Bền vững là một thuật ngữ đang được sử dụng rất nhiều trong hai ngành công nghiệp có sức tiêu thụ số một: thời trang và làm đẹp. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta mới chỉ hiểu một phần về khái niệm này. Bền vững không chỉ nằm ở chất liệu tái chế hay chai lọ có khả năng refill, nó bao gồm cả quy trình sản xuất tuần hoàn, giảm thiểu nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho toàn bộ đội ngũ nhân công cũng như đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Cân bằng cho trái đất và an lành cho con người, bền vững đang dần được xây dựng thành DNA cốt lõi cho nhiều thương hiệu thuộc thế giới xa xỉ.

Chất liệu đổi mới

Chất liệu vải được xem là nền tảng cốt lõi cho các sáng kiến bền vững của Stella McCartney. Từ tái chế vật liệu cho đến chế tạo vải thay thế da và lông thú, nhà mốt đã đem đến cho giới mộ điệu những bộ quần áo thân thiện với môi trường. 

Tái chế là một trong những phương pháp nổi bật nhất của Stella McCartney. Từ năm 2016, nhà mốt Anh chỉ sử dụng len cashmere tái chế Re.Verso™ cho các bộ sưu tập. Chất liệu len này có bề mặt mềm mịn, cách nhiệt tương tự như sợi cashmere làm từ lông dê nhưng ảnh hưởng của nó lên môi trường thấp hơn đến 7 lần.

Bên cạnh đó, nhiều thiết kế trang phục và phụ kiện của Stella McCartney được chế tạo từ chất liệu nylon và polyester tái chế. Năm 2017, nhà mốt đã hợp tác với tổ chức môi trường toàn cầu “Parley for the Oceans” tạo ra hai sản phẩm làm bằng chất liệu tái chế từ rác thải nhựa đại dương Parley Ocean Plastic™ là giày sneakers adidas by Stella McCartney Ultra BOOST X và ba lô ‘Ocean Legend’ Falabella GO bản giới hạn.

Từ khi thành lập cho đến nay, Stella McCartney không sử dụng da, lông vũ, lông thú trong các bộ sưu tập. Với lập trường này, nhãn hàng đã và đang hợp tác với công ty công nghệ sinh học Bolt Threads để tạo ra các loại vải được làm từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên. Vào năm 2018, thương hiệu giới thiệu chiếc túi Falabella bằng Mylo™, chất liệu được nuôi trồng từ nấm trông giống như da thật. KOBA® cũng là một loại vải lông có nguồn gốc từ thực vật mà nhà mốt Anh đã nghiên cứu thành công với sự hợp tác của công ty hóa chất đa quốc gia DuPont.

Hệ thống giặt Clevercare

Tại Copenhagen Fashion Summit năm 2014, nhà mốt đã giới thiệu hệ thống chăm sóc trang phục hiện đại Clevercare. Ưu điểm nổi bật của hệ thống này là chăm sóc và kéo dài tuổi thọ trang phục mà không làm ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình giặt ủi.

Công cụ đo lường EP&L

Environmental Profit & Loss (EP&L) là công cụ đột phá do tập đoàn Kering phát triển nhằm giúp các nhãn hàng nắm rõ mức độ tác động lến môi trường trong hoạt động sản xuất. Stella McCartney sử dụng EP&L trong từng khâu, từ sản xuất nguyên liệu thô cho đến cắt may quần áo và phân phối thành phẩm.

Công cụ báo cáo lãi/lỗ môi trường EP&L cho biết các chỉ số đo lượng khí thải nhà kính, lượng nước sử dụng, mức độ ô nhiễm nguồn nước, diện tích đất đã sử dụng và lượng chất thải có trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Tác động môi trường sau đó được công cụ chuyển thành giá trị tiền tệ, cho phép thương hiệu có hình dung rõ nét và vạch ra hướng phát triển bền vững rõ ràng hơn trong tương lai.

Padua Botanical Garden - World Heritage Site

Sản phẩm của [comfort zone] chứa đựng thành phần có nguồn gốc tự nhiên, được tạo ra bằng năng lượng điện tái tạo và đóng gói bằng phương pháp giảm thiểu tác động đến môi trường. 

Mục tiêu của cuộc sống là khiến trái tim đập chung nhịp đập với vũ trụ

Sản phẩm của [comfort zone] chứa đựng thành phần có nguồn gốc tự nhiên, được tạo ra bằng năng lượng điện tái tạo và đóng gói bằng phương pháp giảm thiểu tác động đến môi trường. 

Vườn khoa học

Vườn khoa học

Công ty mẹ của [comfort zone], tập đoàn Davines, đã theo đuổi những tiêu chuẩn phát triển bền vững suốt hơn 16 năm qua. “Mục tiêu của cuộc sống là khiến trái tim đập chung nhịp đập với vũ trụ” – câu nói của nhà văn J. Campbell đã trở thành tôn chỉ làm việc của chủ tịch tập đoàn, ngài Davide Bollati – ngay từ những ngày đầu. Trong đó, có những nỗ lực xanh vô cùng thầm lặng nhưng lại mang đến sức ảnh hưởng lớn lao, như việc Davines đã thiết lập và duy trì mối liên hệ mật thiết với thế giới tự nhiên. Bên cạnh tòa nhà trụ sở chính của Davines, vườn khoa học – một phòng thí nghiệm ngoài trời với diện tích 3.000m² đã được xây dựng. Khu vườn lấy cảm hứng từ Garden of Simples of Padua, nơi khởi nguồn của tất cả các vườn bách thảo trên thế giới. Các loài thực vật ở đây được nuôi trồng theo nguyên tắc nông nghiệp hữu cơ tái sinh, một phương pháp trồng trọt thực phẩm hướng đến việc giảm thiểu xáo trộn đất, không sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Chúng đều có mặt trong công thức sản phẩm của [comfort zone].

Padua Botanical Garden - World Heritage Site -

Hữu cơ tái sinh

Hữu cơ tái sinh

So với canh tác thông thường, hữu cơ tái sinh có khả năng cô lập nhiều carbon hơn trong đất, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, thúc đẩy đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường không khí, nước và đất. Hợp tác với Rodale Insitute – công ty tiên phong cho phong trào hữu cơ tái sinh kể từ năm 1947, Davines thiết lập Trung tâm Hữu cơ Tái sinh Châu Âu (EROC) vào mùa thu năm 2021 để mở rộng nghiên cứu các thành phần hữu cơ tái sinh và đào tạo người nông dân địa phương theo những tiêu chuẩn của phương pháp này. Sacred Nature là dòng chăm sóc da hữu cơ và tự nhiên đầu tiên của [comfort zone] đạt chứng nhận Cosmos (chứng nhận dành cho mỹ phẩm hữu cơ và tự nhiên ở châu Âu). Dòng sản phẩm này có chứa phức hợp Scientific Garden Extract™ bao gồm chiết xuất thực vật của quả cơm cháy, vỏ lựu và lá cây hương đào được nuôi trồng theo phương pháp nông nghiệp tái sinh.

Được nhà thiết kế Yael Aflalo thành lập vào năm 2009, Reformation đã khẳng định vị thế là một trong những thương hiệu thời trang bền vững nổi trội nhất của nền thời trang Hoa Kỳ với các bộ sưu tập và chiến lược đề cao môi trường.

Chất liệu thân thiện

²⁄³ ảnh hưởng của ngành thời trang lên môi trường đến từ quá trình xử lý. Nhận thức rõ điều này, các sản phẩm của Reformation đều được làm từ chất liệu thân thiện như polyester tái chế, TENCEL Lyocell, sợi bông hữu cơ và vải lanh. Thương hiệu này đặt ra mục tiêu sản xuất 100% vải tái chế và tái tạo vào năm 2025. Việc làm ra nguồn chất liệu này giúp Reformation sử dụng ít nước, năng lượng và hóa chất hơn, đồng thời làm giảm chất thải thời trang.

Tiêu chuẩn nhuộm vải

Công đoạn nhuộm vải trong dệt may không chỉ làm tiêu hao một lượng lớn nước và năng lượng mà còn khiến vải hấp thu nhiều hóa chất có trong mực hoặc bột màu. Reformation đã kiểm tra tất cả sản phẩm dựa trên danh sách chất bị hạn chế Restricted Substance List (RSL) để xác nhận không có chất độc hại nào tồn đọng trên sản phẩm. Danh sách RSL này của thương hiệu dựa trên các tiêu chuẩn khắt khe của tập đoàn AFIRM Group, áp dụng cho nguyên liệu thô và thành phẩm.

Đáp ứng cấp độ A+ trong nhuộm vải, các xưởng của Reformation đạt chứng nhận BLUESIGN® với việc chỉ sử dụng thuốc nhuộm an toàn, theo dõi sát sao khí thải và lượng nước tiêu thụ, đồng thời đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân công trong toàn bộ quá trình sản xuất. Tính đến năm 2017, tất cả lụa và nhung của Reformation đều đạt chứng nhận BLUESIGN®.

Tương tự như BLUESIGN®, OEKO-TEX® 100 cũng là tiêu chuẩn dùng để đánh giá độ an toàn của vải nhuộm. Điều khác biệt là nó phát hiện ra chất có thể gây ung thư dựa trên tiêu chuẩn REACH của Liên minh châu Âu, và Reformation cũng đạt mức an toàn này.

Bộ sưu tập giới hạn

Bộ sưu tập giới hạn

Để tránh việc sản xuất hàng loạt gây lãng phí, Reformation ra mắt các bộ sưu tập phiên bản giới hạn mỗi tuần và chỉ sản xuất thêm nếu dữ liệu cho thấy nhu cầu đặt mua của khách hàng tăng. Việc này giúp thương hiệu hạn chế hàng tồn kho do sản xuất quá mức, đồng thời củng cố tính độc quyền cho mỗi sản phẩm của họ trên thị trường.

Clarins là thương hiệu mỹ phẩm của Pháp với lịch sử gần 70 năm. Ngay từ khi ra đời vào năm 1954, khuynh hướng nghiên cứu và phát triển của thương hiệu này đã luôn dựa trên những thành phần có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Là nguồn cảm hứng vô tận, thiên nhiên rất mong manh và cần được tôn trọng

Bảo tồn thực vật

Các nhà khoa học Clarins đi khắp thế giới để tìm kiếm hơn 250 thành phần thực vật mang lại hiệu quả tích cực nhất cho làn da và khai thác năng lượng tự nhiên của chúng trong những công thức mỹ phẩm. Năm 1996, loại dầu dưỡng thể chống rạn chứa 100% thành phần thực vật của Clarins ra mắt và đến nay nó vẫn là một trong những sản phẩm bán chạy nhất của thương hiệu.

“Là nguồn cảm hứng vô tận, thiên nhiên rất mong manh và cần được tôn trọng”, tiến sĩ Olivier Courtin-Clarins, Giám đốc điều hành của Clarins, chia sẻ. Theo đuổi nguồn cảm hứng từ những yếu tố tự nhiên đơn giản nhưng ẩn chức sức mạnh phi thường, Clarins không quên thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối và lâu dài đối với Mẹ thiên nhiên, bằng cách áp dụng các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái, thúc đẩy cộng đồng địa phương khai thác tự nhiên bền vững và trên hết là tôn trọng đa dạng sinh học. Tuân theo các hướng dẫn quốc tế về bảo vệ môi trường như Công ước Rio, thương hiệu nói không với việc thu hoạch các loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Từ đầu những năm 1990, Clarins đã thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài với Asters, khu bảo tồn thiên nhiên Haute-Savoie và cam kết bảo tồn hơn 100 loài có nguy cơ tuyệt chủng sinh trưởng tại khu vực dãy Alps.

DearEarth_G31__

"Là nguồn cảm hứng vô tận, thiên nhiên rất mong manh và cần được tôn trọng”

Khu bảo tồn thiên nhiên Haute-Savoie

Tàu tái chế nhựa

Ngoài ra, Clarins cũng có những cách tiếp cận khác đối với sự bền vững, thể hiện qua sự hỗ trợ không ngừng dành cho các hoạt động môi trường trên toàn thế giới. Năm 2017, Clarins là thương hiệu đầu tiên tài trợ cho dự án Plastic Odyssey. Plastic Odyssey là một con tàu đi vòng quanh thế giới trong ba năm với mục tiêu chống ô nhiễm nhựa. Trên tàu có một phòng thí nghiệm để tái chế nhựa và biến lượng nhựa thu thập được thành nguồn năng lượng có thể sử dụng trong đời sống. Khởi hành từ năm 2021, con tàu này đã đi qua 30 điểm, bắt đầu từ vùng Địa Trung Hải. Tại mỗi điểm, tàu Plastic Odyssey sẽ giúp người dân địa phương biến nhựa thành các đồ vật và vật liệu hữu ích, cung cấp các giải pháp tái chế và giảm thiểu rác thải phù hợp với nhu cầu của từng địa phương.

Plastic Odyssey

Trụ sở sinh thái

Trụ sở của Clarins cũng phản ánh cách tiếp cận có trách nhiệm với môi trường của thương hiệu. Tọa lạc tại quận 17 (Paris), được bao bọc xung quanh bởi các văn phòng, nhà hàng, cửa hiệu, trường học…, tòa nhà Clarins đạt hai chứng chỉ xanh HQE và BREEAM, thể hiện tầm nhìn của thương hiệu với mô hình đô thị mới kết hợp giữa tự nhiên và khoa học. Công trình được tạo nên từ những vật liệu sinh thái, không gian bên trong trang bị hệ thống đèn LED giúp giảm lượng khí CO2 và trên mái nhà là nơi ba tổ ong được lắp đặt.

Tổ ong không chỉ là biểu tượng sống động về cam kết của Clarins đối với môi trường và sự đa dạng sinh học mà đó còn là nơi sinh trưởng của hơn 160.000 con ong. Được ví như kỳ quan quý giá của thiên nhiên, loài ong tuy nhỏ bé nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc làm phong phú và đa dạng hệ sinh thái nhờ khả năng thụ phấn. Nếu như không có loài ong, thực vật chẳng thể sinh sôi, động vật mất đi nơi trú ẩn và nguồn thức ăn, đất đai khô héo xói mòn và dĩ nhiên, con người cũng chẳng thể tồn tại. 

Plastic Odyssey

Levi’s là hiện thân của trang phục denim với sự hiện diện ở hơn 100 quốc gia. Thương hiệu này luôn đi đầu trong các chiến lược bền vững ở ba hạng mục chính: môi trường, tiêu dùng và cộng đồng.

Giảm thiểu gánh nặng cho môi trường

Giảm thiểu gánh nặng cho môi trường

Sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên là một trong những cải cách quan trọng của Levi’s. Kể từ khi sáng kiến tối đa hóa hiệu quả sử dụng nước Water<Less® được giới thiệu vào năm 2011, tính đến năm 2020, Levi’s đã tiết kiệm được gần 13 tỷ lít nước. Giờ đây, giải pháp này đã trở thành động lực đổi mới trong toàn ngành thời trang. Không chỉ có vậy, Levi’s cũng đã thiết lập chính sách Recycle & Reuse Guidelines với mục tiêu lọc hơn 20% lượng nước sử dụng trong hoạt động sản xuất.

Hiện đại hóa quy trình sản xuất nhiệt năng, giảm thiểu tiêu thụ nhiên liệu, lựa chọn hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED và cập nhật HVAC (hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí)…, những giải pháp này đã chứng tỏ sự thay đổi nhỏ có thể tạo ra tác động lớn cho sự phát triển bền vững của thương hiệu.

Thay đổi thói quen tiêu dùng

Với cam kết đem đến cho khách hàng những lựa chọn trang phục tốt nhất, Levi’s đã phát động chiến dịch “Buy better, wear longer” vào năm 2021. Tên gọi của chiến dịch này giống như câu thần chú giúp giới mộ điệu đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt. Quan trọng hơn, Levi’s không ngừng cải thiện tính tuần hoàn của sản phẩm bằng cách tạo ra các chất liệu có thể sử dụng quay vòng.

Hỗ trợ cộng đồng

Năm 2011, sáng kiến phúc lợi cho người lao động WWB (Worker Well-being) được ra mắt nhằm hỗ trợ tài chính, an toàn, sức khỏe và bình đẳng giới cho những người đang làm việc tại các nhà xưởng của Levi’s trên toàn thế giới. Là một phần không thể thiếu của văn hóa Mỹ trong nhiều thập kỷ, Levi’s cũng tận dụng thế mạnh về tệp khách hàng rộng lớn để ủng hộ và hỗ trợ các tổ chức xã hội giải quyết các vấn đề như phòng chống bạo lực súng đạn, ủng hộ cộng đồng LGBTQIA+ và bảo vệ môi trường.

Thiện cảm khách hàng dành cho The Body Shop không chỉ bắt nguồn từ dòng sản phẩm chất lượng cao, mà hơn hết, chính là vì giá trị cốt lõi mà thương hiệu đến từ Anh Quốc luôn theo đuổi.

Mục tiêu xã hội và môi trường

Trên đường phố Brighton (Anh) vào năm 1976, một cửa hàng mỹ phẩm nhỏ sơn màu xanh lá lần đầu tiên mở cửa, lấy tên gọi là The Body Shop. Kem dưỡng bơ đậu mỡ đặc mịn, sữa chua dưỡng thể mát rượi như vừa lấy ra từ tủ lạnh, dầu gội và sữa tắm mang hương thơm đầy phấn chấn… các sản phẩm của The Body Shop nhanh chóng được yêu thích và trở thành món bảo bối được cất giữ trong phòng tắm và bàn trang điểm của vô số phụ nữ. 

Thiện cảm khách hàng dành cho The Body Shop không chỉ bắt nguồn từ dòng sản phẩm chất lượng cao, mà hơn hết, chính là vì giá trị cốt lõi mà thương hiệu đến từ Anh Quốc luôn theo đuổi. “Các khía cạnh xã hội và môi trường được xem là nhiệm vụ của công ty. Không phải là mục tiêu đầu tiên hay cuối cùng, chúng là một phần của mọi thứ chúng tôi làm,” bà Anita Roddick – người sáng lập của The Body Shop – chia sẻ. Các sản phẩm đều chứa thành phần tốt lành có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, được khai thác minh bạch và nhân đạo thông qua chương trình thương mại cộng đồng do chính thương hiệu khởi xướng vào năm 1987.

Từ bơ hạt mỡ ở Ghana, giấy gói quà làm từ sợi bông và thân cây chuối ở Nepal cho đến nhựa tái chế ở Ấn Độ…, The Body Shop tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các nhà sản xuất ở các nước đang phát triển với mục đích tạo nên môi trường thương mại nhân văn, bền vững và công bằng. 2019 là năm đầu tiên The Body Shop triển khai thu mua 250 tấn nhựa tái chế từ những người nhặt rác ở Ấn Độ, sử dụng để sản xuất chai lọ dầu gội và dầu xả. Con số trên đã chạm mốc 900 tấn vào cuối năm 2021. Hành động này không chỉ góp phần giảm thiểu chất thải mà còn tạo ra sự thay đổi tích cực cho xã hội, thông qua việc cung cấp điều kiện làm việc tốt với mức thu nhập ổn định cho người dân trong khu vực thường xuyên biến động và bị phân biệt đối xử tại Ấn Độ.

Bao bì sinh thái

Hiện tại, hơn 68% bao bì từ thương hiệu có thể được tái chế và gần như tất cả bao bì làm từ nhựa PET đều chứa 100% vật liệu tái chế. The Body Shop còn đặt ra mục tiêu dài hạn là phát triển mô hình tuần hoàn cho bao bì và cam kết 100% bao bì có thể tái chế, tái sử dụng hoặc phân hủy vào năm 2025. 

Không dừng ở đó, đội ngũ thương hiệu còn đưa ra những phương pháp mới nhằm hạn chế tối đa lượng rác thải từ sản phẩm. Năm 2019, The Body Shop khởi động chương trình refill sản phẩm tại hai cửa hàng của hãng ở London (Anh) và Vancouver (Canada). Tại đây, khách hàng có thể mua một chai đựng làm từ nhôm với dung tích 250ml và lựa chọn đổ đầy bởi một trong tám loại sữa tắm tùy ý. Khi đã dùng cạn, họ mang chai đựng trở lại và nạp đầy để tiếp tục sử dụng.

Thực hiện Tạp chí Đẹp Thiết kế Hoàng Nhật

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP