Ý tưởng chạy xe dọc bờ Nam sông Hương để khám phá dải làng nghề đến với tôi khi đang ngồi cà phê bệt ở góc Phạm Hồng Thái. Đã đi Huế nhiều lần, từng dành rất nhiều thời gian để khám phá lăng tẩm và ních đầy bụng nào bún bò, cơm hến, bánh lọc, chè heo quay…, từng dậy trước mặt trời ra bờ sông thả bộ và cũng từng đi bar đến tận tinh mơ hôm sau để biết thế nào là “nightlife” ở đất cố đô, nhưng tôi chưa bao giờ dám chắc rằng mình đã biết hết về thành phố này.
Làng Sình có vẻ đẹp nên thơ đặc trưng kiểu làng quê xứ Huế, với bến đò Vĩ Dạ và những con đường thôn xóm in bóng nắng liêu xiêu, rực lên những mảng tranh phơi trong các sân nhà. Đi đến cuối làng là ngôi nhà của nghệ nhân tranh Kỳ Hữu Phước. Vừa tỉ mẩn khắc từng nét tranh mười hai con giáp trên bản gỗ, ông vừa kể tôi nghe về những thăng trầm của dòng tranh truyền thống xứ Huế. Hơn 20 năm bị thất truyền do biến đổi thời cuộc, những bộ tranh cúng từng có thời chìm vào quên lãng, người làng chẳng mấy ai còn tha thiết làm tranh. Nhưng nhờ những người như ông vẫn đều đặn mỗi ngày khắc bản gỗ, in tranh, tô màu, seo giấy và truyền tình yêu cho thế hệ trẻ, tranh làng Sình đến nay vẫn giữ một chỗ đứng quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân cố đô. Ngoài ba dòng tranh truyền thống là tranh cúng thế mạng, tranh súc vật và tranh đồ đạc, dòng tranh đấu vật và tranh tố nữ mới ra đời chính là một bước tiến của nghề tranh làng Sình.
“Vẽ tranh không khó, nhưng cần sự tỉ mỉ và tập trung, vì thế người làm tranh tốt nhất chỉ nên ngồi một mình”, ông Phước nói với tôi.
Gỗ mộc bản in phải là gỗ mít, khi in tranh phải dứt khoát để màu in rõ nét, tô màu xong phải đem phơi ngay để màu tranh tươi sáng, làm tranh không khó nhưng lại rất lắm công phu.
Làng hoa Thanh Tiên tấp nập từ những tháng trước mùa mưa để có đủ nắng phơi hoa. Bí quyết để những bông hoa giấy Thanh Tiên làm ra có sắc độ đẹp chân thực nằm ở những chi tiết rất nhỏ: cuống hoa làm bằng thân tre chẻ nhỏ, màu nhuộm được lấy từ hoa cỏ tự nhiên trong vườn nhà. Người làng Thanh Tiên đã có truyền thống làm hoa giấy 400 năm.
Hoa mắt, ấy là ấn tượng đầu tiên của tôi về ngôi làng này. Sắc hoa rực rỡ phủ kín mọi hàng rào, trong vườn nhà và hai bên vệ đường. Tôi tìm đến nhà của nghệ nhân hoa giấy Thân Văn Huy. Ông nói, đẹp nhất, cầu kì nhất ở Thanh Tiên là hoa sen giấy. Giấy được nhuộm màu trước rồi dập nổi để có họa tiết giống cánh hoa sen thực. Hoa sen Thanh Tiên một thời từng là loại hoa không thể thiếu trên đàn lễ của triều đình.
Thanh Tiên chộn rộn hơn cả vào những ngày tháng Chạp.
“Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng/Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa”.
Tết đến mà thiếu những bông hoa Thanh Tiên trong nhà, người Huế từ thôn quê cho đến phố thị sẽ không thể thấy trọn vẹn.
Tôi không mất nhiều thời gian để tìm ra làng hương Thủy Xuân, chẳng cần nhìn bản đồ, cứ đi theo mùi hương trầm bay trong không khí. “Người Huế đốt trầm hàng ngày để thanh tẩy không gian và mang lại may mắn cho gia chủ”, anh Thành nói với tôi.
Nghề làm hương dưới chân đồi Vọng Cảnh đã tồn tại 300 năm nay, anh Thành là đời thứ ba làm hương ở xứ này. Vợ anh người Quảng Trị, lấy chồng xong cũng học nghề hương nối nghiệp gia đình. Ngôi nhà anh cũng như nhiều gia đình khác ở Thủy Xuân, luôn rực rỡ sắc màu của những bó hương nhuộm tự nhiên. Hương phơi ở thềm nhà, trong sân vườn, nổi bật giữa tấm phông nền cây cỏ.
Hương Thủy Xuân đặc biệt bởi được làm từ vỏ cây trầm lâu đời lấy từ rừng nguyên sinh, người ta xay thành bột mịn, trộn với keo từ vỏ cây bời lời, lăn lên que cho thật chắc. Hương phải được phơi nắng ngay sau đó để không bị vỡ ra khi keo khô. Làm nụ trầm thì đòi hỏi thêm công đoạn nặn và đúc khuôn, bàn tay người nghệ nhân phải thật khéo léo để trầm không bị vỡ nét. Nếu bạn hỏi người Huế nên mua hương và trầm ở đâu, 99% sẽ nhắc đến tên ngôi làng này.
Bài Vân Anh Thiết kế Khôi Nguyên
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP