Đến thăm Pakistan - Vùng đất Nam Á gai góc nhưng thơ mộng - Tạp chí Đẹp

Khô cằn, khắc nghiệt, chiến tranh, những định kiến quen thuộc về Pakistan khiến vùng đất này chưa bao giờ nằm trong danh sách những điểm đến mơ ước của tôi. Nhưng mọi quan điểm đều có thể thay đổi. Thế giới rộng lớn, cứ đi để tận mắt chiêm ngưỡng và xác minh. Vùng đất Nam Á này, như tôi thấy, hóa ra lại thơ mộng và lãng mạn không ngờ.

Nagar là một trong những thung lũng đẹp nhất tại Hunza, nằm ở phía Bắc của vùng Gilgit-Baltistan, Pakistan. Nơi đây như một bức tranh nghệ thuật hòa quyện giữa gam màu xanh mướt của sông suối, xám trắng của triền núi và những mảng màu thơ mộng của hoa mơ, hoa đào, hoa lê chạy dọc hai bên đường.

Dài đến 49km và cao hơn 5.000m so với mực nước biển, sông băng là một trong những địa điểm thu hút chính trong thung lũng. Kết hợp với sông băng Biafo dài 63km, nó tạo thành hệ thống sông băng ngoài vùng cực dài nhất thế giới. Từ trên cao nhìn xuống, cả một dòng sông uốn lượn lởm chởm và gai góc, trải dài như vô tận. Vào mùa xuân, bụi đất rơi xuống khiến bề mặt sông được phủ lên một lớp màu kỳ ảo trong khi bên dưới vẫn là những tảng băng khổng lồ. Những người ưa thích mạo hiểm có thể trekking trên sông băng, nhưng với tôi, việc đứng ngắm vọng từ xa và thả hồn theo khung cảnh hùng vĩ này đã là quá đủ.

Cầu treo Hussaini bắc qua hồ Borith tại Passu là một trong những cây cầu nguy hiểm nhất thế giới. Cầu nằm ở độ cao hàng chục mét so với mặt hồ, là cầu nối giữa các ngôi làng hẻo lánh với thế giới bên ngoài. Thành cầu được làm từ những sợi dây thép mỏng manh và những tấm ván ọp ẹp. Những cơn gió vùng núi thổi qua có thể khiến toàn bộ cây cầu lắc lư, đôi chỗ còn bay hẳn vài tấm ván. Phải can đảm lắm mới có thể vượt qua cây cầu đầy thử thách này.

Điểm đến ấn tượng nhất trong chuyến đi này phải kể đến Fairy Meadows – nơi được mệnh danh là đồng cỏ thần tiên đẹp nhất Pakistan, tọa lạc tại chân núi Nanga Parbat – núi cao thứ 9 thế giới (8.126m).

Đường đến Fairy Meadows nhỏ hẹp, toàn đất đá lởm chởm, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Chiếc xe jeep chở chúng tôi rung lắc không ngừng, mang lại một trải nghiệm kinh hãi tột độ. Sau một tiếng rưỡi ruột gan lộn tùng phèo, phải trekking thêm 4 tiếng nữa mới đến được Fairy Meadows. Chặng đường chẳng hề dễ dàng nhưng bù lại, phong cảnh hùng vĩ nơi đây khiến ai nấy đều cảm thấy vô cùng xứng đáng. 

Nằm trên đường lên pháo đài Baltit, Hunza Food Pavilion là một nhà hàng bình dân nhưng rất nổi tiếng. Bà Lal Shizadi vừa làm chủ vừa đảm đương vai trò đầu bếp ở đây. Sử dụng những nguyên liệu truyền thống và tươi ngon, Lal Shizadi luôn khiến các vị khách phải tấm tắc bằng những món ăn đậm đà bản sắc của vùng đất này như chap shoro (pizza nhân thịt bò yak, ớt đỏ, hành tây) và dowdo (xúp truyền thống với mỳ được cắt thủ công nấu cùng thịt gà).

Công việc đầu bếp bận bịu không thể ngăn Lal Shizadi thể hiện lòng hiếu khách và sự niềm nở. Bà ân cần xin lỗi vì phục vụ lâu và còn mời chúng tôi bánh gyaling làm từ bột kiều mạch rưới dầu quả mơ và kẹp bơ bò yak như món quà tạ lỗi.

Trái ngược với không khí xung đột căng thẳng ở vùng biên giới nói chung giữa Ấn Độ và Pakistan, tại khu vực giáp ranh giữa hai ngôi làng Attari (Ấn Độ) và Wagah (Pakistan), nơi đường biên giới cắt ngang qua, mỗi buổi chiều thường diễn ra lễ hạ cờ vui vẻ và sôi động.

Lễ hạ cờ đóng cửa biên giới là một nghi thức đã có từ những năm 1950 và vẫn được duy trì đến ngày nay. Xem hạ cờ là phụ, xem màn thi đấu giữa quân đội hai bên xem ai có giọng khỏe hơn, hơi dài hơn, nhảy đẹp hơn, đá chân cao hơn mới là điều thú vị nhất. Trang phục của quân lính Ấn Độ có màu vàng đất, quần ngắn, mũ có mào đỏ. Quân lính Pakistan mặc trang phục màu đen có thêm các họa tiết đỏ trang trí và mũ có mào màu đen. Người dân và du khách ngay từ khi trời vẫn còn hửng nắng đã tụ tập đông đúc trên khán đài hai phía cổng biên giới để chờ xem buổi lễ và cả tiết mục biểu diễn của dàn nhạc sẽ diễn ra lúc hoàng hôn.

Bài & Ảnh Tuấn Đào
Thiết kế Uyn Nai

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP