nhà văn, nhạc sĩ, các bậc thầy ngôn ngữ đã làm điều đó quá tốt rồi, tôi học cả đời còn chưa xong.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Nguyễn Phi Phi Anh (nghệ danh PPAN, sinh năm 1991) hiện là Giám đốc Hãng phim hoạt hình Vintata. Anh và ê-kíp gần 100 cộng sự vừa ra mắt 3 tập đầu tiên: “Hành tinh Mỳ”, “Hành tinh Rác” và “Hành tinh Bánh Sinh Nhật” của series phim hoạt hình “Monta trong dải ngân hà kỳ cục”.Trước đó, PPAN được biết đến như một đạo diễn nhạc kịch “dị, độc, đỉnh” với 3 vở diễn rực rỡ sắc màu Broadway là “Góc phố Danh Vọng”, “Đêm hè sau cuối”, và “Mộng ước không xa vời”.

Học ở Mỹ, cái nôi của Hollywood, nhưng thay vì chọn làm việc tại Google hay Amazon như những người bạn mà anh từng bảo “đều rất giỏi”, anh lại về Việt Nam. Quyết định ấy phải trải qua những đấu tranh, đắn đo nào?

Thực ra, tôi không phải đấu tranh hay đắn đo gì. Tôi còn trẻ mà. Và vì còn trẻ, tôi muốn khám phá, trải nghiệm, hơn cả, là sống hết mình. Sự an toàn chưa cần thiết lắm ở tuổi này. Tôi nghĩ vậy!

Trước đó, với “Đêm hè sau cuối”, “Góc phố Danh Vọng”, “Mộng ước không xa vời”, từng có tranh luận nhạc kịch của Nguyễn Phi Phi Anh là “vỏ Tây, hồn Việt”. Với “Monta”, yếu tố Việt và Tây sẽ được phân định hay hòa trộn thế nào?

Với “Monta”, tôi cho rằng đây là tiếng nói Việt Nam và tầm nhìn quốc tế. Sản xuất phim hoạt hình Việt là một kỳ vọng lớn, và sẽ được hiện thực hóa không chỉ với “Monta trong dải ngân hà kỳ cục”, mà còn nhiều dự án rất khác biệt mà Vintata đang ấp ủ.

Monta, như anh từng chia sẻ, lấy nguyên mẫu từ con voọc quần đùi trắng của Việt Nam. Nhưng những nhân vật khác như cừu, gõ kiến, cá mập lại khá “ngoại”, và có thể không thuần Việt. Tại sao lại có những yếu tố không thuần Việt trong phim hoạt hình Việt nhỉ?

Thế nào là thuần Việt? Phải chăng là cây đa, lũy tre, con trâu, con dế, ruộng bậc thang? Nếu là những ví dụ này thì không phải chỉ Việt Nam mới có. Hơn nữa, chúng cũng chỉ quen thuộc với một phân khúc khán giả, một lứa tuổi nhất định thôi.

Chúng tôi quan tâm hơn đến thế giới vô cùng cởi mở trong trí tưởng tượng của trẻ em – không chỉ trẻ em Việt Nam mà trẻ em nói chung – nơi mà mọi loài động vật đều đáng yêu và có những cá tính bất ngờ. Từ góc nhìn chuyên môn, chúng tôi chọn những nhân vật có khả năng diễn xuất tốt nhất, dễ thương nhất, dễ hấp dẫn trẻ em nhất, qua nhiều thử nghiệm và chọn lọc, chứ không phải lựa chọn ngẫu nhiên, cũng không chọn chỉ để cho thuần Việt.

Vintata là một ê-kíp nhiều người Việt. Anh đánh giá thế nào về những cộng sự của mình, và bằng cách nào “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” có thể ra mắt sớm ngoài sức tưởng tượng như vậy?

Quả thực, để ra mắt nhanh như vậy thì sau khi vừa chốt được kịch bản, cộng sự của tôi đã làm việc miệt mài, gần như không có ngày nghỉ. Cũng phải nói thêm, hành trình của Vintata đã bắt đầu từ gần hai năm trước. Kể từ cuối năm 2016, tôi đã bắt đầu rục rịch tìm kiếm cộng sự và mất nhiều thời gian để tìm ra một quy trình sản xuất phim hoạt hình riêng, phù hợp với họa sĩ Việt Nam.

Hoạt hình thực sự vẫn là một bộ môn nghệ thuật quốc tế, cần được Việt hóa không chỉ ở tác phẩm mà còn ở quy trình tạo ra tác phẩm.

Trong bối cảnh phim hoạt hình Việt gần như “lay lắt”, không có nhiều tác phẩm mới và cũng bị cho là không có người xem, khán giả liệu có thể kỳ vọng về việc “Monta” cùng những series phim hoạt hình “made in Vietnam” tiếp theo của anh sẽ chinh phục được sự ngây thơ, trong sáng của trẻ em Việt và thế giới?

Tôi nghĩ khán giả đã bắt đầu có thể kỳ vọng về những bộ phim hoạt hình Việt Nam mà trẻ em Việt “chịu” xem. Cá nhân tôi cho rằng trẻ em là một trong những đối tượng khán giả khó chiều nhất. Chính tôi là người làm phim đôi khi cũng cảm thấy mình cũ kỹ và chậm so với sức tưởng tượng của các em (cười).

Cảm ơn những chia sẻ của anh!