Như Vân
Người mẫu
Phan Như Thảo
Người mẫu
Mya Nguyễn
Giám đốc sáng tạo
Thu Hương
Vợ diễn viên Việt Anh
Hương Giang
Hoa hậu
Khoảnh khắc vô giá, khi người mẹ vừa trải qua cuộc sinh đầy đau đớn, được da chạm da với đứa con bé bỏng, khi đôi môi chúm chím của con lần tìm ngực mẹ để ngậm lấy những giọt sữa đầu đời, luôn khiến những bà mẹ rưng rưng mỗi khi hồi tưởng lại chặng đường làm mẹ của mình.
Nuôi con bằng sữa mẹ tưởng chừng là thiên chức tự nhiên nhất của phụ nữ, vậy mà với không ít người, đó lại là “cuộc chiến” không cân sức. Để chắt lọc cho con giọt nhựa sống, nhiều bà mẹ đang phải gánh trên vai những áp lực vô hình về thể chất và tinh thần. Nhưng khi cuộc sống càng văn minh, hiện đại, người ta càng thấy việc trở về với những gì tinh khiết của tự nhiên là điều cần thiết.
Với tất cả niềm yêu thương, Đẹp xin dành tặng chuyên đề "Dưới bầu vú mẹ" hay còn gọi là "Nhựa sống" cho những người mẹ can trường trên hành trình nuôi con của mình.
Sau rất nhiều thời gian mong mỏi của cả gia đình, bé Hoàng Khôi (tên ở nhà là Đậu) ra đời như một món quà tuyệt vời dành cho hai vợ chồng diễn viên Việt Anh và Thu Hương. Lần đầu làm mẹ ở tuổi 25, Thu Hương đầy bỡ ngỡ. Cứ nghĩ sẽ được dựa vào chồng, người đàn ông đã là bố trước đó, nhưng cuối cùng, cô nhận ra, trước một sinh linh bé nhỏ, chồng mình vẫn cuống quýt như thể lần đầu.
Ngay từ đầu tôi đã quyết định sẽ nuôi con bằng sữa mẹ. Bé Đậu lành lắm, cười suốt ngày khiến bố Việt Anh, dù bận từ sáng sớm đến đêm khuya, nhưng cứ nhìn thấy con là khuôn mặt sáng rỡ. Từ hai kẻ son rỗi, chúng tôi bỗng chốc trở thành những người cực kỳ bận rộn. Hơn nữa, con ra đời đúng lúc bộ phim “Người phán xử” lên sóng, nên chồng tôi lại càng ít thời gian ở nhà. Nhưng Đậu như một thỏi nam châm đã cân bằng mọi thứ.
Tôi và anh Việt Anh từng có quãng thời gian dài yêu nhau, tôi đã nghĩ đó là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời mình vì tôi được yêu chiều hơn tất thảy. Nhưng khi nhìn ngắm con ngậm bầu sữa mẹ, tôi mới biết có những giây phút ngọt ngào hơn thế. Mỗi khi con khóc, chỉ cần để con dụi vào bầu ngực mẹ là bé lập tức thư giãn, cảm giác đó đặc biệt vô cùng.
Anh Việt Anh từ người vô tư lự bỗng chốc cuống quýt với mọi thứ xung quanh. Anh dành thời gian đọc mọi cuốn sách về nuôi trẻ, gặp hết bác sĩ này, chuyên gia dinh dưỡng kia để có được những đúc kết theo anh là tốt nhất cho con. Anh sát sao từng thao tác chăm con nhỏ nhất, nên tôi – một phụ nữ 25 tuổi, lần đầu làm mẹ, đã hoàn toàn “tuân thủ” những bài học nuôi con của chồng. Nhưng mới đây, khi cho con đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ cảnh báo: con bị thừa vitamin D vì phơi nắng quá nhiều, khiến cả hai vợ chồng tôi té ngửa. Làm cha mẹ hóa ra không có một công thức nào cả bởi đó là bản năng. Chúng tôi đang học lại cách để lắng nghe và hiểu nhu cầu của con. Con chưa thể nói, nhưng dường như cũng đang lắng nghe bố mẹ, ví dụ như bé toét miệng cười khi bố bước vào nhà, hay nằng nặc đòi bố bế, dù tôi ở bên bé cả ngày.
Tôi biết mình còn rất trẻ, nên những bài học trên hành trình nuôi con sẽ còn nhiều. Như mới đây, do tôi không biết cách lựa chọn thực phẩm, bé Đậu đã bỏ sữa mẹ khi con mới chỉ 8 tháng tuổi. Giây phút con quay đầu đi từ chối ti mẹ, tôi đã buồn và thương con vô cùng. Nhưng tôi hiểu mình phải tôn trọng lựa chọn của con. Đây có lẽ là bài học mà tôi phải chấp nhận để trở thành một người mẹ mạnh mẽ.
Khi mới sinh bé, lần đầu ôm con vào lòng và cho bú, tôi đã trào nước mắt, phần vì xúc động với khoảnh khắc đầu tiên của hai mẹ con, phần vì… đau quá! Bé nào mới sinh cũng nghiến ti mẹ mút sữa. Bé háu đói, đòi ăn liên tục nên tôi luôn chuẩn bị sẵn thuốc bôi cho đỡ đau. Những bỡ ngỡ đầu tiên với tình trạng tắc sữa, đêm ngủ gà gật cho con bú xong lại hút sữa, rửa bình rồi cũng qua.
Vì phải trở lại với công việc sớm, nên tôi hút sữa mẹ ra bình, trữ lạnh và nhờ bà cho bé ăn mỗi lúc tôi không ở nhà. Cũng may bé rất ngoan nên mẹ đi làm mà vẫn có thể duy trì sữa cho con. Tôi nhớ nhất chuyến đi Mỹ công tác 1 tuần khi Polar (con gái thứ hai của Hương Giang – PV) mới 8 tháng tuổi. Cứ vài tiếng tôi lại phải vào phòng vệ sinh trên máy bay, hay tìm một nơi riêng tư cạnh phòng họp để hút sữa, đóng túi, trữ lạnh mang về cho con. Cùng lúc đó tôi bị tắc sữa, ngực căng đau nhức đến phát sốt. Thấy cảnh đó, mẹ và chồng tôi khuyên uống thuốc và dùng sữa công thức cho con. Rất may, tôi không bị áp lực trong việc nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa công thức. Nhưng tôi mê mẩn cảm giác con cuộn tròn trong vòng tay mình, tay quơ quơ chạm mặt mẹ, mắt cười tít. Chỉ cần nghĩ đến khoảnh khắc đó, tôi lại quyết tâm cố gắng giữ sữa cho con. Tôi đã làm được điều đó một cách trọn vẹn trong một năm đầu đời của con.
Dù rất vất vả để duy trì nguồn sữa, nhưng tôi không cho rằng sữa mẹ là thần thánh, trị bách bệnh hay không đồng tình với những quan điểm phản đối sữa công thức. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá, đồng thời là sợi dây tinh thần gắn kết hai mẹ con, song điều đó không nên trở thành áp lực dồn lên vai những người phụ nữ vừa trải qua cuộc sinh nở nguy hiểm, vất vả trông con đêm ngày, nay phải nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ để vừa lòng ông bà nội ngoại, gia đình. Con trẻ cần cảm nhận tình yêu thương và chúng ta có nhiều cách để trao cho con điều ấy. Hãy tôn trọng lựa chọn phương thức nuôi con của mỗi người mẹ!
Trước đây, tôi từng đọc câu chuyện về một người phụ nữ đi xin việc. Khi điền vào tờ thông tin của mục “Kinh nghiệm làm việc”, cô chỉ viết hai chữ “Làm mẹ”. Câu chuyện mở đầu hay kết thúc thế nào tôi không nhớ nổi nhưng hai chữ "làm mẹ" đã in sâu trong tâm trí tôi từ ngày đó.
Ngay từ đầu, tôi đã quyết định sẽ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng, sau đó sẽ bổ sung thêm sữa công thức. Sau khi sinh, sữa chưa xuống ngay nhưng tôi vẫn kiên nhẫn cho con mút để gọi sữa về. Ngực xẹp lép, con mút mãi không ra giọt nào. Thấy cháu khóc, ông ngoại sốt ruột, đi ra đi vào, bà ngoại mếu máo nói: “Nó ác quá, nỡ bỏ đói cháu mình! Con nhỏ mới một ngày tuổi mà nó nỡ lòng nào không cho con bé ăn!”. Tâm trạng rối bời của cả gia đình khiến chồng tôi cũng hoang mang không kém. Nhưng tôi đã tìm hiểu rất kĩ trước khi sinh nên hoàn toàn tin tưởng quyết định của mình.
Thời gian đầu, như các bà mẹ khác, tôi cũng trải qua giai đoạn trầm cảm, lo lắng không đủ sữa cho con. Mọi công việc phải sắp xếp để mỗi 2 tiếng kích sữa một lần, dù ngày hay đêm, rồi bị tắc sữa, nứt cổ gà rất đau đớn... Đôi khi tôi muốn bỏ cuộc, muốn để con uống sữa công thức cho nhàn. Nhưng mỗi lần nhìn con tíu tít khi biết mẹ chuẩn bị vén áo lên, khuôn mặt thỏa mãn “đáng ghét” của con khi bú no say rồi nhìn mẹ cười nịnh nọt… chắc chắn bà mẹ nào cũng tan chảy vì những khoảnh khắc đó. Nên bây giờ, con tôi đã hơn một tuổi nhưng vẫn hoàn toàn bú mẹ. Và tôi vẫn chưa có ý định cai sữa cho con. Đâu chỉ có con quấn mẹ, tôi nghĩ mình đã trở thành bà mẹ “nghiện” cho con ti từ bao giờ.
Một vấn đề nữa mà nhiều bà mẹ quan tâm đó là “mỹ quan” của bộ ngực sau khi cai sữa cho con. Không thể phủ nhận, sau thời gian dài cho con bú, bầu ngực không còn săn chắc như thời thanh xuân, mà giống quả bóng xì hơi. Lâu lâu ngắm mình trong gương, tôi lại thấy buồn cười và cười… buồn. Nhưng nếu cho chọn lại, tôi sẽ vẫn chọn cho con bú. Công nghệ hiện đại ngày nay cho phép các mẹ có thể lấy lại khuôn ngực đẹp đẽ sau khi cai sữa. Còn ngay lúc này, cảm giác có một nhóc tì bé bỏng nháo nhào lao về phía mẹ, hớn hở, nịnh nọt để được mẹ cho ti, cảm giác đó sướng lắm!
Họ - những ngôi sao quyền lực trong làng giải trí, khi đứng trước nhu cầu cơ bản của con mình, đã lập tức trở về với thiên chức người mẹ. Giữa những guồng quay công việc, họ chưa từng chối bỏ khao khát dòng sữa mẹ của con hay mảy may lo lắng sự đổi thay của đôi gò bồng đảo. Với họ, dành điều tốt đẹp nhất cho con quan trọng hơn những tụng xưng.
Ngày 22 tháng 6 vừa qua, bà mẹ Larissa Waters, thượng nghị sĩ của Úc đã đi vào lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên cho con bú tại nghị trường. Do không thể tìm người để trông cô con gái Alia Joy 14 tháng tuổi nên bà Waters đã mang con theo những buổi làm việc của mình. Hình ảnh bà nghị vắt chiếc khăn trên vai, che phần ngực hở để cho con bú đã được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội twitter. Bà Waters chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi vừa phải đưa ra một đề xuất tại Thượng viện, vừa phải cho con bú!” Bà Waters có thể làm việc này sau khi Quốc hội Australia đã thay đổi các quy định nhằm cho phép các nữ nghị sĩ chăm sóc con nhỏ tại phòng họp.
Gisele Bundchen là người phụ nữ gắn liền với những danh xưng mỹ miều “Siêu mẫu quyền lực nhất thế giới”, “Chân dài kiếm tiền nhiều nhất” hay “Mỹ nhân ăn mặc phong cách nhất”. Đến khi hết thời son rỗi, Gisele lại được công chúng ưu ái gọi là “Bà mẹ quyến rũ nhất thế giới”. Giữa những bận rộn mà Gisele chia sẻ trên trang Twitter cá nhân: “Không biết mình sẽ thế nào nếu không có những người trợ giúp này sau 15 giờ bay và ngủ đúng 3 tiếng đồng hồ”, cô vẫn tranh thủ cho con gái Viviana bú trong lúc những người thợ tất bật làm tóc, trang điểm, làm móng xung quanh. Hiện nay, trong lịch trình dày đặc của nàng siêu mẫu xuất hiện thêm những buổi nói chuyện trong các chiến dịch nâng cao ý thức của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Khoảnh khắc đẹp nhất của Miranda Kerr không chỉ là giây phút cô khoác lên mình bộ cánh thiên thần hay sải đôi chân thẳng tắp trên sàn diễn mà còn là lúc cô mặc chiếc váy ngủ dài, giày cao gót đỏ, mái tóc buông xõa và âu yếm ôm cậu con trai bé bỏng Flynn ấp vào ngực mình. Bức ảnh được chụp hai tháng sau ngày cô vượt cạn, trong giờ nghỉ giải lao ở buổi chụp hình cho Victoria’s Secret. Dưới ảnh Miranda viết: “Thêm một ngày nữa ở văn phòng”.
Ai cũng biết, các số đo hình thể là điều tối quan trọng với nghề người mẫu. Tuy nhiên, “bông hồng nước Úc” tự tin rằng, việc cho con bú không thể khiến cô trở nên xồ xề: “Với tôi, cho con bú là lẽ tự nhiên và tôi yêu thích công việc này. Tôi sẽ cho con bú lâu nhất đến chừng nào còn có thể”. Hiện nay, nàng siêu mẫu đang chuẩn bị làm mẹ lần nữa, với người chồng thứ hai – tỉ phú Evan Spiegel.
Pink bước chân vào làng giải trí với mái đầu đinh nhuộm hồng, gương mặt cá tính đầy tàn nhang, những bộ cánh khoe cơ thể đầy hình xăm cùng chất giọng khàn đục. Các fan hâm mộ gật gù “phê” nhạc của cô như một thứ ma túy. Hơn mười năm sau, vẫn người phụ nữ nổi loạn ấy nhưng lại xuất hiện trong bộ đầm lộng lẫy và đang cho con gái Willow của cô bú sữa. Ngôi sao nhạc rock hào hứng khoe bức ảnh lên Twitter với chia sẻ: “Một vài phút nghỉ ngơi trong buổi chụp ảnh cho album mới của tôi.” Công chúng không ngờ rằng sau những màn biểu diễn hết mình cuồng nhiệt trên sân khấu, có một Pink khác, lặng lẽ ngồi sau cánh gà, vỗ về con bằng dòng sữa mẹ. Dù không ít lần bị mọi người phản đối khi bắt gặp cô cho con bú ở nơi công cộng nhưng Pink chưa từng thôi tự hào làm điều¬ mà cô vẫn gọi là “đặc quyền của phụ nữ”.
Khi nhiều người cố gắng giấu giếm cơ thể sau sinh của mình thì nữ diễn viên Jenny Mollen lại coi vết mổ trên bụng mình là một "huân chương" đáng tự hào và sẵn sàng khoe nó cho mọi người, chỉ hai tuần sau khi sinh con trai thứ hai, Lazlo Biggs, vào ngày 5/10 vừa qua. Nói về bức ảnh chụp vết sẹo, Jenny hài hước chia sẻ: "Tôi đã ước được nhìn một bức ảnh thế này 9 tháng trước. Chắc chắn đây sẽ là tấm danh thiếp mới của tôi". Điều này cũng giống với cách ngôi sao màn bạc tự hào khoe những khoảnh khắc cho con bú trên mạng xã hội. Với cô, đó là niềm hạnh phúc giản dị nhưng rất thiêng liêng của người mẹ.
Cây bút quen thuộc của chuyên mục “Cho con yêu” – Phạm Thị Hoài Anh, tác giả của hai cuốn truyện tranh best-seller “Trái tim của mẹ” và “Bàn tay của bố”, là một bà mẹ hai con vô cùng bận rộn. Cô chủ động từ chối một công việc tốt nhưng đòi hỏi nhiều thời gian chỉ để được lớn lên cùng con. Cô hào hứng kể chuyện cho con bú như một niềm vui chung của ba mẹ con mỗi ngày.
Những ngày tôi mới sinh em bé thứ hai, Nim – cô con gái đầu lòng 5 tuổi của tôi – lại có một niềm vui ngây ngất, đó là “Con lại được bú sữa mẹ”. Đều đặn mỗi ngày, Nim háo hức chờ đến giờ mẹ hút sữa, hạnh phúc ngồi bên cạnh mẹ, luôn miệng hỏi: “Mẹ có cần con giúp gì không?”; rồi đến khi bình sữa đầy, bạn ấy nâng niu cầm lên, tu ực một hơi cạn bình và reo lên: “Đây là bình sữa ngon nhất trên đời!”. Nhìn ánh mắt đầy ắp sự vui sướng của con bé, tôi nhớ lại ngày sinh nhật Nim tròn 2 tuổi, cũng là ngày cai sữa đầu tiên của bé. Buổi tối hôm ấy, khi con rúc vào mẹ để “tu ti”, tôi ôm Nim và nói: “Bạn Nim đã lớn rồi nên không ti mẹ nữa nhé!”. Chỉ nghe mẹ nói vậy mà Nim tròn xoe mắt nhìn tôi hồi lâu, rồi con bé khẽ xoay người quay lưng về phía mẹ, giọng mếu máo: “Nim lớn rồi, Nim không ti mẹ, Nim nằm ngủ!” – khoảnh khắc ấy đã để lại một khoảng trống bao la trong tim tôi, cho đến tận khi em bé thứ hai chào đời. Tôi quyết định cho con bú mẹ trực tiếp hoàn toàn và luôn tin rằng đó thực sự là một hành trình vất vả nhưng vô cùng xứng đáng.
Những giấc ngủ đêm gián đoạn, những lần bị con nghiến ti bật máu, những lần có việc ra ngoài cuống cuồng về cho con bú, hay áp lực vô hình từ những lời nói như: “Chỉ cho con bú mẹ như vậy thì có đủ chất không?/ Phải dặm thêm sữa ngoài vào thì con mới lớn được!/ Thôi cai sữa đi, con lớn đùng rồi!”… sẽ tan biến hết mỗi lần tôi được ôm cục bông bé bỏng thơm tho vào lòng, cầm bàn tay bé xíu của con và say mê ngắm khuôn mặt “phê” sữa bình yên, mãn nguyện của con. Với tôi, đó là thứ cảm giác gắn bó, phụ thuộc lẫn nhau thiêng liêng quá đỗi – một đặc quyền vô giá mà chỉ những người mẹ mới được trải nghiệm. Bây giờ, mỗi ngày mới của tôi thường bắt đầu bằng tiếng “Mẹ ơi, đa đa đa!” – Em bé của tôi sẽ ríu rít như vậy, kéo tay mẹ đến chỗ ngồi yêu thích của em, rồi rúc vào lòng mẹ, “tu ti” một cách ngon lành và phởn phơ. Đó là khoảnh khắc mà tôi luôn cố gắng tận hưởng một cách từ tốn và chậm rãi nhất, để kéo dài niềm hạnh phúc trên hành trình làm mẹ của mình - khoảnh khắc ôm con vào lòng và cho con bú.
Ngoài sứ mệnh là nguồn nhựa sống quý giá cho con, dòng sữa mẹ còn chứa đựng rất nhiều điều thú vị mà có thể bạn chưa biết tới.
Đang ngồi vắt sữa, tôi bỗng nghe tiếng mẹ chồng hét lên thất thanh từ trong phòng: “Ối giời ơi, mẹ nó hôm nay ăn gì mà sao phân cháu tôi lại thế này?”. Vừa nói, bà vừa mang bỉm ra gí vào mặt tôi và “hạ lệnh”: “Chị pha ngay một cốc bột sắn to uống giải nhiệt cho cháu tôi nhờ, mùi phân này cho thấy sữa của chị rất nóng!”.
Phía sau lợi ích tuyệt vời của việc nuôi con bằng sữa mẹ, nhiều phụ nữ Việt như tôi đã phải duy trì nguồn sữa trong các áp lực vô hình về cả tinh thần và thể chất.
Cho con bú tại nơi công cộng, với nhiều bà mẹ, là một trải nghiệm không mấy dễ chịu. Họ thường xuyên phải đối diện với những cái nhìn thiếu thiện cảm, hay phải nghe những bình luận tiêu cực từ người xung quanh. Chính điều này khiến những phụ nữ nuôi con nhỏ, nhất là những người mới làm mẹ lần đầu, thường tỏ ra e dè, thiếu tự tin khi bé khóc đòi ăn lúc đang ở ngoài phố. Để “tái hòa nhập cộng đồng”, không ít bà mẹ quyết định rút ngắn thời gian cho con bú.
Trong hơn 20 năm sống tại nhiều nước, tôi có cơ hội trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau. Không thể phủ nhận rằng giữa các quốc gia đó, có một sự khác biệt lớn về phản ứng của xã hội đối với việc cho con bú tại nơi công cộng. Ví dụ, so với Scotland, phụ nữ tại Anh hay xứ Wales thấy rất xấu hổ khi buộc phải cho con bú nơi công cộng; hay tại các tiểu bang thuộc vùng Bắc Mỹ, Trung Mỹ và nhiều nước Châu Á, việc nuôi con bằng sữa mẹ được xã hội ủng hộ, chừng nào việc này được thực hiện một cách kín đáo. Trong khi đó, tại Đức, các quốc gia Bắc Âu (Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch) và phần lớn Châu Phi, việc cho con bú tại nơi công cộng được chấp nhận rộng rãi như một hoạt động sống thường ngày.
Cách đây không lâu, việc một MC truyền hình cho con bú trên máy bay bị nhiều người cho là phản cảm, đã dấy lên một cuộc tranh cãi nảy lửa trong cộng đồng những bà mẹ bỉm sữa. Nhiều ý kiến thể hiện sự đồng tình, rằng sẽ chẳng có bà mẹ nào chỉ vì ngại mà nỡ để con mình khóc đòi sữa, họ cũng sẽ chẳng có tâm trí để lo lắng việc bị lộ thân thể, người xung quanh nếu ý nhị và khéo léo thì hãy quay mặt đi...
Có lẽ sẽ mất nhiều thời gian để có thể thay đổi cách ứng xử của xã hội đối với vấn đề này. Từ giờ cho tới lúc đó, Đẹp sẽ hướng dẫn bạn những kĩ năng cơ bản để việc cho con bú ở nơi công cộng được thực hiện một cách khéo léo và kín đáo.
Để có thể tự tin cho con bú ở nơi đông người, hãy luôn chuẩn bị một chiếc khăn choàng hoặc một chiếc áo rộng có khả năng che kín cho bạn và bé. Bằng cách này, bạn có thể cho bé bú mọi nơi mà không phải e ngại những ánh nhìn thiếu thiện cảm.
Không có gì phải nói nếu nơi bạn đến có những góc riêng tư dành cho mẹ và bé. Nếu không, hãy chủ động tìm kiếm hoặc hỏi những người xung quanh. Những địa điểm như phòng thay đồ trong cửa hàng thời trang, một băng ghế vắng vẻ trong công viên hay một chỗ ngồi sát tường trong nhà hàng... sẽ giúp bạn thư giãn và cho bé tận hưởng những dòng sữa chất lượng.
Tìm kiếm một nơi riêng tư không có nghĩa là bạn phải vào nhà vệ sinh để cho con bú. Bé bú mẹ cũng chính là đang thưởng thức bữa ăn của mình. Nếu bạn chẳng bao giờ ăn trong nhà vệ sinh thì cũng đừng bắt bé phải làm vậy.
Cách đáp trả tuyệt vời nhất với những ánh mắt tò mò, thiếu thiện cảm chính là thái độ bình tĩnh và lịch sự. Đừng tỏ ra lúng túng hay ngượng ngùng khi ai đó thấy bạn cho con bú. Hãy tự tin mỉm cười với họ, cho họ thấy bạn đang hạnh phúc thực hiện thiên chức của mình. Nếu cần thiết, bạn cũng có thể vui vẻ nói thêm “Bé nhà tôi đang đói quá”, chắc chắn bạn sẽ nhận được sự đồng tình từ mọi người ngay tức khắc.
Cho con bú vừa là thiên chức tự nhiên vừa là kĩ năng người mẹ cần phải học. Hãy tập cho con bú với sự hiện diện của bạn bè, người thân tại những địa điểm quen thuộc, điều này sẽ giúp bạn thuần thục và tự tin hơn khi cho con bú tại những địa điểm xa lạ khác.
Đàn ông thường thích khoác lác về bản thân, như kích thước cơ thể, độ dày của ví tiền, độ rộng của ống xả xe hơi... nhưng ngược lại, họ khá thành thật khi kể về những đam mê của mình. Họ có thể đấm nhau vì hai đội bóng ở Anh, cãi nhau nảy lửa về chuyện bầu cử bên Mỹ và chứng minh cho được vị tổng thống mới của Mỹ sẽ tạo ra những ảnh hưởng gì đối với đồng tiền ảo trên mạng xã hội. Toàn những điều xa xôi viễn vông.
Luật pháp Hà Lan quy định nhà tuyển dụng phải cung cấp không gian riêng cho nữ nhân viên đang nuôi con bằng sữa mẹ.
Tại Mỹ, cựu tổng thống Barack Obama đã phê chuẩn Đạo luật Tiêu chuẩn lao động công bằng (FLSA) quy định quyền vắt sữa và cho con bú của phụ nữ tại nơi làm việc trong vòng một năm sau sinh. Theo quy định này, người mẹ có quyền vắt sữa và cho con bú ở nơi riêng tư và hợp vệ sinh tại chỗ làm mà không bị giới hạn về mặt thời gian.
Tại Úc, theo Luật Chống phân biệt đối xử và Luật Bình đẳng giới, mọi phụ nữ đều được pháp luật bảo vệ trong việc cho con bú tại nơi công cộng và mọi hành vi phản đối việc này đều bị cấm.
Ở New Zealand, nhiều địa điểm công cộng cung cấp phòng riêng cho mẹ và bé.
Tại Việt Nam, chưa có văn bản cụ thể quy định về việc cho con bú tại nơi công cộng.