Đến thăm "khu vườn trong phố" Vườn Tao Đàn - Tạp chí Đẹp

Vườn Tao Đàn hiện ra giữa con phố Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM) với một vẻ pha trộn giữa uy nghi vòm dáng và lung linh đường nét. Kiến trúc có tường bê tông nhưng lại rất mộc, có những khối kim loại nhưng mềm mại lạ thường. 

Nhưng câu chuyện thú vị nhất của Vườn Tao Đàn lại nằm ở sự tái sinh. Hum Vietnam cho biết họ đã tái sử dụng phần lớn các vật liệu cũ từ hai công trình bị tháo dỡ trước đó: tòa nhà Hum Lounge ở quận 1 và chính tòa nhà cũ tọa lạc tại địa chỉ của Vườn Tao Đàn bây giờ để phục vụ cho công trình mới này.

Bài toán đặt ra với họ: công trình trước đó vốn là một tòa nhà thương mại đã lâu không còn được sử dụng, có kiến trúc vuông vức, dày đặc và khép kín, phải làm gì để mềm mại hóa nó? Rất nhiều đợt thảo luận được đưa ra nhưng đều đi vào ngõ cụt. Cho đến một ngày, một cơn mưa trút xuống thành phố đã gợi lên cho họ một ý tưởng, đó là hình ảnh của những cây nấm bừng lên sau mưa. Những đường nét kim loại thật hồn nhiên và mềm mại ôm lấy tòa nhà này được gợi lên từ đó. Chúng đồng thời cũng chính là những bồn cây nơi họ trồng cỏ lau, mai, lựu.

Các mảng miếng lớn trong công trình được tái sinh từ từng mảnh vật liệu cũ hay những món đồ tưởng rằng đã phải nằm ở kho phế liệu: cờ lê, mỏ lết làm tay nắm cửa; tấm ri sắt được lợp thành mái hiên; những tủ kệ trong nhà, những tô, chén, đĩa đã vỡ mẻ trong quá trình vận hành nhà hàng… nay trở thành các chi tiết đắp nổi như những bức phù điêu thơ mộng.

Dân bất động sản Sài Gòn kháo nhau, đất ở 34 Võ Văn Tần trước đó là cuộc chơi kinh doanh của các ông bà chủ thích phong cách lâu đài. Nhưng chủ nhân hiện tại lại muốn biến nó thành một khu vườn. “Vườn trong phố” là cách họ đặt tên cho tổ hợp không gian sự kiện Vườn Thảo Điền (quận 2, cũng là một công trình có kiến trúc đặc biệt) và Vườn Tao Đàn (quận 3). “Một nơi để cây vươn mình thoáng đãng và thảnh thơi, và mỗi góc, mỗi điểm chạm của khách tới thăm đều sẽ thấp thoáng màu xanh cây cỏ”, đại diện Hum Vietnam chia sẻ. 

Điều này cũng nhất quán với triết lý kinh doanh của Hum. Dù với nhà hàng kinh doanh món chay, món Việt, cà phê, quà tặng hay không gian sự kiện… Hum đều theo đuổi tính tự nhiên, có giá trị với sức khỏe, bền vững với môi trường. Không chỉ là chuyện không sử dụng bột ngọt hay chất điều vị trong nêm nếm, tối đa hóa tỷ trọng nguyên liệu hữu cơ, sử dụng vật liệu, bao bì “eco-friendly”, mà còn ở từng cân nhắc nhỏ như tận dụng lá dứa để quấn đũa, phơi khô và lưu trữ các nguyên liệu thừa trong quá trình chế biến (rễ cây, vỏ rau củ…) để xông thơm, làm dịu không gian.

Đội ngũ Hum Vietnam kể lại một câu chuyện vui, rằng khi đặt hàng các đối tác thi công rèm trúc cho công trình này, không bên nào dám nhận vì phức tạp quá. Cuối cùng, chính các nhân viên của Hum đã bắt tay nhau cùng làm, từ anh nhân viên bảo trì, người chăm cây, người phục vụ nhà hàng, cả quản lý xây dựng của dự án, trong những ngày chạy nước rút cho công trình, cũng đã “bò ra” gắn từng thanh rèm trúc tí xíu. 

Bài Hải Ân Thiết kế Hoàng Nhật

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP