Mạc Văn Khoa: “Người như tôi có muốn chiêu trò cũng không biết thể hiện làm sao!” - Tạp chí Đẹp

Mạc Văn Khoa bắt đầu nghệ thuật với nhiều hạn chế lớn: từ ngoại hình, giọng nói, và cả trải nghiệm với nghề. Những chia sẻ của Khoa rất đặc biệt, bởi đó là góc nhìn xuất phát từ một nơi kém lấp lánh, thiếu suôn sẻ và không có drama trong showbiz Việt, một nơi đáng trân trọng vô cùng.

Rất nhanh chóng, chỉ trong một thời gian ngắn mà anh từ diễn viên không chuyên thành diễn viên hài, rồi từ diễn viên hài thành diễn viên điện ảnh. Cảm giác nào đang hiện diện trong anh rõ ràng nhất?

Trong mỗi giai đoạn tôi sẽ có một cảm nhận, trải nghiệm khác nhau. Ngày trước diễn ở trường lớp, xã phường cho vui là chủ yếu, không câu nệ quá nhiều thứ, sau này được may mắn tham gia một chương trình hài kịch thì ngoài vui còn kèm cả lo lắng nữa. Khi trở thành diễn viên điện ảnh thì tôi được học diễn xuất hẳn hoi, chuyên nghiệp hơn, sự lo lắng cũng chuyển sang một tầm cao mới, trở thành áp lực. Và một điều tôi nhận ra rõ ràng nhất: để làm nghề và sống được với nghề là không hề đơn giản. 

Vì sao?

Có những chuyện làm tôi cứ nhớ mãi, như sau khi tham gia “Hài xuyên Việt” thì bắt đầu có người biết đến, lúc đó có show mừng lắm nên cứ nhận thôi. Lần đấy tôi đi diễn cho một quán bar, không khí đang sôi động thì tắt nhạc, bật đèn cho mình lên, mọi người ai cũng hụt hẫng, lần đó gần như không ai hưởng ứng, tôi diễn hài mà trong lòng buồn khủng khiếp. 

Rồi lần tham gia “Sao nhập ngũ” ở Ninh Thuận tôi còn tưởng mình đã chết. Bơi 3km trên biển rồi sau đó vẫn tiếp tục đi hành quân, và cả thử thách vùi mình dưới cát nữa. Lúc bị cát vùi tôi gần như hôn mê, may cánh tay còn cử động nổi. Tôi cố vẫy kêu cứu, không dám tưởng tượng nếu không được lôi lên kịp thời thì chuyện gì sẽ xảy ra. 

Có khác gì với những trải nghiệm đóng phim không? Nghe nói anh được nhiều nhà sản xuất thích vì đóng hài duyên, lại chịu khó.

Cũng te tua không kém. Không phải “Lật mặt 4”, “Vợ ơi… em ở đâu?” mới là phim điện ảnh đầu tiên tôi tham gia. Trước đó tưởng làm phim là lấp lánh ngon lành lắm cho đến cảnh phim đầu tiên trong đời, ở Phan Thiết, từ bảy giờ tối đến bốn giờ sáng, tôi cứ chạy lên chạy xuống một đồi cát, nếm mùi phim lần đầu xong là vỡ mộng luôn.

Đó là lúc làm phim, tới khi phim chiếu thì cũng nhiều cảm xúc. Phim nào được đón nhận, có phản hồi tốt thì hân hoan, còn những phim không may mắn được như vậy thì buồn, buồn đến mức khi giao lưu với khán giả mình cũng ngại và áy náy, dù các anh chị nhận xét là mình diễn ổn, không có sai sót gì.

Anh thấy mình được gì, mất gì sau chừng đó sự việc xảy ra?

Tôi mất sự ngô nghê và tiến bộ nhiều ở kinh nghiệm. Ngày trước khán giả đến xem đa phần vì trong phim có những cái tên gạo cội và tôi may mắn được xuất hiện cùng họ như chú Thành Lộc, anh Huy Khánh, anh Bình Minh,… Dần dà tôi cũng có khán giả của mình, họ đến xem, ủng hộ là vì mình, điều đó chứng minh sự cố gắng của mình đã được công nhận.

Như chương trình “Ơn giời, cậu đây rồi!” tôi vào vai trưởng phòng, trước đó phải mất ngủ nửa tháng vì lo nhưng đến khi bắt đầu thì lại suôn sẻ. Kiến thức, kinh nghiệm trước đó đã tự giúp mọi thứ trơn tru, mượt mà, tôi cảm thấy tự tin hẳn vì nhận ra bản thân bắt đầu đứng vững được.

Trong nghệ thuật, có 3 yếu tố cần: năng lực, ngoại hình và may mắn. Anh nghĩ mình đang cần nhất yếu tố nào?

Vẫn là năng lực và năng lực tôi muốn ở đây là khả năng diễn xuất và xử lý tình huống. Khi hai thứ này chưa tốt thì mình dễ bị bối rối và xuống tinh thần, như trường hợp lúc mới nhận show ở quán bar tôi đã kể. Ngược lại, nếu sở hữu hai điều này thì dù có bị đẩy vào trường hợp khó thế nào mình cũng có cách. Khoảng thời gian tham gia “Ơn giời, cậu đây rồi!” đã giúp tôi nhận ra điều này. Nhan sắc hay may mắn nhiều đến mấy cũng không cứu nổi nếu mình không có năng lực thực sự. 

Thời gian anh hoạt động nghệ thuật không quá lâu nhưng cũng đủ nhiều để có cái nhìn bao quát. Với góc nhìn từ một người không chuyên đi lên, anh thấy showbiz Việt thế nào?

Xuất phát điểm của tôi không bằng mọi người, đến khi có khán giả biết đến như bây giờ thì cũng không cố gắng để tỏ ra hào nhoáng, bóng bẩy làm gì. Tôi thích cái nghề này vì tôi thể hiện được đam mê, được khán giả yêu quý nên rất trân trọng. Vì vậy, tôi không ngừng cố gắng mỗi ngày, hoàn thiện những thứ chưa tròn trịa của mình để tốt hơn. Những thứ cạm bẫy ở showbiz vẫn có, nhưng mình chọn cách đi của mình, đừng để bị ảnh hưởng là được.

Cái “lạ” chỉ riêng Mạc Văn Khoa mới có và khiến khán giả khó quên nhất của anh là gì?

Cái lạ đầu tiên, đồng thời cũng là khuyết điểm của tôi là ngoại hình. Dù là sân khấu hay điện ảnh tôi đều thuộc top “những diễn viên xấu nhất”. Từ vóc dáng, làn da đến khuôn mặt đều không đẹp theo một quy chuẩn điện ảnh của số đông, mọi người nhìn cái đẹp quen rồi lâu lâu có người xấu xuất hiện thì lại nhớ. Tiếp đó là giọng nói, tôi là người ở quê, chất giọng khác xa với tiếng Sài Gòn hay Hà Nội và còn bị ngọng âm “l” và “n” khá nhiều. Vừa xấu vừa có giọng lạ nên tôi gây được ấn tượng với mọi người.

Làm giải trí, hiếm có người nào ngây thơ được như anh, đó là bản chất hay có một chút nào thuộc về chiến lược trong môi trường quá nhiều thị phi như showbiz?
Tôi tự thấy bản thân mỏng manh ở cả ngoại hình lẫn tâm lý. Ngoài gia đình và bạn bè, tôi chưa biết nhiều sự đời, tận năm lớp 12 còn chưa đi đâu xa nhà. Người như tôi muốn chiêu trò cũng không biết phải làm làm sao và thể hiện như thế nào. Riêng sự ngây ngô thì tôi nghĩ không thể diễn được ngoài đời đâu, mình diễn một vai, hai vai chứ không thể diễn nhiều năm hay diễn cả đời được. Bản chất mình sao thì cứ để vậy, mọi người dễ chịu mà mình cũng thoải mái.

Một vai diễn đối lập hoàn toàn con người thật của anh thì sẽ như thế nào?
Chắc đó sẽ là dạng vai có cá tính lạnh nhưng không lộ, kiểu gian ác ngầm và tâm lý đa nhân cách. Ở ngoài tôi thế nào, mọi người cũng biết cả rồi.

Có ý kiến cho rằng tiếng cười trong ngành giải trí Việt bắt đầu nhạt, anh nghĩ sao?
Tôi là người mới bước vào nghề thôi, nhưng tôi nghĩ, để đánh giá tiếng cười cả ngành giải trí Việt nhạt hay không thì cũng vô chừng lắm. Tiếng cười mỗi người mỗi khác mà, người này thấy câu chuyện này vui nên họ cười, người khác thấy ngược lại thì cũng không sao. Nhiều mảng miếng tôi diễn có nơi khán giả họ cười nhiều, nhưng cũng mảng miếng đó ở nơi khác thì ít tương tác hơn.

Về sự “nhạt”, tôi nghĩ có chăng là do hiện tại chúng ta có quá nhiều chương trình giải trí, lịch quay dồn dập nên mọi thứ chưa được trau chuốt kỹ lưỡng, cá nhân tôi cũng rất chú ý vấn đề này.

Vậy với anh tiếng cười vui nhất là tiếng cười tạo nên từ điều gì?
Là tiếng cười xuất phát từ niềm hạnh phúc thực sự. Trên sân khấu, trong màn ảnh, tiếng cười có thể xuất phát từ kịch bản của nhà sản xuất, từ cách thể hiện hài hước của diễn viên, nhưng nó đến và qua đi cũng nhanh. Điều tôi thích nhất, tôn trọng nhất vẫn là tiếng cười xuất phát từ bên trong mỗi người vì đó là nụ cười thật thà nhất, an vui nhất. 

Đọc thêm các bài trong chuyên đề “Nam phụ”

Sản xuất HẠNH NGUYÊN | Nhiếp ảnh SAMSON NGUYỄN Trang điểm & Làm tóc DUY VĂN
Bài THỦY PHAN | Thiết kế ANH HOA | Video Trung Hiếu
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP