Dream High: NTK Jenny K Tran chinh phục thời trang may đo - Tạp chí Đẹp

Jenny K Tran mang một tình yêu lớn với thời trang may đo. Từ vị trí nhà thiết kế chính cho mảng menswear của Burberry (Anh) đến founder của thương hiệu thời trang nữ mang tên mình, con đường của Jenny với thời trang vẫn luôn trải theo một hướng đi nhất quán: âu phục. 

Jenny K Tran mang một tình yêu lớn với thời trang may đo. Từ vị trí nhà thiết kế chính cho mảng menswear của Burberry (Anh) đến founder của thương hiệu thời trang nữ mang tên mình, con đường của Jenny với thời trang vẫn luôn trải theo một hướng đi nhất quán: âu phục. 

Jenny vẫn còn nhớ những ngày tháng theo học thời trang tại trường Manchester School of Art (London) đối với cô giống như một cuộc chiến sinh tồn đúng nghĩa. Khóa học kéo dài 4 năm có tất cả 250 sinh viên nhưng đến khi tốt nghiệp chỉ còn lại 16 người, và chỉ có 2 học viên còn có thể bám trụ lại với ngành thiết kế thời trang, một trong số đó là Jenny. 

Nhưng cuộc chiến bên ngoài cánh cổng trường đại học còn khốc liệt hơn nữa. Trong suốt 1 năm từ 2012 đến 2013, Jenny đã phải trải qua 15 buổi phỏng vấn khó nhằn ở các công ty khác nhau trước khi có được một vị trí thực tập có lương tại Bench, thương hiệu thời trang Đức đặt trụ sở tại Anh chuyên về các dòng sản phẩm thời trang thể thao. Khi phỏng vấn với Bench, trước đề bài thực hiện một dự án thiết kế trong vòng 3 ngày, thay vì chỉ nộp bản phác thảo như thông lệ, cô khiến nhà tuyển dụng bất ngờ khi đem toàn bộ quá trình công phu bao gồm nghiên cứu, phát triển ý tưởng, chọn bảng màu và vẽ bản sketch trình bày tỉ mỉ tại buổi phỏng vấn. Cô nhận ra một điều: không phải tài năng hay một portfolio đẹp, khả năng giao tiếp và sự tự tin trình bày ý tưởng một cách thuyết phục mới là điều thật sự khiến các nhà tuyển dụng chú tâm lắng nghe và để mắt đến mình. 

Thời trang là một ngành sáng tạo, nhưng bạn sẽ không thể tồn tại ở đây chỉ bằng sự sáng tạo. Những lúc không phải đi làm, Jenny kéo một chiếc vali đựng đầy sách và bút đến thư viện. Ngay cả ngày nghỉ lễ, trong khi các bạn cùng lớp háo hức đi du lịch hay về nhà với gia đình, cô vẫn có mặt ở thư viện. “Nơi đó có đủ các nguồn sách khác nhau. Tất cả các ý tưởng sáng tạo của tôi đều được khơi gợi từ sách”, Jenny nói. “Đọc nhiều, nghiên cứu nhiều, cộng thêm việc thích tham quan các triển lãm, sự kiện trong ngành đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều điều hay”. 

Nhận thấy khả năng cách tân trang phục may đo chuẩn châu Âu ở cô sinh viên người Việt, các giảng viên trong trường đã cử Jenny đi tranh tài ở nhiều cuộc thi thời trang lớn tại Anh. Jenny từng giành được giải nhất cuộc thi Karen Millen Portfolio 2014 và nhận được học bổng thiết kế menswear của chuỗi cửa hàng bách hóa lớn nhất Anh quốc Debenhams trong khuôn khổ Graduate Fashion Week 2014. Nhờ những thành tích này, cô nhận được không ít lời mời phỏng vấn từ các công ty thời trang. Tuy nhiên, tất cả đều có sự cân nhắc khi biết cô không phải người bản địa. Cho đến tháng 6/2014, khi Burberry đi khắp các trường đại học ở Anh để chọn ra những nhân tố tài năng cho đội ngũ thiết kế, Jenny may mắn là một trong những sinh viên lọt vào mắt xanh của thương hiệu này. “Tôi không biết chính xác có bao nhiêu người được Burberry gọi đến phỏng vấn, nhưng năm đó, tôi là người duy nhất được chọn. Thật ra, nếu tôi tự nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí thiết kế của Burberry, chắc chắn sẽ bị gạt ra bởi tôi không phải người bản địa. Ở Anh, cơ hội cho những người ngoại quốc xin được việc làm là rất khó. Các công ty phải bảo trợ visa cho nhân viên ngoại quốc cùng với một mức lương cao, trong khi họ hoàn toàn có thể thuê người bản địa với mức lương tốt hơn”.

Trước khi bước vào ngôi nhà thời trang lâu đời bậc nhất nước Anh, Jenny từng tưởng tượng nơi đây giống như một thiên đường lấp lánh vẻ đẹp kiêu sa của lụa là, vải vóc. Vào rồi mới thấy, Burberry giống như một tổ ong khổng lồ bên bờ sông Thames. Riêng văn phòng trụ sở đã có hơn 2.000 nhân viên. Mỗi ngày, Jenny bắt đầu làm việc từ 7 giờ sáng và hiếm khi kết thúc trước 12 giờ đêm. Cô thấu hiểu lý do tại sao người ta gọi thời trang là một ngành công nghiệp khổng lồ, càng hiểu rõ vì sao sau hơn 100 năm, Burberry vẫn duy trì vị trí là một trong những nhà mốt hàng đầu thế giới. Mỗi sản phẩm hoàn chỉnh đưa đến tay khách hàng đều là kết quả của sự đầu tư khổng lồ về tiền bạc, máy móc, công nghệ, công sức và chất xám. Từ quá trình dệt vải, chọn chỉ, cắt rập, cắt vải cho đến xử lý đường may gọn gàng, Burberry tạo ra một quy trình khép kín để các sản phẩm thời trang được ra mắt liên tục nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thượng hạng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của các tệp khách hàng khác nhau, Burberry chia ra 3 dòng sản phẩm riêng biệt: Burberry Prorsum (thời trang cao cấp được ra mắt tại Tuần lễ Thời trang London), Burberry London (thời trang mang dấu ấn công sở), và Burberry Brit (trang phục thường ngày trẻ trung, năng động). Jenny K Tran là nhà thiết kế chính phụ trách mảng outerwear (áo khoác), thuộc mảng đồ nam của dòng Burberry London. Trong quá trình làm việc tại đây, ngoài outerwear, cô bắt đầu yêu thích tailoring (âu phục) – vốn là một mảng lớn của Burberry và cũng là phong cách thời trang nổi tiếng của các quý ông Anh quốc.

“Không khó để bắt gặp những quý ông lịch lãm trong những bộ suit được may đo vừa vặn trên đường phố nước Anh. Tôi không thể nào quên con phố Savile Row nức tiếng, nơi các cửa hiệu may đo âu phục truyền thống dành cho nam tấp nập người ra vào và từng là bối cảnh cho loạt phim ‘Kingsman’ của đạo diễn Matthew Vaughn. Tôi nghĩ bất kỳ ai làm đồ nam cũng sẽ mê đắm vẻ đẹp chỉnh tề của tailoring thôi”.

Sau khoảng 1 năm thiết kế outerwear, Jenny K Tran được đảm nhận thêm mảng tailoring nam của hãng. Với công việc này, cô đặt ra mục tiêu hoàn thiện bộ kỹ năng thiết kế, mở rộng vốn hiểu biết về âu phục nam và phát triển dòng sản phẩm tailoring của Burberry đi xa hơn. Ở đây, không ai cầm tay chỉ việc hay hướng dẫn các bước bài bản, cô phải tự học mọi thứ qua sách vở hoặc quan sát và làm theo những người thợ xung quanh.

Sau 3 năm làm việc tại Burberry, Jenny tận dụng kỳ nghỉ gap year (được phép kéo dài tới 12 tháng mà vẫn giữ nguyên vị trí ở công ty) để về Việt Nam thăm gia đình. Chuyến đi này đã tạo cơ hội để cô nhìn rõ thị trường thời trang trong nước. Jenny nhận thấy ngành thời trang may đo ở Việt Nam vẫn chưa phát triển, nhất là mảng âu phục dành cho nữ. Công thức chung cho âu phục nữ ở đây vẫn là phom dáng hình hộp góc cạnh, nam tính. Điều này khiến phụ nữ Việt e ngại việc mặc suit vì sợ bị dìm dáng. Jenny bắt đầu làm những bộ âu phục mang phom dáng cổ điển nhưng tinh chỉnh lại bằng các chi tiết mềm mại, nữ tính hơn. Các khách hàng đầu tiên của cô đều là những người quen. Những thiết kế “làm cho vui” khi đăng lên mạng xã hội lại nhận được sự chia sẻ rộng rãi. Dần dần, người ta biết đến Jenny K Tran nhiều hơn. Nhận thấy việc thiết kế âu phục nữ có cơ hội phát triển tại đây, Jenny quyết định ở lại nước lập nghiệp.

Rời bỏ công việc mà nhiều người mong ước ở Burberry là quyết định không mấy dễ dàng đối với Jenny. Nhưng niềm hạnh phúc khi được thấy những người phụ nữ mặc bộ âu phục do mình thiết kế khiến cô xác định được rõ đâu là mục tiêu mà mình muốn chinh phục. Đó là xây dựng cho mình một thương hiệu riêng, nơi tôn vinh vẻ đẹp bất biến của âu phục và nâng tầm phong thái cho phụ nữ Việt bằng những sản phẩm may đo vừa quyền lực, vừa nữ tính. Năm 2016, Jenny chính thức thành lập thương hiệu riêng mang tên JENNY K TRAN tại Hà Nội.

Phong thái cứng cỏi, mạnh mẽ từ những đường nét sắc sảo trên âu phục cổ điển Anh đã truyền cảm hứng cho Jenny K Tran viết nên câu chuyện về tailoring dành cho phái nữ. Những bộ suit chỉnh tề được cô cải biến để trở nên mềm mại, uyển chuyển trên phom dáng đồng hồ cát của nữ giới. Từng chi tiết trên trang phục của cô đều được phát triển từ những chuẩn mực cốt lõi của tailoring: bộ tuxedo có ve áo bằng vải satin, mặc với áo sơ mi phối cùng khuy măng sét; áo trenchcoat may dáng dài có phần đai thắt lưng… Câu chuyện về tailoring của Jenny không chỉ gói gọn ở cảm hứng thời trang mà còn xuất phát từ lịch sử ra đời và phát triển kéo dài hàng trăm năm của âu phục.

Jenny hướng thương hiệu của cô đến thị trường ngách, các sản phẩm tailoring đều được tạo phom dựa trên số đo của từng khách hàng. Trong tương lai, cô ấp ủ dự định sẽ phát triển phom âu phục phù hợp với nhu cầu mix & match hàng ngày để mọi phụ nữ Việt đều có thể mặc đồ tailoring chất lượng và dễ ứng dụng. 

Bài Hoàng Bảo Thiết kế Hoàng Nhật

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP