NẾU MÌNH KHÔNG LÀM THÌ AI SẼ LÀM?
Nhìn lại khoảng thời gian bắt đầu khởi sự, chị có từng nghĩ rằng đến một ngày, mình sẽ trở thành một hình mẫu truyền cảm hứng cho nhiều nữ doanh nhân, các bạn trẻ như ngày hôm nay không?
Cảm ơn bạn đã dành những lời khen cho tôi (cười). Cách đây hơn 45 năm, cơ duyên đến với nghề mía đường của vợ chồng tôi đơn giản chỉ là vì mưu sinh. Hai vợ chồng tôi với đôi bàn tay trắng nhưng nhờ đồng lòng, được bạn bè, đối tác tin tưởng, hỗ trợ mà từng bước vượt qua được những khó khăn trong giai đoạn lập nghiệp.
Tôi vẫn còn nhớ, khi ấy dù chuẩn bị đón con trai đầu lòng, ngày ngày chúng tôi vẫn cùng thương lái dùng ghe vận chuyển mật rỉ từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn, giao cho cơ sở sản xuất cồn và tự sản xuất để bán cho khách. Bươn chải không nề hà việc lớn, việc nhỏ, không quản ngại nặng nhọc, lúc đó, tôi – một cô gái đôi mươi, chỉ tập trung vào công việc và nỗ lực hết mình, khao khát được cùng chồng tự chủ về kinh tế, chăm lo cho gia đình.
Nếu thành tựu của gia đình tôi có thể trở thành nguồn cảm hứng cho các nữ doanh nhân và các bạn trẻ, tôi cảm thấy rất vinh dự và hạnh phúc. Tôi hy vọng rằng câu chuyện của mình có thể truyền động lực cho các chị em phụ nữ, để họ tự tin, dám nghĩ, dám làm và không ngừng theo đuổi ước mơ.
Chị từng kể rằng những ngày đầu, cơ sở sản xuất cồn do chồng chị quản lý, chị làm thủ quỹ và nội trợ. Đến năm 1991, chị mới chính thức tham gia vào việc kinh doanh và sau đó mang lại sự thành công vượt bậc trong ngành mía đường. Điều gì đã thúc đẩy một người phụ nữ nội trợ dấn thân vào thương trường đầy thử thách?
Tiền thân của Tập đoàn TTC là cơ sở sản xuất cồn CO2 do anh Thành (doanh nhân Đặng Văn Thành – PV) khởi sự và điều hành trong giai đoạn đầu. Quy mô lúc đó nhỏ, chủ yếu là sản xuất, kinh doanh cồn, CO2 và mật rỉ đường, tôi chỉ làm thủ quỹ. Nhưng khi anh Thành tập trung cho công việc của Hợp tác xã Tín dụng Thành Công, sau đó là Ngân hàng Sacombank, tình thế lúc đó buộc tôi phải xông pha. Nếu mình không làm thì ai sẽ làm? Vậy là tôi vừa làm vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
Xã hội thường mặc định rằng kinh doanh, đầu tư là lãnh địa của nam giới. Một người phụ nữ bước vào thương trường như chị đã đối diện và bước qua những định kiến xã hội như thế nào?
Ngày trước mọi người thường nghĩ rằng đàn ông kiếm tiền – phụ nữ nuôi dạy con, nam giới giỏi kỹ thuật – nữ giới giỏi nấu nướng… Nhưng hiện nay, nước ta đã có những tiến bộ đáng kể về bình đẳng giới, điều đó không chỉ thể hiện trong các chủ trương, chính sách pháp luật mà còn trong cuộc sống, công việc kinh doanh.
Định kiến xã hội thực ra còn phụ thuộc vào góc nhìn của bản thân bạn nữa. Đổi góc nhìn sẽ giúp ta phát hiện những điều mới mẻ mà trước đây ta không nhận thấy. Chúng ta hãy lấy những định kiến ấy để làm động lực thay đổi, cố gắng và chứng minh, thay vì cứ mãi suy nghĩ và không hành động. Dù bạn là phụ nữ hay nam giới, bạn đều có thể kiến tạo thành tựu nếu có lòng quyết tâm.
THẬT ĐÁNG TIẾC NẾU PHỤ NỮ CHỈ ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ GIỮ TIỀN
Chị có suy nghĩ gì về quan niệm: phụ nữ chỉ nên được giao nhiệm vụ giữ tiền chứ không cần tham gia vào việc đầu tư kinh doanh hay tối ưu nguồn lực tài chính?
Tôi nghĩ, nếu như phụ nữ chỉ được giao nhiệm vụ giữ tiền thì thực sự đáng tiếc. Thời phụ nữ chỉ làm nội trợ, chăm sóc chồng con, phụng dưỡng ba mẹ chồng, không tham gia các hoạt động xã hội, sống khép mình theo khuôn khổ “tam tòng, tứ đức”… đã qua rồi.
Ngày nay, phụ nữ cũng như nam giới đều có cơ hội để học tập, làm việc và phát triển. Phụ nữ hiện đại có kiến thức, bản lĩnh, khả năng để quản lý và đầu tư tài chính một cách thông thái. Chưa kể, sự nhạy cảm, linh hoạt của phụ nữ còn là một điểm mạnh. Nếu biết cố gắng học hỏi, nỗ lực thì trực giác trong mọi lĩnh vực, không chỉ riêng tài chính, sẽ thêm phần sắc bén.
Nhiều phụ nữ chia sẻ rằng họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin và sự hỗ trợ về tài chính, nhất là tại thời điểm bắt đầu kinh doanh. Theo chị, làm cách nào để tạo ra một môi trường cởi mở và dễ tiếp cận hơn cho phụ nữ khởi nghiệp?
Cá nhân tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ – đặc biệt là các bạn nữ nên học hỏi về đầu tư và nâng cao năng lực quản lý tài chính để có thể chủ động kinh tế, xây dựng cuộc sống mà mình mong muốn.
Hiện nay, không khó để tìm kiếm một ngân hàng có chương trình hỗ trợ phụ nữ kinh doanh hoặc cung cấp gói giải pháp dành riêng cho phụ nữ. Sự tư vấn, giúp sức từ các chuyên gia tài chính ở ngân hàng sẽ giúp phụ nữ có thể tiếp cận lĩnh vực này một cách dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, để tạo ra một môi trường cởi mở hơn cho phụ nữ kinh doanh, tôi nghĩ cần có sự phối hợp của nhiều yếu tố từ các cơ chế, chính sách và từ chính bản thân những người phụ nữ.
Có lúc nào trong sự nghiệp kinh doanh, chị nghĩ rằng mình bắt buộc phải trở nên mạnh mẽ – thậm chí mạnh mẽ hơn chính bản thân mình hay không?
Vợ chồng tôi luôn dạy các con rằng: nếu cứ giữ tư duy “đã vậy, đang vậy và sẽ như vậy” thì mãi mãi sẽ không có những thành tích vẻ vang hơn so với quá khứ. Mỗi người đều cần phải làm việc mỗi ngày với tâm thế ngày nào cũng là ngày hoàn thiện, ngày mai phải tốt hơn ngày hôm nay. Để làm được điều này, tất cả nằm ở ý chí, nghị lực, sự nghiêm khắc và cả mạnh mẽ của bản thân.
Thế hệ doanh nhân chúng tôi giờ đây không chỉ đơn thuần là sống vì bản thân hay sống vì gia đình nữa, mà có cả trách nhiệm với hàng ngàn cán bộ nhân viên cùng gia đình của họ, trách nhiệm với cổ đông, đối tác, khách hàng, nhà đầu tư, với cộng đồng, xã hội. Nếu mình không bản lĩnh, không mạnh mẽ thì không thể làm điểm tựa cho đội ngũ được. Dĩ nhiên, là phụ nữ, đâu đó cũng có những phút mềm lòng, đa cảm, nhưng tôi luôn phân biệt rạch ròi. Những việc càng lớn, càng quan trọng thì càng cần sáng suốt, quyết đoán.
ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, ĐỪNG NGẠI TÌM KIẾM SỰ HỖ TRỢ
Theo chị, liệu có mâu thuẫn nào trong việc một người phụ nữ có thể làm tốt cả hai vai trò – vừa thu vén cho tổ ấm, vừa là một cá nhân bản lĩnh trên thương trường hay không?
Vợ chồng tôi quan niệm, thương trường nhiều sóng gió nên gia đình sẽ là mái ấm bình yên. Nhiều người cũng hỏi tôi, khi hai vợ chồng cùng điều hành công việc kinh doanh, chắc sẽ có rất ít thời gian dành cho nhau và cũng có nhiều quan điểm, cách nghĩ trái ngược. Đối với chúng tôi thì không phải vậy. Anh Thành luôn tư vấn và hỗ trợ tôi trong mọi việc, kể cả chăm sóc, nhắc nhở mỗi khi tôi tham công tiếc việc, quên cả ăn uống, nghỉ ngơi. Ông cha ta thường nói: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.
Tôi nghĩ, yếu tố để cân bằng gói gọn trong hai chữ “hài hòa”. Khi về nhà, tôi là một người vợ, người mẹ, người bà, là hậu phương vững chắc cho chồng, cho con cháu. Nhưng khi đi làm, sẽ là một nữ lãnh đạo bản lĩnh, quyết liệt, dám nghĩ dám làm. Quan trọng, người phụ nữ phải hiểu trách nhiệm, vai trò của mình ở đâu để thực hiện tốt sứ mệnh đó.
100 triệu đầu tiên, nếu chăm chỉ làm ăn sẽ tích cóp được. 1 tỷ đầu tiên, nếu có chút may mắn cũng có thể đạt được. Nhưng để tạo ra 10 tỷ hay 1.000 tỷ, chắc chắn rằng chăm chỉ và may mắn là không đủ. Theo chị, đâu là những yếu tố quan trọng để trở thành một nữ doanh nhân bản lĩnh và thành công? Chị có lời khuyên nào cho những người phụ nữ trẻ đang ấp ủ giấc mơ tạo dựng sự nghiệp kinh doanh của riêng mình?
Có rất nhiều yếu tố để trở thành một nữ doanh nhân bản lĩnh và thành công. Tuy nhiên, nhìn lại hành trình đầy gian nan và thử thách của vợ chồng mình, tôi nhận thấy, xây dựng đã khó, gìn giữ và phát triển càng khó hơn.
Chính vì thế sau này, tôi luôn khuyên các bạn trẻ đang ấp ủ giấc mơ tạo dựng sự nghiệp kinh doanh phải không ngừng học hỏi, phát triển và thử nghiệm những ý tưởng mới. Sự học hỏi liên tục sẽ giúp bạn thích nghi với những thay đổi và thách thức trong môi trường kinh doanh. Đặc biệt là phải luôn tự tin vào bản thân mình, kiên trì và đừng bao giờ bỏ cuộc. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia, sự đồng hành về mặt tài chính từ các ngân hàng. Đây sẽ là bệ đỡ giúp công việc của bạn phát triển bền vững và nâng tầm vị thế cho bạn trên thương trường khốc liệt.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!