Họa sĩ Phạm Công Xeen: "Tôi tìm cái đẹp trong cái đời thường" - Tạp chí Đẹp

Tôi được biết rằng để vẽ theo phong cách này, anh đã… tháo kính cận. Cận thị vốn dĩ là một khuyết thiếu trên cơ thể, nhưng có bao giờ anh thấy may mắn vì… khuyết thiếu ấy?

Thực ra, để kể về câu chuyện này thì nó không hẳn chỉ là vì tôi bị cận đâu. Đúng hơn là nó đến từ một biến cố rất lớn trong cuộc đời tôi, khi ba tôi bị đột quỵ. Sau đó, nửa người ông bị liệt và một con mắt không còn nhìn thấy gì nữa. Một người bán thân bất toại và chỉ còn một con mắt thì họ sẽ nhìn thấy những gì? Tôi muốn nhập vào ba tôi, vào rất nhiều những con người khác như ba và cảm nhận cách nhìn thế giới qua đôi mắt có khiếm khuyết của họ. Cho nên, thực sự thì tranh của tôi không chỉ đến từ trải nghiệm của tôi hay chỉ về tôi, dù đúng là tôi bị cận từ nhỏ, và rất lạ là mỗi lần tháo kính ra, thấy thế giới mờ ảo, không rõ ràng từng chi tiết nữa thì tôi lại thấy dễ chịu hơn.


Vậy là trong tranh anh có dấu ấn rất lớn của ba anh. Trước đó, ba anh có sức ảnh hưởng thế nào đối với anh và những lựa chọn đam mê của anh?

Chắc chắn là nhiều chứ, vì chúng ta đều có sự phản chiếu nhất định từ ba mẹ mình mà. Ba tôi là một người đi biển, ông là một thợ lặn. Mà cũng vì tôi sinh trưởng ở vùng ven biển nên có lẽ những phong cảnh mờ ảo đã ăn sâu vào tôi từ thời ấy. Nếu bạn từng đi lặn biển thì bạn cũng biết rằng ở dưới nước, xung quanh bạn chỉ là một không gian mờ ảo thôi, mọi thứ không còn sắc nét nữa; hay vào những buổi sáng sớm, biển cũng là một không gian vô định, mọi sự bị làm mờ. Tôi nghĩ nếu không phải là một họa sĩ thì chắc tôi cũng sẽ đi biển như ba tôi, cũng sẽ làm một người thợ lặn như ông.

Previous
Tiếp theo

BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG LỌ SƠN DẦU CŨ

Trong lịch sử hội họa từng có những danh họa lựa chọn vẽ với đôi mắt mờ, như Monet hay Degas, những họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng. Anh có tìm hiểu về họ không?

Đó đều là những danh họa lớn mà chúng tôi phải học, nhưng đúng ra là khi tôi tốt nghiệp đại học, tôi cũng chưa nghĩ ngay rằng mình sẽ trở thành một họa sĩ hay gì cả. Tôi vốn học ngành tranh lụa tại Đại học Mỹ thuật, nhưng rồi lại vẽ sơn dầu. Lý do rất tình cờ. Là vì đúng lúc đấy, khi tôi muốn vẽ nhất, thì trong ngôi nhà nơi tôi sống lại có những lọ sơn dầu cũ của bạn bè bỏ lại, không dùng đến nữa. Tự chúng xuất hiện trên tay tôi. Tôi không có kế hoạch rằng mình sẽ theo đuổi phong cách nào, sẽ làm cụ thể những gì, đạt tới cái gì, mọi thứ diễn ra tự nhiên và cũng bất ngờ với cả chính tôi. 

Để nói về một người thầy hội họa trong đời thì tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta phải tự tìm người thầy ở trong mình. Những gì mà các thầy cô dạy cho chúng ta chỉ mang tính hướng dẫn, nhưng tự con người ta phải lắng nghe tiếng nói bên trong, chỉ có ta mới nói được cho ta những điều ta sẽ làm mà thôi.

Công chúng thường nghĩ một nghệ sĩ phải có sẵn một tố chất rất đặc biệt bên trong mình, nhưng ít khi nói đến sự khổ luyện và lao động của nghệ sĩ, như thể họ sinh ra đã cầm một cây cọ vẽ trên tay. Ấn tượng đó thường không chính xác. Để đến được phong cách nghệ thuật như hiện tại, anh nghĩ mình đã phải trải qua những giai đoạn loay hoay nào?

Ai cũng phải loay hoay hết, và mỗi người có một thời hạn khác nhau cho mình. Ngay cả những người lớn tuổi mà vẫn loay hoay trong việc định hình phong cách thì cũng không có nghĩa là họ không giỏi hay không có gì để biểu hiện cả đâu, chỉ là họ có những thời hạn khác.

Tôi thì vẫn luôn cảm thấy biết ơn vì dường như mọi thứ đến với tôi nhanh hơn tôi mường tượng. Tất nhiên, cũng có những giai đoạn rất khó khăn, những giai đoạn mà mình đặt ra rất nhiều chất vấn cho bản thân, không biết mình là ai, mình phải làm gì, có những vấn đề từ bên trong bản thể của mình. Thế rồi cũng có những giai đoạn mà mình lại phải tính đến những chuyện mưu sinh, cơm áo gạo tiền. Hồi đó, tôi từng cố gắng tạo dựng nên một không gian sống của riêng mình, vốn dĩ chỉ là không gian để mình sống và sáng tác thôi, nhưng sau khi hoàn thành thì bạn bè đều thích và bảo sao không đem cho thuê làm studio chụp hình. Tôi mới nghĩ đó là một ý tưởng hay, và thay vì mình tận hưởng nó một mình thì có nhiều người khác cũng được tận hưởng.

Bây giờ, tôi nghĩ mình vượt qua được nhiều giai đoạn cũng là nhờ có ý chí.

 

CÁI ĐẸP LÀ CÁI HIỆN HỮU TRONG MẮT NGƯỜI NGẮM

Anh có một lịch vẽ cụ thể không, hay dựa vào cảm hứng?

Ồ, tôi thích câu hỏi này. Không phải ngày nào tôi cũng vẽ đâu, tôi cũng phải có cảm hứng, cảm xúc thì mới vẽ được. Nhưng khi vẽ, tôi thường vẽ vào lúc 2 giờ chiều, không phải đại khái buổi trưa mà là đúng 2 giờ chiều. Tôi không vẽ buổi tối, vì buổi tối là khoảng thời gian để suy nghĩ và tìm tòi ý tưởng của tôi. Vả lại, tôi nghĩ rằng ban ngày, khi mặt trời chiếu sáng muôn vật và cho ta nhìn thấy mọi điều thì mới là thời điểm thích hợp để vẽ tranh.

Vậy những điều gì thường mang tới cảm hứng cho anh?

Với tôi là những thứ đời thường, nghĩa là những thứ ở ngay xung quanh mình, những rung động nhỏ bé trong cuộc sống. Hồi trước tôi thường chỉ ngồi trong phòng vẽ, nhìn qua cái cửa sổ của mình. Bây giờ thì tôi có một sự chuyển dịch, sau khi chia sẻ không gian của mình với nhiều người khác thì tôi cũng dịch từ thế giới riêng ra thế giới bên ngoài, với thiên nhiên rộng lớn. Có rất nhiều điều trên đời này khiến tôi biết ơn.

Gần đây tôi có đọc một tác phẩm mang tên “Lịch sử cái đẹp” của Umberto Eco, trong đó ông tìm hiểu về sự thay đổi của định nghĩa cái đẹp theo dòng chảy của từng thời kỳ. Nhìn chung thì có rất nhiều quan điểm khác nhau về cái đẹp. Nhưng với riêng anh thì sao? Theo anh, cái đẹp là cái gì?

Cái đẹp là cái gì ư? Với cá nhân tôi, cái đẹp là cái riêng. Cái đẹp luôn là dành cho một vài đối tượng chứ không phải dành cho số đông, không thể có cái đẹp làm hài lòng tất cả mọi người được. Cái đẹp ở đây không phải sự phân biệt với cái xấu, tôi nghĩ không thể tách bạch đẹp/xấu như vậy được, vì mỗi người và mỗi nhóm người đều nhìn thấy cái đẹp theo một cách khác.

À phải rồi, còn một ý nữa, tôi tin cái đẹp là cái hiện hữu. Ta phải cảm nhận được nó, phải nhìn thấy nó chứ nó không thể là một thứ nằm ngoài sự tri nhận. Và vì thế mà tôi tìm cái đẹp trong cái đời thường.

Nhưng nếu cái đẹp là cái hiện hữu thì những thể loại trừu tượng thì sao? Trừu tượng thì không hiện hữu?

Không, trừu tượng cũng hiện hữu chứ. Nó hiện hữu trong tâm trí của người vẽ tranh. Nếu nó không hiện hữu thì không thể vẽ được. Chỉ là sự hiện hữu ấy không bị trói buộc trong những cảm quan và cái nhìn thông thường, và sự thấy là vô hạn.

Bài Hiền Trang Ảnh Hellos Thiết kế Minh Thông

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP