SẦU SẦU
SẾN SẾN
SANG SANG
Mỗi người có thể nghĩ về khái niệm Sến theo một cách riêng. Phần đông, có lẽ, chẳng buồn tự hỏi “nó” là gì? Thấy sầu thương diễm mộng, xanh xanh đo đỏ cường điệu, thấy sên sến thì gọi là Sến. Thế thôi!
Phương ngữ có những giới hạn mơ hồ của nó, cũng vui... Cho đến khi nó bắt đầu chọc giận một số người, và người ta, ngược lại, làm nó tức. Đến đoạn này là hết vui.
Giá như cái Sến cứ yên thân yên phận nhòa dần trên những trang tiểu thuyết diễm tình. Giá như nó câm lặng chết yểu theo những gánh cải lương cùng rạp tuồng thời quá vãng. Giá như nó cứ trật tự xếp hàng lên máy bay ra hải ngoại như những nhân chứng một thời của nó. Giá như nó cứ khiêm hạ lầm than, âm ỉ cất lên cùng tiếng ghi ta điện léo nhéo của mấy tay hát rong bờ kè... thì ai chọc vô nó làm gì...
Giá như nó đừng thượng đài lên sân khấu phòng trà hạng sang, đừng nghiễm nhiên chiếm sóng truyền hình, đừng song hành với Danh và Lợi, thì đã chẳng ai đả động đến nó...
Và giá như người ta đừng hồ đồ đặt nó lên vế đối lập Sến - Sang thì làn sóng phản ứng nó đâu biến cuộc luận đàm nghệ thuật thành cuộc nội chiến văn hóa như vậy.
MC Trác Thúy Miêu
Hỡi ôi, tôi xin được
sến mỹ miều
và khốn khó trọn đời
Sến là những thứ xanh xanh và đo đỏ. Sến là những gì lấp lánh và toòng teng. Là cái áo dài in bông sặc sỡ, thêu kim tuyến thẩm mỹ kiểu Hongkong-bên-hông-Chợ-Lớn, là lối trang điểm cầu kỳ thời hậu chiến, phấn sáp quá tay, tóc bới ngạo nghễ, là áo corset nhọn hoắt, eo siết như chiếc đàn Tây Ban Cầm.
Sến là đeo găng tay đi bát phố, xức dầu thơm đi chợ và cầm quạt giấy đi coi hát tối thứ Bảy.
Sến là thứ thẩm mỹ cầu kì, rườm rà, phù du phi nghĩa. Nếu sến là vậy, thì tôi rất sến.
Từ “sến” xuất hiện ở miền Nam, gán ghép với nỗi sầu lưu vong, với giọng hò khẩn hoang, với cái tủi thân của bản vọng cổ, hay vở tuồng lâm li. Sến là khi cô Điệp cắt dây chuông, chôn xác bướm (1), cô Nguyệt gửi con cho vợ của tình nhơn (2), cô Diệu khóc ròng nhận làm người ở của con ruột (3). Sến buồn đã vậy, mà khi vui thì bốc đồng xôm tụ cỡ lô tô hội chợ. Vui cỡ đào họ Thẩm bận áo chim cò diễn chớp bóng hài hước với "Tứ quái Sài Gòn" (4). Vui cỡ Mai Lệ Huyền bận váy mini nhảy twist (5). Vui cỡ làn hơi vọng cổ nảy staccato tanh tách của quái kiệt Văn Hường (6).
Sến là khuya về rền rĩ giọng thổ trầm đục như ma nữ khóc chồng của đào Mỹ Châu (7),hay tiếng nấc Trung phần nghe như móng mèo cái cào lên chiếc soiree dạ vũ của nữ chúa phòng trà Thanh Thúy (8). Nếu sến là vậy, thì cả Sài Gòn này tới nay vẫn còn sến.
Sến còn có thể là cái cách thầy tuồng Viễn Châu (9) cao hứng lấy tân nhạc tỉnh bơ mồi cho câu vọng cổ, hay cách dân miền Nam tìm trong lối đổ phách mùi của dân ca Quảng Nam mà chế ra thứ bolero của riêng Sài Gòn. Sến là tiếng ghi ta mà các thầy đờn khéo léo lấy của Tây phương làm phong phú ban đờn dân tộc, hoặc sến chính là “La Dame Aux Camélias” được bản địa hóa thành “Trà hoa nữ” khiến khán giả khóc trôi rạp. Nếu sến là vậy thì thiết nghĩ cả nghệ thuật sắp đặt, hội họa thể nghiệm và world music của Việt Nam đương thời, cũng nên sến thử, coi được hay không?
Nếu sến là cái cách bà thím tiểu thương nhỏ lệ, khóc giữa chợ trưa bởi cuốn tiểu thuyết Bà Tùng Long (10) mướn ngoài sạp sách cũ, nếu sến là thương cho người, là khóc cho mình, là si tình vong thân và hào hoa bóng bẩy, nếu sến là đeo trái tim ngoài lồng ngực mặc kệ những biệt danh kỳ thị của nền văn minh thời vụ... Hỡi ôi, tôi xin được sến mỹ miều và khốn khó như vậy trọn đời.
Phải chăng sến là cách Chế Linh, Tuấn Vũ miên man liên khúc mà thành ký ức của những đứa con nít rồi nghiễm nhiên trở nên bất hủ? Phải chăng sến là cái kiểu Đàm Vĩnh Hưng đưa cả dàn kèn Tây thổi đám ma vào show diễn xuyên Việt bạc tỉ, đình đám với khán trường đông nghẹt giới thượng lưu? Và nếu sến là cách mà nhạc sĩ Duy Khánh làm nên những giai điệu cung trưởng cho tân nhạc Huế, hay nhạc sĩ Trần Thiện Thanh thiết lập cả trường phái thị thành cho tân nhạc Sài Gòn... Thì tôi, với tất cả hảo ý, xin cầu chúc tất thảy nghệ sĩ Việt Nam cùng được sến.
Còn bạn hỡi, nếu sến là cùng nhau đi thụt lùi so với chiều vận hành thời cuộc, khi mà phía trước, nghệ thuật vị lai vẫn đang cọc cạch những cuộc canh tân vong bản, thì tôi xin mọi người hãy quay lại mà sến cùng tôi.
Nhạc sĩ Quốc Bảo
Hoa mộng
BOLERO
Bolero ở Việt Nam hay ở Mỹ La tinh đều là nhạc bình dân. Không nhất thiết phải làm mới nó, phải biến nó thành thứ gì cao sang. Ở thời hoa niên của mình, tôi đã từng hát giọng nhạc sướt mướt, nỉ non như thế.
Chúng tôi ngồi bệt dưới đất trước quán bia nhếch nhác, lấy dép làm ghế, đánh ghi ta bập bùng. Chúng tôi hát bolero. Chình chát, chình chát. Khi đó, tôi 20 tuổi và đang ở một miền rất xa, nhiều đông lắm hạ. Chúng tôi vừa hát vừa khóc, vừa uống say vừa cười, quần áo rách mướp, vài đồng lẻ lận lưng. Ai trông thấy chúng tôi khi đó hẳn sẽ nghĩ đó là những sinh vật mà Chúa sáng tạo vào một ngày mệt mỏi nhất của Người. Gu của tôi không phải bolero, nhưng vào lúc buồn chán của tuổi hai mươi ấy, tôi thấy nhạc Trịnh Công Sơn hay nhạc Mỹ không có chút an ủi nào. Chỉ có bolero.
Bolero, tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là tình ca, thuần túy kể chuyện tình, không có những ẩn dụ cao siêu, không triết lý dạy dỗ. Có thể, bolero với tư cách một điệu nhảy, một tiết tấu ngoại lai khi vào Việt Nam đã hòa vào bản sắc bản địa, để trở thành một thể loại ca khúc sướt mướt hơn, kể chuyện thảm thiết hơn, ngôn từ bình dân hơn, và vì vậy hợp tai và hợp tâm trạng người Việt hơn.
Gần đây các chương trình gameshow khai thác bolero đến kiệt cùng. Cố nhiên cái gì quá cũng thành dở. Tôi không đứng về phe bênh vực hay phản đối bolero, mà cũng không theo đuổi một thứ chủ nghĩa chiết trung ngây thơ hoặc ba phải. Với tư cách một người sáng tác, tôi công nhận rằng bolero khó viết, khó hát. Đừng nên coi nó như một thứ nhạc bình dân phổ cập, ai cũng hát được.
Bolero ở Việt Nam hay ở Mỹ La tinh đều là nhạc bình dân. Không nhất thiết phải làm mới nó,
phải biến nó thành thứ gì cao sang.Bolero sở dĩ ăn khách bởi nó có câu chuyện, có các nút thắt mở (đa số mở vào bi kịch) và như thế, trực tiếp đi vào trái tim người nghe. Loài người vốn thích nghe kể chuyện. Kể cả những người hạnh phúc nhất đôi khi cũng muốn được nghe những chuyện tình buồn, thất vọng, ngang trái, chết chóc, chia ly. Thời chúng tôi đi nhậu hát bolero ấy, đâu phải chúng tôi buồn tình, chúng tôi chỉ thích được hát một câu chuyện buồn, như thể đấy là cách duy nhất hiệu quả để giải tỏa tâm trí, và để hi vọng, dù điều này nghe có vẻ mâu thuẫn bởi bolero đầy rẫy thất vọng.
Ngày còn bé tôi đã nghe Thanh Thúy hát “Lạnh trọn đêm mưa”. Giờ đây, tôi nghe Lệ Quyên hát “Mưa nửa đêm”. Đó là những thanh âm, những giọng điệu, những câu chuyện ám ảnh. Tôi chỉ hoảng hốt trước cách hát bolero của các bạn trẻ, sao mà sướt mướt thế, sao mà phát âm sai bét thế, sao mà nức nở như đứa trẻ bị đòn thế. Những nghệ sĩ, dù triết lý cao siêu hay bi kịch phổ thông kiểu Lan - Điệp, thì vẫn cần một khoảng lùi nhất định, để từ điểm nhìn khách quan đó, mới truyền đạt được câu chuyện một cách rốt ráo; sự lạnh nhạt của người ngoại cuộc hóa ra mới tạo ra hiệu ứng cảm xúc nhiều hơn so với việc vừa hát vừa khóc.
Bolero ở Việt Nam hay ở Mỹ La tinh đều là nhạc bình dân. Không nhất thiết phải làm mới nó, phải biến nó thành thứ gì cao sang. Trong âm nhạc Việt Nam, chỉ có một vài nhạc sĩ có thể thành công ở bolero, như Trúc Phương, Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Hoàng Thi Thơ. Và cũng chẳng mấy ai hát bolero hay như Duy Khánh, Trang Mỹ Dung, Bảo Yến. Tôi nghĩ về bolero từ một điểm nhìn ngoại cuộc, còn những cảm xúc của người trong cuộc, tôi đã trải, ở thời hoa niên của mình, với giọng nhạc sướt mướt nỉ non như thế. Có gì sai nào?
Nhà thiết kế Thuận Việt
Sến có thể
thời thượng
và sang cũng
có lúc lỗi mốt
Thuận Việt là một trong số ít nhà thiết kế áo dài được nhiều người đẹp lựa chọn khi tham gia các đấu trường nhan sắc quốc tế. Giữa cuộc chiến ầm ĩ “sến - sang” trong âm nhạc và đang ngấm ngầm lan sang địa hạt thời trang, anh thẳng thắn chia sẻ: “Sến có thể là thời thượng và sang cũng có lúc lỗi mốt”.
Bài Mỹ Khánh
Chào anh, nếu trong âm nhạc, sến là từ để nói về dòng nhạc bolero sướt mướt, ủy mị, thì trong thời trang, “sến” được định nghĩa thế nào?
Sến được dùng để chỉ những trường phái, phong cách thời trang rườm rà, sặc sỡ; ngược lại, sự đơn giản được xem là sang. Nhưng theo tôi, sến hay sang đều do cảm tính và sở thích cá nhân. Giống như âm nhạc, thời trang cũng là những vòng xoay liên tục. Do vậy, sến có thể thời thượng và sang cũng có lúc lỗi mốt. Tóm lại, đó cũng chỉ là một cách gọi.
Vậy có oan không khi nhiều người cho rằng việc sa đà vào các chất liệu ren, họa tiết hoa lá, cũng như màu sắc sặc sỡ được mặc định là sến?
Bạn cần phân biệt sặc sỡ và rực rỡ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Có những màu sắc khi kết hợp với nhau tạo nên hiệu ứng thị giác rất tốt và ngược lại. Việc sa đà vào các họa tiết khiến một bộ trang phục có thể rối mắt và người ta gọi đó là sến, nhưng cũng có những thiết kế rườm rà song sử dụng màu đơn sắc lại được xem là một tác phẩm nghệ thuật. Do vậy, việc tiết chế, có chừng mực trong thiết kế là nguyên tắc mà các nhà thiết kế phải quan tâm.
Trong âm nhạc, vẫn tồn tại một cuộc chiến không dứt giữa nhạc sến – nhạc sang. Còn trong thời trang thì sến - sang tác động thế nào đến xu hướng?
Cuộc chiến nào cũng đầy mâu thuẫn nhưng đồng thời nó tạo ra sự cạnh tranh và tiến bộ. Tôi nghĩ rằng, nếu không có sến, thì sẽ không có sang. Và quan trọng hơn cả là xu hướng nào tạo nên trào lưu thì nó sẽ trở thành kẻ chiến thắng, có khả năng dẫn dắt thị trường. Sến hay sang không thể hiện đẹp hay xấu, mà thể hiện phong cách của người mặc.
Vậy anh đứng ở đâu trong lằn ranh đó?
Thời trang là những thiết kế mang hơi thở thời đại. Sến hay sang cũng sẽ đổi thay trong dòng chảy đó. Và dĩ nhiên, tôi không thể đi lạc dòng nếu không muốn là kẻ thất bại trong cuộc chơi.
Nếu đặt mình ở vị trí khách hàng thì tôi cho phép bản thân thay đổi các phong cách khác nhau, tận hưởng những gì mới lạ mà ngành công nghiệp thời trang tạo ra mỗi ngày.
Xin cảm ơn anh.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến
Dù sao thì
vẫn sến
"Sến" là tên cuốn sách mới của nhà báo Phạm Trung Tuyến (bút danh Lão Phạm). Ra đời sau lời thách đố của người bạn, cây bút sắc sảo, nổi tiếng đanh đá của làng báo đã luận bàn về chữ "tình" qua những câu chuyện viết dưới dạng ngụ ngôn, tân cổ tích. Tỉnh táo, hài hước nhưng vẫn tha thiết, lãng mạn là cách anh nói về "Sến"
Bài Đinh Trần Tuấn Linh
Chào anh, bên cạnh lý do của một cuộc cá độ như anh chia sẻ, có lý do nào khác khiến anh bắt tay viết "Sến", vì thấy đời sến quá, hay thấy bản thân mình bắt đầu không còn chỗ cho sến?
Thực tế thì người ta hay có xu hướng làm cho cuộc sống trở nên sến súa hơn, ví dụ như họ có thể nói cả tuần về một chính trị gia ga lăng nào đó biết nói những lời có cánh, dẫu cho ông ta chưa làm được việc gì ở vị trí mà người ta đã lựa chọn ông. Sến, suy cho cùng là phần cảm tính của con người. Vì thế, tôi thích cảm giác thách thức khi cố gắng viết về những chuyện sến súa sao cho có vẻ triết lý, sao cho có vẻ tỉnh táo. Câu hỏi của bạn có một ý cực sến, có phải tôi thấy bản thân mình không còn chỗ cho sến nữa? Tôi cho rằng, bất kì ai cũng có một không gian dành cho sến.
Có phải đó là lí do tính sến có mặt ở khắp mọi nơi, như trong nhạc bolero hay văn học ngôn tình?
Đó là những cách thể hiện quen thuộc với tất cả mọi người, dù họ có thừa nhận, hoặc thích nó hay không. Người ta không thể không sến, vì sến là thứ duy nhất mà trí tuệ nhân tạo không thể học được từ con người. Tôi nghĩ nếu bây giờ có một Galileo (nhà thiên văn, vật lý, toán học và triết học người Ý - PV) khác, thì thay vì nói rằng “dù sao Trái đất vẫn quay” thì ông ta sẽ bảo “dù sao thì con người vẫn sến”.
Người ta thường trở nên đặc biệt sến khi chớm yêu, và tỉnh táo trở lại sau mỗi lần chia tay. Mỗi truyện ngắn trong “Sến” được viết ra lúc anh đang sến hay đã tỉnh táo trở lại?
Tôi viết những truyện đó như một cách lý giải cho các quyết định của mình. Tôi cố gắng tìm kiếm khía cạnh tỉnh táo, lý trí trong những quyết định bốc đồng, có phần sến súa của mình, hoặc tìm cách bào chữa những quyết định tỉnh táo, lạnh lùng xuất phát từ tình cảm. Tôi không cho rằng người ta đặc biệt sến khi chớm yêu, và tỉnh táo sau mỗi lần chia tay, mà ngược lại, khi bắt đầu yêu thì người ta băn khoăn nhiều nên khó sến lắm. Tôi thấy người ta chỉ trở nên sến khi kết thúc một cuộc tình.
Khi mang bản thảo
đi in, tôi thấy cái
mong muốn của
mình quá sến nên
đặt luôn tên tập
sách là "Sến".
Bồ Tùng Linh viết "Liêu trai chí dị" bằng cách mở quán nước miễn phí thu thập truyện ma của bá tánh. "Sến" cũng phảng phất không khí liêu trai. Vậy những câu chuyện của anh là thu thập từ những người xung quanh hay đơn thuần là kinh nghiệm cá nhân?
Tôi nghĩ mình khá giống một ông chủ quán nước, tức là có khả năng ngồi nghe mọi câu chuyện của người đời và thử đặt mình vào những câu chuyện đó xem nó sẽ đi về đâu. Như thế khiến tôi có cảm giác mình sống nhiều hơn một cuộc đời.
Được biết tên gốc của tác phẩm là “Thiền tình”, vì sao lựa chọn cuối cùng của anh là “Sến”?
Lúc đầu tôi muốn kể những câu chuyện tình yêu theo cách thiền, mang không khí thiền, có vẻ triết lý. Khi mang bản thảo đi in, tôi thấy cái mong muốn của mình quá sến nên đặt luôn tên tập sách là "Sến".
Và câu hỏi cuối cùng, "Sến" của anh có thực sự sến không?
"Sến" viết về những hành vi sến súa trong tình yêu bằng sự tỉnh táo, nên tôi nghĩ nó không hề sến. Nhưng cái ý nghĩ đó của tôi thực ra là rất sến.
Cảm ơn anh.
Đạo diễn Lê Hoàng
Sến à Sến ơi...
Xưa nay, chả có một định nghĩa nào rõ ràng về sến. Nó bi thương, sướt mướt, đau khổ. Những lúc yếu mềm của con người khiến yếu tố sến trở nên mạnh mẽ. Nhưng đố vị nào dám tuyên bố sến là xu hướng của thời đại?
Dù xã hội phát triển đến mức nào, thì cuộc đời vẫn đầy rẫy chia lìa, tan vỡ. Nhưng khi khóc lóc, hoài niệm ở khắp chốn, thì người ta điên tiết vì nó làm họ mất sức lực, nhuệ khí. Văn hóa sến (âm nhạc, phim ảnh, văn học) có thể phù hợp vào một đêm mưa, một buổi chiều buồn, nhưng tựu trung, chúng đều mang tính bế tắc.
Bolero là một ví dụ điển hình, nó rất sến. Thứ nhạc ấy chắc chắn không xấu và bình đẳng với các dòng nhạc khác. Giống như văn học diễm tình. Hãy cứ mở tiểu thuyết của mấy chục năm trước và cả những cuốn ngôn tình tràn ngập các nhà sách ngày nay, toàn “anh yêu em”, “chàng yêu nàng” rồi giày vò, làm khổ nhau - một thứ văn học đầy yếu đuối và nhạt nhẽo. Nhưng nếu truyện ngôn tình vẫn sống, và sống khỏe thì bolero cũng thế. Tuy nhiên, chả ai cho đấy là một xu hướng nghệ thuật phải hướng tới.
Nếu hỏi, văn hóa sến có không? Xin thưa, có. Văn hóa sến có cần không? Cần. Nhưng liệu văn hóa sến có phát triển không? Chắc chắn không.
Với tất cả hảo ý,
xin cầu chúc tất thảy
nghệ sĩ Việt Nam cùng
được sến
Hoa hậu Trương Tri Trúc Diễm
Diễm có 40% chất sến trong người, nhờ đó mà năm 2006, Diễm được đánh giá là người mẫu quảng cáo thành công nhất
Trang phục Lý Giám Tiền
Phụ kiện Brian Võ
MC Trác Thúy Miêu
Nếu sến là áo dài in bông sặc sỡ, phấn sáp quá tay, tóc bới ngạo nghễ, là áo corset nhọn hoắt, là đeo găng tay đi bát phố, là xức dầu thơm đi chợ..., thì tôi rất sến.
Áo dài Kinzu by Huỳnh Sĩ Toàn
Phụ kiện Micae V
Người mẫu Chà Mi
Tôi nghĩ, sến có muôn hình vạn trạng. Trong thâm tâm, tôi luôn khao khát những thứ ngọt ngào, hoa mỹ vượt quá ngưỡng bình thường.
Trang phục Brian Võ
Giám đốc sáng tạo Anh Khoa Kendall
Lớn lên trong một gia đình gốc gác miền Tây Nam bộ, nên tôi đã quen với những bản nhạc bolero mẹ nghe mỗi buổi trưa. Có lẽ vì những khán giả trung thành như mẹ nên bolero không bao giờ biến mất. Màu mè hay sương sa hột lựu chỉ là bể nổi của những thứ được gọi là sến, nhưng ẩn sâu trong đó là nếp sống ngọt ngào, mềm mại của những con người vùng sông nước."
Trang phục Lý Giám Tiền
Thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ 2017
Huỳnh Thị Cẩm Tiên
Với tôi, sến luôn có một chất riêng. Ý tưởng bộ hình này của Đẹp rất sến mà cũng rất thời trang.
Trang phục Đỗ Long
Phụ kiện Ngô Mạnh Đông Đông
Chuyên gia trang điểm Bi Tô
Với tôi, sến là những thứ xa hoa và tráng lệ. Như một vòng lặp, sến sẽ đi qua và trở lại trong một hình hài mới mẻ hơn, hoành tráng hơn.
Trang phục Lý Giám Tiền
NTK Trương Thanh Long
Cuộc sống đôi khi khô cứng và lạnh lẽo, sến có thể ví như thắp một ngọn nến để sưởi ấm tâm hồn qua những ngày giông bão..
Trang phục Lý Giám Tiền
Người mẫu La Thanh Thanh
Tạo hình “diva” tỉnh lẻ này khiến La Thanh Thanh nhớ về những bức hình trên cuốn họa báo ngày xưa mà ông bà vẫn giữ đến giờ.
Trang phục Lý Giám Tiền
Phụ kiện Ngô Mạnh Đông Đông
Người mẫu Châu Đăng Khoa
Trang phục của các thương hiệu hàng đầu như Saint Laurent, hay Louis Vuitton khi kết hợp với nhau cũng có thể sến như thế này. Rất thú vị!
Trang phục Lý Giám Tiền
Phụ kiện Ngô Mạnh Đông Đông