Cách tiếp cận một dự án văn hóa – đặc biệt là một di sản đặc sắc như gốm Bát Tràng – khác với các dự án thương mại hai bạn từng làm như thế nào?
Khi làm các dự án liên quan đến văn hóa, chúng tôi phải cẩn thận với những thứ mà mình đưa vào, phải chắt lọc và thể hiện cách tiếp cận dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Chúng tôi cố gắng để tả thực – tức là giữ lại những chất liệu nguyên bản của văn hóa mà không đưa vào đó ý kiến hay quan điểm cá nhân. Cụ thể, với dự án Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng, chúng tôi phải tìm cách giữ được tinh thần gốc trong các tác phẩm của bác Thắng; hệ thống thiết kế chỉ là khung sườn giúp tiếp cận đến những đối tượng mới hơn, trẻ hơn, để họ hiểu được những giá trị cũ. Ví dụ, ngày xưa bác cũng có logo, chúng tôi làm một bộ font chữ để tạo ra logo mới dựa trên tinh thần của logo cũ đó.
Hai bạn đã học được gì từ dự án nói chung và nghệ nhân Vũ Đức Thắng nói riêng?
Chúng tôi đón nhận những giá trị mà thế hệ nghệ sĩ đi trước đã xây dựng cho ngành nghệ thuật Việt Nam và được truyền cảm hứng rất nhiều từ đó.
Phong cách của bác Thắng khá đương đại – rất sáng tạo, đột phá nhưng vẫn trên một nền gốm truyền thống. Chỉ mình bác mới có kỹ thuật đắp nổi hay kỹ thuật men đổi màu. Màu gốm của bác rất khác, nó có sự chuyển màu tinh tế sau quá trình nung nên ở các góc khác nhau sẽ cho cảm quan khác nhau. Vì thế, những chiếc bình của bác dù được làm từ lâu rồi nhưng chất men vẫn rất hiện đại.
Bạn chỉ cần ôm một cái bình mà quan sát men bác dùng, những hình chạm nổi đều có thể khiến bạn bật lên trầm trồ. Bác có hai cái bình làm cho dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, tôi lúc đầu cứ nghĩ hai cái bình đó phải chạm hình nổi tương tự nhau, hoặc ít nhất đối xứng nhau, hoặc nối từ bình này qua bình kia. Nhưng không, hai cái bình này khác nhau hoàn toàn, một cách có chủ đích. Hoặc một bộ tác phẩm của bác có 12 cái thống nhưng có cái thống rất to, có cái thống bé hơn, ở giữa có những cái thống lúp nhúp và không bằng nhau, trên đó là hình vẽ trải dài cả đất nước Việt Nam nhưng nét vẽ lại rất khác nhau, không có cái nào giống cái nào, đòi hỏi mình phải quan sát kĩ. Nói chung, mỗi tác phẩm đều là độc bản.