Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Hình ảnh gửi than trong tuyết có gì đó quyến rũ hơn... - Tạp chí Đẹp

Chúc mừng chị về việc… rời khỏi Hội đồng Duyệt (tức Hội đồng Trung ương Thẩm định và phân loại phim truyện) nhé! Thế là lại được quay trở về tập trung cho vai trò đạo diễn và không phải một tuần hai buổi lọ mọ đi xem phim nữa nhỉ?
May thế, bạn không dùng từ phạm húy. Nhà đang bao việc, thư kiến nghị đã gửi đến các đại biểu quốc hội, thành ý đã được gửi đi và rất cần sự đón nhận. Tôi lại vừa thi cao học một ngành khù khoằm, đang ngồi cầu khấn kết quả… Thế mà thôi rồi, bạn bè từ muôn nghìn vạn kiếp cứ kêu réo mình – chúc mừng nhưng nhất định đính kèm bài báo có chữ LOẠI to đùng. Tôi đi duyệt phim chứ có phải đi chơi gameshow đâu? Chuyện tâm linh không đùa được, ngồi hóng điểm thi mà cứ bị tag vào các bài với từ “bị loại”, khổ thân tôi!

Vậy rồi kết quả thi thế nào?
Thì thi đỗ rồi mới có buổi trò chuyện hôm nay đây.

Tôi đang trong những ngày tuyển tình nguyện viên, rất nhiều sinh viên đi tuyển. Khi trực tiếp phỏng vấn các bạn ấy, tôi nhận thấy có một điều thay đổi trong mình, đó là nếu như trước đây tôi đặt niềm tin tuyệt đối với người trẻ thì bây giờ tôi lại hơi lo lắng.

Tại sao? Chị vẫn luôn là người ủng hộ các bạn trẻ mà?
Tôi bị trả giá hơi nhiều, cũng hay gặp trường hợp các bạn trẻ có rất nhiều thời gian, và họ tận dụng thời gian bằng việc đằng nào cũng đi tình nguyện thì tình nguyện luôn độ năm bảy dự án. Mà người trẻ bây giờ thú vị lắm nhé, CV của họ đẹp vô cùng luôn, đập chết tất tần tật CV của bọn chúng mình ngày xưa, kỹ năng đa dạng và cực kỳ tự tin. Tóm lại mình rất dễ say đắm với họ rồi bị họ cho leo cây vì họ bị giằng co bởi nhiều mối quan tâm khác. Hôm nay mình phải chia sẻ thật với các em ấy là mình đang làm một công việc rất nghiêm túc; làm các thứ khác có thể phân thân, nhưng làm điện ảnh thì không thể không tập trung.

Nhân câu chuyện của chị, tôi nhớ đến cuộc hội thoại giữa tôi và anh Di (tức đạo diễn Phan Đăng Di) suốt nhiều năm qua: tại sao ngành điện ảnh của mình luôn thiếu người? Mặc dù nhé, khi dịch xảy ra, người trong ngành thất nghiệp rất nhiều, nhưng bình thường cần vị trí công việc trong một đoàn phim, ta vẫn cứ rối lên tìm người ấy. Anh Di nói một câu, rằng người giỏi họ chạy qua ngành khác hết rồi.
Người giỏi thường có tầm nhìn xa trên 10 ki-lô-mét mà. Nói chứ, thường người ta nhìn vào đường dài của nghề nghiệp. Việt Nam mình có thể đầu tư rất cao ở những lĩnh vực khác, song với điện ảnh thì chưa bao giờ và chưa thấy ai bảo vệ niềm tin rằng đây là ngành có tầm quan trọng chiến lược.

Ra là thế, có những thứ vẫn còn giới hạn như cái nhiệm kỳ ngồi Hội đồng Duyệt của chị thật à?
Vâng, trên báo họ nói rằng chưa từng có tiền lệ một ủy viên kết thúc nhiệm kỳ chóng vánh đến thế.

Xem ra chị gắn với nhiều sự chưa từng có thật đấy. Lúc vào hội đồng được coi là ủy viên trẻ nhất từ trước tới giờ. Lúc đang trong hội đồng lại lên tiếng vì phim bị cấm, lên tiếng vì luật điện ảnh – chưa có ai làm thế. Giờ ngay cả chuyện mất “job” cũng chưa có tiền lệ luôn.
Công việc ở trong hội đồng ấy, tôi đồng ý làm và xác định sẵn tinh thần kết thúc, vì về bản chất, kiểm duyệt không phải sự nghiệp của tôi.

Kiểm duyệt đã từng có vai trò quan trọng vì rất nhiều lí do, và trở thành một phần không thể thiếu của điện ảnh. Lịch sử từng rất cần kiểm duyệt trong điện ảnh, có thể thế. Nhưng vai trò lịch sử ấy cần được suy xét cho phù hợp với hoàn cảnh hôm nay. Bằng một linh cảm lọc qua suy tư, và chắc cũng cần niềm tin nữa, tôi nghĩ nếu sau covid có rất nhiều nghề nghiệp biến mất thì sau “Ai góp ý”, nghề kiểm duyệt cũng nên được cân nhắc.

Ý chị là cần một “bình thường mới” cho điện ảnh?
Đó là sự điều hành, phân công và vận động của xã hội thôi. Bệnh dịch xảy ra không ai biết được, làm sao mà mình có thể nghĩ rằng, bỗng dưng lại có bệnh dịch như covid, để rồi sau khi dịch đi qua, có những thứ không phù hợp thời đại nữa.

Hai mươi năm trước, lúc thi vào trường Sân khấu điện ảnh, tôi khóc như mưa như gió, bởi vì học được hai tháng thì phát hiện ra tôi đã học một cái ngành mà tôi không bao giờ có thể làm nghề. Ngày ấy điện ảnh 100% là của nhà nước, mình làm phim bằng cách gì nếu như không có máy quay phim nhựa, không có tiền, không thuộc về hãng phim nhà nước? Mà muốn vào hãng phim nhà nước thì phải có rất nhiều thứ, chứ không phải chỉ cần một thứ mà tôi từng được dạy ở trường cấp ba, đó là cứ giỏi sẽ có cơ hội. Nhưng rồi có điện ảnh tư nhân. Giờ người ta còn quay phim bằng điện thoại. Thời điểm này hai mươi năm trước ai mà nghĩ được đến một ngày kia có một nhóm nhà làm phim sẽ bảo là chúng tôi không đồng thuận với việc kiểm duyệt như thế này nữa?

Xem ra chị gắn với nhiều sự chưa từng có thật đấy. Lúc vào hội đồng được coi là ủy viên trẻ nhất từ trước tới giờ. Lúc đang trong hội đồng lại lên tiếng vì phim bị cấm, lên tiếng vì luật điện ảnh – chưa có ai làm thế. Giờ ngay cả chuyện mất “job” cũng chưa có tiền lệ luôn.
Công việc ở trong hội đồng ấy, tôi đồng ý làm và xác định sẵn tinh thần kết thúc, vì về bản chất, kiểm duyệt không phải sự nghiệp của tôi.

Kiểm duyệt đã từng có vai trò quan trọng vì rất nhiều lí do, và trở thành một phần không thể thiếu của điện ảnh. Lịch sử từng rất cần kiểm duyệt trong điện ảnh, có thể thế. Nhưng vai trò lịch sử ấy cần được suy xét cho phù hợp với hoàn cảnh hôm nay. Bằng một linh cảm lọc qua suy tư, và chắc cũng cần niềm tin nữa, tôi nghĩ nếu sau covid có rất nhiều nghề nghiệp biến mất thì sau “Ai góp ý”, nghề kiểm duyệt cũng nên được cân nhắc.

Ý chị là cần một “bình thường mới” cho điện ảnh?
Đó là sự điều hành, phân công và vận động của xã hội thôi. Bệnh dịch xảy ra không ai biết được, làm sao mà mình có thể nghĩ rằng, bỗng dưng lại có bệnh dịch như covid, để rồi sau khi dịch đi qua, có những thứ không phù hợp thời đại nữa.

Hai mươi năm trước, lúc thi vào trường Sân khấu điện ảnh, tôi khóc như mưa như gió, bởi vì học được hai tháng thì phát hiện ra tôi đã học một cái ngành mà tôi không bao giờ có thể làm nghề. Ngày ấy điện ảnh 100% là của nhà nước, mình làm phim bằng cách gì nếu như không có máy quay phim nhựa, không có tiền, không thuộc về hãng phim nhà nước? Mà muốn vào hãng phim nhà nước thì phải có rất nhiều thứ, chứ không phải chỉ cần một thứ mà tôi từng được dạy ở trường cấp ba, đó là cứ giỏi sẽ có cơ hội. Nhưng rồi có điện ảnh tư nhân. Giờ người ta còn quay phim bằng điện thoại. Thời điểm này hai mươi năm trước ai mà nghĩ được đến một ngày kia có một nhóm nhà làm phim sẽ bảo là chúng tôi không đồng thuận với việc kiểm duyệt như thế này nữa?

Chị nói cứ như thể chớp mắt cái là hai mươi năm sau hiện ra vậy. Thực tế, hai mươi năm là quá dài, dài đủ để một nền điện ảnh cựa mình thành gã khổng lồ rồi đó!
Thật, cho đến khi gặp anh Di, tôi mới biết bên ngoài biên giới có điện ảnh tư nhân và điện ảnh độc lập. Và Thánh Gióng không phải truyền thuyết, việc một ông-Gióng-điện-ảnh vươn vai càn lướt cả thế giới là hoàn toàn có thật. Tôi không bực mấy khi ông Gióng đó không phải người Việt Nam, chỉ cảm thấy lo lắng. Rồi nỗi lo lớn dần lên, tôi hiện nay cảm thấy hơi hốt hoảng khi ngoảnh đi ngoảnh lại điện ảnh nước mình vẫn thể thấp còi mà xung quanh đã toàn ông Gióng. Nhìn nhiều cơ hội và thời điểm vàng vụt qua trước mắt, tôi tự nhiên ân hận ấy. Giá tôi và bạn bè đồng nghiệp từng nghĩ xa và tựa vào nhau để cùng mơ chuyện vươn vai.

Hai mươi năm rồi lại hai mươi năm. Mà thế giới một khi đã thay đổi thì chuyển mình rất nhanh. Phải nhìn nhận lại sự ngắn – dài chứ nhỉ. Phải khác đi chứ…
Nhanh nhỉ, mới ngày nào mình còn được gọi là người tiên phong. Tôi đi cùng anh Di, theo những dự án phim ra bên ngoài biên giới, học bao nhiêu là thứ, cũng chạy đấy chứ có đi bộ lững thững gì đâu? Vậy mà thời gian trôi qua, mình đã là một thế hệ lạc hậu rồi. Mình cũ kỹ so với các bạn làm phim bây giờ, các bạn đã có thể đi đến những chợ phim một cách thoải mái, không kèm theo bất kỳ run rẩy nào, làm chủ mọi thứ. Đấy, Việt Nam đã khác quá rồi, mà cuối cùng vẫn là chậm. Ngày xưa các nước trong khu vực cái gì cũng vừa thôi, phim vừa vừa, cả chất lượng và số lượng. Bây giờ thì là một cơn sóng! Nó đè mình sấp mặt ấy. Mà mình vẫn y vậy, vẫn vừa vừa y hệt bảy tám năm trước. Mình lại không còn thế mạnh của người mới nữa rồi.

Đó, điều tôi muốn nói: thế mạnh của người mới!
Ôi, có không giữ, mất đừng tìm! Mình quá cũ rồi, nên đừng mơ về thế mạnh của nguyên sơ.

Nếu mọi người cảm thấy sốc vì chuyện tôi nhận một cái quyết định rời khỏi hội đồng chỉ thông qua tin nhắn Zalo chẳng hạn, thì tôi lại chả thấy sốc gì cả. Thậm chí tôi còn nghĩ ừ, chính phủ điện tử phải thế này chứ!

Tự dưng tôi lại nhớ đến một cuốn tiểu thuyết của Murakami có tên gọi là “Xứ sở tàn bạo diệu kỳ và chốn tận cùng thế giới”. Hồi ấy tôi đi Nepal, leo lên một cao nguyên, ở trong một khách sạn mang đúng cái tên ấy luôn, “chốn tận cùng thế giới”. Nghe cái tên rất gợi, đúng không? Và tất nhiên chốn tận cùng của thế giới nó phải mang vẻ đẹp của chốn tận cùng của thế giới, nghĩa là nó có điều bí ẩn, xa lạ, hoang dã… kiểu thế. Khi nó đã trở nên quen thuộc rồi, thì nó phải bước ra ngoài sáng. Chứ cứ đứng mãi đó, khác nào tự đưa mình vào thế lưỡng nan?
Tôi nghĩ là điều này mọi người nên nhận ra từ rất lâu rồi cơ. Ai cũng cho rằng chắc sẽ có ai đó phải làm việc này, còn bản thân thì cứ yên lặng, theo dõi, quan sát thôi. Và rồi, bỗng nhiên cái “chốn tận cùng của thế giới” đấy trở thành một nơi toang hoang, hàng triệu người đã check-in nó rồi, và hàng triệu bức ảnh đã được xuất hiện rồi. Mình không còn là cái gì nữa cả. Lúc này thì trở tay không kịp.

Lúc làm “Hà Nội mùa đông” 2021, tôi thấy vô cùng ngượng khi phải lôi những dòng về “Hà Nội mùa xuân” 2015 ra nói lại. Ngượng là vì những điều đó chỉ đúng với sáu năm về trước thôi. Mọi thứ đã thay đổi quá nhanh, nhưng ta lại không có gì thay đổi để nói.

Như câu thơ của Lưu Quang Vũ nhỉ, “Tôi chán cả bạn bè/ Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới…”. Thôi, vậy thì nói chuyện khác, chị cảm thấy việc ra khỏi hội đồng làm cho chị nhẹ nhõm hơn chứ?
Con người tôi vốn chưa từng cầu mong sự nhẹ nhõm trong công việc, đặc biệt trong điện ảnh. Hay phết, mình nghĩ mọi thứ đều có những quy tắc tối thiểu và vào hội đồng rồi thì mình nhận ra, những quy tắc chỉ được áp dụng khi người ta cần hỏi đến quy tắc thôi, một số trường hợp thì lại không cần quy tắc. Nên nếu mọi người cảm thấy sốc vì chuyện tôi nhận một cái quyết định rời khỏi hội đồng chỉ thông qua tin nhắn zalo chẳng hạn, thì tôi lại chả thấy sốc gì cả. Thậm chí tôi còn nghĩ ừ, chính phủ điện tử phải thế này chứ!

Sau vụ tôi ra khỏi hội đồng, tôi đang không có cảm giác gì cả, cho đến khi mẹ chồng tôi hỏi han giọng rất lo lắng. Rồi cả hàng xóm láng giềng ra vô, mọi người cứ thương tôi mãi. Tôi bỗng nhiên có suy nghĩ ồ hóa ra thực sự có tồn tại một cái khái niệm gọi là sinh mệnh chính trị, ngay kể cả đối với những người không màng gì đến khái niệm này. Còn lại, tôi chẳng nghĩ gì mấy đâu.

Thế thì điều duy nhất chị có thể nghĩ được lúc này là gì?
Là “Tin vào điện ảnh” – cái hashtag tôi dùng từ “Ai góp ý” cho đến “Hà Nội mùa đông” 2021.

Tôi luôn có một sự phản biện rằng, một nền điện ảnh mà những người thực hành điện ảnh bao gồm cả khán giả, cứ kêu gọi nhau phải có một niềm tin rất vô hình, thì thực sự nền điện ảnh ấy có đang ổn không?
Ừ thì, công chúng dường như vẫn kỳ vọng vào những nhà làm phim có tư chất tử vì đạo ấy, tức là phải sống một cuộc đời trong lao đày, trong giày vò nội tại, vật lộn trong sự hiểu lầm, trong sự kì thị, cấm cản, dập vùi một quãng thời gian thật dài. Một dạng Van Gogh nhưng phải bị thời đại cắt tai cơ. Điều này không phải vô tình tôi nhận thấy đâu, nó rất nổi trội qua ý kiến khán giả. Mọi người thích nhìn nhà làm phim Việt Nam phải giống những nhà làm phim Iran, chịu nhiều khó khăn vất vả, những cấm đoán và rồi mọi người hy vọng bằng cách đó thì mới có được những tác phẩm để đời, mới làm ra những tinh hoa. Họ nghĩ chỉ có như vậy nghệ thuật mới đúng là nghệ thuật, còn không thì sẽ là buồn cười, là dễ dãi, là rẻ rúng. Ngay cả tôi đây, tôi tự thấy mình nhiều khi cũng bị cuốn theo dòng “drama style”. Hừm, như thế có bị mắng là cứ thích “make it complicated” không nhỉ?

Duy tình nhỉ? Đôi khi người ta cứ thích cảm giác chìa tay ra cho người khác. Mà không có khổ đau thì không cớ gì chìa tay ra được. Người ta dễ xúc động với hình ảnh “trong tuyết đưa than” hơn là “thêu hoa trên gấm”…
Nhưng mà điều đấy cho thấy mình còn chưa có được một cái giai đoạn nào gọi là “thêu hoa trên gấm” cả. Đó chính là vấn đề!

Vâng, tinh thần thời thế sinh anh hùng hay đẩy ta vào thế khó, thành ra cứ phải gửi than trong ngày tuyết cho nhau thôi.
Thế nên phải đặt câu hỏi cho những người làm điện ảnh, cả ở vai trò quản lý lẫn làm phim, rằng ta có nên buồn không, khi mà bấy lâu nay ta chưa từng được ở trong một giai đoạn sung sức, sung mãn và sung sướng?

Nói gì thì nói, chị vẫn còn có thân phận của người làm nghệ thuật, có một cuộc sống thuộc về sáng tác và không thể rũ bỏ nó ra khỏi mình được. Chị cũng nên quay trở về với sáng tác sớm chứ?
Sáng tác là một cái quá khó, nói thật, tôi mà giỏi thì tôi đã sáng tác từ lâu rồi. Lúc nào tôi cũng trong trạng thái thấy người khác giỏi hơn mình, rồi tự hỏi ôi họ làm được việc đấy rồi, thì mình có nhất định phải làm nữa không?

Điện ảnh là cái gì? Nó là một thứ không hình không tướng để mình chiêm bái, nó biến hóa khôn lường, chả thể định danh định tính nó được. Mình không nắm bắt được điện ảnh. Để chạy theo nó đòi hỏi một tài năng lớn, mà tôi thì cứ mặc cảm mình không đủ tài năng.

Chị mà còn không đủ tài năng ư? “Đập cánh giữa không trung” bay muôn nơi rồi đó thôi. Tôi còn nghĩ vấn đề là phim dài đầu tay của chị thành công quá, nên giờ chị cứ ì ạch ấy. Mà có thế nào vẫn phải làm phim chứ?
Thì… tất nhiên! Như đã nói, không có niềm tin vào chính mình thôi. Chứ vẫn tin vào điện ảnh nhé.

Tin vào điện ảnh thì phải có tác phẩm chứ. Mình cứ yêu cầu khán giả tin vào điện ảnh chung chung mơ hồ thì vô lý!
Nếu đủ AQ để tự thuyết phục bản thân thì có khi tôi cũng ra tác phẩm liên tục ấy. Khổ nỗi, tôi không tự thuyết phục bản thân mình được. Ôi, hồi làm “Đập cánh giữa không trung”, tôi chả bao giờ bàn lùi. Luôn có sự ngạo mạn riêng của mình. Nhưng cũng vì “Đập cánh” nên tôi đi vài chục cái liên hoan phim quốc tế. Thế là nhận ra mình không phải công dân toàn cầu, mình lại sinh năm 1982, không phải mấy bạn 2000 để có cảm giác tự tin rằng mình được cả thế giới này vun đắp và ủng hộ. Ở ngoài kia, nước nào cũng hỗ trợ dân làm phim trẻ hết. Họ đang làm phim hay hơn mình, giỏi hơn mình, bước đi những bước dài gấp năm lần mình. Còn mình, mình vẫn ở đây. Sự ngạo mạn quý giá thì đã biến thành tóc bạc và nếp nhăn.

Biến thành kiêu hãnh chứ?
Ừ thì kiêu hãnh. Cái từ mà ở ta luôn đi kèm theo từ “định kiến”!

Phải đặt câu hỏi cho những người làm điện ảnh, cả ở vai trò quản lý lẫn làm phim, rằng ta có nên buồn không, khi mà bấy lâu nay ta chưa từng được ở trong một giai đoạn sung sức, sung mãn và sung sướng?

Nhân nói về kiêu hãnh, tôi thấy nhiều người đang mặc sức chà đạp lên sự kiêu hãnh của người làm sáng tác. Nhưng tôi đồ rằng đó là một hành động hồn nhiên không có ý thức, chứ không có ác ý gì ở đây.
Mình phải làm quen với cái gọi là tính ác ý của thời đại. Mình cũng phải quen luôn với khái niệm chủ nghĩa hiện thực tàn nhẫn, tôi mới xem một phim Nga và đọc một bài phê bình có cụm từ này. Ví dụ như khi tôi phải đối mặt với một phim của đồng nghiệp, mà vô tình tôi là một trong số những người rất hiếm hoi được xem bộ phim ấy. Tôi nhận ra nó bị chà đạp ở tất tần tật mọi mặt trận. Tôi làm sao im được? Nhưng mọi người lại cứ bảo tôi không được nói đâu. Tôi hỏi ơ quy chế nào cấm mình được nói rằng phim không đáng bị cấm, nó không hề hạ thấp ai, không hề ám chỉ điều gì… thì đáp lại chỉ là những tiếng thở dài.

Tôi luôn nghĩ ai ở hoàn cảnh của tôi cũng sẽ làm như tôi, không thể nào khác được!

Nhưng sự thật là 100% hội đồng đã làm khác chị…
Tự dưng tôi thấy hình ảnh gửi than trong tuyết có gì đó quyến rũ hơn thêu hoa lên gấm. Nó thật sự làm tôi xúc động hơn. Có lẽ tôi phải quay một cảnh đưa than theo nghĩa đen thôi. Ai sẽ gửi than? Tuyết rơi thế nào nhỉ? Một cảnh đặc tả nhưng bối cảnh rộng lớn phía sau hay máy sẽ lầm lũi theo chân người đạp tuyết đưa than?

Những lúc thế này tôi hay bói thơ Lưu Quang Vũ, đây bài thơ tôi mở trúng đây này:

“Có những lúc tôi xuôi tay đuối sức

Nhưng từ đáy nỗi buồn tôi thăm thẳm

Một cái gì như nhựa thắm trong cây

Một cái gì trắng xóa tựa mây bay

Là hoa gạo của lòng tôi chẳng tắt

Tôi đập tay lên bức tường lạnh ngắt

Dù tiếng tôi chỉ một người nghe

Tôi phải đốt lên một cái gì

Cho sáng rực giữa chênh vênh vực thẳm

Dẫu bao lần người làm tôi thất vọng

Tôi vẫn yêu người lắm lắm người ơi

Tình yêu tôi như một tiếng chuông dài

Làm run rẩy hoa hồng trên ngực nắng.”

Tóm lại là, phải vịn vào phim mà bước tiếp thôi!

Thực hiện Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi
Nhiếp ảnh Lê Lai Trang điểm & làm tóc Psi Psi Trợ lý Sam Sam
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP