Bên cạnh hành trình tình yêu 10 năm với đủ cung bậc cảm xúc, Hoa hậu Ngọc Hân còn được công chúng ngưỡng mộ vì đám cưới “độc nhất vô nhị” với quá trình chuẩn bị lên đến… gần 3 năm. Mọi sự tỉ mỉ đã được đền đáp vì nhiều người vẫn nhớ về hình ảnh độc đáo của đầm sen, ruộng lúa, cầu tre,… cùng những chi tiết trang trí mang đậm văn hóa truyền thống Việt Nam cho đến tận bây giờ.
Mùa cưới năm nay, cùng Đẹp trò chuyện với Hoa hậu Ngọc Hân về quá trình cô lên ý tưởng và chuẩn bị hôn lễ trong mơ của mình, cũng như lời khuyên dành cho các nàng dâu tương lai đang có dự định tổ chức một đám cưới độc bản và cá nhân hóa.
Xin chào chị Ngọc Hân, cảm ơn chị vì đã nhận lời phỏng vấn với Tạp chí Đẹp. Chị có thể chia sẻ về câu chuyện tình yêu của mình và chồng không?
Xin chào chị Ngọc Hân, cảm ơn chị vì đã nhận lời phỏng vấn với Tạp chí Đẹp. Chị có thể chia sẻ về câu chuyện tình yêu của mình và chồng không?
Chuyện tình của tôi và ông xã cũng khá là ly kỳ đấy (cười). Năm 2011, chúng tôi gặp nhau trong một chuyến đi quảng bá du lịch và văn hoá cho Ai Cập. Khi đó chồng tôi đang là sinh viên và nhận nhiệm vụ dẫn đoàn đi tham quan. Chúng tôi cảm mến nhau và có thời gian yêu xa khoảng 8 tháng, nhưng do nhiều lý do nên đã chia tay trong 5 năm. Mãi đến năm 2017, chúng tôi mới “yêu lại từ đầu” và tổ chức đám cưới vào 5 năm sau. Vậy là hành trình từ khi yêu đến lúc về chung một nhà gói gọn trong 1 thập kỷ.
Chị còn nhớ khoảnh khắc anh nhà cầu hôn chị không?
Hôm đó là ngày kỷ niệm 2 năm quay lại nên chúng tôi quyết định sẽ đi ăn cùng nhau. Tôi không biết anh đã “ủ mưu” nên chỉ ăn mặc và trang điểm nhẹ nhàng. Khi đến điểm hẹn, tôi bất ngờ được dẫn lên tầng 2 vào khu vực ban công đã được trang trí lung linh. Ông xã đã chuẩn bị rất cầu kỳ từ việc quay clip, tự làm socola có chữ “Marry Me?” và nhẫn cưới,… Mặc dù không quỳ xuống cầu hôn như thường lệ, nhưng bằng sự chân thành, anh đã hoàn toàn chinh phục được tôi. Cảm xúc vỡ òa vì hạnh phúc đó tôi vẫn nhớ đến bây giờ.
Được biết đám cưới của chị mang phong cách dân gian. Chị có thể chia sẻ thêm về nguồn cảm hứng này?
Khi lên ý tưởng, tôi đã hình dung về một đám cưới truyền thống pha lẫn hiện đại. Là một nhà thiết kế áo dài, tôi vốn rất yêu những chất liệu dân gian và mong muốn mang đến nhiều điều gợi nhớ về văn hoá truyền thống lịch sử Việt Nam. Chẳng hạn như trong đám cưới, tôi và các khách mời đều mặc áo dài. Ngoài việc mang đến không khí lễ hội cổ xưa, thì điều này cũng giúp lan tỏa hình ảnh đẹp này đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Vậy chắc hẳn quá chuẩn bị cũng gặp không ít khó khăn?
Đúng vậy (cười). Với những đám cưới thông thường, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn vì có công thức và quy trình cả rồi. Nhưng khi lựa chọn “một mình một kiểu” theo phong cách truyền thống, tôi phải tự tay chuẩn bị từng chi tiết nhỏ. Ví dụ cả ekip đã tốn rất nhiều công sức và chất xám để tái hiện lại mô hình ngôi nhà ba gian cổ thay thế hòm tiền mừng cưới, đồng thời cũng trở thành vật trang trí luôn.
Dù đám cưới của tôi bị lùi lại gần 3 năm vì dịch COVID, nhưng trong cái rủi cũng có cái may, tôi và ekip của mình có rất nhiều thời gian để chuẩn bị từng chi tiết sao cho hoàn hảo và tỉ mỉ nhất.
Đâu là những điểm chị tâm đắc nhất trong đám cưới của mình?
Nhiều lắm, vì tôi đã dồn rất nhiều tâm tư và chất xám vào từng chi tiết trong đám cưới mà. Nhưng tôi sẽ điểm qua một số điều mình hài lòng nhất:
Cầu kỳ là vậy, liệu trong quá trình tổ chức đám cưới, chị và chồng có gặp mâu thuẫn nào không?
Có chứ, tôi nghĩ mâu thuẫn là chuyện hết sức bình thường, nhất là khi có quá nhiều việc và chi tiết phải lo (cười). Điển hình trong đám cưới, chúng tôi dự định sẽ chiếu một chiếc clip chia sẻ về hành trình tình yêu của hai người. Lúc đầu, ông xã tôi thấy hơi dài dòng và muốn cắt bớt đi. Tôi mới từ từ thuyết phục rằng câu chuyện diễn ra trong hơn 10 năm thì không thể nào lược bỏ được. Và cuối cùng sau rất nhiều lần động viên, anh đã đồng ý. Đó cũng là quyết định đúng đắn bởi chiếc clip ấn tượng và hài hước đến mức khiến mọi người quên đi cơn đói. Có lẽ đó cũng là lúc anh nhận ra, nghe vợ thì không bao giờ sai (cười to).
Đâu là kỷ niệm không thể nào quên trong hôn lễ của chị?
Chắc chắn là khi di chuyển trên lễ đường được làm hoàn toàn bằng tre. Lúc đầu, tôi định đi giày đế xuồng, thế nhưng tôi được người bạn rất thân tặng đôi giày gót nhỏ và mong muốn tôi đi trong đám cưới, nên tôi cũng thuận theo.
Trên đoạn đường bằng tre khá gập ghềnh, thực sự đôi giày đã phản chủ (cười). Tôi đã phải dừng lại khá là nhiều lần và nhờ sự trợ giúp của ông xã. May mắn là nhờ kinh nghiệm catwalk lâu năm, tôi không nao núng và vẫn cười rất tươi, chậm rãi đi lên sân khấu. Qua đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ các nàng dâu tương lai hãy chọn đôi giày thật thoải mái để hạn chế bị đau hay mỏi chân.
Chị có gợi ý gì về những nghi thức mang ý nghĩa đặc biệt khác nhau thay vì cắt bánh cưới không?
Nghi thức cắt bánh cưới đến từ phương Tây đã trở nên quen thuộc đến mức có phần nhàm chán. Như đã chia sẻ, tôi muốn một đám cưới truyền thống Việt Nam, thế nên ekip đã nảy ra ý tưởng rằng cô dâu chú rể sẽ cùng nhau xếp những chiếc bánh phu thê – một loại bánh rất ý nghĩa thường được dùng trong đám hỏi và đám cưới. Những người thân trong gia đình đã cùng truyền tay nhau những chiếc bánh để gửi đến cho hai vợ chồng xếp thành tháp bánh phu thê – biểu trưng cho sự hạnh phúc đủ đầy.
Ngoài ra, mọi người có thể tham khảo nghi thức thả đôi chim bồ câu hay tưới cây hạnh phúc cũng rất hay.
Khoảnh khắc bước trên lễ đường chị có cảm xúc gì?
Một phần tôi rất hạnh phúc, phần còn lại do… bệnh nghề nghiệp nên cứ phải quan sát xem sự kiện có diễn ra theo ý mình không, các bạn nhiếp ảnh có căn được đúng góc mặt đẹp của mình không (cười).
Rồi khi bị vướng giày ở sân khấu bằng tre, tôi vẫn phải thể hiện sự tự tin, hết sức bình sinh nhấc gót giày lên để đi tiếp. Nói chung là tôi có nhiều cảm xúc lắm.
Chị có lời khuyên nào dành cho các cặp đôi muốn tự tay chuẩn bị đám cưới của mình không?
Đám cưới là sự kiện quan trọng trong cuộc đời mỗi người, nên nếu có thể hãy làm cho nó thật trọn vẹn và ý nghĩa. Sau này khi có mâu thuẫn, biết đâu khi nhìn lại những khoảnh khắc đẹp trong đám cưới, cả hai sẽ dễ dàng bỏ qua cho nhau hơn.
Để làm một đám cưới mang dấu ấn cá nhân thì chắc chắn cần phải có sự đồng lòng của hai vợ chồng. Thứ hai, chúng ta phải tìm được những người cộng sự có tâm, có tầm để lên được kịch bản độc đáo và cá nhân hóa. Tôi nghĩ câu chuyện tình yêu nào cũng đẹp và khác biệt – từ việc hai người gặp nhau thế nào, yêu nhau ra sao, tại sao lại quyết định cưới nhau,…. Hãy tái hiện điều đó trong đám cưới.
Ở những đám cưới nước ngoài, điều đặc biệt không đến từ sự xa hoa, cầu kì của việc trang trí mà là từ tâm huyết của cô dâu, chú rể và những người thân. Tôi mong rằng mọi người cũng sẽ có được những đám cưới đặc biệt như vậy, thay vì đi theo lối mòn và tổ chức những đám cưới kiểu công nghiệp và đại trà.
“Hỏi nhanh, đáp gọn” cùng Hoa hậu Ngọc Hân
1. Ba cụm từ để mô tả lễ cưới của mình?
– Truyền thống, độc đáo, ấm cúng
2. Điều cảm động nhất chồng chị dành tặng trong ngày đặc biệt này?
– Bí mật tập luyện và thổi sáo bài “Endless Love” tặng vợ trước mặt tất cả khách mời
3. Chị muốn gia đình nhỏ của mình sẽ có bao nhiêu em bé?
– Mọi người hay nói “chưa đỗ ông nghè, đã đe hàng tổng”, nên tôi cứ dừng ở con số 1 trước (cười).
4. Sau giờ đi làm về, chị và chồng sẽ cùng làm gì?
– Thưởng thức bữa tối và xem phim cùng nhau.
5. Ngôn ngữ tình yêu của hai vợ chồng là…?
– Những lời nói ngọt ngào và dí dỏm.
Cảm ơn chị vì những chia sẻ thú vị.