Giám đốc điều hành COVAX bà Aurélia Nguyễn: Đam mê là cảm hứng thúc đẩy - Tạp chí Đẹp

Một năm kể từ sau khi những liều vaccine đầu tiên được tung ra thị trường, người ta ước tính rằng đã có khoảng gần 9 tỷ mũi vaccine được tiêm trên toàn cầu và cứ đà này, dự kiến chỉ cần tới giữa năm nay, lượng vaccine được sản xuất sẽ dư sức lo cho mọi người trên trái đất. Song tình trạng bất bình đẳng vaccine, “kẻ tiêm không hết, người chờ không ra” giữa nước giàu và nước nghèo sẽ không vì thế mà được cải thiện mạnh, khi mà tại các nước giàu, người ta thậm chí đã tính tới việc tiêm mũi tăng cường thứ 4, thì tại nhiều nước nghèo, những người thuộc nhóm rủi ro cao và nhân viên y tế vẫn đang mòn mỏi chờ đợi mũi tiêm đầu tiên. Những mảng màu đậm nhạt trên tấm bản đồ vaccine cho đến nay vẫn khiến người ta cảm thấy bất an trước nhận định “không ai an toàn cho đến khi tất cả được an toàn”, “không nước nào có thể dùng mũi tiêm tăng cường để chấm dứt đại dịch”. Không chỉ là sự xuất hiện của các biến chủng mới, mà thậm chí còn có thể dẫn tới một đại dịch song song với Covid, đẩy nhân loại tới tình trạng “một cổ hai tròng”, chừng nào việc phủ sóng vaccine trên quy mô toàn cầu chưa được đảm bảo. Đó là kịch bản ác mộng nhất đã được các nhà chuyên môn lường tới. Vai trò điều phối của COVAX – cơ chế giúp đảm bảo việc tiếp cận vaccine Covid công bằng trên thế giới mà bà Aurélia Nguyễn nắm giữ vị trí Giám đốc điều hành, do đó, lại càng trở nên đậm nét hơn.

Trong cuộc trò chuyện với Đẹp, bà Aurélia Nguyễn cũng đã nhấn mạnh điều này: “Rõ ràng cần phải thực hiện những cải tiến như là một phần trong kế hoạch của chúng ta để ứng phó đợt đại dịch tiếp theo, bao gồm việc đảm bảo phải có sẵn tài chính và có nhiều nhà sản xuất hơn ở các khu vực mới nổi và đang phát triển. Cần có nguồn cung thường xuyên và có thể dự báo được, tức là các nhà tài trợ và nhà cung cấp cần đưa ra thông tin về các đợt giao hàng trong tương lai trước giai đoạn thông báo mà cơ chế COVAX đã và đang thực hiện theo nó trong hầu hết năm 2021.

COVAX là cơ chế phân phối vaccine lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử. Để đi đến giai đoạn mà cơ chế này hiện đang hoạt động rất hiệu quả trên quy mô lớn như bây giờ, COVAX đã chịu trách nhiệm thực hiện một số đổi mới – chẳng hạn như Bồi thường và Trách nhiệm pháp lý, đặt tên đại dịch, vùng đệm nhân đạo, kế hoạch Không bồi thường do lỗi và lấy WHO EUL làm tiêu chuẩn toàn cầu… – điều này sẽ giúp chúng tôi sẵn sàng chống lại cả các đại dịch trong tương lai”.

Tròn 1 năm ngồi vào “chiếc ghế nóng” tại Liên minh vaccine COVAX, Aurélia Nguyễn nói rằng, bà đã cùng cộng sự gồm “một đội ngũ xuất sắc” trải qua nhiều đêm làm việc muộn, nhiều cuối tuần dài để nỗ lực phá vỡ bế tắc và tháo gỡ các nút thắt trên hành trình tiếp cận công bằng toàn cầu với vaccine Covid-19 mà COVAX đã cam kết. “Có rất nhiều thách thức phải giải quyết, và các đầu mối cần ráp nối, với cường độ và mục tiêu đáp ứng ngày càng cao”, Aurélia Nguyễn nói. Tuy nhiên, Aurélia vẫn luôn cảm thấy tràn đầy cảm hứng trước sứ mệnh bảo đảm sự công bằng cho những người yếu thế – gần như đã trở thành tôn chỉ sống của bà: “Điều thúc đẩy tôi chính là niềm đam mê của tôi đối với việc đảm bảo được rằng các can thiệp chăm sóc y tế có sẵn cho tất cả mọi người, bất kể họ sống ở đâu”.

2021 đã khép lại và mục tiêu 2 tỷ liều vaccine như ban đầu COVAX đề ra cuối cùng đã không đạt được vì nhiều yếu tố khách quan; chính người đứng đầu COVAX cũng đã từng dự liệu “mọi việc sẽ khó mà suôn sẻ”. “Nguyên nhân con số này không sát với dự báo ban đầu của chúng tôi là vì nguồn cung của cơ chế COVAX cực kỳ hạn chế trong 9 tháng đầu năm 2021 do chính sách hạn chế xuất khẩu, động thái tích trữ vaccine của các nước giàu và những thách thức mà các nhà sản xuất gặp phải khi mở rộng quy mô sản xuất”, người đứng đầu COVAX cho biết. Có quá nhiều bài toán cần được giải và mâu thuẫn quyền lợi cần được dung hòa: các nước giàu vừa là đối tác chiến lược, nguồn tài trợ chính yếu về tiền, vaccine và thiết bị y tế, nhưng đồng thời cũng chính là đối thủ cạnh tranh vaccine với COVAX khi họ cần bảo vệ trước hết sự an toàn về vaccine của nước họ. Chưa kể, còn có một nghịch lý khác: trong khi COVAX nỗ lực đưa tới công bằng về phân bổ vaccine để giúp đỡ các nước nghèo được tiếp cận vaccine trước hết cho mũi tiêm đầu tiên thì ở các nước giàu, nhiều người lại từ chối tiêm vaccine khiến đại dịch lại thêm lần nữa bùng phát, ngay tại Đức – quốc gia được cho là nhà tài trợ lớn thứ 2 thế giới cho cơ chế COVAX, cũng như tại Mỹ và nhiều nước châu Âu…

Mặc dù vậy, người đứng đầu COVAX vẫn lạc quan về mục tiêu “đảm bảo được đủ số liều vaccine để bảo vệ bình quân hơn 40% dân số trên toàn bộ 91 quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình” trong năm nay, nhờ một loạt giải pháp riết róng đã được lần lượt đưa ra trước đó: yêu cầu các nhà cung cấp cần minh bạch trong lịch trình đặt hàng của mình; đề nghị các quốc gia đang được xếp trước cơ chế COVAX về thứ tự nhận vaccine mà không cần nhiều vaccine hơn bước ra sau để cho cơ chế COVAX thế chỗ của họ… “Những lời kêu gọi này hiện đang được đáp lại, và điều quan trọng là sự vận hành này đang được duy trì, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện của biến thể omicron, và sẽ cần tới sự đoàn kết như chúng ta từng nhìn thấy trước đây từ phía các nhà tài trợ, nhà sản xuất và các quốc gia tiếp nhận”, Aurélia Nguyễn cho biết.

Người phụ nữ có vóc dáng mảnh khảnh, gương mặt hao gầy này trong suốt hơn 20 năm qua đã lần lượt gánh nhiều trọng trách đáng nể với sứ mệnh bảo vệ những tiếng nói yếu thế trong lĩnh vực chăm sóc y tế toàn cầu. Trước khi ngồi vào ghế Giám đốc điều hành COVAX với nỗ lực xác lập công bằng vaccine cho gần 100 quốc gia nghèo và đang phát triển; được tạp chí Time bầu chọn vào danh sách Time100 Next năm 2021 với lời vinh danh: “Sức khỏe của thế giới đang nằm trong tay bà”, Aurélia Nguyễn từng sở hữu 10 năm kinh nghiệm quản lý Gavi – tổ chức giúp đảm bảo quyền lợi tiêm chủng cho hàng trăm triệu trẻ em tại gần 80 quốc gia. Nhìn vóc dáng nhỏ nhắn của Aurélia Nguyễn, quả khó mà hình dung được bà lại có đủ sức đảm đương được một khối lượng công việc đồ sộ đến vậy, trong một hành trình đầy chông gai và không thỏa hiệp. “Bất chấp những thách thức mà COVAX phải đối mặt, tôi thực sự được truyền cảm hứng bởi việc gần như mọi quốc gia trên trái đất đang tham gia theo một cách nào đó vào kế hoạch đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine trên toàn cầu”, bà nói.

Mang dòng máu Việt, sinh ra tại Pháp, học tập tại Anh và làm việc tại Thụy Sĩ…, hành trình ấy hẳn đã làm nên hàm lượng đa văn hóa đậm đặc ở Aurélia Nguyễn và phần nào đó là hành trang đáng kể giúp bà dễ dàng thu phục được lòng tin hơn trong các cuộc đối thoại và đàm phán với các đối tác đa quốc gia. Nhưng cá nhân Aurélia Nguyễn cho rằng đạo đức làm nghề với nỗ lực vượt khó ở bà chính là nhờ vào di sản tinh thần mà bà được lĩnh hội từ cha mình, cũng chính là nguồn cội Việt chảy trong huyết quản của bà. “Bằng di sản ấy, tôi luôn nỗ lực để đi xa hơn, cả khi phải đối mặt với khó khăn và thất bại”.

Nhiều năm trước, nhà nhân chủng học Margaret Mead đã cho rằng dấu hiệu đầu tiên của văn minh trong một nền văn hóa đó là một chiếc xương đùi bị gãy và sau đó được chữa lành. Đó là bằng chứng cho thấy chủ nhân của chiếc xương đùi ấy đã được đồng loại chăm sóc và giúp hồi phục, là chỉ dấu của nơi văn minh bắt đầu, khi con người biết sống vì nhau. Bằng hành trình ý nghĩa và tràn đầy năng lượng tích cực của mình, Aurélia Nguyễn cùng COVAX quả đã góp thêm một định nghĩa đẹp về sự văn minh trong cuộc chiến chống lại Covid và cả các đại dịch có thể xảy đến trong tương lai của nhân loại.

Bài Thư Quỳnh Ảnh Gavi/Tony Noel
Thiết kế Redmaz

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP