Họa sĩ Mai Tạ: Không cần phải tránh nỗi buồn - Tạp chí Đẹp

Từ bao giờ em muốn mình sẽ trở thành một nghệ sĩ?
Từ nhỏ em đã hay dùng bút màu vẽ lên tường nhà nhưng chưa bao giờ có suy nghĩ vẽ cũng là một nghề. “Nghề” theo em nghĩ phải là những công việc theo kiểu mình có một văn phòng để đến chấm công, ăn lương và đi đi về về mỗi ngày. Cho đến năm 17 tuổi, khi đi du học Mỹ, em mới gặp được một cô giáo dạy vẽ, người đã truyền cho em niềm tin vào sở thích của mình. Em chọn trường School of Visual Arts (New York) khi lên đại học và nhận ra đây đúng là môi trường mình có thể bày tỏ cảm xúc một cách thoải mái. Em không phải một người giỏi nói hay giao tiếp, nhưng có thể truyền đạt mọi suy nghĩ của mình vào tranh. Vẽ đối với em giống như tự nói chuyện với chính mình.

Nhưng em cũng không tính rằng mình sẽ làm họa sĩ. Lúc vào đại học, em chọn ngành vẽ minh họa (illustration) vì nghĩ đó là công việc dễ kiếm tiền nhất. Em cần phải chứng tỏ với ba mẹ rằng mình hoàn toàn có thể kiếm sống với nghề này. Nhưng cuộc đời cứ đẩy em đi, những người thầy mà em gặp đều có xu hướng thiên về tranh nghệ thuật hơn là vẽ minh họa, họ đã giúp em rẽ sang con đường này.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, các tác phẩm của em thường xuất hiện hình ảnh những cô gái với mái tóc rất dài. Dù trong khung cảnh nào, ngay cả khi đang cầm một con dao tự cứa mình chảy máu, thì ở họ cũng toát lên vẻ đài các, duyên dáng. Đó là hình ảnh tưởng tượng trong đầu em hay đến từ một câu chuyện nào?
Em luôn dùng tranh để bày tỏ điều mà em suy nghĩ. Nếu cần một câu trả lời ngắn, thì những cô gái đó chính là em và cách em nhìn bản thân em.

Còn câu trả lời dài hơn thì là: những năm 18-19 tuổi em từng có rất nhiều vấn đề với cơ thể mình, cách nhìn có phần hơi nặng nề khi em nhận ra ở mình những điều không hoàn hảo. Em vẽ những nhân vật có cơ thể giống em ngoài đời vì em muốn nhìn bản thân mình với một ánh mắt hiền hậu hơn, ngưng trách móc. Giờ thì em không nghĩ như vậy về mình nữa, nhưng vẫn tiếp tục vẽ những hình ảnh này. Các cô gái trong tranh của em giờ đã trưởng thành hơn, nữ tính hơn, không sợ buồn hay sợ phải đối diện với những cảm xúc khó nói nữa.

Tranh của em có khá nhiều bức chân dung đặc tả, trong đó phảng phất sự do dự, nghi vấn hay sầu đau. Nhân vật trong tranh – hay chính em – như đang trôi trong một dòng suy nghĩ nào đó. Em đã chớp lấy những cảm xúc nào trong đời sống thường ngày để vẽ nên những bức tranh này?
Ngày xưa em có nhiều cảm xúc tiêu cực như tức giận, thấy không ai hiểu mình, nên xem tranh của em hồi đó sẽ thấy có nhiều màu đỏ, những cô gái em vẽ cũng có vẻ hung dữ. Giờ thì em có thể vẽ cả lúc vui, lúc đắn đo, lúc trong em có điều gì đó thay đổi. Gần đây nhất, nỗi sợ và sự chấp nhận nỗi sợ là cảm hứng rất lớn cho em. Một phần vì dịch, em dành rất nhiều thời gian để ở một mình, trong những cuộc đối thoại với bản thân và bạn bè, em phát hiện ra rất nhiều cảm xúc mà em chưa bao giờ thật sự nhìn thẳng vào nó.

Quá trình sáng tác của em thường diễn ra thế nào? Em là người họa sĩ có xu hướng suy nghĩ và tính toán rất kĩ trước khi đặt bút vẽ, hay ngược lại, là người sẽ nhanh chóng nắm bắt cảm xúc và truyền tải nó lên trang giấy?
Em thích dùng hình tượng để bày tỏ điều mình muốn nói, rồi để mọi người cảm nhận điều gì tùy thích. Em thấy mình sáng tác hay nhất vào những giai đoạn em trải qua một điều gì đó trong cuộc sống, hoặc buồn, hoặc vui, từ đó những hình tượng sẽ tự nhiên xuất hiện. Nếu cố ép mình phải vẽ, em thấy tác phẩm của mình rất nông cạn.

Chất liệu yêu thích của em là gì?
Em thích vẽ màu gouache trên giấy bởi nó vừa có độ mềm mại như màu nước lại vừa có độ phủ cao như acrylic. Ngày xưa em hay vẽ sơn dầu, nhưng giờ tính cách em nhẹ nhàng hơn nên lại thích tranh của mình có sự thanh nhã, giống như những bức tranh giấy Nhật Bản hoặc tranh lụa Việt Nam ngày xưa.

Khổ tranh của em khá nhỏ, đó là chủ đích của em hay do giới hạn của chất liệu?
Thời mà con người em còn chất chứa nhiều giận dữ, nhiều đau đớn, em muốn chứng tỏ với thế giới nên từng vẽ những bức sơn dầu rất lớn với những chủ đề táo bạo, bởi em muốn người ta phải… sốc. Nhưng khoảng năm thứ 3 đại học, em được xem những bức tranh màu nước của nền văn hóa Ấn Độ, chúng tuy nhỏ nhưng được vẽ rất chi tiết và nhiều ẩn dụ. Tự nhiên em cũng muốn thử một thứ như vậy. Càng ngày em càng hiểu ra, em thích người ta nhìn tranh của mình sâu hơn, chứ không phải chỉ thấy sốc rồi không muốn làm gì với nó nữa. Em muốn mời người xem vào tranh của mình, cho họ một khoảng im lặng để nhìn các chi tiết và ngẫm xem chúng có ý nghĩa gì với họ.

Dường như có một biến đổi trong các sáng tác của em từ năm 2019 trở lại đây, không chỉ trong nội dung mà ở cả bố cục và hiệu ứng thị giác. Những thay đổi này đến từ đâu?
Nghĩ lại, em thấy mình hồi xưa lúc nào cũng như ôm chặt quan điểm và sở thích của mình mà không chịu thả nó ra để đón những điều mới. Hồi đó em từng không thích tranh trừu tượng hay tranh tối giản… Em chỉ mê tranh cổ điển và những kiến trúc xưa cũ của Việt Nam, chẳng hạn như cung đình Huế, và thường mang chúng vào tranh của mình. Rồi có lần em đi Huế thăm bảo tàng của bà Điềm Phùng Thị, thấy bà tạo ra những tác phẩm điêu khắc mang tinh thần Việt Nam nhưng với ảnh hưởng của trường phái phương Tây hiện đại, điều đó đã thay đổi em rất nhiều. Lúc tốt nghiệp, em còn có một bước ngoặt trong tình cảm khi chia tay với người đã ở bên cạnh em từ rất lâu. Những sự kiện này như một cuộc cách mạng làm chuyển hóa con người em, trong cả suy nghĩ, sở thích lẫn cách em nhìn thế giới. Em bắt đầu đi bảo tàng hiện đại và thích những thứ đơn giản nhẹ nhàng. Em bắt đầu thích màu xanh. Em không còn giữ định kiến rằng mình sẽ không bao giờ thay đổi. Ngược lại, bây giờ em học được rằng, mình sẽ luôn thay đổi.

Sao bây giờ em lại thích màu xanh?
Em nhớ có lần đi xem triển lãm ở bảo tàng Metropolitan (New York), khi nhìn vào một bức tranh rất lớn chỉ có 3 mảng màu trắng, đen, xanh dương của họa sĩ Clyfford Still, em đã nghĩ: “Ồ, sao nó lại cho mình cảm giác bình yên như vậy?”. Giờ coi tranh của em thì 3 màu ấy lúc nào cũng xuất hiện (cười). Em cũng thích tranh màu nước của người Nhật, họ dùng rất nhiều màu xanh.

Em còn thích ngắm trời, ngắm biển, ngắm sao, thích tìm hiểu về Horoscope, mọi thứ cứ tự nhiên đưa em đến với gam màu này.

Nhưng trên hết, màu xanh nói về sự buồn bã mà em học được gần đây, rằng nỗi buồn không phải là thứ mà mình cần phải tránh. Nỗi buồn là điều hiển nhiên sẽ xảy ra, để mình học được một bài học nào đó và đi tiếp. Màu xanh đối với em tượng trưng cho suy nghĩ đó.

Sắp tới em có dự án nghệ thuật nào không?
Em sắp tham gia một triển lãm tranh tại London vào ngày 25/9, và mùa thu năm nay là một triển lãm cá nhân ở New York. Em cũng đang có vài bức đấu giá ở Toong và GốcCreation để ủng hộ cho bệnh viện dã chiến số 6 trong mùa dịch này.

Cảm ơn những chia sẻ của em!

Bài Arlette Quỳnh-Anh Trần Ảnh Dương Nguyễn
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP