Làm mẹ của một em bé Gen C - Tạp chí Đẹp

Gen C (Covid Generation) là một thuật ngữ quốc tế được sử dụng gần đây để chỉ thế hệ trẻ em đang và sẽ trải qua đại dịch Covid-19. Một cơn đại dịch thế kỷ khiến cho mọi thứ trở nên đảo lộn, các giá trị thay đổi, những khái niệm mới hình thành, những biên giới đóng lại, lằn ranh sinh tử ngày càng mong manh, nỗi sợ hãi có thể đến từ một cái ôm… Tôi có cảm giác chúng ta vẫn còn đang ở mãi những ngày đầu năm 2020, khi những tin tức đầu tiên về SARS-CoV-2 xuất hiện khiến người ta lo lắng. Thời gian của 2 năm qua như bị đóng băng lại khi phần lớn chúng ta đều mắc kẹt trong những bức tường của ngôi nhà mình, trong công việc đã chuyển sang hình thức “work from home” toàn thời gian, trong các mối quan hệ bị ngăn cách địa lý, trong những dự định dang dở, trong nỗi nhớ những chuyến du lịch, trong từng niềm vui nỗi buồn của đời sống hằng ngày… Rồi giữa cơn đại dịch toàn cầu ấy, như một niềm hạnh phúc lẫn hoang mang, tôi phát hiện mình có thai. Khi tôi nói “chúng ta đang mắc kẹt”, tôi thậm chí còn chưa tưởng tượng được Gen C – những em bé trong đại dịch – sẽ “mắc kẹt” thế nào.

Khi dịch bệnh lên đến đỉnh điểm ở châu Âu vào năm ngoái, tôi đang sống tại Đan Mạch. Mọi thứ dù không đến nỗi vượt quá tầm kiểm soát như ở nhiều nước châu Âu khác, nhưng cũng đủ khiến cuộc sống trở nên kỳ quặc.

Tôi còn nhớ mình đã có một thai kỳ gắn liền với cái khẩu trang, chai sát khuẩn, giữ khoảng cách với tất cả mọi người, những lần test Covid liên tục. Toàn bộ các lớp học tiền sản bị hủy khiến vợ chồng tôi chỉ còn cách xem những video hướng dẫn chung chung trên YouTube. Suốt hơn 9 tháng mang bầu, tôi được theo dõi và chăm sóc bởi hai nữ hộ sinh, nhưng buồn cười là mãi đến lúc đẻ thì cả tôi lẫn họ đều chưa một lần biết rõ mặt nhau vì lúc nào gặp cũng phải đeo khẩu trang kín mít.

Rồi những đợt phong tỏa kéo dài, các cửa tiệm đóng cửa, quy định không được tụ tập… cản trở việc sắm sửa quần áo, đồ dùng cho em bé. Nhưng trên hết, nỗi lo lắng về việc mình có thể nhiễm bệnh và ảnh hưởng đến con là điều làm tôi luôn thấp thỏm. Rồi mùa đông lạnh lẽo cũng qua đi, số ca nhiễm giảm dần khi mọi người lần lượt được tiêm chủng. Mùa xuân đến, tôi chuyển dạ. Đó là một ca sinh khó khăn, nhưng ơn trời mọi chuyện cũng ổn vào phút cuối. Khi ôm con vào lòng, tôi đã nghĩ rằng bé con của mình, cũng như những em bé khác được sinh ra trong những ngày kỳ lạ này, hẳn phải là những em bé can trường từ trong bụng mẹ.

Với những người mới làm mẹ như tôi, có lẽ điều khó khăn nhất giữa dịch Covid-19 này chính là cái cảm giác phải một mình chăm con mọn mà không có sự hỗ trợ từ ông bà hay người giúp việc. Những cuộc gặp gỡ tưởng vô cùng bình thường bỗng trở nên bất khả thi. Có lẽ nếu may mắn, con trai tôi sẽ được gặp ông bà ngoại lần đầu khi bé đã biết đi không chừng. Còn bây giờ, những cuộc trò chuyện giữa chúng tôi được đóng khung qua màn hình nhấp nháy của những cuộc video call. Ở đầu bên này thằng cháu bắt đầu ê a những âm thanh sơ sinh thì vài giây sau ở đầu bên kia ông bà mới vỗ tay cổ vũ. Lễ đầy tháng của con trai tôi cũng diễn ra qua Zoom theo cái cách mà tôi chưa từng nghĩ nó sẽ diễn ra: tôi làm mâm cơm cúng đơn giản ở Đan Mạch, ba của tôi ở Việt Nam đọc sớ cúng qua màn hình, rồi chúng tôi cùng vái lạy mong cầu bình an. Mỗi ngày tôi đều nhắn tin cho ông bà cập nhật tình hình em bé cùng vô vàn những câu hỏi của một người mẹ mới: “Vì sao bé khóc?”, “Uống sữa bao nhiêu là đủ?”, “Bé hay trớ thì phải làm sao?”, “Sao da bé bị nổi mẩn?”… Mỗi khi giải đáp xong, mẹ tôi lại tặc lưỡi: “Không biết chừng nào ngoại mới được ôm em đây”.

Tác giả Hoàng Oanh và con trai cô - em bé Viggo
Tác giả Hoàng Oanh và con trai cô - em bé Viggo

Tuy nhiên, khi nghĩ về những người bạn của mình – những người mẹ có nhiều hơn một đứa con, hoặc con của họ đang trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học, tôi nhận thấy những trở ngại của mình dường như chẳng là gì so với họ. Làm sao để nhốt những đứa trẻ đang tuổi chơi tuổi nghịch ở yên trong nhà hàng tháng trời, rồi phải dạy chúng học tại nhà, quả thật là một “thử thách khủng khiếp” – như cái cách cô bạn thân của tôi cảm thán. Những đứa trẻ của thời đại dịch phải làm quen với cách học online, nhìn thầy cô và bạn bè qua những ô vuông nhỏ xíu trên màn hình, tham dự tiệc sinh nhật online, đến cả lễ tốt nghiệp cũng online nốt. Những đứa trẻ quẩn quanh trong phòng với sách truyện, iPad hoặc TV thay vì được chạy nhảy hít thở khí trời và khám phá thế giới. Những đứa trẻ đã quen với việc phải rửa tay hàng chục lần mỗi ngày, giao tiếp với mọi người qua lớp khẩu trang, kính chắn giọt bắn. Những đứa trẻ Gen C đang trải qua phần tuổi thơ kỳ lạ của mình, nhìn bầu trời qua ô cửa sổ hay chiếc ban công chung cư. Làm cha mẹ vốn đã khó, làm cha mẹ giữa một đại dịch toàn cầu càng khó khăn hơn gấp bội, nó khiến ta hoang mang về từng quyết định của mình, rằng liệu tuổi thơ của con có đang bị khuyết mất điều gì, liệu những đứa trẻ này có trở nên bất thường trong cách hành xử về sau, liệu chúng sẽ trở thành ai khi lớn lên, liệu chúng có đang quên mất những kỹ năng xã hội đã học được trước khi Covid-19 xảy đến…?

Trở thành mẹ lúc này cũng làm tôi trở nên nhạy cảm và dễ xúc động hơn bao giờ. Khi bản thân tôi còn đang lo lắng chuyện tuổi thơ con sẽ bị đánh cắp nếu dịch bệnh cứ mãi kéo dài, thì có nhiều người mẹ khác chỉ có thể nghĩ tới việc làm sao kiếm đủ sữa nuôi con trong cái đói cái nghèo vì phong tỏa, thất nghiệp. Theo dõi tin tức, trái tim tôi thắt lại khi nhìn thấy những đứa trẻ nhỏ xíu phải vạ vật bữa đói bữa no vì bố mẹ chúng đã kiệt quệ rồi. Những phận người mong manh, những bờ vai nhỏ giữa sương gió trong cuộc tha hương đau lòng.

Một ngày nào đó, hy vọng sớm thôi, khi đại dịch này qua đi, tôi nghĩ mình sẽ làm một cuộc ăn mừng riêng tư để kỷ niệm “chiến thắng” với tư cách là một người mẹ đã vượt qua những năm tháng khó khăn này. Có lẽ lúc đó, khi nhớ về cái thế giới kỳ lạ mà chúng ta đang sống trong nó, nơi người ta tranh nhau từng cuộn giấy vệ sinh hay bó rau cọng hành, nơi sự sống và cái chết vô thường hơn bao giờ, nơi con người không thể di chuyển dù chỉ là ra trước ngõ, nơi tạo nên một thế hệ mới mang tên Gen C, có lẽ ta sẽ phải rất biết ơn một cuộc sống bình thường mà ta từng cho rằng nó thật hiển nhiên. Như bé Anne, cô con gái 4 tuổi của một người bạn của tôi đang sống ở Úc, gần đây đi học về và than thở rằng quy định mới ở trường khiến bé không được ôm người bạn thân của mình. Bé bảo rằng bé sẽ đợi đến ngày quy định này được dỡ bỏ, khi đó bé sẽ ôm bạn thật lâu, thật chặt…

Bài Hoàng Oanh Ảnh NVCC
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP