Chúng tôi đến Tassie trên con tàu sang trọng có tên “Spirit of Tasmania”. Nó giống như một phiên bản thu nhỏ của Titanic, là phương tiện di chuyển duy nhất để đến Tassie bên cạnh máy bay. Tương tự như các bang khác ở Úc, rau, củ, quả, thức ăn tươi sống không được phép mang vào Tassie.
“Spirit of Tasmania” đồ sộ như một tòa nhà với đầy đủ nhà hàng, bữa tối thịnh soạn, quán cà phê, rạp chiếu phim, khu vui chơi… Sau bữa tối là màn trình diễn hòa nhạc Blues suốt hai giờ đồng hồ. Mọi thứ thật chuyên nghiệp và hoàn hảo, xứng đáng với cái giá 100 đô Úc, trừ chỗ nghỉ. Chúng tôi đã kỳ vọng ít nhất sẽ được ngủ trên một chiếc giường êm ái nhưng chỉ nhận được một chiếc ghế ngồi hạng phổ thông. 100 đô Úc là giá vé rẻ nhất, ngoài ra con tàu này còn có các cabin với phòng ngủ riêng biệt.
Tassie không mấy hiếu khách. Tôi đã gửi tin nhắn đến ít nhất mười couchsurfer trên hòn đảo có đến 5.200 thành viên của cộng đồng này nhưng không ai trả lời. Dừng lại ở bến cảng Devonport để bắt xe đi nhờ, sau một giờ đồng hồ đợi chờ và hy vọng, ai nấy bắt đầu cau có. Phải chăng quyết định đến đây là sai lầm? Nếu chúng tôi bỏ qua nơi này mà đi thẳng đến Sydney thì hành trình có lẽ đã dễ dàng hơn.
Cuối cùng cũng có người chịu dừng lại. Ngồi sau tay lái là Frank, người đàn ông trung niên có vóc dáng thư thái. Sau khoảng thời gian làm quen, ông trở thành giáo viên bộ môn lịch sử thế giới kiêm hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi. Frank đưa cả bọn đến ngôi nhà nghỉ dưỡng của gia đình ông. Ngôi nhà gỗ mộc mạc nằm bên bờ hồ, ít khi có người ở nhưng vẫn sạch sẽ và tươm tất. Hầu hết người dân Úc đều có ít nhất hai căn nhà, một căn để sống và làm việc tại thành phố, một căn ở gần biển, hồ chỉ để nghỉ dưỡng vài lần trong năm.