Vì sao chị lại chọn theo đuổi kiến trúc? Trong khi rõ ràng chị có máu nghệ sĩ, sao không chọn làm nghệ sĩ nhỉ?
Kiến trúc và nghệ thuật đã từng rất gần nhau, như Leonardo da Vinci vừa là họa sĩ, kĩ sư, nhà khoa học, kiến trúc sư. Nhưng ngày nay kết nối ấy đang bị đứt gãy và lãng quên. Tôi thích làm triển lãm ở Manzi là vì thế, thường những triển lãm kiến trúc chỉ cho dân ngành kiến trúc xây dựng đến xem, còn Manzi là dành cho cộng đồng yêu nghệ thuật nói chung, và tôi thì muốn xem thử kiến trúc có đạt được đến tính nghệ thuật không khi được trưng bày trong không gian nghệ thuật. Tôi cũng muốn kiến trúc sư và nghệ sĩ làm việc với nhau. Tôi biết có những nghệ sĩ rất hay, họ đi đến cùng con đường với những thử nghiệm và sự dũng cảm. Với kiến trúc sư, nếu đi đến cùng được tất cả các yếu tố thì chắc chắn sẽ rất hay.
Nghề kiến trúc sư là tổng hòa của nhiều thứ, nó phải vừa khoa học và vừa rất kỹ thuật. Vì nếu xây công trình mà không đạt về kỹ thuật là thất bại, nhưng nếu chỉ đáp ứng kỹ thuật thì lại chỉ là kỹ sư chứ không phải kiến trúc sư. Tức là tôi phải nắm vững các lý thuyết về logic, kỹ thuật, nhưng tôi giải quyết sao cho hay nhất!
Vậy đâu là cái điểm “hay”, điểm mấu chốt phân biệt giữa kỹ sư và kiến trúc sư?
Đúng về công năng, hay là làm “hay” về thẩm mỹ không gian, cái nào nên đi trước và quan trọng hơn cái nào, đó là tranh luận khá phổ biến trong giới kiến trúc sư. Nghĩ như thế là thừa. Quan niệm ấy không nên tồn tại. Một công trình đúng về công năng, đưa lại cảm giác thoải mái dễ chịu là thứ phải có, anh phải học, hiểu được các nguyên lý đầy đủ, thì anh sẽ làm được, giống như kỹ sư chế tạo máy, để tạo ra một cái máy chạy được, là điều kiện cơ bản rồi. Nhưng đấy mới chỉ là kỹ sư thôi. Còn kiến trúc sư thì phải có tính nghệ thuật. Trong lúc làm việc, tôi hay song hành, tạo ra những vật thể đẹp mà không biết để làm gì, nhưng khi có hai cái hợp nhau, khi tôi hiểu về kỹ thuật thì lại tạo ra được một cái vừa đẹp vừa tối ưu về công năng. Tôi không tư duy từ cái khác biệt trước, tôi bắt đầu từ sự lãng mạn rồi đến khoa học, logic và kỹ thuật; tôi muốn kết quả phải đẹp và phải “chạm”.