Hơn 20 năm kể từ ngày bị cây đàn cello “bỏ bùa”, Đinh Hoài Xuân đã nhận được tấm bằng Tiến sĩ chuyên ngành cello tại Rumani, đồng thời theo đuổi nhiều dự án liên quan đến âm nhạc cổ điển. Trong đó, hòa nhạc “Cello Fundamento” do cô sáng lập chính là một trong những nỗ lực nhằm đưa tiếng trung hồ cầm đến gần hơn với công chúng Việt.

“Cello Fundamento” số 4 sẽ quay trở lại với những người yêu nhạc cổ điển vào tháng 12 tới đây tại Hà Nội. Với chủ đề: “Home Sweet Home” (Trở về), Đinh Hoài Xuân muốn gửi gắm tình cảm tri ân đối với quê hương Việt Nam, nơi cô sinh ra và lớn lên, cũng là nơi khơi nguồn cho những đam mê của cô với cây đàn cello. “Home Sweet Home” cũng đánh dấu sự trở về của nữ nghệ sĩ sau thời gian dài khổ luyện tại Đại học Âm nhạc quốc gia Bucharest, Rumani để trở thành nữ Tiến sĩ cello đầu tiên tại Việt Nam.

Nhìn lại các mùa “Cello Fundamento”, 4 năm thực sự là một hành trình vẹn đầy tình yêu và bao dung nhưng cũng không ít trở ngại, thách thức của Đinh Hoài Xuân bên cây đàn mang âm trầm độc đáo. Nữ nghệ sĩ cello chia sẻ, điều hài lòng nhất của cô là đã và đang sống trọn vẹn nhất với tuổi thanh xuân cùng đam mê âm nhạc của mình. 

Hoài Xuân bộc bạch: “Ước gì sẽ có lúc mình được nghe câu: nhìn lại ‘Cello Fundamento’ của 10-20 mùa qua… Đó cũng là mơ ước về tương lai của ‘Cello Fundamento’, mỗi năm một lần gặp gỡ và cống hiến cho khán giả, từng bước sẽ trưởng thành và hoàn thiện đến từng chi tiết nhỏ nhất để được sống mãi cho nghệ thuật và âm nhạc cổ điển.”

Từng ngủ trên xe chở gà, chở lợn trên mỗi chuyến xuôi ngược Hà Nội học cello, Đinh Hoài Xuân đến nay đã tổ chức các buổi hòa nhạc tiền tỉ dù khó khăn và thách thức luôn chực chờ. Luôn bền bỉ và tràn đầy hy vọng như tiếng đàn giàu thanh sắc của mình, cô ít khi chia sẻ về những gánh nặng mà mình mang trên vai để “Cello Fundamento” không lỡ hẹn với công chúng trong suốt 3 năm qua. Để theo đuổi dự án nghệ thuật này, cô phải lo toan mọi việc từ bán vé đến xây dựng nội dung chương trình, ròng rã trong nhiều tháng trời.

Với hòa nhạc số 4 sắp diễn ra, suýt chút nữa, Hoài Xuân đã phải để “Cello Fundamento” dừng lại. Từng có lúc, cô quá mệt mỏi nên bỏ lên núi sống một mình, hàng ngày luyện đàn, hái rau, trồng khoai. Không gian yên tĩnh gần như tuyệt đối của núi rừng làm dịu đi những những lo lắng, giúp Hoài Xuân tập trung hoàn toàn vào âm nhạc. Và rồi tình yêu với cello đã đưa cánh tay đỡ Hoài Xuân đứng dậy với tròn đầy sự bao dung và uyên bác, cho cô sức mạnh lớn đến mức cô chưa từng nhận thấy trước đây. “Giữa muôn vàn lý do gian nan cản đường, hòa nhạc ‘Cello Fundamento’ vẫn tiếp tục đến với giới mộ điệu như một lời hứa trọn vẹn với tình yêu cần phải thực hiện, đáp lại lòng tin yêu của mọi người vẫn luôn sát cánh, ủng hộ và cổ vũ tôi trên con đường nghệ thuật này”, cô chia sẻ.

Với Đinh Hoài Xuân, “Cello Fundamento” số 4 được xem là bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành của một soloist trong thế giới âm nhạc cổ điển, đồng thời là sự kiện tôn vinh cây đàn cello trong nỗ lực làm khởi sắc tiếng trung hồ cầm tại đất Việt. Lần đầu tiên trong một mùa “Cello Fundamento”, Hoài Xuân vinh dự đứng chung sân khấu với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Bên cạnh các nhạc phẩm kinh điển của thế giới, như thường lệ, sẽ có một tác phẩm dân ca khép lại chương trình dành riêng cho 3 cây cello và dàn nhạc giao hưởng do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chuyển soạn. Đây vừa là cầu nối văn hoá quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, vừa là lời giới thiệu đầy tâm tình của cây đàn cello trước khán giả Việt khi thể hiện những điệu dân ca đã trở thành điệu hồn dân tộc.

Những dự án âm nhạc đã giúp Hoài Xuân vượt qua 3 ứng viên nước ngoài rất nặng ký để giành được suất học bổng toàn phần Tiến sĩ biểu diễn tại Rumani, tiếp cận cái nôi âm nhạc hàng đầu thế giới

Trước khi sáng lập “Cello Fundamento”, Hoài Xuân được biết đến với các dự án nhạc nhẹ hóa cello, dẫn lối để nhạc cụ cổ điển này đến gần hơn với công chúng. Gây được tiếng vang lớn phải kể tới MV “Hướng về Hà Nội” (2014), là thành quả làm việc của ekip 130 người trong 10 tháng. Ca khúc bất hủ của cố nhạc sĩ Hoàng Dương đã được nhạc sĩ Lưu Hà An chuyển soạn thành tác phẩm khí nhạc xuất sắc cho trình tấu violin cello, kết hợp cùng những cảnh quay đậm chất điện ảnh về một Hà Nội bình yên, thanh lịch mà vẫn đầy kiên cường. Cùng năm đó, cô khiến fan nhạc Trịnh phải ngỡ ngàng với bản phối “Sóng về đâu” trên thanh âm trầm ấm của cello, trả lại vẻ đẹp mộc mạc, tự nhiên của âm nhạc Trịnh Công Sơn sau thời gian bị “làm quá” theo những lối hát phá cách.

 

Âm nhạc Việt đang dần tiệm cận với thế giới nhưng giữa các thể loại vẫn có sự phát triển chưa đồng đều. Trong bối cảnh đó, những nỗ lực dấn thân vào âm nhạc cổ điển của Đinh Hoài Xuân cùng chuỗi hòa nhạc “Cello Fundamento” quả thực đáng được trân trọng và lan tỏa. Chắc chắn, nữ nghệ sĩ tài hoa cùng cây đàn cello sẽ còn viết tiếp khúc ca của tình yêu và đam mê chưa bao giờ dừng lại, để tiếng trung hồ cầm Việt còn mãi vang ngân.

Nhạc sĩ 

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG

Một nữ nghệ sĩ đã đi đến cùng, chấp nhận mọi thách thức, nuôi một hoài bão mạnh mẽ theo cách của riêng mình, quyết tâm đưa vẻ đẹp tuyệt vời của tiếng đàn cello chinh phục công chúng. Bằng tài năng và ý chí, đam mê cùng sáng tạo, sự kiên trì và lòng dũng cảm, nữ nghệ sĩ này đã có những thành công đáng trân trọng. Đó là Đinh Hoài Xuân – nữ nghệ sĩ, nữ Tiến sĩ chuyên ngành cello đầu tiên của Việt Nam.

Nhạc sĩ 

DƯƠNG THỤ

Tôi nhớ khi làm chương trình “Điều còn mãi”, Xuân khi ấy thật bé nhỏ trong Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia. Hôm nay, Xuân đã là soloist trong những concert quốc tế, hơn thế cô ấy còn tổ chức chuỗi hòa nhạc Cello Fundamento của mình. Người làm được như thế ở thế hệ của Xuân rất hiếm. Đinh Hoài Xuân sẽ là cái tên được nhắc đến nhiều trong giới yêu nhạc cổ điển Việt Nam. Tôi tin là thế!

MC

THẢO VÂN

Tôi rất nể phục cellist Đinh Hoài Xuân cùng mong muốn lan tỏa tình yêu âm nhạc cổ điển đến công chúng của cô. Thế hệ chúng tôi và những thế hệ trước đã chịu thiệt thòi, hãy cùng chung tay để những thế hệ sau có cơ hội được biết, được yêu những tác phẩm âm nhạc đã trường tồn cùng năm tháng.

Ca sĩ 

TÂN NHÀN

Là bạn học cùng lớp với Đinh Hoài Xuân trong suốt những năm đại học lẫn thạc sĩ tại Nhạc viện Hà Nội, tôi thấy được ý chí kiên cường và sức mạnh ở Xuân. Lựa chọn nhiều ngã rẽ khác nhau, Nhàn và Xuân đều biết, để theo đuổi con đường nghệ thuật thực thụ, ngoài tài năng thì còn là hy sinh, rèn giũa liên tục mới có thể thành công.

Ca sĩ 

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Có thể nói Xuân sinh ra đã được trời phú tâm hồn lãng mạn và làm nghệ thuật là điều nghiễm nhiên định sẵn cho số phận. Hiếm có nhạc công Việt Nam nào hội tụ từ năng lực chuyên môn đến vẻ đẹp của ánh mắt, hình thể khi chơi nhạc, đứng trên sân khấu lớn hay chỉ một góc phòng vẫn phiêu linh, uyển chuyển và đầy đam mê như Xuân.

Họa sĩ 

LÊ VI

Chắc không chỉ riêng Lê Vi, mà bất cứ ai khi được lắng nghe Đinh Hoài Xuân dạo khúc đàn trung hồ cầm, đều sẽ cảm thấy niềm đam mê bất tận, sự duyên dáng, nét biểu cảm ngọt ngào. Cello như người đàn ông với thanh âm trầm tinh tế nhưng phải gặp đúng người phụ nữ đằm thắm, giàu trải nghiệm mới có thể tạo nên sự kết hợp tuyệt vời đến vậy. Lê Vi nghĩ, tiếng đàn của chị là một đẳng cấp đã được khẳng định.

Bài: Thu Hiền – Thiết kế: Anh Hoa 

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP