Những năm đầu mới thành lập, ông Trần Thanh Ngữ cùng các nữ cầu thủ phải vượt qua định kiến xã hội để tồn tại. Cơ sở vật chất thiếu thốn, có thời kỳ các cô gái phải ra sân tập luyện với đôi chân trần. Tại kỳ SEA Games đầu tiên, ông Trần Thanh Ngữ còn bỏ cả tiền túi ra lo cho chị em đá bóng, đồng thời với chuyên môn dược, ông kiêm nhiệm cả việc chăm lo y tế.
Khi đội tuyển giành tấm huy chương vàng SEA Games đầu tiên vào năm 2001, cứ ngỡ mọi thứ đã sang trang, nhưng không. Ngày tập luyện, tối đi bán bánh mì dạo là thực tế cuộc sống của Nguyễn Thị Kim Hồng – “người gác đền” của bóng đá nữ Việt Nam những năm đầu tiên. Cựu tiền vệ Quách Thanh Mai khi chia tay bóng đá đã làm công việc sửa chữa xe máy phụ giúp gia đình. Những chị em khác thì đi bán nước mía, bán xôi, bán chè… để trang trải cuộc sống khi theo nghiệp quần đùi áo số đầu những năm 2000.
Sự vất vả không làm họ ngã lòng, cuộc sống khó khăn không khiến họ chùn bước. “Người gác đền” Kim Hồng ngày nào giờ đã là huấn luyện viên dẫn dắt thủ môn Kim Thanh đến World Cup 2023. Lứa tuyển thủ vàng với những Lưu Ngọc Mai, Đoàn Thị Kim Chi, Văn Thị Thanh, rồi đến Đỗ Thị Ngọc Châm, Đặng Thị Kiều Trinh, Nguyễn Thị Minh Nguyệt… cùng những thành công đạt được đã làm thay đổi cái nhìn của mọi người. Bóng đá nữ bắt đầu được chú trọng đầu tư hơn trước.