Quá nhiều lần đầu cho một tuổi trẻ phải học cách “yêu thương người khác vô điều kiện”. Quá nhiều thử thách cho gia đình, khi đứng trước những cơn sóng vật vã, ta sẽ bất chấp nắm tay đi tiếp cùng nhau, hay là buông ra?
May là, chúng tôi vẫn không buông ra.
Bằng cách nào đó, những đứa trẻ lần lượt lớn lên, và những cơn mỏi mệt cũng theo đó vơi đi lần lượt. Tới đây, ta tưởng rằng bài học của mình đã ngơi đi, khoảng thiên đường sắp đến, nhưng cuộc đời lại một lần nữa: ồ chưa đâu, chưa đâu…
Trước muôn ngàn những phương pháp dạy con tiên tiến, hiện đại, dễ dàng tìm thấy trên mạng, tôi chỉ kịp nhận ra một điều: “Một đứa trẻ là sự phản chiếu của chính người nuôi dạy”.
Bọn trẻ con ấy mà, chúng không nghe những gì ta nói, chúng chỉ nhìn những thứ ta làm. Có những tật xấu ta thậm chí không biết mình mắc phải, cho đến khi ta nhìn thấy ở đứa trẻ của mình. Có những điều tốt ta làm, ngỡ rằng vô hình, nhưng lại có giá trị hơn ngàn lời nhắc nhở. Và chính điều ấy mới là bài học, bài thi khó nhất mà mỗi bố mẹ cần phải trải qua. Không nói, mà làm. Không lý thuyết giáo điều, mà sống thực tế như những gì ta tin là tốt đẹp.
Sinh con rồi mới sinh cha. Sinh cháu trong nhà, rồi mới sinh ông.
Những đứa trẻ ra đời thay đổi hoàn toàn cách tôi thường nghĩ về chính mình, về bạn đời của mình, về bố mẹ mình, về chính con cái của mình.
Tôi đã nghĩ rằng: mình thật yếu ớt, nhưng rồi tôi vẫn sinh ra được những đứa con. Tôi đã nghĩ rằng: làm sao chúng tôi có thể tự mình nuôi nấng những đứa con, nhưng rồi chúng tôi vẫn làm được. Tôi đã nghĩ rằng: tôi sẽ nuôi con theo cách hoàn toàn khác với bố mẹ, và tốt hơn (tất nhiên!) nhưng khi cơn ác mộng bỉm sữa ập đến, tôi mới chợt nhận ra bố mẹ mình đã giỏi như thế nào.