#FashionStories le19M - Nơi vinh danh những người thợ lành nghề của nhà mốt danh tiếng nước Pháp - Tạp chí Đẹp

Không chỉ khép mình trong thế giới savoir-faire đậm chất Pháp, nhà mốt CHANEL còn “vượt biên” tìm kiếm những kỹ thuật thủ công độc đáo, chưa được nhiều người biết đến trên thế giới để quảng bá rộng rãi đến giới mộ điệu.

Không chỉ khép mình trong thế giới savoir-faire đậm chất Pháp, nhà mốt CHANEL còn “vượt biên” tìm kiếm những kỹ thuật thủ công độc đáo, chưa được nhiều người biết đến trên thế giới để quảng bá rộng rãi đến giới mộ điệu.

Được khởi công xây dựng từ tháng 8/2018, tòa nhà le19M, nơi quy tụ những nhà nghề thủ công lâu năm của nhà mốt CHANEL, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2021. Chữ M trong 19M bao trọn tất cả các khái niệm “Métiers d’art” (thủ công), “Mode” (thời trang), “Mains” (đôi tay), “Maison” (nhà mốt) và “Manufacture” (sản xuất), còn con số 19 chỉ vị trí tọa lạc của tòa nhà (ở quận 19, Aubervilliers, Pháp) và cũng là ngày sinh của nhà thiết kế Gabrielle Chanel (19/8/1883).

“Le19M là sự tôn vinh dành cho nghệ thuật thủ công của CHANEL. Đó là nơi vinh danh những người thợ lành nghề nhất đang làm việc tại ngôi nhà thời trang Pháp”, Rudy Ricciotti – kiến trúc sư thiết kế công trình chia sẻ. Le19M được xây dựng theo hình chữ U, làm bằng kính, được bao bọc bởi 231 khối bê tông, mỗi khối cao 24m, có thiết kế mỏng như các mô-đun. Nhìn từ phía ngoài, lớp khung bê tông tựa như những sợi vải đan xen trên khung cửi. 

“Ngôi làng” le19M quy tụ tới 11 nhà nghề và 1 trung tâm đào tạo nghề thêu với hơn 600 thợ thủ công. 

Về vải vóc, có thể kể đến các nhà nghề Lesage, Lognon và Paloma. Trong đó, Lesage là nhà nghề thủ công chuyên về kỹ thuật thêu và dệt vải tweed. Nơi đây sở hữu bộ sưu tập hơn 75.000 mẫu thêu lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Lesage còn là nơi cung cấp nguồn vải tweed chất lượng cho các bộ sưu tập của CHANEL. Đồng hành cùng nhà mốt CHANEL từ năm 2013, nhà nghề Lognon đã và đang nâng tầm nhiều chất liệu vải như tơ tằm, crêpe, tulle, chiffon, organza, nhung và da bằng những kỹ thuật gấp nếp độc đáo như Accordion, Watteau, Fortuny… Để biến hóa đa dạng kiểu gấp, Lognon dựng sẵn hơn 3.000 mẫu khuôn khác nhau bằng bìa cứng kraft. Còn nguồn chất liệu vải mỏng (flou) được tạo phom duyên dáng của CHANEL thì đến từ nhà nghề Paloma. Các loại vải do Paloma thực hiện đặc biệt ở chỗ chúng tạo hiệu ứng thị giác hút mắt trên cơ thể người mặc nhờ cấu trúc không gian ba chiều hoặc trompe l’oeil sống động. Ở Paloma, họ sử dụng những thiết bị có tuổi đời hàng trăm năm như máy thêu Singer từ thế kỷ 19 và kỹ thuật may đan bước xích (ladder stitch) để tạo ra nguồn vải đa dạng. 

Nổi tiếng bởi sự tinh tế, từng chi tiết nhỏ trên mỗi thiết kế của CHANEL đều có một câu chuyện riêng được kể bởi bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công. Kết nối nghệ thuật thêu truyền thống Pháp với dấu ấn hiện đại là điều mà nhà nghề Montex đem đến cho các thiết kế của CHANEL từ năm 1939 đến nay. Các họa tiết tinh xảo góp phần hoàn thiện vẻ đẹp thanh lịch của các bộ sưu tập đều được thực hiện thủ công với móc kim Lunéville và máy thêu hàng trăm năm tuổi Cornely. Hay như Lemarié – nhà nghề chuyên phụ trách làm hoa, xử lý lông vũ và các chi tiết diềm xếp nếp, khảm, viền ren… cho các bộ sưu tập của CHANEL. Lemarié còn là nơi cho ra đời chi tiết hoa trà biểu tượng điểm xuyết trên các thiết kế ready-to-wear và haute couture của thương hiệu.

Về phụ kiện, cần kể đến nhà nghề đóng giày thủ công Massaro với kho lưu trữ hơn 5.000 cốt giày; nhà nghề Michel chuyên cho ra đời những chiếc mũ boater, mạng che mặt, mũ lưỡi trai, mũ beret…; hay nhà kim hoàn Goossens mang tinh thần thanh lịch, cổ điển kết hợp với nghệ thuật điêu khắc nữ trang độc đáo.

Từ năm 1996, nhà nghề chuyên về nội y và đồ bơi Eres cũng chính thức gia nhập CHANEL. Ở Eres, màu sắc đóng vai trò vô cùng quan trọng. Với những gam màu không có sẵn trong kho, họ sử dụng phương pháp pha màu nước hoặc sơn để tìm ra sắc màu phù hợp. Bên cạnh màu sắc, chất liệu cũng là mối quan tâm hàng đầu của Eres. Nhà nghề này không ngừng tìm kiếm nguồn vải đa dạng từ các xưởng sản xuất ren, xưởng dệt vải nổi tiếng để làm ra những thiết kế nội y và đồ bơi chất lượng nhất.

Ngoài các nhà nghề thủ công trực tiếp tham gia vào quá trình chế tác trang phục và phụ kiện của CHANEL, le19M còn là mái nhà chung của nhà nghề thêu đồ nội thất Lesage Interieurs, nhà nghề thiết kế nội thất Studio MTX và trung tâm đào tạo các khóa học thêu Ecole Lesage. Tại le19M, đôi tay người thợ thủ công được trân quý và tôn vinh với những giá trị cao nhất.

Việc CHANEL chọn thủ đô Dakar của Senegal làm địa điểm tổ chức show Métiers d’art 2022/23 vào ngày 6/12/2022 được xem là sự kiện mang tính bước ngoặt không chỉ đối với CHANEL mà còn với cả ngành thời trang xa xỉ châu Âu. Đây là lần đầu tiên một nhà mốt tầm cỡ thế giới tổ chức buổi trình diễn thời trang ở vùng Hạ Sahara. 

Từ những mẩu chuyện thú vị xoay quanh nghệ thuật đường phố sôi nổi ở Dakar qua lời kể của những người bạn thân thiết, giám đốc nghệ thuật Virginie Viard đã bắt đầu quá trình tìm hiểu cặn kẽ về con người, văn hóa và làng nghề truyền thống của Dakar nói riêng và Senegal nói chung. Càng tìm hiểu sâu về đất nước này, Virginie càng muốn tôn vinh những giá trị văn hóa và nghệ thuật tốt đẹp của nó đến thế giới. Virginie Viard mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với những người thợ thủ công dày dặn kinh nghiệm ở đây cũng như xây dựng nguồn cung cấp sợi cotton lâu dài cho các bộ sưu tập tương lai của CHANEL. 

Chia sẻ về show Métiers d’art 2022/23, Bruno Pavlovsky, Chủ tịch Bộ phận Thời trang của CHANEL, cho biết: “Nếu không có sự đóng góp của các nhà nghề và thợ thủ công ở châu Phi, chúng tôi không thể hoàn thành kế hoạch này được”. Châu Phi được xem là cái nôi của nghề kết cườm truyền thống với bề dày lịch sử hơn 12.000 năm. Trong BST Métiers d’art 2022/23, hình ảnh chuỗi ngọc trai xếp tầng tầng lớp lớp như thác đổ của CHANEL được thay thế bằng hạt cườm. Hạt cườm được kết làm dây chuyền và dây thắt lưng. Vẻ đẹp duyên dáng của hạt cườm còn được CHANEL tận dụng làm chất liệu đính trên trang phục. Chiếc áo vest dáng lửng kết cườm và ngọc trai một cách ngẫu hứng tạo ảo ảnh cấu trúc vải tweed sống động. Những viên cườm nhiều màu sắc được các nghệ nhân lành nghề của Lesage “phù phép” thành mô-típ cụm hoa trà kiểu Warholian trên chân váy phối cùng quần lưới.

Không chỉ nổi tiếng với nghề kết cườm, châu Phi còn là quê hương của kỹ thuật dệt pagne tissé. Kỹ thuật này tạo ra những sản phẩm may mặc truyền thống dành cho các dịp lễ và nghi thức trọng đại ở khắp nơi trên lục địa đen. Với pagne tissé, nhà nghề Lesage tạo nên những thước vải tweed dệt hoa văn hình học bất đối xứng hoặc patchwork (chắp vá) đẹp mắt.

Chuyến “vượt biên” của CHANEL đến thủ đô Dakar lần này đã đánh dấu một cuộc đối thoại sáng tạo và trao đổi nghệ thuật giữa hai nền văn hóa, hai di sản thủ công lâu đời. BST Métiers d’art 2022/23 chính là kết tinh của cuộc “hôn phối” nghệ thuật giữa CHANEL và Dakar.

Nghệ thuật kết cườm truyền thống của châu Phi được đưa vào BST CHANEL Métiers d’art 2022/23

Bài Hoàng Bảo Thiết kế Uyn Nai

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP