Khói Lam Chiều (Mỹ Duyên): niềm thương nhớ của những tâm hồn xa quê - Tạp chí Đẹp

Tham gia nhiều cuộc thi sắc đẹp và đạt được những thành tựu nhất định như đăng quang tại “Nữ hoàng trang sức Việt Nam” (2017), đại diện Việt Nam đến đấu trường “Miss Global” (2019)… nhưng người đẹp sinh năm 1994 lại mạnh dạn rẽ sang một hướng đi hoàn toàn mới, xây dựng một kênh ẩm thực đậm chất miền Tây với tên gọi “Khói Lam Chiều”. Khi được hỏi điều gì khiến cô vững lòng với lựa chọn có phần liều lĩnh ấy, Mỹ Duyên cho biết trước là để đắm mình trong niềm vui gắn liền với gian bếp, sau là lưu giữ miền quê hồn hậu và đầy ắp tiếng cười đã luôn là một phần trong ký ức của mỗi người.

Tên thật
Mỹ Duyên

Nữ hoàng trang sức Việt Nam (2017)

Chủ nhân kênh Youtube
Khói Lam Chiều
Kênh chia sẻ ẩm thực làng quê Việt Nam
(392,000 người đăng ký)

Sinh ra và lớn lên ở miền Tây nên hiển nhiên Mỹ Duyên luôn có sự ưu ái đặc biệt dành cho ẩm thực quê nhà. Về sau có dịp đi đến nhiều nơi và trải nghiệm nhiều hơn, cô càng nhận ra ẩm thực miền Tây rất phong phú và đa dạng. Đặc biệt, ở mỗi địa phương, mỗi tỉnh thành sẽ có những món đặc sản trứ danh, các công thức nấu riêng, mang đến hương vị món ăn cũng khác biệt. Đó là chưa kể, đến miền Tây, còn có thể thưởng thức ẩm thực theo mùa, đúng với câu “mùa nào thức nấy”. Điều thú vị là có không ít món ngon có sẵn ngay trong vườn nhà, chỉ cần bê rổ ra sau vườn hái mớ rau, rồi ra ao bắt vài con cá lên là có thể nấu được một bữa cơm chiều.

Có lẽ vì vậy mà đam mê nấu nướng được hình thành trong cô rất đỗi bình thường ngay từ khi còn nhỏ. Sau này xa quê, Mỹ Duyên vẫn duy trì thói quen tự nấu, đặc biệt vẫn là những món ăn dân dã quê nhà. Đến một ngày cô chợt nảy ra ý định, sao mình không chia sẻ những món ăn “ruột” với mọi người, biết đâu là tìm được “cạ cứng”. Thế là “Khói Lam Chiều” ra đời.

Duyên kể, cô chọn “Khói Lam Chiều” là tên cho kênh ẩm thực của mình xuất phát từ hình ảnh khói bếp của bà ngoại đã in dấu sâu đậm trong trí nhớ từ hồi nhỏ cho đến tận bây giờ. Hồi ấy, cứ vào độ buổi chiều, khi mọi người bắt đầu nhóm lửa nấu cơm, những làn khói bếp cứ toả ra từ chái bếp rồi quyện vào nhau. Hình ảnh đó gợi cho Duyên những xúc cảm rất đặc biệt, sự ấm áp, yêu thương và bình yên mỗi khi nhớ về. Đặc biệt, mỗi khi xa nhà, xa quê thì hình ảnh đó lại càng hiện rõ và khiến cô vô cùng xúc động. Duyên có một mong muốn nhỏ nhoi là đến với “Khói Lam Chiều”, người xem sẽ tìm thấy một người bạn, người đồng hương để khi ai đó bất chợt nhớ quê, nhớ nhà thì có thể tìm đến, cùng chia sẻ, cùng ôn lại những ký ức nơi quê nhà thân thương.

Nhớ lại lúc mới xây dựng kênh, ê-kíp chỉ vỏn vẹn hai thành viên là Duyên và một người bạn. Thật sự lúc bắt đầu, cô chỉ nghĩ đơn giản là làm hết mình để thoả niềm đam mê nấu ăn, nên cứ bắt tay vào làm mà không có chiến lược cụ thể nào cả. Mục tiêu là mang hình ảnh quê hương đến gần hơn với mọi người càng nhiều càng tốt, thế thôi. Tuy nhiên, chính sự bắt đầu không toan tính ấy mang đến cho cô những điều còn giá trị hơn. Chẳng hạn, học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm sống từ các bậc tiền bối, thưởng thức vô vàn món ăn lần đầu tiên được biết đến rồi sau đó tự tay vào bếp nấu lại; được trải nghiệm nền văn hoá độc đáo của nhiều bà con đồng bào dân tộc, được lắng nghe những câu chuyện đằng sau chái bếp,…

Kể về khó khăn trong quá trình xây dựng “Khói Lam Chiều”, Mỹ Duyên cho biết dù là người miền Tây nhưng cô không thường xuyên làm các công việc đồng án, tay chân nên khi chấp nhận làm kênh cô phải lăn xả, cống hiến 200% sức lực. Bên cạnh đó, thử thách lớn nhất của cô là các món ăn. Mỹ Duyên luôn mong muốn truyền tải một cách đúng nhất có thể về sự đặc sắc riêng của từng vùng miền thông qua món ăn đó. Vậy nên, cô cùng ê-kíp buộc phải tự tìm tòi và học các công thức nấu từ người dân địa phương hoặc những quán ăn tại vùng đó. Dẫu vậy, ở một số món ăn thì kết quả chỉ mang tính tương đối. Đây cũng là điều khiến cô luôn nỗ lực từng ngày để có thể mang đến những món ăn gần nhất với hương vị địa phương đó.

Về ý kiến “Khói Lam Chiều” có nét tương đồng với “hot vlogger” Lý Tử Thất, Mỹ Duyên chia sẻ thẳng thắn rằng Lý Tử Thất là người đã truyền cảm hứng cho cô rất nhiều. Thậm chí, Tử Thất cũng là một trong những người khiến cô quyết tâm thực hiện “Khói Lam Chiều” bằng mọi cách. Nhưng nói tương đồng là không đúng, từ phong cảnh miền quê đến trang phục mà Mỹ Duyên chọn ngay từ đầu đã khác. Một cô gái mặc áo bà ba, cùng với gian bếp thô sơ và những món ăn đậm chất miền Tây chính là hình ảnh mà cô hướng đến.

Buổi trò chuyện càng sôi nổi hơn khi Đẹp cùng Mỹ Duyên rời khỏi gian bếp thôn quê để đến với những vấn đề mang tính thời sự hơn. Về tranh luận nấu ăn là đặc quyền hay áp lực của phái đẹp, Mỹ Duyên cho rằng ai cũng có quyền chọn điều mình muốn. Ngày nay, phụ nữ nắm giữ những vị trí quan trọng không thua kém cánh mày râu. Trên thực tế, dù bận rộn nhưng nhiều phụ nữ vẫn chọn vào bếp nấu ăn để chăm sóc mái ấm của mình. Tuy nhiên, công việc của mỗi người không giống nhau, quỹ thời gian cũng khác nên tất nhiên, việc dành bao nhiêu thời gian cho nấu nướng sẽ linh hoạt, miễn là phù hợp với bản thân và gia đình. Phái đẹp ít khi đứng bếp không có nghĩa là họ lơ là chuyện chăm sóc gia đình, mà hãy hiểu rằng họ đang chăm sóc tổ ấm theo cách của riêng họ.

Như đối với Duyên, cô chẳng hề cảm thấy áp lực khi vào bếp vì bếp núc và phụ nữ như hai người bạn, hỗ trợ nhau trong việc xây dựng, giữ lửa và chăm sóc gia đình. Cô tin rằng bên cạnh vẻ ngoài hay năng lực nổi trội trong công việc, biết nấu ăn cũng là một lợi thế không nhỏ của phái đẹp. Bởi khi còn độc thân, bạn có thể tự thưởng cho mình các món ngon lạ miệng vào những lúc rảnh rỗi. Trong lúc say sưa đun nấu ấy, bạn giải toả phiền muộn và lấy lại năng lượng. Khi bạn có tổ ấm riêng, việc tự tay chuẩn bị bữa cơm cho gia đình sẽ mang lại những cảm xúc rất riêng. Bên cạnh đó, việc cùng nhau vào bếp cũng sẽ góp phần thắt chặt tình cảm giữa các thành viên trong nhà nữa.

Mỹ Duyên cũng không đồng tình với quan điểm, làm “nội trợ” là thất nghiệp. Với cô, nội trợ là một nghề cần phải có sự tôn trọng nhất định. Người phụ nữ chọn nghề nội trợ không phải vì không tìm được việc làm hay không đủ sức đương đầu với áp lực của công việc, mà đó là họ chọn lùi về sau, một lựa chọn độc lập và hoàn toàn chủ động để cùng người đàn ông vun vén cho gia đình. Thật vô lý khi mà chúng ta không công nhận, sẻ chia và trân trọng những thành quả họ làm ra, đúng không?

Việc cùng nhau vào bếp sẽ góp phần thắt chặt tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.

- Khói Lam Chiều -

Bài Huyền My Sản xuất Duyên Trần Nhiếp ảnh Minh Tuấn (Icon-T)
Thiết kế Minh Tuấn
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP