Lời cầu hôn trên đảo Tasmania - Tạp chí Đẹp

Đảo Tasmania thường được gọi là Tassie, giống như Aussie là tiếng lóng chỉ người Úc. Hòn đảo này là kế hoạch B trong cả hành trình đi nhờ xe xuyên Úc của tôi. Những hành trình bộc phát luôn có bất ngờ thú vị và khó quên, theo đúng thuyết đó, Tassie trở thành điểm sáng nhất đối với tôi trong chuyến đi này. Đây cũng là nơi chứng kiến một trong những sự kiện quan trọng nhất cuộc đời tôi.

Chúng tôi đến Tassie trên con tàu sang trọng có tên “Spirit of Tasmania”. Nó giống như một phiên bản thu nhỏ của Titanic, là phương tiện di chuyển duy nhất để đến Tassie bên cạnh máy bay. Tương tự như các bang khác ở Úc, rau, củ, quả, thức ăn tươi sống không được phép mang vào Tassie.

“Spirit of Tasmania” đồ sộ như một tòa nhà với đầy đủ nhà hàng, bữa tối thịnh soạn, quán cà phê, rạp chiếu phim, khu vui chơi… Sau bữa tối là màn trình diễn hòa nhạc Blues suốt hai giờ đồng hồ. Mọi thứ thật chuyên nghiệp và hoàn hảo, xứng đáng với cái giá 100 đô Úc, trừ chỗ nghỉ. Chúng tôi đã kỳ vọng ít nhất sẽ được ngủ trên một chiếc giường êm ái nhưng chỉ nhận được một chiếc ghế ngồi hạng phổ thông. 100 đô Úc là giá vé rẻ nhất, ngoài ra con tàu này còn có các cabin với phòng ngủ riêng biệt.

Tassie không mấy hiếu khách. Tôi đã gửi tin nhắn đến ít nhất mười couchsurfer trên hòn đảo có đến 5.200 thành viên của cộng đồng này nhưng không ai trả lời. Dừng lại ở bến cảng Devonport để bắt xe đi nhờ, sau một giờ đồng hồ đợi chờ và hy vọng, ai nấy bắt đầu cau có. Phải chăng quyết định đến đây là sai lầm? Nếu chúng tôi bỏ qua nơi này mà đi thẳng đến Sydney thì hành trình có lẽ đã dễ dàng hơn.

Cuối cùng cũng có người chịu dừng lại. Ngồi sau tay lái là Frank, người đàn ông trung niên có vóc dáng thư thái. Sau khoảng thời gian làm quen, ông trở thành giáo viên bộ môn lịch sử thế giới kiêm hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi. Frank đưa cả bọn đến ngôi nhà nghỉ dưỡng của gia đình ông. Ngôi nhà gỗ mộc mạc nằm bên bờ hồ, ít khi có người ở nhưng vẫn sạch sẽ và tươm tất. Hầu hết người dân Úc đều có ít nhất hai căn nhà, một căn để sống và làm việc tại thành phố, một căn ở gần biển, hồ chỉ để nghỉ dưỡng vài lần trong năm.

Một lối đi bộ trên đường về nhà Frank

Ngôi nhà này được Frank dùng làm nơi nghỉ dưỡng cho gia đình trong những ngày lễ

Khu vườn của Frank

Nhà được bài trí đơn giản, ấm cúng

Kế hoạch đầu tiên của chúng tôi trên hòn đảo này là leo lên đỉnh núi Cradle thuộc vườn quốc gia Cradle Mountain – Lake St Clair, nơi được bao quanh bởi mặt hồ xanh biếc tuyệt đẹp. Sau khi vượt qua quãng đường 150km, chúng tôi mới nhận ra suốt 2 tiếng vừa qua mình đã đi sai đường. “Cứ từ từ, thư thả đi nào”, Frank đưa ra hai phương án: hoặc tất cả sẽ quay lại Devonport và bắt đầu lại hành trình vào ngày mai, hoặc chúng tôi hãy quên ngọn núi Cradle kia đi mà thẳng tiến đến phía Nam hòn đảo. Chúng tôi chọn phương án thứ nhất.

Bóng tối bao trùm lên Devonport, Frank mời chúng tôi ở lại nhà ông đêm nay. Như chết đuối vớ được cọc, tất cả vội vàng đồng ý. Nhà của Frank thật đẹp với những bức tranh treo tường trong không gian ấm cúng, những chậu hoa rực rỡ sắc màu ngay cả trong phòng tắm, và thảm thật êm được trải khắp các lối đi. Phòng khách có lò sưởi đốt bằng củi là nơi để mọi người đọc sách hoặc uống trà, nói chuyện sau bữa tối. Chúng tôi được tắm nước nóng, có phòng riêng và ngủ trên những chiếc giường êm. Trong khi những cơn gió lạnh cóng cứ mải miết rú bên ngoài, chúng tôi được ngồi trong nhà, bên cạnh những trái tim nóng bỏng như đốm lửa trong lò sưởi.

Đỉnh Cradle bên cạnh hồ Dove tĩnh lặng

Những bụi cây lá kim vàng óng

Điểm ngắm Marions nhìn xuống hồ Crater

12 giờ trưa hôm sau, chúng tôi đến được vườn quốc gia và thực hiện hành trình đã bỏ lỡ ngày hôm trước. Leo núi đúng giờ Ngọ quả thật không phải lựa chọn phù hợp, thật may, thời tiết ngày hôm đó không quá nắng gắt.

Mặt hồ Dove tĩnh lặng như một tấm gương, in rõ sắc xanh của ngọn núi Cradle. Tôi bước trên lối đi bằng gỗ quanh co, hai bên là những bụi cây lá kim phủ kín mặt đất, chúng ánh lên màu vàng óng dưới hoàng hôn. Trên điểm ngắm Marions, đỉnh Cradle hiện ra trầm tĩnh, bên trái là hồ Dove êm đềm như một thục nữ, bên phải là hồ Creater sừng sững vách đá, những dải mây trắng hững hờ nằm vắt trên nền trời xanh biếc.

Discover Park – Cradle Mountain là tên của khu cắm trại mà chúng tôi đã trả 40 đô Úc cho một khoảng đất nhỏ đủ để dựng 2 chiếc lều đơn. Đó là lần đầu tiên tôi phải trả tiền để ngủ trong suốt hành trình xuyên nước Úc. Nhưng cũng chẳng còn lựa chọn nào khác, bởi cả bọn đang ở vườn quốc gia, vùng đất được bảo tồn nghiêm ngặt. Việc cắm trại trong rừng hay ngoài phạm vi quy định có thể gây ảnh hưởng tới thú rừng và lực lượng kiểm lâm.

Tassie nổi tiếng là một hòn đảo đẹp và khác biệt với các vùng còn lại của nước Úc. Nơi này giống New Zealand với khí hậu lạnh giá và những mảng xanh rộng lớn. Mới tuần trước tôi còn trốn cái nắng nóng trong nhà của Richie ở Adelaide thì tuần này đã phải chống chọi với cái lạnh của Tassie bằng cách chui ra trước lò sưởi rực lửa trong nhà ăn của khu cắm trại, ngồi ủ ấm hàng giờ liền trước khi vào lại căn lều lạnh lẽo.

Xe ngựa mà người Tassie thường sử dụng

Chiếc camper van của bạn Frank

Sột soạt, sột soạt. “Chuyện gì thế?”, tôi nghĩ và đảo mắt nhìn quanh, đi theo tiếng lục lọi đến bên thùng rác nằm phía ngoài nhà ăn. Tiếng động ngày một rõ hơn, nắp thùng rác đột nhiên di chuyển, vài mường tượng về rắn, kangaroo lướt qua trong đầu tôi. Tôi hồi hộp đưa tay đẩy nắp thùng, một chú chồn possum hiện ra. Đôi mắt nó sáng rực trong bóng tối, bộ lông lấp lánh như những sợi kim tuyến, mềm tựa một tấm chăn nhung mịn màng. Không chỉ có chồn possum, những chú chuột túi wallaby cũng chui vào lều tranh giành giỏ đồ ăn của chúng tôi rất tự nhiên, đàn hải âu thì chạy theo ăn vụn bánh mì trên tay mọi người, gấu túi wombat nhởn nhơ ăn cỏ như xem đám chúng tôi chẳng phải mối nguy hiểm gì to lớn lắm.

Chú chồn possum làm bạn với tôi
ở khu cắm trại

Lối đi lát gỗ quanh hồ Dove

Tiếp tục hành trình đến thủ phủ của Tassie, chúng tôi đi nhờ xe men theo bờ Tây, qua Rosebery, Queenstown đến Halmiton rồi thẳng xuống Hobart. Ở Úc, tên các địa danh nghe cứ na ná những vùng đất ở châu Âu. Vào cuối ngày, chúng tôi nhận được hồi âm của Jani, chủ một căn nhà ở Rosebery, anh hiện đang ở Melbourne nhưng cho phép chúng tôi dựng lều trong sân nhà mình. Thật may mắn. Tôi đã từng nói gì nhỉ, rằng đối với hành trình couchsurfing, chỉ cần có một khoảng đất miễn phí để qua đêm đã là tốt lắm rồi.

Cuộc đời độc thân của tôi đã chấm dứt trên đỉnh Marion

Núi đá đỏ quặng sắt trên đường chúng tôi đến Hobart

Đường lên đỉnh Cradle

Ngày hôm sau, hai chuyến xe đưa chúng tôi từ Rosebery đến Queenstown, men theo bìa rừng St Clair rợp bóng cây. Nắng cũng không thể lọt qua nổi những tầng lá xanh mướt phủ kín hai bên đường. Phía cuối hành trình Tasmania, couchsurfer Nathan đang chờ đón chúng tôi ở Queenstown. Quãng đường 260km, 5 giờ đồng hồ lái xe đến Hobart tựa như một thước phim thiên nhiên tuyệt đẹp. Chúng tôi đi qua rừng cây chết khô chỉ còn trơ thân trắng xóa như khu rừng phủ tuyết vào mùa đông, qua những vách đá đỏ ửng quặng sắt, rồi qua những đồng cỏ khô đượm sắc vàng, những mặt hồ xanh biếc. Cảnh vật biến đổi sau từng khúc cua.

Và bởi vì bạn đã đọc đến đây, tôi muốn dành câu chuyện này để kể cho bạn. Trên điểm ngắm Marion lộng gió ở vườn quốc gia hôm trước, đột nhiên, Tomica nhìn sâu vào mắt tôi, anh hỏi: “Em có biết tại sao hôm nay mình đến đây không?”. Không phải tự dưng lại có câu hỏi kiểu này, tim tôi như ngừng đập. Tomica lôi ra từ trong túi một chiếc hộp – thứ anh đã mang theo từ Adelaide, anh đã mua bằng số tiền chúng tôi đi hái blueberry cùng nhau. Tôi lúng túng như cô bé mới yêu lần đầu: “Em đồng ý!”. Thế rồi nụ hôn cứ kéo dài mãi trước sự chứng kiến của bao nhiêu người trên đỉnh núi hôm ấy, cho đến khi đám bạn trẻ phía sau reo hò vỗ tay thay cho lời tuyên bố của vị linh mục trong nhà thờ. Vậy là hai chúng tôi, một người từ châu Âu, một người từ châu Á, gặp nhau lần đầu ở Ấn Độ, đã đính hôn trên một đỉnh núi nổi tiếng ở Úc.

Cũng giống như hành trình xuyên suốt nước Úc này, cuộc sống là con đường đầy rẫy những rào cản mà chúng ta phải vượt qua để tìm kiếm hạnh phúc.

Bài & ảnh Lucy Nguyen

Thiết kế Anh Hoa

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP