Đạo diễn Lan Nguyên: Không bao giờ là muộn cho một khởi đầu - Tạp chí Đẹp

Lan Nguyên với “Màu cỏ úa” là một trong những cái tên truyền cảm hứng của điện ảnh Việt năm 2020, sau Trần Thanh Huy với “Ròm”. Hành trình 5 năm ròng rã của Lan Nguyên để tạo nên bộ phim chân dung về nhạc sĩ Trần Tiến – thần tượng của cô và nhiều thế hệ – có đủ mọi cung bậc cảm xúc: bướng bỉnh, liều lĩnh, kiên trì và nhiệt tâm sáng trong của tuổi trẻ.

Nhưng câu chuyện lần này giữa Đẹp và Lan Nguyên không chỉ có phim ảnh. Nó còn có những sự khởi đầu đầy duyên nợ trong hành trình đi tìm câu trả lời: “Tôi là ai? Tôi sinh ra để làm gì?”.

“Màu cỏ úa” đã đi một hành trình trọn vẹn từ Nam ra Bắc, về Vũng Tàu – nơi nhạc sĩ Trần Tiến đang sinh sống, và có sự tham dự của ông. Tôi nghĩ sau tất cả thử thách, bây giờ bạn có thể mỉm cười được rồi?
Đọng lại trong tôi trong hành trình “Màu cỏ úa” ra rạp, bên cạnh sự giúp đỡ, yêu thương của bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp và nhiều anh chị, có lẽ chính là hình ảnh bác Tiến ngồi trên sân khấu hát bài “Mặt trời bé con”. “Màu cỏ úa” có ý nghĩa nhiều hơn một bộ phim để tôi mang chiếu rạp, đối với bản thân tôi, với khán giả và với bác Tiến. Vì sự thật là nhờ bộ phim này, bác Tiến khỏe hơn. Bác kể là từ khi phim chiếu, đã có hơn 100 tin nhắn gửi lời hỏi thăm đến bác dù bác không hiểu tại sao họ có số điện thoại của bác. Nhắn tin thôi, không dám gọi. Có những người bạn từ thời cấp 2 đi xem phim về bác, nhắn tin chụp hình gửi bác mà bác không nhận ra. Hóa ra, khán giả vẫn yêu và vẫn nhớ bác Tiến nhiều lắm.

Trước khi bước chân vào lĩnh vực phim ảnh, tôi là dân truyền hình. Và để dựng bộ phim này, tôi đã tham gia rất nhiều workshop, talkshow của các đạo diễn nổi tiếng. Tôi đã luôn tự hỏi, cuối cùng tôi muốn làm phim gì và làm như thế nào? “Màu cỏ úa” đã giúp tôi xác định được câu trả lời.

Việc bạn học kiến trúc rồi rẽ ngang theo nghiệp truyền hình, như bạn nói trong phim thì có phải là để đi tìm những nhân vật không còn nhìn thấy trên TV thuở bé nữa? Hay chính tình yêu âm nhạc Trần Tiến đã thôi thúc bạn bước đi trên con đường ấy?
Tôi mê truyền hình từ bé và luôn muốn trở thành người làm nên những chương trình đó chứ không phải là người ngồi trước màn hình TV. Ba tôi không thích tôi trở thành người làm báo, và ông luôn đinh ninh, muốn làm truyền hình thì phải thi báo chí. Ba tôi có một ước mơ không thực hiện được là theo học kiến trúc vì thời của ba mẹ là thời chiến tranh. Là con lớn trong gia đình, khi biết được giấc mơ không thành ấy của ba, tự nhiên tôi cảm thấy mình phải có một nhiệm vụ gì đó. Ban đầu mơ hồ thôi, nhưng dần dần, nó thôi thúc tôi thi vào trường Kiến trúc, viết tiếp giấc mơ của ba.

Tôi yêu môi trường của trường Kiến trúc lắm nhưng càng học tôi càng cảm thấy mình không hợp với ngành đang theo học. Rồi phong trào ca hát cuốn tôi và bạn bè theo những thứ be bé như quay hình, ghép nhạc vào clip. Tôi nhận ra mình yêu cái thế giới hình ảnh và âm thanh. Nhưng tôi vẫn cố gắng tốt nghiệp và đi làm cho một công ty lớn để ba mẹ yên tâm. Đó là khoảng thời gian thực sự kinh khủng, vì tôi biết mình không thuộc về thế giới đó. Cuối cùng, sau một năm loay hoay, trầy trật giữa việc tiếp tục hay từ bỏ, tôi đã chọn dừng lại.

Giấc mơ truyền hình bắt đầu như thế nào?
Tôi bắt đầu giấc mơ truyền hình của mình tại một công ty giải trí, niềm vui, sự háo hức như cá gặp nước dù tôi biết ba tôi không hài lòng chút xíu nào. Ông không hiểu được tại sao con mình lại rời bỏ công việc tại công ty kiến trúc tốt như thế, đi làm cái nghề gì mà vừa cực vừa mệt. Nhưng truyền hình khiến tôi hạnh phúc. Nó mang đến cho tôi những xúc cảm đúng như tôi tưởng tượng ngày còn bé. Tiếc là niềm vui ấy không lâu khi gameshow bùng nổ, truyền hình chuyển hướng. Phóng sự tài liệu trở thành thứ gì đó xa xỉ, không ai coi và bị cắt dần đi, nhường đất cho gameshow. Tôi vẫn tin có những con người làm truyền hình chất lượng, mang đến những giá trị mới. Nhưng cá nhân tôi, càng làm gameshow, càng chứng kiến nhiều, tôi càng thấy cảm xúc tiêu cực dấy lên. Một ngày, tôi chợt tự hỏi những điều mình làm có ý nghĩa gì ngoài kiếm tiền? Nó đẩy tôi gần như rơi vào trạng thái trầm cảm.

Tôi bắt đầu quay phim về bác Tiến trong giai đoạn khủng hoảng đó. Lúc bị mắc kẹt trong thế giới truyền hình, tôi không biết làm gì ngoài mở những phim tư liệu ra xem. Chúng đánh thức tôi: “Lan ơi, ngày xưa mày đã sống như thế này này, quay nhiều thứ hay ho như thế này này”. Có những ngày tôi chẳng làm gì, chỉ ngồi nghe lại những điều bác Tiến chia sẻ, tôi đã khóc như chưa từng được khóc. Tôi đã làm gì với cuộc đời mình thế này? Tại sao tôi lại để mình mắc kẹt trong thế giới này?

Và phim ảnh trở thành chốn dừng chân và tựa nương?
Động lực lớn nhất để tôi hoàn thành “Màu cỏ úa” là để tự cứu lấy mình. Tôi biết mình phải làm xong cuốn phim này mới bước ra khỏi thế giới truyền hình mà tôi đã không còn phù hợp nữa.

Tôi yêu sự thử thách và mỗi bộ phim là một thử thách. Nhưng phim ảnh không phải là cuộc chơi ngày một ngày hai. Với một kẻ tay ngang như tôi, có rất nhiều lóng ngóng, vụng về khi bắt đầu. May mắn, thời điểm ấy tôi được gặp đạo diễn Vũ Ngọc Phượng. Nghe những chia sẻ từ anh, tôi nhận ra mình thực sự muốn làm phim. Anh Phượng đã lôi tôi ra khỏi thế giới truyền hình và thắp lên cho tôi rất nhiều động lực.

Bạn đã sẵn sàng bao nhiêu phần trăm?
Tôi nghĩ mình phải mất từ một đến hai năm nữa. Trong thời gian ấy, tôi xác định mình vẫn phải tiếp tục học về công tác đạo diễn nhiều hơn. Phim tài liệu thì rất độc lập còn điện ảnh bắt buộc phải làm việc theo đội, đó cũng là một trở ngại với tôi vì tôi là người quá độc lập, muốn tự làm tất cả. Tôi cũng hiểu rõ, phim tài liệu và điện ảnh khác nhau ở chỉ đạo diễn xuất. Tài liệu không chỉ đạo diễn xuất được, tôi buộc phải kể chuyện, còn điện ảnh là môi trường khác. Tôi đang làm một phim ngắn để thử khả năng của mình trong chỉ đạo diễn xuất, set up, sau đó sẽ đến các phim dài.

Hiện tại tôi vẫn đang viết kịch bản với đạo diễn Vũ Ngọc Phượng và có một số ý tưởng liên quan đến âm nhạc. Vì đây là thế mạnh của tôi, nên chắc chắn tôi sẽ phát huy. Những câu chuyện về âm nhạc biến thành hình ảnh trên phim vẫn còn tương đối ít ở Việt Nam. Và tôi muốn thử sức.

Thực tế, nhiều phim âm nhạc của Việt Nam, khán giả xem xong chỉ nhớ nhạc mà quên luôn nội dung và nhân vật trong phim đấy…
Đây rõ ràng là thử thách đối với tôi. Tuy nhiên, tôi luôn có niềm tin mình sẽ thực hiện được. Một phần vì âm nhạc là thế mạnh của tôi. Phần còn lại, tôi muốn kể những câu chuyện. Thật tuyệt vời khi đem hình ảnh và âm nhạc kết hợp lại với nhau phải không?

Tôi vừa chợt nhận ra điều này. Khi bạn rẽ sang truyền hình thì xu hướng mới ập đến. Bây giờ, khi bạn nhận ra tình yêu với phim ảnh thì cũng là lúc mô hình xem phim đang thay đổi. Dường như câu: “Đúng người sai thời điểm” vận vào bạn thì phải?
Quả thực, với truyền hình, tôi vào sai thời điểm. Nhưng nếu cho tôi được bắt đầu lại, tôi vẫn muốn bước chân vào truyền hình vì đó là ước mơ từ bé của tôi. Tôi tin cuộc sống là những bước tiếp nối, bạn phải đi qua cánh cửa này mới có thể nhìn thấy cánh cửa tiếp theo.

Điện ảnh năm 2020 chứng kiến quá nhiều chuyện xảy ra nhưng nhìn vào thị trường điện ảnh Việt cuối năm, tôi vẫn có niềm tin. Tôi nhận thấy xu hướng của khán giả đã thay đổi. Phim mà dở là khán giả sẽ bỏ qua luôn do hiện tại trên TV hay các nền tảng trực tuyến có quá nhiều phim hay, tại sao khán giả phải đến rạp để xem những bộ phim nghèo nàn, vừa tốn tiền, vừa mất thời gian? Đây thực sự là thử thách cho các nhà làm phim, kiểu… một là sống, hai là chết. Nhưng nhờ đó, quyết tâm của người làm phim sẽ nhiều hơn.

Liệu đợi thêm 2-3 năm nữa để bước một bước dài tiếp theo với điện ảnh, bạn nghĩ thời điểm ấy có muộn không?
Tôi vẫn nhớ câu chuyện của các bạn đoàn phim “Nhắm mắt thấy mùa hè”. Quyết tâm của họ là phải có một cái gì đó để nhớ trước tuổi 30. Điều này vừa thú vị vừa lại có điểm chưa hay. Thú vị ở chỗ đó là bộ phim của tuổi trẻ, của sự nhiệt thành. Nhưng tôi nghĩ, 30 là tuổi mà mỗi người chúng ta mới có đủ trải nghiệm về những dư vị khác nhau của cuộc sống. Nó không chỉ cho mình độ lùi cần thiết mà còn mang đến độ sâu, sự điềm tĩnh. Tôi nghĩ rằng, ở bộ phim đầu, mọi người có thể vì yêu mến mình mà tha thứ, mà chấp nhận bỏ qua những sai sót thậm chí đến mình xem lại còn khó chịu. Tuy nhiên, đến phim thứ hai thì câu chuyện đã khác. Bạn bắt buộc phải tiến bộ, phải khắc phục được những nhược điểm đã nhìn thấy ở bộ phim trước.

Tôi thực sự nghiêm túc với điện ảnh nên tôi sẽ bắt đầu với phim ngắn và quan sát, rút tỉa từ từ, ở nhiều vị trí khác nhau nữa trên phim trường. Tôi tin, một bộ phim đáng xem thực sự sẽ đưa được khán giả đến rạp.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ!

Ảnh tư liệu NVCC
Ảnh tư liệu NVCC

Bằng tình yêu với âm nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến từ nhỏ, năm 2015, cô đến gặp nhạc sĩ, ấp ủ làm một phóng sự truyền hình. Ban đầu nhạc sĩ từ chối vì cho rằng thật khó để một người lạ có thể hiểu được mình, nhưng sau khi biết Lan Nguyên là người đã hát ca khúc “Tạm biệt chim én” ngây thơ nhất, ông đồng ý.

Suốt 2 năm đầu, ê-kip theo chân nhạc sĩ đi du ca khắp nơi với những chiếc máy quay khi thì là điện thoại, khi mượn ở chỗ làm. Thời gian sau, sức khỏe nhạc sĩ yếu dần, đó cũng là lúc Lan Nguyên phải đấu tranh giữa cảm xúc và lý trí, giữa việc quay hay không. “Tôi luôn nhìn thấy ở bác một nỗi cô đơn sâu thẳm mà không ai hoặc không điều gì có thể khỏa lấp được”.

Cuối tháng 11/2020, bộ phim tài liệu “Màu cỏ úa” được chiếu tại một số rạp giới hạn với lịch chiếu ngắn ngủi nhưng đã dành được rất nhiều tình cảm của những người yêu nhạc Trần Tiến.

Bài Hoàng Linh Lan Nhiếp ảnh Dy Duyên
Mỹ Thuật Travipome Trợ lý Miliket
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP