Tìm cơ hội ở Sài thành, nghĩa là bạn sẽ phải chuẩn bị cho những sóng gió đầu tiên của cuộc đời mà nơi đây sẽ lạnh lùng dạy cho bạn hiểu rằng: không có gì là không cần phải nỗ lực. Không có việc làm miễn phí, không có bữa ăn miễn phí. Đây không phải là nơi để mình có thể vô tư “ra sau vườn ngắt cọng rau, bắt con cá cho qua bữa”. Ở Sài thành, không nỗ lực vận động sẽ bị đào thải.
Trà đá lề đường không phải trả tiền, cơm trưa giá vài ngàn, bữa chay ngày rằm là một vài trong vô số những nét đặc trưng rất riêng mà chỉ ở thành phố này, người ta mới xem đó là “chuyện bình thường ở huyện”. Con người nơi đây là vậy, hào sảng phóng khoáng, dễ dàng chia sẻ cho nhau những điều giản đơn mà ý nghĩa. Chỉ cần cười xòa một tiếng, mọi thứ rồi lại đâu vào đấy. Dễ dàng tha thứ, dễ dàng cho đi.
Thành phố này có rất nhiều người thuộc giới tính thứ 3, và không chỉ họ, hầu như cuộc đời nào cũng đều có thể tìm thấy chỗ đứng của mình ở nơi đây. Ở đây, bạn sẽ không quá ngạc nhiên khi nhìn thấy hai chàng trai nắm tay nhau đi trên phố; hay một thằng nhóc đứng bên đường “hey hey” tạo sự chú ý rồi cầm con rắn cho vô miệng trước sự ngỡ ngàng của thực khách các quán cóc bên đường. Hay mấy ly nước quậy lanh canh trong các quán cà phê nho nhỏ du dương tiếng đàn cùng tiếng hát của những giọng ca không tên tuổi. Sài thành mở như chính những con người tạo ra nó, chấp nhận mọi khác biệt, hào phóng ban tặng cơ hội cho những ai thực sự muốn tạo cho mình một tương lai ở cái mảnh đất phồn hoa này.
Sài Gòn có gì, mà hơn tám triệu dân chen chúc nhau trên mấy con đường chật hẹp giờ tan tầm? Nếu chỉ vì mưu sinh, hẳn hơi bất công cho Sài Gòn, bởi có những người xuôi ngược khắp thế giới vẫn chọn Sài Gòn là nhà. Có lẽ, chỉ những người đã và đang sống ở nơi đây mới nhìn ra một Sài Gòn khác - không chỉ có khói bụi, kẹt xe hay các tòa cao ốc chất chồng.
Xem thêmTRẦN BẢO SƠN
45 tuổi - Diễn viên
Sài Gòn tươi mới như một cô gái nhưng có trái tim bao dung của một người mẹ. Đó là nơi sau mỗi sai lầm tôi lại trở về nương náu. Với Sài Gòn, những đứa con hư như tôi luôn có cơ hội làm lại, vì nơi ấy là nhà.
Sài Gòn giống New York – là thành phố ồn ào, quanh năm không bao giờ ngủ. 3-4 giờ sáng thức dậy, dời nhà ra phố vẫn thấy tấp nập đèn xe. Vì thế, ở Sài Gòn không sợ cô đơn, chỉ sợ không có thời gian để sống.
QUYNH CHI
27 Tuổi - MC
Nắng Sài Gòn và những siêu nhân dưới nắng: Tôi luôn nghĩ về Sài Gòn bằng cái nắng gay gắt suốt bốn mùa. Ở đó có những người tôi gọi là là siêu nhân đội nắng. Đó là anh ba gác chở hàng, là chị bán cây góc phố, hay các em bé đánh giầy chèo heo Nhìn họ sống chan hòa dưới nắng, tôi nhận ra có những mát lành trong ánh nắng chưa bao giờ thôi gắt ấy.Và Nắng với tôi là một đặc sản Sài Gòn.
Tôi không hiểu sao chỉ một bịch tả phí lù: bánh tráng, trứng cút, me và vài sợ bò khô mà có thể làm cả thành phố hả hê đến thế. Sài Gòn dễ tính mà không dễ dãi. Là nơi nếu hết đường sống bạn cứ quay về, thành phố ấy sẽ cưu mang.
TUẤN KHANH
46 Tuổi - Nhạc sĩ
So với nhiều nơi khác, cà phê Sài Gòn có thể nhạt hơn, nhiều đá nhưng nó được thử thách qua nhiều năm tháng ở một thành phố nhiệt đới. Cái thức giải khát ấy trở thành phần không thể thiếu của những cuộc ngồi lê tán dóc, bất kể nắng mưa, bất chấp tuổi tác.
LÝ HẢI
49 Tuổi - Ca sĩ
Tôi lớn lên bằng những gánh bánh canh của mẹ nên thấy hàng rong, quán ăn vặt, cafe vỉa hè là một thứ gì rất đỗi thân thương. Sài Gòn vì những thứ đó đã cưu mang cậu sinh viên hết tiền cuối tháng, cô công nhân tất bật tăng ca. Nhưng hình như một phần Sài Gòn như thế sắp mất đi. Thành phố này liệu còn lại gì nếu bỏ ngỏ những phận người?
TRANG PHÁP
28 Tuổi - Ca sĩ
Người ta vẫn hình dung về một Sài Gòn náo nhiệt, nhưng với Trang, Sài Gòn có những góc rất yên. Đó là những con hẻm nhỏ rất đặc trưng với những ai muốn tìm một nơi nương náu sau những nặng trĩu xô bồ. Yên tĩnh trong ồn ào – đó là lý do Trang phải lòng Sài Gòn.
HOÀNG BÁCH
37 Tuổi - Ca sĩ
Tôi là một anh chàng “Bắc Kỳ chính hiệu” nhưng Sài Gòn giúp tôi nhận diện chính mình, cho tôi gia đình, bạn bè, sự nghiệp và rất nhiều rất nhiều thứ khác.
NGUYỄN QUANG DŨNG
39 Tuổi - Đạo diễn
Thế nào là “một người Sài Gòn”? Tôi cho rằng không dễ để định nghĩa hay phác họa cụ thể! Mặc dù tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, có hộ khẩu thành phố, nhưng theo tôi, nhiêu đó vẫn chưa đủ để trở thành người Sài Gòn.
Người Sài Gòn có khí chất hào sảng, phóng khoáng của người Nam Bộ. Nhưng thêm vào đó là sự năng động, siêng năng quyết liệt, nhạy bén và dễ tiếp cận cái mới và luôn cập nhật, thích nghi với đổi mới – những tính cách đặc trưng của người đô thị.
Tôi nghĩ người Sài Gòn không tự coi mình là đặc biệt, không đặt nặng “chuẩn” người Sài Gòn. Vì họ biết thực tế có nhiều người từ nhiều địa phương khác đến làm ăn sinh sống, gắn bó và đóng góp cho thành phố mà mình đang sống thì cũng là dân Sài Gòn. Thật sự “dân Sài Gòn” rất đặc biệt! Tôi nghĩ vùng đất không làm nên tính cách con người như vậy. Nhưng những con người có tính cách phù hợp sẽ đến, sống thích ứng và ở lại với vùng đất này, làm nên cái chất riêng của “dân Sài Gòn”.
PHẠM CÔNG LUẬN
56 Tuổi - Nhà văn
Thành phố này sớm muộn gì cũng sẽ phát triển thành một thành phố hiện đại. Tuy nhiên, là thành phố duy nhất, với sự độc đáo không ai có thì hay hơn. Sự độc đáo đó chính là “hồn đô thị”, thể hiện qua những kiến trúc cổ đa phong cách, sự đa dạng của nghệ thuật ẩm thực… là những điều cần giữ gìn có chọn lọc và đáng lo nếu nó mất dần. Ngoài ra, những gì cần giữ còn là phong cách sống cởi mở, nhạy bén với cái mới, rộng lòng với người khó khăn hơn mình, dễ tiếp nhận những khác biệt và coi trọng sự dân chủ.
Tôi biết bên cạnh những tình cảm quý mến, còn có không ít người ở xa có thành kiến với thành phố này. Lúc mới đến đây sống, nhiều người không thích nghi được, nhưng khi ở đủ lâu, lại không muốn rời xa. Hãy đọc và đến Sài Gòn, tự mình cảm nhận về sự thu hút của thành phố này xuyên qua những ngổn ngang mà nó đang giải quyết.
NAM SƠN
55 Tuổi - Kiến trúc sư
Nếu giả dụ Sài Gòn là một cô gái, tôi nghĩ cô gái đó sẽ có cá tính giống nhân vật Quách Tường của nhà văn Kim Dung, là người xinh đẹp, chân thành, hay cười, thích khám phá, rộng lượng, tốt bụng, và khoáng đạt.
TRẦN THÀNH
75 tuổi – Cựu huấn luyện bơi lội
Hơn 70 năm sống cù ng gia đình mình trong căn nhà được Pháp xây từ thế kỉ trước, mà ông khoe “chưa từng sửa một lần” đến lúc hẻm 53 Nguyễn Huệ sắp bị giải tỏa. Ông hiểu muốn phát triển thì phải đánh mất những gì đã cũ, “chấp nhận nhưng vẫn buồn”.
ĐĂNG NGỌC CÔN
80 tuổi – Chủ quán cà phê Vợt
Hỏi ông mở Vợt từ năm nào, ông ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu không nhớ. Chỉ biết có gia đình cả ba thế hệ đều là khách quen nhà ông. Dù thời gian làm ông quên nhiều thứ, duy cách pha cà phê đúng vị gia truyền là không lẫn đi đâu được.
CHÚ SƠN
50 tuổi – Thợ phục hồi phuộc nhún
“Tui làm nghề được hơn 30 năm rồi. Không giàu nhưng đủ sống với nuôi con gái ăn học. Sáng mở cửa, chiều thì hai – tư – sáu đi quánh cầu lông, không thì đi “bồi dưỡng” với đám bạn. Bồi dưỡng hen chứ không có nhậu.”
NGUYỄN VĂN CHÚC
60 tuổi – Chở hàng, đánh cá
Mấy chục năm neo thuyền làm nhà ở bờ sông Sài Gòn gần cầu Bình Lợi, cũng là chừng ấy thời gian chú Ba Chúc cứu người tự tử hay vớt xác chết trôi. Có một lần chú về quê thăm người thân đúng hôm có người nhảy cầu nhưng không ai cứu kịp, chú cứ day dứt mãi. Vợ chú kể lại: “Ông ấy cứ buồn, đổ bệnh mấy hôm.”
PHAN KHẮC HUY
30 tuôi – sáng lập Thư Quán Cội Việt
Tốt nghiệp Đại học Y dược nhưng anh lại trở thành người kể chuyện, với Thư quán Cội Việt có các lớp học về lịch sử, ẩm thực và văn hóa cùng mức phí tượng trưng. Nhờ đó mà tình yêu Sài Gòn được nhen nhóm trong lòng nhiều người. Và điều trăn trở nhất của anh: “Chúng ta chỉ nhìn được vẻ đẹp bề ngoài của những công trình, mà không hiểu được giá trị của chúng. Những di sản Pháp ở Sài Gòn dần mất đi mà không cách gì can thiệp được.”
DƯƠNG MINH TUẤN
26 tuổi – Bác sĩ
Quyết định rời Hà Nội sau những biến cố lớn đời mình, khi đặt chân xuống sân bay, điều duy nhất Tuấn cảm thấy là buồn. Nhưng hai năm ở Sài Gòn, những mối duyên đưa chàng bác sĩ trẻ đến với nhiều người và một quyển sách được xuất bản. Tuấn chia sẻ: “Sài Gòn với mình là trường học, dạy mình phải nghĩ xa và sống cởi mở hơn. Những nỗi buồn mình tưởng rằng to nhờ vậy mà nhỏ lại.”
LÊ CÔNG TIẾN
30 tuổi – Bán hủ tiếu
Như nhiều người khác, Tiến rời quê Phan Thiết chọn Sài Gòn làm nơi nương đậu. Hơn mười năm “lông bông” đủ thứ nghề đến tuổi 30, Tiến mới bắt dầu “làm cái gì đó cho mình để có mảnh tình vắt vai”. Anh tự học cách nấu rồi mỗi ngày tất bật với cái xe hủ tiếu ở hẻm 332 Phan Văn Trị bằng niềm tin “Sài Gòn không làm khó những người biết cố gắng.”
CƯƠNG TRẦN
43 tuổi – IT
Anh không nhận mình là nhiếp ảnh gia, chỉ gọi mình là người thích chụp ảnh “Tôi bắt đầu chụp vợ, chụp con rồi chụp nơi mình sống”. Kể cả khi, nhiều bộ ảnh của anh như “Sài Gòn nhìn từ bên kia sông” truyền cảm hứng được cho rất nhiều người. Hai mươi lăm năm sống ở thành phố này cũng từng dọc ngang nhiều nơi trên thế giới, trong mắt anh “Sài Gòn không đẹp nhưng dễ thương, dễ thương từ cách con người đối xử với nhau.”
PHỐ CHỢ XƯA
Sài Gòn 1969, góc ngã tư đường Bạch Đằng với Lê Quang Định gần chợ Bà Chiểu. Lối kiến trúc nhà phố đặc trưng thời kỳ này là một trệt hai lầu với tầng trệt cao rộng dùng để kinh doanh buôn bán, hai tầng trên để sinh hoạt, tạo nên sự thống nhất cho cả dãy phố.
Thảo cầm viên Sài Gòn
Tên ban đầu của nơi này là Vườn bách thảo và ít ai ngờ rằng đây là nơi bảo tồn động thực vật có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới. Ngày 23/3/1864, Đề đốc De La Grandière ký nghị định xây dựng Vườn bách thảo với diện tích lên đến 12ha ở phía Đông Bắc rạch Thị Nghè để làm nơi nuôi thú và ươm thực vật. Nơi này vừa trưng bày vừa cung cấp cây giống cho Bảo tàng Quốc gia lịch sử thiên nhiên (Muséum national d’histoire naturelle). Cuối năm 1865, Vườn bách thảo đã được mở rộng đến 20ha và sang năm 1924 sáp nhập thêm 13ha nữa. Công trình hoàn thành năm 1927. Năm 1956, Vườn bách thảo được tu sửa và đổi tên là Thảo cầm viên Sài Gòn.
BÙNG BINH CÂY LIỄU
Trước tòa thị chính (nay là Ủy ban Nhân dân thành phố) ở góc đường Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay) và đường Bonard (nay là đường Lê Lợi) có một bùng binh nhỏ với đài phun nước, tên là Place Francis Garmier để tưởng nhớ đến một sĩ quan hải quân trẻ tuổi phiêu lưu trên đất Bắc và tử thương tại Hà Nội năm 1873. Sau này, xung quanh đài phun nước, người ta cho trồng hàng liễu nên bây giờ có tên gọi là Bùng binh Cây Liễu.
THƯƠNG TÁ TAX
Thương xá Tax được xây dựng theo pho ng cách kiến trúc Pháp, kết hợp đường nét văn hóa Á Đông. Ban đầu, nơi này có tên Les Grands Magazins Charner (GMC), tọa lạc tại vị trí đẹp nhất của trung tâm Sài Gòn, kinh doanh những mặt hàng sang trọng chủ yếu nhập từ Anh, Pháp và các nước phương Tây nhằm phục vụ cho giới thượng lưu Sài thành và các đại điền chủ lục tỉnh Nam kỳ. Đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, tòa nhà GMC được Hội Mậu dịch đổi tên là Thương xá Tax. Tòa nhà là một trong những công trình góp phần tạo nên một “Hòn ngọc viễn Đông” trong quá khứ.
CHỢ BÌNH TÂY
Chợ được xây dựng trên khu đất của thôn Bình Tây vào năm 1928 và khánh thành năm 1930 với tên gọi là Chợ Lớn mới để phân biệt với Chợ Lớn cũ đã bị cháy (nay chính là vị trí Bưu điện quận 5). Công trình được xây dựng theo lối kiến trúc Trung Hoa với kỹ thuật hiện đại thời Pháp lúc bấy giờ. Đến năm 1990, chợ được trùng tu và cải tạo mở rộng ra hai bên phía hông chợ và thêm một tầng lầu. Chợ nằm ngay khu dân cư đông đúc của người gốc Hoa. Chợ Lớn mới giữ tính chất kinh doanh đầu mối bán buôn khắp Nam kỳ lục tỉnh, trong nước và các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia.
XE XÍCH-LÔ
Xích-lô xuất hiện ở Sài Gòn từ năm 1934 và số lượng tăng nhanh vào khoảng năm 1939. Loại xe này du nhập từ Nam Vang (Campuchia) vào Sài Gòn, do một người Pháp là P.Coupeaid chế tạo và lưu hành đầu tiên tại thủ đô Campuchia. Có lẽ xe xích-lô là tổng hợp về cơ học vận chuyển giữa xe kéo và xe đạp. Chiếc xích-lô có ba bánh xe, hai bánh trước và một bánh sau.Với sự áp dụng kỹ thuật của xe đạp, xích-lô chạy nhanh hơn và người lái cũng ít phải dùng sức hơn xe kéo. Xe xích-lô có mặt mọi nơi, mọi thời gian, chứng kiến bao nỗi thăng trầm của đất nước trong giai đoạn lịch sử Việt Nam hiện đại. Bóng dáng xe xích-lô cũng giản dị tựa người Việt.
NHÀ THỜ ĐỨC BÀ
Công trình này còn có tên gọi là Nhà thờ chánh tòa, tức nhà thờ có tòa của giám mục phụ trách giáo phận. Xưa, dưới thời Pháp cai trị, nơi này còn được gọi là Nhà thờ nhà nước, tức do nhà nước xây dựng để phục vụ nhu cầu tôn giáo của các tín đồ công giáo Pháp. Nhà thờ này được xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư Bourard - một chuyên gia về các công trình kiến trúc tôn giáo. Đồ án được chọn trong số 18 đồ án được đệ trình, đã được giám mục Colombert đặt viên đá đầu tiên vào ngày 7/10/1877 và khánh thành ngày 11/4/1880. Nhà thờ Đức Bà luôn là một trong những biểu tượng của Sài Gòn xưa và nay.
“Bi nhiêu thì bi”, câu này không phải chữ chánh thống, nó gốc là chữ “bao nhiêu cũng được”. Chuyện là hồi xưa dân địa phương đi chợ ít ai trả giá, bởi người bán có nói thách đâu mà trả, nói năm đồng thì đưa năm đồng, nói mười đồng thì đưa mười đồng. Mua một chục trái cây, người bán lúc nào cũng đếm thành mười hai, mười bốn trái, một lít gạo thành ra lít mốt lít hai, mua mớ thịt còn gói thêm cho vài miếng xương, mua quả bầu quả bí còn dúi thêm nắm hành ngò…, người bán người ta cư xử vậy, mình người mua nỡ nào trả giá, coi sao được! Cư xử vậy cho nên bán mua rất được, hỏi giá chỉ để biết, hỏi cái này giá bao nhiêu, tiếng miền Nam nói nhanh nói trại: “Nè, cá lóc bán bi nhiêu đây!”, “Dạ, chị Hai lấy đi, cá đồng mới giăng câu hồi hôm, lấy về kho tiêu cho sắp nhỏ là hết xẩy luôn! Bi nhiêu cũng được mà, bi nhiêu thì bi!”… Lâu rồi thành cửa miệng, giới bình dân dùng nhiều, giờ hầu như lan ra khắp hang cùng ngõ hẻm, đi đâu cũng nghe, đại ý là kêu người ta cứ thoải mái đi, sao cũng được mà, đừng so đo, đừng tính toán, cái gì cũng vậy, chủ yếu cho được việc, cho vui vẻ thôi, trước sao sau vậy. Mọi thứ trên đời đều có giá của nó, nhưng cái tình nghĩa người ta với nhau, nó vô giá lắm, đem tiền bạc vật chất ra so đo, thiệt nhỏ mọn quá. Bởi vậy nên cái câu “bi nhiêu thì bi” ngày nay không ai dùng trong chuyện mua bán nữa, mà dùng nó như một lối hành xử, của người Sài thành nói riêng và người Nam Bộ nói chung.
Quán hủ tiếu nhỏ nhắn có tuổi đời hơn 70 năm này nằm ngay ngắn trên đường Tôn Thất Thiệp, trung tâm quận 1. Tên quán được đặt theo tên của người con trai út, được viết ngược lại.
Không giống hủ tiếu Sài Gòn được mở ra nhưng nước lèo lại nấu theo kiểu hủ tiếu Nam Vang. Bí quyết cho ra hương vị hủ tiếu Mỹ Tho chính hiệu mà ít người làm được, theo anh Thanh chủ quán hủ tiếu, nằm ở định lượng của khô mực trong nồi nước lèo.
Bia La De còn được gọi là La De Trái Thơm, được sản xuất bởi hãng bia BGI (Brasseries, Glacières d’Indochine), công ty chủ nhà máy nấu bia La De ở Chợ Lớn (gần sân vận động Thống Nhất ngày nay).
Theo tài liệu ghi lại, khi đó mỗi thùng 6 chai chỉ có một chai Trái Thơm, giá đặc biệt và cũng là quà đặc biệt dành tặng cho khách quý. Đàn ông Sài Gòn xưa nếu đã được uống La De Trái Thơm đều khen bia có vị thơm ngon đặc biệt ngon hơn chai La De thường. Nhưng thật ra, La De Trái Thơm, La De thường, và La De Quân tiếp vụ cũng chỉ là một thứ, khác mỗi vỏ chai bên ngoài mà thôi.
Nếu chọn một món ăn vặt đặc trưng nhất ở Sài Gòn, dễ chừng gỏi khô bò sẽ nằm đầu bảng. Có đủ màu sắc và các vị mặn, ngọt, chua, cay trong món ăn chơi đặc biệt kích thích vị giác này. Nguyên liệu để làm nên một đĩa gỏi là: đu đủ sống bào sợi, khô bò chế biến theo cách đặc biệt, đậu phộng rang giòn, rau thơm, nước mắm chua ngọt và tương ớt. Quán gỏi nổi tiếng nhất là ở công viên Lê Văn Tám; quán lâu đời nhất là ở 107 Nguyễn Văn Thủ, quận 1.
Với một miếng bánh tráng làm từ bột mì và một số nguyên liệu phổ biến đi kèm là: củ sắn, cà rốt xắt sợi, xà lách, rau thơm, lạp xưởng, tép khô và trứng vịt, những cuốn bò bía có xuất xứ từ người Hoa đã trở thành một trong những món đường phố không thể bỏ qua ở Sài Gòn. Yếu tố quyết định hơn 50% cho món bò bía ngon là ở phần nước chấm, bao gồm nước tương pha nhiều đậu phộng rang giã nhỏ, đồ chua và ớt - vừa đủ mặn, ngọt, chua, cay, béo, bùi. Những nơi bán bò bía nổi tiếng là: xe bò bía cua cô Lý trên đường Đinh Tiên Hoàng (gần cầu Bùi Hữu Nghĩa); các quán trước trường Đại học Sư phạm (đường An Dương Vương); quán bên hông trường Nguyễn Thị Minh Khai (gần chùa Xá Lợi)...
Cửa hàng bánh mì thịt nguội nổi tiếng Hòa Mã (tên một làng ở ngoại ô Hà Nội) ra đời năm 1958, chủ tiệm là hai vợ chồng ông Lê Minh Ngọc và bà Nguyễn Thị Tịnh người Bắc di cư vào Nam năm 1954. Lúc đầu tiệm nằm tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, quận 3). Sau đó hai năm, tiệm dời về số 51 Cao Thắng và “yên vị” đến nay.
Bánh mì Hòa Mã được biết đến với hai dòng là bánh mì thịt nguội và bánh mì ốp la – loại bánh mì được nhiều người công nhận là ngon xuất sắc gồm một phần ốp-la dùng kèm với đủ thứ thịt nguội, jambon, chả các loại, ba rọi muối…
Theo ký ức của nhiều người Sài Gòn thì bánh bao Cả Cần nổi tiếng đã có từ đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Ban đầu chỉ là vài quán nhỏ tại khu vực đường Nguyễn Tri Phương (quận 5 – Chợ Lớn cũ). Sau đó, bánh bao mang tên Cả Cần trở thành một quán độc lập, nằm tại sô 215 Nguyễn Tri Phương – Hùng Vương, phía trước công viên Văn Lang.
Là thứ bánh bao đặc chất của người miền Nam khác với bánh bao của người Hoa. “Bánh bao Cả Cần” không trắng như bánh bao gốc của người Hoa, mà hơi hẩm, vì không dùng bột tẩy. Vị bánh bao bùi hơn, ăn không dính răng, nhân bánh bao hoàn toàn là thịt băm, không pha lẫn cá và dầu mỡ như bánh bao của người Hoa.
Quán cơm nằm ở số nhà 67 Tôn Thất Đạm, khu Chợ Cũ, Sài Gòn, chủ tiệm là một người gốc Quảng Đông tên Lý Chuyên, nay được kế nghiệp bởi người cháu gái bà Chuyên, chị Chừng Thuý Thuý. Tiệm cơm Chuyên Ký xuất hiện từ những 1950, đến nay đã có tuổi đời hơn 60 và là một địa điểm yêu thích của nhiều người sành ẩm thực Sài Gòn.
Cơm thố được nấu theo phong cách truyền thống của người Hoa, gạo được làm chín trong cái thố nhỏ bằng đất nung theo lối chưng cách thuỷ. Mỗi thố cơm tương đương gần một chén cơm nhỏ. Những món đặc sắc của tiệm cơm Chuyên Ký phải kể đến là: hầm vĩ (khô cá mặn) chưng thịt ba rọi, thịt bò tiềm, dồi trường xào nấm rơm…
Tổ chức sản xuất LÊ HOÀNG THU HUYỀN
Thiết kế mỹ thuật NGỌC ANH HOÀNG, TRẦN THANH TÂM
Typography CÚC PHƯƠNG
Kỹ thuật PHẠM NGỌC HUYỀN
Phóng viên PHẠM QUANG TRUNG, MỸ KHÁNH, KIM SEN
Biên tập HUYỀN LÊ
Sản phẩm sử dụng bài viết từ các tác giả ĐÀM HÀ PHÚ, HẢI LAM
Tư liệu tranh vẽ và hình ảnh
NGUYỄN KHƯƠNG, TRỌNG LEE, BIN CIO, RIN TRẦN, ĐỖ SỸ
Bản quyền nội dung thuộc