Drama King - những ông hoàng thời trang mãi trị vì trên ngai vàng - Tạp chí Đẹp

 

Năm 20 tuổi, khi đang vừa học về thiết kế nội thất vừa tham gia vũ đoàn ballet, Thierry Mugler đến Paris với mục đích dấn thân vào làng thời trang. Cái nhìn đa chiều về nghệ thuật giúp Mugler nhanh chóng trở thành nhà thiết kế tự do cộng tác cùng lúc với nhiều nhà mốt tên tuổi tại châu Âu lúc bấy giờ, không chỉ ở Paris mà còn vươn đến cả Milan và Barcelona. Cùng lúc học hỏi từ nhiều nền văn hóa thời trang khác nhau, giấc mơ thời trang trong Thierry Mugler ngày càng lớn và thôi thúc.

 

Năm 1973, Thierry Mugler cho ra mắt bộ sưu tập đầu tiên của mình với tên gọi “Cafe de Paris”. Paris vào thập niên 70 chính là thiên đường của thời trang, với sự trỗi dậy của ready-to-wear được chắp cánh bởi Yves Saint Laurent. Bộ sưu tập đầu tay của Mugler chính là khởi đầu hoàn hảo cho những gì sẽ trở thành đặc trưng của ông sau này: tôn vinh tính nữ mạnh mẽ và gợi cảm. Được để mắt đến bởi biên tập viên danh tiếng thời bấy giờ – Melka Tresanton, 5 năm sau, Mugler đã có được cửa hàng đầu tiên của riêng mình tại Paris khi chỉ vừa chạm ngưỡng tuổi 30.

 

Thời trang của Thierry Mugler chính là ví dụ tiêu biểu cho sự thiên biến vạn hóa, kịch tính, đầy thị phi và khó cưỡng của những cái tên mới nổi trong làng thời trang Paris. Từ các mẫu thiết kế cho đến sàn diễn, những bộ ảnh chụp quảng cáo và trên tạp chí, tất cả đều được Thierry tự tay chăm lo kỹ lưỡng để nhào nặn nên thần thoại về hình ảnh người phụ nữ Mugler: tối tăm, gợi cảm và đầy quyền lực như những nữ chiến binh Amazon thời hiện đại.

 

BST Haute Couture Xuân Hè 1997 của Thierry Mugler mang tên “Les Insectes” (côn trùng)


Điều thú vị nhất về Mugler chính là ông là một nghệ sĩ toàn diện chứ không đơn thuần chỉ là nhà thiết kế thời trang. Luôn khát khao tạo nên những điều chưa từng tồn tại, ông lôi kéo người xem vào một hành trình mới đầy hấp dẫn qua mỗi bộ sưu tập. Với hơn 80 bộ sưu tập trong 20 năm sự nghiệp của mình, Thierry Mugler là cái tên được mong chờ nhất tại các tuần lễ thời trang Paris, luôn phá vỡ mọi luật lệ của thời trang bằng những show diễn kéo dài hàng tiếng đồng hồ với sự góp mặt của nhiều siêu mẫu và ngôi sao hàng đầu đương thời. Những sáng tạo của Mugler tạo nên hình ảnh mới về cách phụ nữ có thể ăn mặc, hành xử và quyến rũ. Không chỉ xuất hiện trên tạp chí, các thiết kế của ông trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa đại chúng qua sự xuất hiện trong phim điện ảnh hay các MV danh tiếng của Geogre Michael, Lady Gaga và Beyoncé.

Kim Kardashian lọt top mặc đẹp nhất MET Gala 2019 với trang phục của Thierry Mugler

Thế nhưng, không thể nói về Thierry Mugler mà thiếu đi những sáng tạo nước hoa của ông. Năm 2002, Mugler chính thức rời khỏi làng thời trang nhưng vẫn giữ lại dòng sản phẩm nước hoa của mình. “Thời trang luôn đẹp, đó là môn nghệ thuật 3D trên cơ thể người, nhưng tôi cảm thấy như thế vẫn chưa đủ, tôi cần phải sáng tạo thêm bằng cách khác. Đối với tôi, thời trang dường như không còn là công cụ sáng tạo đúng đắn nữa. Tuy vậy tôi vẫn đặc biệt đam mê nước hoa” – nhà thiết kế chia sẻ về quyết định của mình. Cũng như các thiết kế thời trang, những sáng tạo mùi hương từ Mugler luôn hàm chứa thông điệp và cá tính rất khác biệt.

Năm 1992, Mugler cho ra mắt Angel – nước hoa đầu tiên của nhà mốt này. Chỉ vài năm sau, Angel trở thành loại nước hoa bán chạy nhất thế giới khi cứ mỗi 10 giây lại có một chai được bán ra. Cùng quy tắc sáng tạo với những thiết kế thời trang, Mugler mong muốn nước hoa của mình phải là thứ chưa bao giờ được tạo ra. Angel ra đời như một tổ hợp của những thứ “chưa bao giờ”: chai nước hoa hình ngôi sao năm cánh bất đối xứng chứa dung dịch màu xanh lam lấy cảm hứng mùi hương từ chợ thực phẩm. Đầy tham vọng và liều lĩnh, Angel khởi đầu cho đế chế nước hoa nhà Mugler. Những dòng nước hoa nổi tiếng không kém được ra đời sau đó là Aura, Alien và A*Men. Hơn 25 năm sau, nước hoa Mugler vẫn có chỗ đứng riêng biệt trong lòng người hâm mộ và vẫn là cái tên luôn được nhắc đến đầu tiên bởi những người sành điệu.

Sau nhiều năm vắng bóng, Mugler dường như đang dần quay lại với thời trang. Sáng tạo gần đây nhất của ông chính là chiếc váy latex rỉ nước của Kim Kardashian trên thảm đỏ MET Gala 2019. Vẫn đầy độc đáo và gây tranh cãi như ngày nào! Ông cũng bắt đầu xuất hiện trở lại trên các tạp chí lớn và tổ chức nhiều triển lãm về các sáng tạo của mình. Thời trang sẽ luôn chào đón Mugler trở lại khi ông muốn, bởi sự thách thức và đầy tham vọng của Mugler chính là điều thế giới này luôn cần.

 

Cardi B mặc trang phục từ BST Haute Couture Thu Đông 1998 của Thierry Mugler tại Lễ trao giải Grammy lần thứ 61. Chiếc đầm được lấy cảm hứng từ bức tranh “The Birth of Venus” của danh họa người Ý Sandro Botticelli.

 

 

PHÙ THỦY CỦA NHỮNG GIẤC MƠ

Chiếc áo khoác đặc sắc mà NTK John Galliano thực hiện cho Maison Margiela

Có lẽ không cần giới thiệu nhiều về John Galliano nữa. Nhà thiết kế người Anh này luôn biết cách làm mê đắm trái tim của những tín đồ thời trang, đưa họ thoát khỏi những bộn bề cuộc sống để đắm chìm trong cái đẹp.

Câu chuyện về John Galliano giống như câu chuyện Lọ Lem thời hiện đại, minh chứng cho việc không gì là không thể khi ta có đam mê. Xuất thân hèn mọn trong một gia đình gốc Do Thái có cha làm thợ sửa ống nước, niềm đam mê thời trang và nghệ thuật cháy bỏng đã biến John Galliano trở thành một trong những cái tên vĩ đại nhất của lịch sử ngành thời trang.

Năm 1995, John Galliano khi ấy 35 tuổi được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của Givenchy, trở thành người Anh đầu tiên dẫn đầu một nhà mốt Pháp. Người kế nhiệm của ông tại Givenchy sau này là người đồng hương cũng nổi tiếng không kém – Alexander McQueen. Bộ sưu tập đầu tiên của John Galliano cho Givenchy được ra mắt tại sân vận động Stade de France trong sự phản hồi tích cực của giới phê bình. Thành công tiếp nối thành công, chỉ hơn một năm sau, vào tháng 10/1996, John Galliano được chuyển đến Christian Dior, đánh dấu sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của thương hiệu này.

 

Ngay từ khi bước vào Dior, mục tiêu của John Galliano luôn là mang đến một diện mạo khác biệt cho người phụ nữ của nhà mốt. Ông vứt bỏ sự “kín cổng cao tường” cũ kỹ, kết hợp những yếu tố của thời trang đường phố, từ drag queen đến hip-hop, từ BDSM đến rock ‘n’ roll, khiến người ta bị sốc trước sự thay đổi choáng ngợp này. Cú sốc ấy khiến mọi tâm điểm đều dồn về Dior tại mỗi dịp tuần lễ thời trang.

 

Trong hơn 15 năm tại Dior, John Galliano không ngừng tạo ra những chuyến đi kỳ thú, đưa người xem lạc vào những thế giới đầy hư ảo. Lớp ren nhẹ như nước nép dưới chiếc áo da cá sấu tạo nên hình ảnh nữ chiến binh dũng mãnh. Các đóa hoa origami bằng lụa bừng nở trên vai người mẫu mang khuôn mặt điểm tô như một geisha. Những cô nàng vô gia cư khoác lên mình chiếc áo lụa organza in họa tiết giấy báo có giá hàng trăm nghìn đô la (bởi chúng được làm rách tỉ mẩn bằng tay). Ngay cả những bộ sưu tập ready-to-wear cũng chứa đựng đầy những ý tưởng phá cách, được thực hiện với kỹ thuật cầu kỳ không kém gì các sáng tạo haute couture.

 

Thiết kế trong BST John Galliano Xuân Hè 1994 thể hiện hình ảnh một cô công chúa Nga tinh nghịch

Chiếc đầm satin phối ren gợi cảm mà công nương Diana mặc là một trong những thiết kế đầu tiên của John Galliano dưới cương vị giám đốc sáng tạo của Dior, thay cho NTK Gianfranco Ferré

Tuy phần lớn sự nghiệp cống hiến cho nữ giới, song tại thương hiệu riêng mang tên mình, John Galliano mang đến những sáng tạo cho nam giới không kém phần đặc sắc. Mỗi bộ sưu tập luôn chất chứa một câu chuyện riêng không bao giờ trùng lặp. Từ những giai thoại kinh dị thời Trung Cổ đến vua hài Charlie Chaplin hay những tay buôn người Ấn và cả samurai, không gì nằm ngoài tầm sáng tạo của John Galliano. Dù nguồn cảm hứng có đáng sợ đến mức nào, dưới cái nhìn đầy duy mỹ của ông, mọi thứ đều trở nên lãng mạn và thu hút người xem đến kỳ lạ.

 

Giới phê bình chia hẳn thành hai phe khác nhau. Kẻ thì yêu mến hết mực, người lại hoài nghi về tính thương mại của những thiết kế từ Galliano do vẻ gợi cảm đến suy đồi, sự dị thường và đậm chất kịch trong show diễn của ông. Nhiều người còn cho rằng Galliano chỉ là một gã thiết kế trang phục diễn chứ không phải một nhà thiết kế thời trang. Thế nhưng những con số đã nói lên điều ngược lại. Doanh thu từ Dior dưới tay John Galliano không ngừng tăng trưởng. Càng dị thường, các thiết kế càng được đón nhận bởi khách hàng.

BST Haute Couture Xuân Hè 2004 của Dior với cảm hứng Ai Cập từng gây tiếng vang lớn

Tuy vậy, những chuyến viễn du tuyệt vời này phải chấm dứt đột ngột khi một đoạn video ghi lại những phát ngôn của Galliano trong cơn say bị phát tán trên mạng. Dior ngay lập tức cắt đứt hợp đồng với Galliano, thậm chí tước hiệu hiệp sĩ cao quý của ông cũng bị rút lại. Ngay sau đó, sức khỏe Galliano suy giảm trầm trọng và ông đã phải điều trị tại một cơ sở cai nghiện suốt một thời gian dài.

 

Tưởng như mọi điều đã chấm dứt, nhưng sự tha thứ của công chúng và giúp sức từ những người bạn quyền lực trong giới thời trang như Kate Moss, Anna Wintour và Oscar de la Renta đã giúp Galliano trở lại sau bao nước mắt và trả giá. Tháng 10/2014, ông được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo tại Maison Margiela.

Hơn một năm sau, những tên tuổi lớn của làng thời trang tập trung trong một khán phòng nhỏ ở London để chứng kiến màn ra mắt bộ sưu tập haute couture đầu tiên của Galliano tại nhà mốt mới. Không còn những show diễn hoành tráng, Margiela của Galliano khiêm nhường nhưng vẫn chứa đựng những bất ngờ chực chờ. Các sáng tạo của ông tại Margiela vẫn mang lại niềm hy vọng cho những kẻ mộng mơ trong thời buổi thời trang bão hòa hiện nay.

Thật bất ngờ khi biết rằng nhà thiết kế với hơn 50 năm cống hiến hết mình cho thời trang lại chưa từng được đào tạo bài bản qua trường lớp. Như một món quà đặc biệt, Jean Paul Gaultier được Pierre Cardin nhận vào làm việc ngay vào ngày sinh nhật thứ 18 của mình, bởi những bức vẽ của chàng trai trẻ khi ấy đã gây ấn tượng đặc biệt với nhà thiết kế lừng danh. “Với Cardin, mọi thứ dường như đều có thể xảy ra. Ông ấy từng nói: ‘Tôi muốn thấy một bộ sưu tập dành cho những phụ nữ sống trên cung trăng’. Lúc nào Cardin cũng có một ý tưởng nào đấy, luôn luôn” – Jean Paul Gaultier hồi tưởng về người thầy đầu tiên của mình.

 

Nhưng với Pierre Cardin, Jean Paul Gaultier chỉ đơn thuần là người làm thuê có nhiệm vụ gây dựng nên hình ảnh của Cardin chứ chưa hề định hình được phong cách cụ thể cho riêng mình. Ngay cả khi làm cho Patou sau đó, Gaultier vẫn luôn uốn mình theo tinh thần riêng của nhà mốt này. “Tôi lại khá thích điều này!”. Có lẽ chính tư duy nhanh nhạy và dễ ứng phó với những nguồn ảnh hưởng khác nhau đã phần nào giúp ông hội nhập dễ dàng với những xu hướng luôn đổi thay để giữ vững vị trí huyền thoại suốt 50 năm sự nghiệp.

Năm 1976, Gaultier ra mắt bộ sưu tập đầu tiên của riêng mình. Việc sử dụng những chất liệu tầm thường và rẻ tiền như rơm rạ cho những thiết kế cao cấp được cắt may tỉ mỉ là sự tương phản hiếm thấy của thời trang thời bấy giờ. Và trong khi thời trang nữ không ngại ngần vay mượn từ thời trang nam, điều ngược lại rất hiếm khi xảy ra. Jean Paul Gaultier đã là người tiên phong biến việc nam giới mặc những thiết kế truyền thống dành cho nữ trở thành điều bình thường và thời thượng. Những chiếc váy cho đàn ông nhanh chóng trở thành thiết kế đặc trưng của nhà mốt trẻ tuổi này, tiếp bước bằng kiểu áo thủy thủ và những mẫu áo khoác cầu kỳ với đường may sắc như dao cạo.

 

Hơn 20 năm sau, Gaultier chính thức trở thành một couturier danh giá. Năm 1997, thương hiệu mang tên ông trở thành nhà mốt trẻ tuổi nhất được công nhận bởi hội đồng Chambre Syndicale Haute Couture. Với haute couture, đôi cánh sáng tạo của Gaultier càng được thỏa sức tự do vẫy vùng. Như một bartender tài hoa, Gaultier pha trộn nguồn cảm hứng từ nhiều nền văn hóa khác nhau: từ hoàng gia Ấn Độ, Do Thái đến cả kiến trúc Phục Hưng và punk, hip-hop. Những “món cocktail” của ông được mến mộ tuyệt đối không chỉ bởi những tín đồ thời trang sành điệu mà còn cả giới phê bình khó tính.

NTK Jean Paul Gaultier là cha đẻ của những chiếc corset tai tiếng mà Madonna mặc trong tour lưu diễn “Blonde Ambition” năm 1990

Thập niên 90 đánh dấu thiết kế nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông: chiếc áo ngực hình nón được làm riêng cho tour diễn “Blonde Ambition” của Madonna. Thiết kế huyền thoại này nhanh chóng trở thành một phần của văn hóa đại chúng, đưa tên tuổi của cả Madonna và Jean Paul Gaultier trở thành tượng đài. Tiếp nối thành công ấy, Gaultier còn cộng tác cùng Coca Cola trong thiết kế chai Diet Coke phiên bản giới hạn, ra mắt dòng nước hoa Classique & Le Male, và trở thành giám đốc sáng tạo cho Hermès – biểu tượng không bàn cãi của đỉnh cao xa xỉ.

 

Nhưng những bước đi tiên phong của Gaultier cũng chính là thứ đã cản đường ông. Thời trang ngày nay thay đổi với tốc độ chưa từng có. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của mạng xã hội và những ngôi sao danh tiếng, các nhà thiết kế trẻ tuổi nhanh chóng thiết lập nên đế chế thời thượng nhất: thời trang thể thao, denim, sự phi giới và tôn vinh việc giải phóng bản thân – những thứ đã được Gaultier thực hiện từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Các sáng tạo thời trang dần bị đẩy ra khỏi vị trí trung tâm của những show diễn, thay bằng loạt tên tuổi nổi tiếng thu hút truyền thông. Năm 2014, Gaultier chính thức dừng dòng sản phẩm ready-to-wear và chỉ tập trung vào 2 bộ sưu tập haute couture mỗi năm.

Các thiết kế từ BST Haute Couture Thu Đông 2019 của Jean Paul Gaultier

“Quá nhiều quần áo đã giết chết thời trang. Chúng ta làm ra quần áo không còn để mặc nữa, vì làm sao có đủ người để mua hết? Có rất nhiều áp lực thương mại khi làm ready-to-wear.Tuy vậy, tôi luôn thực sự thỏa mãn khi sáng tạo haute couture, vì tôi có thời gian để khám phá cũng như thử nghiệm”, Gaultier nói về quyết định của mình. Và những sáng tạo haute couture của Jean Paul Gaultier vẫn luôn là mồi lửa châm lên niềm hứng khởi cho giới mộ điệu mỗi dịp tuần lễ thời trang đến.

Thực hiện Thúy Vi
Thiết kế Anh Hoa

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP