Trở lại trong một tinh thần mới mẻ và trẻ trung hơn, một lần nữa, Đẹp hào hứng đồng hành cùng những sản phẩm gắn nhãn mác Việt. Kết tinh từ những khối óc sáng tạo không ngừng và trái tim căng tràn nhiệt huyết, những cái tên nhỏ bé tiếp tục ghi danh mình vào đội quân hùng hậu lan tỏa niềm tự hào mang tên “Made in Vietnam”.
Khi nhìn thấy những quân cờ mang dáng dấp các nhân vật truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ hay Thánh Gióng trên bàn cờ vua phương Tây, ít ai biết rằng đó là ý tưởng của ba bạn tuổi đời còn rất trẻ: Thanh Duy, Bảo Quân và Ngọc Hà (sinh viên trường Đại học RMIT).
Đứng trước câu hỏi: “Làm thế nào để các nhân vật lịch sử Việt Nam có thểxuất hiện trong một bộ đồ chơi quốc tế mà không gây khó hiểu?”, Thanh Duy đã tìm ra lời giải bằng cách thay đổi nhận diện của các quân cờ: quân vua mang hình ảnh Lạc Long Quân, quân hậu là Âu Cơ, quân tượng là Hai Bà Trưng, quân mã là Thánh Gióng, quân xe là Cổ Loa Thành và quân tốt là Yết Kiêu.
Ròng rã 3 tháng trời với hàng loạt công đoạn và vô số lần thất bại, từ việc lên ý tưởng, chọn nhân vật, phác thảo, xây dựng bản vẽ chi tiết nhân vật, dựng model bằng chương trình 3DS MAX , đến tạo lập nhân vật trong phần mềm máy tính để đưa vào máy in 3D, sơn vẽ, làm bóng... cuối cùng , ba bạn trẻ cũng cho ra tạo hình mới của các quân cờ.
Ngốn chừng ấy công sức và thời gian, “The Legends Chessboard” (Bộ cờ vua The Legends) đã vượt qua 300 bài dự thi để giành giải Nhất “Cảm quan Việt Nam” - cuộc thi nằm trong chuỗi sự kiện Vietnam Creative Festival 2016 . Điều cả ba mong muốn là nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức để những quân cờ mang đậm dấu ấn lịch sử Việt Nam không chỉ được thưởng lãm ở các buổi trưng bày mà còn có cơ hội nằm trên tay những người say mê trò chơi trí tuệ này.
Vạn Tích – Sơn Tinh Thủy Tinh là bộ đồ chơi kể lại thần thoại Việt Nam, gồm 1 cuốn truyện tranh song ngữ, 1 bàn cờ với 20 thẻ bài, 4 quân cờ và 5 nhân vật (Vua Hùng, Mị Nương, Sơn Tinh, Thủy Tinh và Ngựa Chín Hồng Mao). Giống mô hình cờ tỉ phú, người chơi di chuyển các quân cờ theo xúc xắc, trên hành trình, ai thu thập đủ 5 "sính lễ" sẽ giành chiến thắng. Không chỉ dừng lại ở cuộc đua của Sơn Tinh – Thủy Tinh, bộ đồ chơi Vạn Tích dự kiến đưa các nhân vật như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng... ra thị trường trong thời gian sớm nhất.
Sản phẩm được làm bằng chất liệu nhựa an toàn, phù hợp với trẻ em. Có lẽ đã đến lúc các thành viên trong gia đình có thể xích lại gần với nhau, kể cho nhau nghe truyện cổ dân gian Việt Nam qua những bước đi đầy chiến thuật trên bộ đồ chơi tinh xảo Vạn Tích.
Ấn phẩm đặc biệt theo phong cách art-book này là tập hợp những câu chuyện cổ tích hoặc truyền thuyết dân gian đã được Trần Thế Pháp, một danh sĩ đời Trần viết bằng chữ Hán. 36 câu chuyện trong "Lĩnh Nam chích quái" (Những chuyện kì lạ ở đất Lĩnh Nam) kể những tích truyện thần kì về phong tục, những địa danh hay các biểu tượng gắn với lịch sử dân tộc. Họa sĩ Tạ Huy Long đã tạo một không gian mới cho "Lĩnh Nam chích quái" với hơn 200 bức tranh minh họa. Anh mất nhiều năm sưu tầm các họa tiết, lựa chọn từng gam màu từ những bức tranh dân gian truyền thống đến trào lưu hội họa quốc tế để vẽ nên những bức hình sống động. "Lĩnh Nam chích quái" đã tạo nên một kỳ tích khi lần đầu tiên một cuốn sách về văn hóa, lịch sử “cháy hàng” từ trước ngày ra mắt chính thức.
Ấn tượng sâu sắc với văn hóa Việt Nam song lại thất bại trong hành trình tìm kiếm một chiếc áo phông chất lượng cao trên mảnh đất hình chữ S, nhà thiết kế người Pháp Benjamin Grepinet đã nảy ra ý tưởng thành lập Ginkgo T-Shirts, với mong muốn mang các sản phẩm thuần Việt chạm tới trái tim bạn bè quốc tế. Lấy hình ảnh chiếc lá rẻ quạt phủ sắc vàng kiêu hãnh làm biểu tượng, Ginkgo – tên gọi vốn bắt nguồn từ một loài cây có sức sống mạnh mẽ, trở thành thương hiệu thời trang được ưa thích.
Cùng với các thiết kế độc đáo, có chất lượng cao, điều làm nên sự khác biệt của Ginkgo chính là tiêu chí thân thiện với môi trường. Đa số các sản phẩm của Ginkgo được sản xuất từ chất liệu bông hữu cơ và các loại sợi tự nhiên, vừa phản chiếu rõ nét dấu ấn vùng miền vừa đề cao giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Cảm hứng từ thiên nhiên với hình ảnh hoa lá cách điệu hay những câu châm ngôn ý nghĩa của các vĩ nhân đều có thể trở thành chất liệu chế tác lý tưởng cho thiết kế của Ginkgo. Không chỉ áo phông mà các dòng phụ kiện như nón lá, túi vải cũng thấm đượm tinh thần ấy.
của Ginkgo. Không chỉ áo phông mà các dòng phụ kiện như nón lá, túi vải cũng thấm đượm tinh thần ấy.
Để chinh phục giấc mơ lan tỏa bản sắc Việt ra toàn cầu, Giám đốc Sáng tạo Benjamin Grepinet và các cộng sự người bản xứ còn mang những nét mới đan lồng trong sản phẩm truyền thống. Sự giao hòa ấy tạo nên sức hút đặc biệt cho các sản phẩm của Ginkgo, không riêng người Việt Nam mà cả du khách nước ngoài cũng bị hấp dẫn.
Trải qua một thập kỷ phát triển, từ năm 2007 tới nay, Ginkgo đã xây dựng chuỗi cửa hàng bán lẻ và thành công cho ra mắt mô hình cửa hàng concept – giới thiệu các sản phẩm chất lượng cao hoàn toàn “made in Vietnam”. Trong viễn cảnh tương lai, nhãn hàng đặt ra mục tiêu phủ sóng toàn khu vực Đông Nam Á, sau đó lan rộng đến các nước khác trên thế giới. Đồng thời, Ginkgo cũng sẽ tiếp tục các hoạt động bảo trợ, tham gia những chiến dịch về môi trường, quyết tâm theo đuổi hình ảnh một thương hiệu xanh.
Ra đời vào năm 2013 với sứ mệnh tôn vinh kỹ nghệ thủ công, Ladan không chỉ mang hơi thở thời gian “dệt” nên các mẫu túi cói, giỏ nan mà còn thể hiện sự sáng tạo mới mẻ trên chính những thiết kế in đậm dấu ấn truyền thống. Hai cô chủ 9X của Ladan, Thảo Đào và Anna Phan, luôn tìm thấy ý tưởng chế tác cũng như được truyền cảm hứng từ những chi tiết bình dị, quen thuộc trong chính cuộc sống hàng ngày. Đó có thể là bông sen đầu hạ, trái hồng chín mùa thu, những khu phố cũ hay quý cô tân thời trong tà áo dài duyên dáng,... Trên nền chất liệu tự nhiên như cói, lục bình, lá bàng… các chi tiết ấy được điểm xuyết hết mực khéo léo, thể hiện một cách tinh tế văn hóa truyền thống.
Chú trọng chất lượng và mang tinh thần cổ điển, những thiết kế thủ công của Ladan có ưu điểm rất nhẹ nhờ giản lược tối đa vật liệu, song không vì thế mà mất đi sự tinh xảo.
Để hoàn thiện được một mẫu túi, Ladan cần tới 3 đến 6 tháng, thậm chí mất một năm. Bên cạnh sự cẩn trọng và cầu toàn, điều khiến Ladan trở nên đặc biệt là sự sáng tạo không ngừng để có được những bộ sưu tập phong phú. Mỗi năm, Ladan cho ra mắt các sản phẩm được thể nghiệm trên những chất liệu mới, với nhiều nét cách tân và chất lượng ngày một cao hơn.
Coi giá trị truyền thống là kim chỉ nam, Ladan được chính chủ nhân của thương hiệu định nghĩa như mái nhà dành cho người trẻ, những người luôn khát khao xây dựng một phong cách sống hiện đại nhưng cũng ngập tràn đam mê với tinh hoa nguồn cội: “Ladan chính là căn nhà di động với hành trình đầy ắp thử thách thú vị và không có điểm dừng. Hễ cứ đi, chúng tôi lại được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Từ góc nhìn của Ladan, chúng tôi luôn khám phá được những điều đặc biệt”.
Với nhiều phụ nữ Hà Nội và người nước ngoài, khăn lụa Ly Vũ luôn truyền cho họ một cảm hứng đặc biệt mỗi khi khoác lên mình. Những bức tranh vẽ tay khiến mỗi chiếc khăn là một câu chuyện khác biệt.
Nhà thiết kế Ly Vũ chia sẻ, cô ít khi phải đối mặt với một trang giấy trắng mà không biết phải bắt đầu từ đâu. Hội họa, văn học, lịch sử, du lịch luôn là nguồn cảm hứng bất tận mà cô có thể đắm chìm trong đó. Bộ sưu tập khăn “Biển” (La Mer) ra đời từ những câu chuyện ngày nhỏ như "Nàng tiên cá", "Hai vặn dặm dưới đáy biển”, từ những bức vẽ ngây thơ, những trang nhật kí thời thơ ấu; hay những chiếc khăn trong bộ sưu tập "Jardin d'Autume" (Khu vườn mùa thu) lấy ý tưởng từ miền ký ức tươi vui khi cô được thỏa thích vui vầy giữa thiên nhiên trong khu vườn của ông bà; đặc biệt hơn là bộ sưu tập khăn “Lust & Love” minh họa phụ nữ khỏa thân bơi dưới biển, khóc, ngủ, tắm, ngắm mình trong gương... đều được Ly vẽ phác thảo, tô màu, sắp xếp bố cục tạo ra bộ họa tiết trước khi được in thành phẩm trên lụa. Mỗi chiếc khăn lụa sau khi in, được cắt, khâu viền tay thủ công, và bọc trong giấy dó tẩm nước hoa.
Toàn bộ công đoạn để sản xuất một chiếc khăn lụa là khoảng 4 giờ đồng hồ. Ly Vũ chia sẻ: “Giá trị sáng tạo của chiếc khăn không chỉ đến từ những họa tiết vẽ tay độc quyền mà còn đến từ chính khách hàng - những người đã biến tấu vô vàn các kiểu quàng, thắt khăn độc đáo, thú vị, biến mỗi chiếc khăn thành một tác phẩm nghệ thuật bổ sung vào phong cách thời trang của họ”.
Gác-măng-giê ra đời từ ý tưởng của ba bạn trẻ (Lê Hoàng Đạo, Nguyễn Thanh Kỳ Phương và Nguyễn Minh Khang) cùng chung sở thích ăn uống. Sau nhiều ngày la cà quán xá, họ nhận ra có quá nhiều món ngon Việt Nam đang bị đánh giá thấp hơn giá trị ẩm thực và tinh thần của nó. Cái còn thiếu chính là một “tấm áo” đẹp. Gác-măng-giê - Cái tên phiên âm từ tiếng Pháp vốn chẳng mấy xa lạ với các bạn trẻ 8x, bởi chạn bát ấy gắn liền với hạnh phúc tuổi thơ của họ, đã ra đời từ những điều giản dị như thế.
Mỗi món ăn là một hành trình. Vác ba lô lên đường, nhóm bạn trẻ tìm gặp từng cơ sở sản xuất và trao đổi chi tiết với họ về quy trình chất lượng. Chính vì vậy, những món ngon của Gác đều mang hương vị “orginal” của từng vùng miền và đảm bảo tiêu chuẩn ngon và đẹp. Tất cả các sản phẩm này tiếp tục được đóng gói tại xưởng của Gác-măng-giê và đưa đến tay khách hàng qua hệ thống đặt hàng trực tuyến và giao hàng nội bộ. Tính đến thời điểm hiện tại, Gác đã có 8 sản phẩm đại diện cho 8 tỉnh thành như: da heo tỏi ớt Sài Gòn, cơm cháy chà bông Ninh Bình, khô gà xé Đà Nẵng, bánh tráng sa tế Long An, bánh tráng ruốc Huế, me xí muội Gò Công, đậu phộng Trà Vinh...
Chiếc áo “khoác” lên mỗi món ăn đều mang thiết kế thuần Việt, bắt mắt nhưng lại rất gần gũi. Khởi xướng từ những sở thích bé nhỏ, Gác-măng-giê mong muốn đánh thức niềm tự hào trong mỗi người Việt.
Daan là người Hà Lan, nhưng anh tự nhận mình mang một trái tim Việt. Đã từng sống ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như Amsterdam, New York, Chicago và Singapore, hai năm trước, Daan đặt chân đến Sài Gòn, và ngay lập tức “phải lòng” đô thị nhộn nhịp, tràn đầy năng lượng này. Với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, Daan muốn làm một điều gì đó thật đặc biệt tại đây, và ước mơ làm những “thứ xinh xắn, đẹp đẽ” được nhen nhóm.
Chi là một trong những style influencer (Người có ảnh hưởng về phong cách) đầu tiên ở Việt Nam. Instagram của cô có gần 60.000 người theo dõi với hàng loạt hình ảnh bắt mắt.
Yêu thích phong cách của Chi trên mạng xã hội, Daan vô cùng bất ngờ khi phát hiện ra cô gái này lại là hàng xóm của mình. Hai người gặp nhau ngoài đời, và chỉ nửa năm sau, Bright ra đời.
Xuất phát từ suy nghĩ về một xã hội phát triển năng động dễ khiến con người ngày càng chịu nhiều sức ép và dần mất đi cá tính, hộp quà tặng Bright là tập hợp của những món đồ nhỏ xinh, đẹp đẽ nhưng vô cùng ý nghĩa, mang đến cho người sở hữu chúng cảm giác bình yên, thư thái giữa cuộc sống hối hả.
Hai tháng một lần, Chi và Daan lại cho ra mắt hộp quà theo một chủ đề xuyên suốt, gồm rất nhiều món đồ thú vị, như: một cuốn tạp chí Bright với những câu chuyện thú vị về các nhân vật truyền cảm hứng, các sản phẩm độc đáo, mới lạ và những địa chỉ thú vị để bạn trải nghiệm, một cuốn sổ tay xinh xắn được làm từ giấy tái chế, một chiếc ô dễ thương dán logo Bright, một bộ dụng cụ trồng cây giúp bạn thư giãn ngày mưa, một cuốn sách để thư giãn hay chiêm nghiệm cuộc sống...
Mỗi hộp quà chứa đựng rất nhiều bất ngờ nhưng luôn gắn liền với tiêu chí “xanh hơn, mộc hơn, hạnh phúc hơn”, Daan và Chi tin rằng, khi mở hộp quà Bright, niềm vui sẽ được lan tỏa và cuộc sống sẽ thi vị hơn.
Xen lẫn giữa các bộ phim điện ảnh, nữ đạo diễn của “Đập cánh giữa không trung” lại bận rộn đi về các vùng nông thôn để theo đuổi một niềm đam mê khác là tinh dầu. Lớn lên cùng những mùi hương từ cây cỏ, thảo mộc, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống làm Đông y nên tôi được làm quen với dược liệu tinh dầu một cách tự nhiên. Sau này mẹ tôi bị bệnh phải nằm một chỗ, bà có nhiều đòi hỏi tưởng như khó đáp ứng nhưng bố tôi – một bác sĩ Đông y – lại nghĩ ra những cách rất đáng yêu! Ví dụ, mẹ than thở: ‘Gớm, chả hiểu tôi ốm yếu thế này thì qua được mấy cái Tết nữa...’, vậy là bố tôi liền chế ngay ra nước mùi già, để cứ lúc nào mẹ đòi Tết là lập tức pha cho mẹ tôi rửa mặt, lau người… vờ như Tết đến! Chứng kiến sự kì diệu của tinh dầu, khi nó có thể đem người ta trở về những miền thời gian rất riêng tư, tôi muốn tìm một cách nào đó để lưu giữ kí ức qua mùi hương! Tinh dầu Úi Chà của chúng tôi bắt nguồn từ gia đình, hình thành cùng gia đình và cũng dành cho gia đình”.
Nguyên liệu làm tinh dầu là điều rất quan trọng. Chất lượng của tinh dầu phụ thuộc vào thổ nhưỡng của giống cây, thời tiết, thời điểm chiết xuất... Điệp ưa chuộng nhất là tinh dầu bản địa, chiết xuất đúng tại vùng chuyên canh. Cô xuống tận nhà vườn, thuyết phục bà con nông dân, chủ cơ sở chiết xuất hay hợp tác xã... cùng đi đường dài với mình. Suốt 2 năm, cô theo đuổi thu mua từng vụ mùi già, trồng thử, bao tiêu rồi chiết xuất. Thú vị, mạo hiểm, và đáng để theo đuổi, các mẻ tinh dầu luôn hứa hẹn điều gì đó thật bất ngờ như chính tiếng reo “Úi chà!”.
Sau tinh dầu Úi Chà, Điệp tiến thêm một bước nữa, mở quán trà và đặt tên theo cách chơi chữ là Úi Chà Trà. “Một lọ tinh dầu thanh khiết, một gói trà sạch lành, một thức quà bổ dưỡng… Chúng tôi hi vọng, những gì Úi Chà có thể dành cho bạn đều khiến bạn thấy vui, ăn thấy ngon, nhìn thấy đẹp, nghe thấy êm, cơ thể và tâm trí thấy nhẹ nhàng, tươi xanh”, Hoàng Điệp nói.
Khi tôi hỏi: “Bạn có ý định mở rộng Lam Mộc sang các lĩnh vực làm đẹp khác không hay chỉ muốn chuyên tâm với sản phẩm chăm sóc tóc thôi?”, Thy (Âu Nguyễn Minh Thy, chủ thương hiệu Lam Mộc - PV) sửa lại: “Không, không phải sản phẩm chăm sóc tóc, mà là sản phẩm chăm sóc da đầu”. Cô lý giải rằng mọi vấn đề của tóc như khô xơ, gãy rụng, gàu, ngứa hay xẹp... đều bắt nguồn từ sự mất cân bằng của da đầu. Lam Mộc của Thy giải quyết từ gốc những vấn đề đó bằng những thành phần ưu tú có trong tự nhiên thay vì sử dụng hóa chất làm “tiểu xảo” khiến sợi tóc “có vẻ” mượt, “có vẻ” bóng khỏe.
Việc Thy có Lam Mộc chỉ có thể lý giải bằng một chữ duyên. Trước đây, Thy từng nhuộm màu, mái tóc sau đó trở nên yếu và rụng rất nhiều. Thy thử mọi loại dầu gội trong suốt 2 năm, nhưng không có kết quả.
Một ngày, cô tình cờ bắt gặp một chai dầu gội có dáng vẻ khá kì lạ: đựng trong chai nước suối. Thy tò mò hỏi thì được biết đó là một loại dầu gội thiên nhiên dành cho những người theo đuổi lối sống thực dưỡng, được làm bởi một giảng viên Hóa - Sinh của trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Thy thử dùng thì thấy tóc giảm rụng rõ rệt ngay trong lần gội đầu tiên. Sau một năm thử nghiệm, Thy lấy lại được mái tóc đen mượt, dài và bóng. Đó là lúc cô chính thức bắt tay xây dựng Lam Mộc.
Thy chọn cho Lam Mộc những nguyên liệu tự nhiên rất quen thuộc trong cuộc sống: bồ kết lấy từ huyện Trà My (Quảng Nam) là thành phần chính nhất, ngoài ra có hà thủ ô, hương nhu, bồ hòn, tinh dầu bưởi, tinh dầu sả chanh, cỏ mần trầu... Để giữ cho Lam Mộc tự nhiên nhất có thể, Thy không sử dụng chất tạo bọt, chất làm sánh hay làm mượt tóc. Dầu gội Lam Mộc vì thế rất loãng, nhưng đủ để làm mượt tóc, sạch da đầu. Khi gội xong, tóc tơi bồng thay vì nặng, bết.
Thứ “nước bồ kết nấu sẵn” này đã mang đến một trải nghiệm mới cho những cô nàng sống trong thời đại công nghiệp, vừa gợi nhắc đến cung cách làm đẹp truyền thống của bà của mẹ, vừa mang âm hưởng hối hả của thời đại khi được đóng trong chai thẩm mĩ và tiện dụng. Trong tương lai, mục tiêu của Thy là muốn đưa Lam Mộc vào hệ thống siêu thị toàn quốc để mọi người đều có thể tìm mua dễ dàng.
CAO Fine Jewellery là thương hiệu trang sức cao cấp của Tập đoàn PNJ ra đời năm 2005. Bắt nguồn từ niềm đam mê cũng như khát khao thể hiện tay nghề đỉnh cao của những người thợ kim hoàn Việt Nam, các bộ sưu tập trang sức của CAO Fine Jewellery lần lượt ra đời, trở thành niềm tự hào của Tập đoàn PNJ nói riêng và của người Việt Nam nói chung. Mỗi sản phẩm là kết tụ tinh hoa của những nhà thiết kế và người thợ kim hoàn chế tác giàu kinh nghiệm. Đường nét tinh xảo trên chất liệu vàng cao cấp cùng những viên đá quý hòa quyện tạo nên các thiết kế sang trọng, vừa cổ điển mà vẫn mang tinh thần hiện đại, trở thành niềm kiêu hãnh cho phái đẹp ở bất kỳ nơi đâu.
Bên cạnh những bộ trang sức đặc sắc được sản xuất độc bản hoặc số lượng hạn chế, CAO Fine Jewellery cũng hướng đến những thiết kế sáng tạo, nguyên bản và hiện đại bắt kịp với xu hướng. Dòng sản phẩm này hướng đến tính ứng dụng được thể hiện rất rõ qua các thiết kế, dễ dàng kết hợp với trang phục để thể hiện phong cách cá nhân. Bắt nguồn từ ý tưởng “Tôi yêu Việt Nam” được thương hiệu triển khai từ năm 2015,
phong cách cá nhân. Bắt nguồn từ ý tưởng “Tôi yêu Việt Nam” được thương hiệu triển khai từ năm 2015, năm nay, CAO Fine Jewellery cho ra mắt bộ sưu tập “Oriental” với các thiết kế lấy cảm hứng từ cây tre, bông lúa - những hình ảnh thân thuộc gắn liền với mỗi người Việt Nam. Tạm quên đi những hình ảnh xưa cũ của tre, lúa, các thiết kế trang sức trong bộ sưu tập “Oriental” mang hơi thở đương đại, phù hợp với những cô nàng trẻ trung, năng động tại các đô thị hiện đại.
Hình ảnh mềm mại của bông lúa được thể hiện qua hình hài những viên đá sapphire, kim cương hay chất liệu vàng lấp lánh, còn dáng hình vững chãi của tre Việt được truyền tải qua đường nét chạm trổ tinh tế trên viên đá garnet xanh lá. Những biểu tượng gần gũi, thân quen ấy được các nhà thiết kế, nghệ nhân của CAO Fine Jewellery thổi vào một sức sống mới, mãnh liệt hơn, trẻ trung hơn và trở thành tuyệt tác nghệ thuật, kết tinh từ bàn tay và khối óc của những người con đất Việt.
Giữa nhịp sống hối hả nơi thành thị, đôi lúc người ta thèm “nấp” vào một góc yên tĩnh. Ở đó, hương cà phê lan tỏa trong không gian ấm cúng, tiếng nhạc nhè nhẹ, vài chiếc giường êm ái, và những cuốn sách xếp sẵn trên giá... đợi sẵn khi bạn đã mỏi bước chân. Nấp ra đời từ ý tưởng độc đáo đó.
Là một cafe-hostel quen thuộc với nhiều bạn trẻ Sài Gòn, trong một con hẻm yên tĩnh ở trung tâm thành phố, không gian của Nấp tối giản, hiện đại nhưng vẫn chấm phá đôi nét Á Đông. Vừa là quán cà phê, vừa sở hữu hệ thống giường tầng tiện nghi, Nấp mang đến cho bạn một trải nghiệm thú vị về sự cân bằng đích thực.
Buổi sáng mở mắt để thấy sắc xanh tràn ngập cả không gian, vệt nắng nhảy nhót bên ô cửa, bạn cất lời chào ngày mới, hay thảnh thơi bên ly cà phê ở góc quán ngay nơi mình ở khi chiều về, đọc vài cuốn sách, nhỏ nhẹ những cuộc gặp gỡ mới, và đợi lúc thành phố lên đèn để chìm vào giấc ngủ trong tiếng nhạc dìu dặt. Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ làm thành phố như bước chậm lại, dịu dàng và đáng yêu hơn.