Họa sĩ nhí Xèo Chu-Đừng dại gì “nhận chức” thần đồng! - Tạp chí Đẹp

Xèo Chu từng được mệnh danh là “thần đồng hội họa” khi bắt đầu cầm cọ ở tuổi lên 4 và cho đến năm 14 tuổi đã có tới 4 triển lãm tranh cá nhân tại Mỹ, Dubai, Việt Nam và mới đây nhất là Anh, với lưng vốn là hàng trăm bức tranh (hầu hết là khổ lớn) được cậu vẽ miệt mài trong suốt 10 năm qua. Một số bức từng gây tiếng vang lớn trên sàn đấu giá, điển hình như bức “Hoa mai may mắn” quả đã mang may mắn về cho chủ nhân của nó khi được đấu giá thành công trên sàn giao dịch Binance NFT với giá quy đổi gần 23.000USD (số tiền này sau đó đã được Xèo Chu và gia đình dùng làm từ thiện).

 

Cây cọ nhí ở ngoài đời là một cậu bé hết sức dễ thương với vóc dáng mảnh khảnh, gương mặt trong sáng nhưng cũng ẩn chứa một vẻ chín chắn trước tuổi. Hai chữ “thần đồng” cùng những con số “khủng” thu được từ các buổi đấu giá như một con dao hai lưỡi, nhưng có cảm giác sự nổi tiếng dù tới sớm vẫn chưa chạm được vào Chu. Gương mặt đầy vẻ nghệ sĩ vẫn ánh lên nét hồn nhiên của một cậu thiếu niên 14 tuổi cùng với đôi tay gần như lúc nào cũng lấm màu. Những sắc màu yên vui, lại tuồng như có cả sự nổi loạn ngầm trong đó. “Mãi gần đây Chu mới biết tranh của mình bán được bao nhiêu tiền. Lúc trước thì em rất vui khi biết tranh của mình giúp được người nghèo. Nhưng gần đây em hơi ngại vì sao tranh con nít mà lại bán đắt thế…”, chị Thu Sương – mẹ của Xèo Chu, đồng thời là một nhà sưu tập lâu năm và chủ hai phòng tranh lớn tại TP.HCM – kể.

Xèo Chu, tên thân mật của Phó Vạn An, có nghĩa là “con heo nhỏ” (Chu sinh năm Đinh Hợi 2007), vốn chỉ quen vẽ tranh khổ lớn ngay từ những năm đầu cầm cọ. Lúc đầu Chu thường vẽ tĩnh vật, chủ yếu là hoa (vì mẹ em thích cắm hoa), sau chủ yếu là tranh phong cảnh, ghi lại những cảnh sắc mà em được tận mắt thấy trong những chuyến du lịch trong và ngoài nước cùng gia đình. “Không biết sao Chu hầu như không vẽ được tranh khổ nhỏ, dù để một đứa trẻ vẽ tranh khổ lớn trong nhiều giờ đồng hồ là rất bất cập cho cột sống của bé”, chị Sương cho biết. Thế nhưng, trong số hàng trăm tác phẩm của con, lại có hai bức khổ nhỏ khiến chị ấn tượng hơn cả. Đấy là bức tranh đầu tiên Chu vẽ bằng những nét bút nguệch ngoạc trong một lần cùng hai anh tới lớp học vẽ – một bức tranh tự họa của em. “Lần đầu tiên Chu được nghịch màu, và mẹ vẫn nhớ như in vẻ mặt đầy sung sướng của em lúc đó. Kể từ đó, thế giới của em bắt đầu đổi khác, một thế giới đầy màu sắc…” – chị Sương viết thư cho con, đúng hơn là một kiểu viết nhật ký của chị. Bức thứ hai, gần như là vật bất ly thân của chị Sương khi chị chuyển qua một phòng làm việc mới. Nó luôn được treo ở bức tường chính diện, như một lời nhắc nhở chị về động lực sống, động lực để yêu thương. Bởi nó được Chu, lúc đó mới 7 tuổi, miệt mài ngồi vẽ tại một ban công đầy muỗi thuộc một căn hộ view sông – nơi mẹ em tới đó thiền để dưỡng bệnh. “Đó là những ngày tháng tôi phải tạm tách mình ra khỏi gia đình, và cứ chiều chiều, mỗi lần sang thăm mẹ, Chu lại ngồi hàng giờ ngoài ban công vẽ tranh tặng mẹ, chỉ vì không muốn phá vỡ không gian riêng của mẹ. Nhìn qua cửa kính, lúc nào cũng thấy Chu một tay cầm cọ say mê, một tay liên hồi đuổi muỗi, và những bức tranh cứ thế ra đời”.

Ngoài ra, còn có một bức tranh khác của Chu cũng khiến mẹ lặng người khi trông thấy. Ấy là giữa những ngày Sài Gòn giãn cách, như bao người, chị Sương cũng có lúc bí bách, và thường chị cắm hoa để tìm quên. “Bình thường thì đó là một sở thích. Nhưng khi tôi thức cắm hoa xuyên đêm, hết bình này tới bình khác, thì có nghĩa là xả stress, là ‘nhà có biến’.” – chị Sương chia sẻ. Chu rất hay đọc được những tín hiệu đó của mẹ, và lặng lẽ chia sẻ bằng những bức tranh tặng mẹ. Nhưng có một lần, hẳn cũng bị stress, em tự dưng kêu: “Bình hoa đó là bình hoa muỗi á, cắm nhiều hoa chỉ tổ hút muỗi mà thôi” (Chu có vẻ bị muỗi ám ảnh), thế là chị Sương dỗi con, dẹp hết không cắm hoa nữa. Hôm sau, chị đi công tác về thì bất ngờ thấy bức tranh Chu vẽ, nhanh chưa từng thấy, chính là bình hoa chị đã bỏ đi kia. Chu muốn chuộc lỗi vì đã trót lỡ lời với mẹ, dường như thế cũng là một cách để đền lại bình hoa cho mẹ. Và chị Sương ngầm đặt tên cho bức tranh là “Bình hoa muỗi”, để nhắc nhớ kỷ niệm nhỏ ấy giữa hai mẹ con. Kỷ niệm nhỏ, nhưng là một niềm yêu thương thật lớn.

 

Thường thì Chu thích vẽ tranh khổ lớn, tranh phong cảnh, và là đại cảnh. Là một cánh rừng thu tại Canada, trong một chuyến Chu sang thăm hai anh đang du học tại đó, nơi cậu bé yêu thiên nhiên sung sướng lăn mình trên thảm lá rụng và reo lên với mẹ. Là ráng chiều rực rỡ với những đám mây ngũ sắc Chu chưa từng thấy bao giờ trong một buổi chiều bình yên tại vùng biển Hồ Tràm, nơi em theo mẹ về “ở ẩn” trong những ngày Sài Gòn giãn cách. Là một buổi sáng mù sương ở Hạ Long, khi trên vịnh biển thấp thoáng những cánh buồm thưa nhặt. Hay những cung ruộng bậc thang mênh mang ở Mù Cang Chải mùa nước đổ…

Nếu như mẹ Chu quen viết nhật ký bằng những bức thư gửi con, gửi mình; hay hai anh của Chu quen viết nhật ký bằng cách ngồi xuống bên đàn, thì nhật ký của Chu, không gì khác, chính là những bức tranh em vẽ. “Chu vẽ như hơi thở vậy, vẽ toàn bộ những gì em thấy, em thích, không theo một trường phái nào hay nhằm đưa ra một thông điệp gì. Một điểm lạ ở Chu là em không bao giờ quay lại với đề tài cũ. Khi thích một đề tài nào đó, em sẽ vẽ cả loạt, và sau đó không bao giờ trở lại…”, nhà sưu tập tranh nói về con mình – họa sĩ nhí Xèo Chu. “Con dừng lại vì con nghĩ mình đã xong việc với nó và cũng đã chán nó”, Xèo Chu giải thích.

 

“Thần đồng hội họa” được mẹ khuyên đừng dại gì nhận cái chức thần đồng, vì vị trí “đứng giữa hàng” mới là trạng thái an toàn nhất, để còn đi tiếp và đi lâu. Còn Xèo Chu thì cho rằng điểm khác biệt duy nhất giữa mình với chúng bạn là “con hay dành thời gian để vẽ, thay vì những sở thích khác mà con thấy các bạn hay làm”. Như game chẳng hạn, “Chu không bao giờ chơi game, chỉ đơn giản vì mẹ em vốn rất ghét những gì thuộc về điện tử. Và từ lúc nào đó, Chu mặc nhiên hiểu rằng, có hiếu với mẹ tức là không làm những gì mẹ ghét. Chu quả thực là một cậu bé rất chín chắn. Chín chắn và đằm tính, có ý thức trách nhiệm rất cao với người thân cũng như tác phẩm của mình, cuộc sống của mình. Tôi nghĩ có lẽ hội họa đã giúp con trưởng thành trước tuổi”, nhà sưu tập tranh nói về cậu con trai mà chị gọi là “đứa bé tự lớn”. “Điều hạnh phúc nhất khi ngồi trước bức tranh của mình là mình muốn làm gì nó cũng được hết. Đó là một cảm giác rất thoải mái và dễ chịu”, Chu nói.

Hiển nhiên không dễ gì để những bức tranh của một cây cọ nhí có thể ra được ngoài biên giới hình chữ S nếu như không có sự trợ lực quan trọng từ người mẹ vốn sở hữu hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sưu tầm và trưng bày tranh. “Nhưng cũng không gì có thể thay thế và giúp con người ta đi lâu, đi xa được bằng đam mê. Nếu bạn từng nhìn thấy Xèo Chu ngồi vẽ suốt 3 tiếng liền trước sự chứng kiến của hàng trăm người tại Singapore, bạn sẽ biết rằng những bước đi ban đầu ấy có được từ đâu và được nuôi lớn bằng gì. Đam mê là thứ không thể đem đấu giá được”, nhà sưu tập tranh nói. “Tôi quan niệm việc dạy con cũng như thả diều. Việc của bố mẹ là nắm cái dây, canh chừng nó, biết nương theo con và canh hướng gió. Gió to quá thì có thể thu bớt dây; nếu dây diều bị đứt thì có thể đi lượm về, vá lại; còn bay cao tới đâu là việc của các con, và tùy thuộc cả ở thiên thời, địa lợi…”.

 

Cho tới lúc cánh diều tự tìm thấy đường bay.

Bài Lê Quân   Ảnh Huy Vũ Lê

 Thiết kế Hà Phạm 

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP