Giám đốc Sáng tạo Hà Đỗ: Vẽ chân dung để đổi lấy… bánh giò - Tạp chí Đẹp

Bước vào trạng thái “bình thường mới” đã lâu, cuộc sống của chị có gì mới không?
Có nhiều chứ, ví dụ như ở nhà nhiều quá, tôi tập nấu ăn đến món Thái, món Nhật luôn rồi (cười). Hay dạo này tôi thường vừa vẽ chân dung vừa nghe podcast về chứng khoán, hai lĩnh vực chẳng hề liên quan đến nhau. Chứng khoán cũng là một thế giới hoàn toàn mới mẻ đối với tôi.

Tìm hiểu về chứng khoán, chị có thấy giống như mình đang đứng giữa một cánh đồng mênh mông và không biết đi về đâu?
Nhưng thú vị mà, ở dưới chân là cỏ rất êm, xung quanh là hoa lá nở thì bạn cần gì biết mình đang đi đâu.

Ít nhất thì đó cũng là cảm giác dễ chịu, với chị?
Không dễ chịu thì mình làm làm gì, nghệ thuật là vậy mà.

Chứng khoán cũng là một môn nghệ thuật sao?
Có chứ, nghệ thuật làm giàu (cười lớn).

Chị có nhắc đến chuyện vẽ chân dung, khoảng thời gian ở nhà thường xuyên là lý do khiến chị thử sức với bộ môn này?
Vì có nhiều thời gian dành cho bản thân nên tôi chọn cầm bút vẽ lại như một cách lao động chân tay. Vẽ còn giúp tôi khơi gợi lại “trí nhớ” của phần cơ tay, luyện cho mắt nhìn kỹ hơn và tìm tòi các cách vẽ mà tôi chưa từng thử.

Vẽ tranh khác với chụp ảnh như thế nào?
Chụp ảnh là tạo ra một mặt phẳng, còn khi vẽ, tôi cảm giác như có thể đào sâu hơn, chạm đến một phần không gian khác của người trước mặt. Dù không chạm vào đôi má hay làn da nhưng khi vẽ những đường nét, dáng hình khuôn mặt con trai, tôi có cảm giác như mình đang được trực tiếp vuốt ve con vậy. Vẽ Leon xong, tôi vẽ tiếp những người bạn hàng ngày chơi với con, rồi vẽ cả bạn tôi. Đến khi vẽ đủ nhiều, tôi nhận ra bản thân mình đã hiểu họ qua một tầng ý nghĩa nữa, một tầng sâu hơn qua cách nhìn của riêng tôi.

Và chị thường nghĩ về điều gì trong lúc vẽ những người thân của mình?
Tôi không nghĩ gì, thậm chí không nhớ người trước mặt mình là ai mà chỉ tập trung vào đường nét, khoảng cách, hình khối của họ. Chỉ khi vẽ xong, nhìn xa thì tôi mới nhận ra à đây là con mình, bạn mình.

Gần đây chị còn học vẽ tranh lụa với họa sĩ Lê Thúy, chị thích nhất điều gì ở bộ môn cầu kỳ này?
Chắc tôi thích nhất là cô giáo (cười). Bởi đúng, tranh cũng là người, người cũng như tranh, khi gặp cô tôi mới hiểu vì sao tranh của cô lại mềm mại, nhẹ nhàng và đáng yêu như thế. Một người xấu xa hoặc giả tạo không thể nào vẽ ra được những bức tranh như vậy. Thêm việc được trải nghiệm cách sống, được ngắm tranh hay gặp gỡ gia đình đáng yêu của cô khiến khoảng thời gian vài ngày học ấy thật đáng quý.

Vẽ tranh lụa là một trải nghiệm rất khác với các trường phái khác. Với tranh sơn dầu, nét bút chính là dấu ấn cá nhân lưu lại trên tranh, nhưng với tranh lụa, bản thân người vẽ và chất liệu phải là một. Vẽ lụa mô phỏng quy trình nhuộm vải, bạn phải tô đi tô lại nhiều lần để nét bút hòa vào vải. Lúc ấy, cảm giác như màu, tranh, cảm xúc là một, tất cả uyển chuyển như dòng nước. Vẽ lụa đặc biệt hợp với phụ nữ, bởi cảm giác về tính nữ dường như luôn hiển hiện rõ ràng trong từng công đoạn.

Về phần mình, chị có thấy việc vẽ tranh lụa khiến chị dịu dàng hơn không?
(Cười lớn) Tôi lúc nào cũng dịu dàng mà, nhưng còn tùy vào hoàn cảnh.

Tiếp xúc với tranh lụa, mình rõ ràng nữ tính hơn chứ. Tôi luôn chọn những đề tài nhẹ nhàng như mẹ và con, động vật, những thứ gần gũi đáng yêu xung quanh mình. Từ thời đi học cho đến lúc đi làm, tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi văn hóa phương Tây, nên bây giờ tìm lại cảm hứng từ tinh thần Á Đông, tôi thấy rất xúc động. Bạn cũng thử vẽ xem, tôi nghĩ rằng vẽ lụa là một cách thiền rất hay đấy.

Từ chuyên ngành mỹ thuật cho đến công việc hiện tại là sáng tạo hình ảnh, dường như tình yêu với cái đẹp của chị chưa bao giờ thay đổi?
Những trải nghiệm trong công việc, cuộc sống đã cho tôi một cái nhìn đa chiều hơn về việc tạo ra cái đẹp. Tôi thực sự mong muốn mình vẫn giữ được sự tò mò và hiếu kì của một đứa trẻ bên cạnh sự đằm thắm và trải nghiệm của một người đã lớn.

Góc nhìn của con trẻ so với người lớn rất khác biệt, có phải chơi cùng Leon cũng là một cách để chị tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo?
Đúng vậy, sự thay đổi lớn nhất ở tôi chính là khi tôi trở thành một người mẹ. Trở thành mẹ, tôi có cơ hội để học, tìm hiểu thế giới lại từ đầu. Hai mẹ con là những người bạn, cùng thấy, cùng tò mò, cùng khám phá mọi thứ với nhau mỗi ngày.

Ví dụ khi tôi vẽ khủng long, Leon sẽ tô màu, hoặc khi lắp lego con rồng thì Leon lắp phần đuôi còn tôi lắp phần mình. Tôi rất cảm ơn Leon đã cho tôi nhìn thấy sự mới mẻ từ những điều bình thường. Ngày nào con tôi cũng đầy niềm vui đến nỗi nhiều khi tôi tự hỏi tại sao một đứa trẻ lại có thể tràn đầy năng lượng như vậy nhỉ.

Theo chị thì vì sao?
Bởi vì đứa trẻ nào sinh ra cũng hoàn hảo, cách chúng nhìn đời luôn tươi mới và chưa bị chi phối bởi định kiến xã hội. Đó là điều mà người lớn luôn thiếu: giữ được cái tâm của mình sáng như một đứa trẻ. Khi giữ được tâm sáng thì mọi thứ bạn làm sẽ luôn hướng đến sự tốt đẹp, mới mẻ và hoàn thiện.

Không còn đi làm phim, chụp ảnh ngoại cảnh hay được lang thang đây đó, ngồi vẽ ở nhà có cho chị cảm xúc giống như công việc sáng tạo hình ảnh không?
Vẽ và sáng tạo đều cho tôi cảm giác được thỏa mãn với cái đẹp mà tôi tạo ra và ngắm nhìn mọi người thưởng thức, bàn luận về cái đẹp ấy. Điều quý giá nhất đối với người làm nghệ thuật là tận hưởng cảm xúc trong quá trình sáng tạo, còn chuyện đón nhận và phản hồi thì nằm ở khán giả.

Ở công việc sáng tạo hình ảnh, tôi phải làm việc với một ê-kíp cùng một đề bài mình cần phải giải. Còn vẽ, tôi cứ để mặc cho tay và mắt trôi cùng những hình khối trong đầu. Đối với tôi, vẽ như một dạng thiền động, khi đầu óc vừa có thể tập trung một chỗ, vừa phóng khoáng, đi rất xa khỏi nơi mình ngồi. Nhiều khi tôi ngồi vẽ một lúc đã thấy ba, bốn tiếng đồng hồ trôi qua mà không hề bị điện thoại, TV hay những điều khác làm xao nhãng.

Ở nhà học qua YouTube có thoải mái hơn không, so với thời chị đi học ở New York chẳng hạn?
Thời đó các nền tảng truyền thông chưa phát triển nên để xem được hiện vật tôi thường phải đến trực tiếp các bảo tàng, hoặc hàng ngày ra ga tàu điện ngầm dí sát mặt vào những tấm poster. Cảm giác được nhìn vạn vật bằng mắt rất khác so với việc nhìn qua nhiều lớp lọc như bây giờ. Tôi nghĩ để học và sáng tạo, luôn phải đi ra đường, không thể chỉ ru rú ở nhà được.

Tự nhiên nhớ lại thời đó tôi cũng thấy tự hào về bản thân, không hiểu sao 17 tuổi tôi có thể sống, học tập và gần như trải nghiệm tất cả mọi điều một mình tại New York. Lúc đầu tôi rất sợ, mất một thời gian dài mới hòa nhập được với cuộc sống ở đó. Khi đã quen rồi, tôi thấy mình và những người xung quanh chẳng ai là thực sự thuộc về nơi này, ai rồi cũng sống được. Thích làm người châu Á thì có phố châu Á, làm người Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ cũng có phố riêng, muốn kiểu gì cũng có, sống kiểu gì cũng được. Cảm giác như mình là mọi người nhưng cũng chẳng là ai và không phải sợ sệt điều gì. Tôi rất thích năng lượng như vậy.

Đối với tôi, vẽ như một dạng thiền động, khi đầu óc vừa có thể tập trung một chỗ, vừa phóng khoáng, đi rất xa khỏi nơi mình ngồi.

Phải chăng bầu không khí đó đã ảnh hưởng nhiều đến phong cách sáng tạo của chị sau này?
New York là một nơi tuyệt vời, kỳ quái, tràn đầy cảm hứng và niềm vui để bạn học tập, từ những người lạ trên đường cho đến người hàng xóm. Tôi biến mình thành một tấm xốp hấp thu hết mọi thứ xung quanh. Thành phố này đã dạy cho tôi bài học: không bao giờ nói không với bất kỳ điều gì.

Thầy cô của chúng tôi cũng kỳ lạ. Có môn thì chúng tôi được giao rất nhiều bài tập về nhà, còn thời gian lên lớp lại… trải thảm tập yoga với nhau. Đề bài thường oái oăm, kiểu như phải thiết kế một tấm bảng hiệu kèm một hộp thư thoại, gắn ngoài đường để đo mức độ quan tâm của mọi người. Để giải đề bài này, có người thì ghi: “Tôi bị mất chó”, có người thì: “Tôi là gay”,… Đó là một trong những đề tài điên rồ nhất mà chúng tôi từng phải làm. Hay tôi đã từng đi khắp các tiệm tóc trong thành phố chỉ để sáng tạo một bảng chữ cái làm từ các mẫu tóc của nhiều người đến từ mọi nơi trên thế giới: châu Á, châu Âu, châu Phi,
châu Mỹ…

Bốn năm đi học, chúng tôi không được học cách đối mặt với những khách hàng khó tính, mà bốn năm ấy là khoảng thời gian chúng tôi được tha hồ khám phá bản thân và bạn bè, và đi tìm xem đâu là điều mà chúng tôi thực sự yêu thích. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng, bởi càng nhận ra đam mê của mình từ sớm, chúng ta càng có nhiều thời gian để theo đuổi đam mê ấy.

Bài April Ảnh Tang Tang
Địa điểm Grado Art Studio Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP