Lê Cát Trọng Lý: Dịch hay không thì người ta cũng chênh vênh - Tạp chí Đẹp

Dạo này Lý sao rồi, có ổn không?
Lý kẹt ở Măng Đen cũng mấy tháng rồi. Trên đây Lý có một ngôi trường nho nhỏ. Bình thường khi không có dịch, mọi người có thể lên đây, thường là những người đã đi làm rồi, làm độ chục năm hay đâu đó, đột nhiên thấy mệt mỏi và hoang mang về cuộc sống thì họ lên đây học vẽ, học nhạc, rồi họ đi rừng, đi trekking, họ làm vườn, cơ bản là một kiểu dành thời gian cho bản thân, một kiểu đi chơi. Người lớn ở Việt Nam ít được đi chơi thực sự, chủ yếu là đi gấp rút hối hả rồi về đi làm thôi.

Dịch thế này, một ngày của Lý ra sao?
Cũng tùy tuần đấy. Lý thì có nhiều hoạt động để làm lắm. Nhà Lý có nuôi ba con chó, ngoại hình thì xấu xí, tính cách thì đanh đá, ngu ngốc cực kỳ. Sáng Lý dậy sớm, độ 6 giờ là dậy rồi vì ở đây yên tĩnh lắm, dậy xong thì dắt chó đi dạo, gần nơi Lý ở có cái hồ với một khoảnh rừng. Rồi ăn sáng, pha cà phê, có hôm thì chơi cờ vây, đọc một số kỳ phổ, rồi đọc sách, mỏi mắt lại nghe sách nói, có hôm thì vẽ tranh hoặc làm gốm. Dạo này Lý cũng mở một khóa dạy guitar và sáng tác online.

Lý đang đọc sách gì thế?
Lý đang đọc Sartre, một triết gia hiện sinh. Lý mới tìm được một bộ sách về những nhà tư tưởng lớn, 8 quyển ứng với 8 triết gia, cũng mỏng thôi, trong đó Lý thấy Sartre phù hợp với những người trẻ tuổi, lúc đọc mình chẳng cần nghĩ ngợi nhiều. Mà gần đây Lý cũng đọc được một cuốn cực kỳ hay là “Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils”. Hay lắm, giá mà mình đọc sớm hơn.

Nghe cuộc sống của Lý bây giờ thật thích.
Nói chung là Lý đang sống như trong tiểu thuyết vậy. Nhưng nhàn rỗi một hồi rồi cũng chán, cũng nhạt nhẽo ấy mà.

Mình nghĩ có một không gian yên tĩnh riêng tư thì cũng tốt cho một người sáng tác như Lý. Gần đây Lý có sáng tác không?
Có, mà dở lắm. Lý không viết hàng ngày đâu. Thật ra mọi người cứ nghĩ người sáng tác hàng ngày mở mắt ra là sáng tác. Không phải vậy, Lý chỉ sáng tác khi có lịch làm thôi, thời gian còn lại Lý đi thu thập thông tin, ghi chép. Lý tạo một thư viện sáng tạo riêng trên máy tính, chia ra nhiều thư mục cho mình. Đúng là nhàn rỗi thì cũng có cái tốt. Với người biểu diễn thì Lý không rõ lắm, chứ với người sáng tác thì mình có thời gian, không gian, mình đọc được nhiều hơn, ngẫm nghĩ nhiều hơn. Cơ mà Lý cũng không đam mê sáng tác. Nói là thích sáng tạo thì đúng, thích nghệ thuật cũng đúng, chứ đam mê thì không. Đam mê của Lý là được nghỉ hưu sớm, được đi chơi đó (cười).

Nhưng giờ thì vẫn phải làm việc đúng không, không sáng tác nhạc thì dạy âm nhạc. Lý nói một chút về lớp học online của mình đi? Vai trò giáo viên này có thích không?
Trời ơi, học dốt như Lý mà đi dạy gì đâu. Chẳng qua là có mấy bạn hâm mộ, thích đệm các bài guitar Lý sáng tác mà không tìm được bản soạn ở đâu, vì đều là Lý tự soạn phần đệm của mình. Chứ Lý cũng không dạy guitar cho ai đâu, yêu cầu của lớp học là phải biết chơi guitar từ trước. Vai trò này cũng có cái hay là mình có thể kiếm sống, thật thà mà nói là vậy đấy, vì bây giờ mình có đi làm được đâu. Mà bán mỹ phẩm hay livestream gì gì thì đâu biết làm.

Lý thấy mình đi dạy thì có hai cái lợi. Thứ nhất là mình kiếm tiền được. Thứ hai là các bạn học viên cũng đang có thời gian rảnh, họ có gì đó tập thì cũng đỡ suy nghĩ tiêu cực. Khi đàn được những bài họ thích, họ vui lắm. Lý cũng vui. Vậy là cả hai cùng vui.

Những ngày này, âm nhạc có giúp Lý thanh lọc cảm xúc không?
Có, nhưng mà chỉ âm nhạc hay thôi. Mọi người cứ bảo chung chung âm nhạc là tốt chứ Lý nghĩ không phải. Nhạc hay thì mới tốt. Còn nhạc dở chỉ khiến mình mệt mỏi. Lý thích nghe cổ điển, nghe jazz, chứ ít nghe pop vì thấy có chút dễ dãi. Loại nhạc mà Lý làm là Lý không nghe nha. Lâu lâu nghe cũng được, nhưng ít thôi, chứ ngày nào cũng nghe là não mình không được sắc sảo. Nhạc pop thì có cái tốt là giúp những ai làm công việc nặng thấy thư giãn hơn. Nhưng để nghe nhạc mà như được đọc một cuốn sách hay thì Lý nghĩ cần chọn lọc.

Lại nghĩ tới âm nhạc, thật tình, không hiểu sao dạo này mình cứ nghĩ đến hai chữ “chênh vênh”. Lý thì chắc đã quá hiểu “chênh vênh” rồi (“Chênh vênh” là tên một sáng tác của Lý – PV)?
Lý nghĩ thế này, dù có dịch hay không thì mình cũng chênh vênh thôi, chẳng qua là bình thường mọi người bận quá nên không nhận ra. Nhưng khi có dịch thì nó trở nên hiển hiện, mình thấy mọi thứ thiết thân đều không chắc chắn, từ chuyện tiền nong, thức ăn, công việc. Có dịch thì người giàu cũng chênh vênh mà.

Mấy tháng qua, có điều gì trong suy nghĩ của Lý đã thay đổi không?
Nhiều lắm, cũng có một vài điều quan trọng. Như kiểu xưa giờ Lý đọc về các trường phái thiền, người ta bảo rằng mọi thứ trên đời đều không chắc chắn. Mình đọc biết vậy nhưng chưa từng trải nghiệm điều đó, giờ thì mình thấy nó đúng, không thể chắc chắn điều gì về tương lai. Như ba mẹ Lý ở Đà Nẵng này, ba mẹ chưa được tiêm chủng, họ cũng có nguy cơ bị bệnh, bất cứ ai trong số những người thân của mình cũng có thể mắc bệnh hết. Đó là những điều mình không kiểm soát được. Cho nên với bản thân, Lý nghĩ còn ngày nào thì mình nên tập trung cho mình chứ đừng đọc những tin tức u ám quá. Thay vì đọc tin tức, sao mình không đọc “Giết con chim nhại” hoặc một cuốn sách hay nào đó rồi bàn luận cùng gia đình có phải hơn không? Khi nào tới lượt thì mình đi tiêm. Mình ở nhà không có tiền thì mình ăn ít lại, sống tiết kiệm hơn. Mình nghĩ giờ mình không ra ngoài lông nhông, không để người ta phải đi bắt mình về, ấy là có ích rồi. Đó là những gì trong khả năng mà Lý làm được.

Dịch, mọi người ở nhà, bỗng nhiên ai cũng sống chậm hẳn đi. Còn Lý thì sao, một người vốn dĩ đã sống chậm thì thay đổi thế nào?
Ôi, Lý sống gấp lắm! Mọi người hay nghĩ Lý sống chậm nhưng không phải đâu, bởi Lý thấy có nhiều việc phải làm. Nhưng thật ra cũng sướng, một năm Lý hát có vài lần chớ mấy, thời gian còn lại thì dạy học. Trường của Lý không có điểm số hay thi cử, thích học thì học, không thích học thì mình khuyên nhủ học, mà vẫn không thích học nữa thì chơi, sao cho vui là được.

Lý nghĩ thế này, sống chậm hay nhanh nó không quan trọng, sống sao cho sâu sắc mới quan trọng. Sống chậm mà mình u ám, làm mọi người xung quanh chán theo, khổ theo, căng thẳng theo thì chậm làm gì, nhanh nhanh lên chút. Sống nhanh nhưng mà luôn muốn kiểm soát người ta, làm người ta hối hả theo thì cũng không nên.

Lý có phải là týp người thích thay đổi không? Lý thích tiếp tục những thứ mình làm tốt nhất, hay sẵn sàng thử những cái mới dù ban đầu có thể sai?
Lý nghĩ là Lý thích tính hiệu quả. Lý vẫn là người thích sáng tạo, nhưng có những thứ sáng tạo mình dành cho riêng mình, mình vẫn có thể thỏa mãn đam mê được, đâu nhất thiết phải bắt cả thế giới công nhận. Còn khi đưa ra công chúng một sản phẩm, tùy xem chiến lược của mình là muốn đánh vào khán giả đại chúng, muốn mọi người đều phải thích nó, hay mình chỉ cần một vài người thích và nuôi sống mình bằng cách mua vé, mua đĩa là đủ rồi. Xác định được chiến lược rồi thì cứ thế mà theo thôi.

Lý không có tham vọng khiến mọi người đều thích mình. Chỉ cần có một số người ủng hộ những điều mình làm là được. Tuy nhiên, cũng có những sản phẩm mình cảm thấy chưa đúng thời để chia sẻ, có phát hành cũng không hiệu quả, mà như vậy sẽ lại làm mình phiền lòng lắm, nên thôi. Mọi người cứ bảo tính Lý nghệ sĩ chứ Lý thấy mình giống công nhân làm nhạc. Việc làm nhạc của Lý cũng giống những công việc khác của mọi người, cái đích cuối cùng là hiệu quả.

Lý có áp lực tài chính nào không?
Không có đâu, vì Lý không phải nuôi cha mẹ. Có một thời gian không có tiền, Lý còn về ăn bám gia đình những hai tháng. Lý thì không xin tiền, chỉ có xin cơm thôi. Đó là hồi mình 24-25 tuổi, lúc đó nghèo, nổi tiếng mà nghèo, tại vì “chảnh” không chịu đi làm, không đi hát sự kiện này kia. Bây giờ vẫn thế, nhưng Lý còn mở trường, đủ sống nên có quyền nói không. Chứ ngày xưa mỗi lần mình nói không, người ta nghĩ mình hoặc là dũng cảm, hoặc là bị điên đó.

Điều gì ở Lý khiến cha mẹ Lý vui nhất?
Để Lý kể một chuyện vui vui. Ngày xưa ba mẹ chỉ mong con gái nổi tiếng, giàu có, mua nhà mua xe mà Lý cự tuyệt nói không, không, không. Lúc Lý để tóc ngắn, ba chỉ muốn Lý để tóc dài, mình cũng không, không, không. Nhưng như vậy lại tốt, về sau ba mẹ không còn kỳ vọng gì nữa. Bây giờ, mình nghĩ việc mình sống vững vàng, không bị bấp bênh về tâm trạng hay vật chất là ba mẹ vui rồi. Cơ mà chắc… ba vẫn muốn mình giàu hơn (cười). Nhưng mình không làm được đâu, vì mình đâu có đam mê. Mình cũng thích giàu, thích sống sung túc lắm, nhưng mà đam mê làm giàu thì không có. Giờ mà bất chấp tất cả rồi cày đủ các sàn chứng khoán nọ kia thì nó không khớp với mình.

“Ở yên trong nhà” không có nghĩa là dừng lại, Lý vẫn tìm cách tiến về phía trước hay học cách lùi lại để nhìn mọi thứ rõ ràng hơn?
Lại quay về câu chuyện hiệu quả thôi, thời nào mình làm việc nấy. Khi không thể làm gì cả thì mình đứng yên quan sát. Khi mình bắt đầu cảm thấy à phải kiếm sống, phải làm việc, trường đóng cửa thì Lý mở lớp học online này. Mình không thể ngồi thiền rồi chờ chết. Cứ phải cố gắng xoay xở, nghĩ ra một giải pháp gì đó.

Lý thuộc cung Xử Nữ nhỉ? Người thuộc cung Xử Nữ rất cầu toàn, thích hoàn hảo. Định nghĩa về cuộc sống hoàn hảo của Lý có thay đổi gì không?
Đúng rồi, Lý thuộc cung Xử Nữ. Mà đúng là cũng cầu toàn. Lý bị bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng hơi nặng. Ví dụ nhà không sạch hay cái gì không đúng trật tự là mình không chịu được. Còn về cuộc sống hoàn hảo, mình nghĩ sống biết điều và có ý thức là hoàn hảo.

Thực sự ở vị trí của Lý lúc này đâu có gì để than vãn. Trong khi các thành phố lớn vừa dịch bệnh vừa nóng nực thì mình ngồi đây mát mẻ. Buổi sáng ở đây đẹp lắm, trời mờ sương. Nhưng con người mình nó ngu muội lắm, mình vẫn thấy chán, vẫn muốn được về Hà Nội, mà để làm cái gì đâu, để được ăn bát phở thôi.

Cho nên theo Lý chẳng có đời sống nào hoàn hảo cả. Ai cũng bảo Lý sống như thần tiên tỷ tỷ, sáng nào cũng chơi cờ vây (nói rồi Lý quay camera cho tôi xem một bàn cờ vây cỡ lớn mà Lý đang chơi một mình – PV). Rồi Lý đi dạo, ngoài kia lúc nào cũng xanh mươn mướt. Nhưng mà đến một lúc mình thấy phù phiếm, chơi cờ đọc sách mãi cũng thấy phù phiếm, mình sẽ hỏi làm điều này để làm gì vậy, để đạt được cái gì vậy. Mình chẳng bao giờ biết hài lòng và luôn ham muốn cái mình không có. Vậy nên đời sống hoàn hảo là đời sống biết đủ. Sẽ không có đời sống hoàn hảo chừng nào mình còn những ham muốn thúc bách. Trời, câu này nó sâu sắc triết học quá!

Cho mình hỏi một chút về Sartre nhé. Trong cuốn “Buồn nôn”, mình nhớ Sartre có bảo ông ấy thấy cuộc đời nhìn đâu cũng có cái gì đó buồn nôn và phi lý. Lý có thấy vậy bao giờ?
Chắc cũng có chu kỳ, kiểu như một năm nó diễn ra một đôi lần, chứ ngày nào cũng vậy chắc mình khỏi làm nhạc luôn. Mình chỉ hiểu về sự vận hành thế giới một cách rất mơ hồ, đủ để sống cho có hiệu quả, chứ mình không thật sự nắm bắt được nó. Và trong một trạng thái mong manh nhất định, con người sẽ nghĩ về sự không vững chắc của đời sống, tự hỏi tại sao hằng ngày mình theo đuổi sự không vững chắc này để làm gì? Tại sao mình phải vùng vằng với cha mẹ mình vì những chuyện nhỏ nhặt, hay tại sao mình làm tổn thương, chịu bị tổn thương vì những điều không đáng? Cơ mà nói thế thì chắc người ta bảo mình không bình thường mất.

Thế nói sao để người ta thấy mình bình thường nhỉ?
Chắc bảo là ba mẹ ơi, mọi người ơi, hãy yêu thương nhau đi! (cười)

Bài Hiền Trang Ảnh Khánh Vân
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP