main cover
minute
hour
men history
main cover
minute
hour
cover character
Dũng Phan

dũng phan

tay ngang viết Sử

Trước mặt tôi là chàng thanh niên khá trẻ (sinh năm 1988), công việc chính là kỹ sư xây dựng ngày làm 8 tiếng, rảnh rỗi thì đi đá bóng, tụ tập bạn bè uống bia hoặc hẹn hò với người yêu. Chàng trai thoạt trông có vẻ bình thường này thật ra lại là một trong những cá nhân đứng sau Fanpage “The X File of History” dành cho cộng đồng người yêu lịch sử với hơn 120.000 lượt theo dõi, và đặc biệt là chủ nhân của cuốn sách làm mưa làm gió trong thời gian qua với 5.000 bản in được đặt mua trước khi chính thức phát hành. Tôi đang nói đến Dũng Phan và “Sử Việt – 12 khúc tráng ca”.

Bài: an sơn
Nhiếp ảnh: nguyễn hoàng duy

“tôi kể chuyện chứ không thống kê lịch sử”

Hiếm có một cuốn sách về Sử Việt nào lại nhận được sự đón nhận nồng nhiệt, tạo nên “cơn sốt” trong giới trẻ như “Sử Việt – 12 khúc tráng ca”. Cá nhân anh có lường trước được hiệu ứng này không?

Thật sự, tôi không ngờ cuốn sách lại có sức lan tỏa như vậy. Tôi đoán trước mọi người sẽ đón nhận nồng nhiệt nhưng lan tỏa mạnh như vậy thì không. Một người anh – nhà báo Trần Minh đã nói một câu khiến tôi rất thích, khi gọi đây là “Cuốn sách lịch sử đi vào lịch sử”.

Fanpage của anh với hàng trăm ngàn lượt theo dõi thì sách bán chạy là điều đương nhiên. Một lộ trình quá hoàn hảo còn gì!

Tất cả mọi việc diễn ra một cách rất tự nhiên, giống như thông điệp trong bộ phim “Ba chàng ngốc” của Ấn Độ: “Theo đuổi đam mê thì thành công sẽ theo đuổi bạn”. Nếu không đam mê thì rất khó làm bất kỳ điều gì. Bên cạnh đó, với tư cách là một

người yêu Sử Việt, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm truyền đi tình yêu đó đến với mọi người, nhất là các bạn trẻ. Đây là mục đích lớn nhất khi tôi viết bài trên “The X File History” cũng như quyết định hợp tác để in sách. Hãy gọi đó là “lộ trình đam mê”.

Một cách khách quan, theo anh, “Sử Việt – 12 khúc tráng ca” hơn các cuốn sách khác ở điểm gì khiến giới trẻ đón nhận nồng nhiệt như vậy?

Yếu tố kể chuyện lịch sử. Theo tôi, các bạn trẻ thích được nghe kể chuyện. Và ở đây, tôi kể chuyện chứ không phải thống kê lịch sử. Tôi muốn kể cho các bạn nghe về những tranh đoạt hoàng quyền, những mưu kế, kế hoạch chiến đấu, về những thời khắc mà ông cha ta đã chiến đấu như thế nào, anh dũng ra sao … theo cách hấp dẫn giống như một bộ phim.


“Tôi là một người xông pha. Ai chơi với Dũng Phan lâu, đều biết tôi mang phong cách của một thằng đàn ông ưỡn ngực đi tới. Gập ghềnh nhưng không sợ hãi, và lúc nào cũng luôn trong tình trạng sẵn sàng lao về phía trước. Cũng có tổn thương, nhưng cuộc đời này quá ngắn, làm một thằng đàn ông thì nên có giá trị để lại cho đời, cân nhắc nhiều quá, lại vuột mất mọi thứ. Vậy nên, đừng sợ hãi, mà hãy bước tới làm luôn đi!”


Dũng Phan

Đúng như tâm niệm của anh, cuốn sách đã truyền đi tình yêu cũng như khơi dậy niềm tự hào với lịch sử dân tộc, đặc biệt là trong giới trẻ. Chỉ có điều, với khá nhiều lỗi sơ đẳng mà báo chí chỉ ra trong thời gian qua, đã làm giảm đi phần nào giá trị của cuốn sách. Anh có muốn nói thêm gì về điều này?

Tôi có đọc hết những bài báo này và tôi rất thoải mái nhận các lời phê bình. Đặc biệt, tôi cảm nhận được cái tâm của tác giải bài viết trên báo Tuổi Trẻ. Nếu không có những bài báo như thế, sẽ không bao giờ có một cuốn sách thành công. Cũng qua đây, tôi xin được gửi lời xin lỗi chân thành tới những người đã quan tâm và dành tình cảm cho cuốn sách “Sử Việt – 12 khúc tráng ca”. Hiện tại, trong đợt nối bản giữa tháng 8 vừa qua, tôi đã tiến hành sửa lỗi, xóa bỏ hoàn toàn những hạt sạn để cuốn sách hoàn chỉnh. Bản hiện đang bày bán trên thị trường, đó chính là bản đã sửa hết những hạt sạn mà báo chí có đề cập.

Vì sao ngay từ đầu anh không tìm đến các chuyên gia về Sử học để nhờ họ hiệu đính cho cuốn sách ? Như thế, những sai sót không đáng có đã không xảy ra…

Đây có lẽ là sai lầm của tôi.

“tôi đã quá tự tin và nóng vội”

Có phải vì anh quá tự tin hay nóng vội?

Cả hai.

Sử vốn có đường đi hẹp, thêm vào đó, trong quá trình tìm hiểu tư liệu cũng chỉ có một mình anh. Anh có thấy mình cô đơn không?

Thật ra trên Facebook có nhiều người trẻ rất am hiểu hiểu về lịch sử chứ không phải chỉ có tôi. Tôi và họ đều là dân Sử “tay ngang” nhưng cùng có đam mê kể chuyện lịch sử cho mọi người. Do đó, trong quá trình viết Sử, vì thấy có nhiều người giống mình ở trên mạng xã hội, nên sự cô đơn không xuất hiện. Chỉ khi cuốn sách ra đời, thì nó mới hình thành.

Sự cô đơn ấy mang hình dáng như thế nào?

Hình dáng của một người trẻ ngơ ngác đứng nhìn lên cây đại thụ ở phía bên kia đường. Và bên này, một con đường chưa mở lối, có một cậu nhỏ, một tay ngang, đang mò mẫm đi trên con đường ấy. Cảm giác này không dễ chịu nhưng vẫn đầy hy vọng và tin tưởng. Và, đó cũng chính là động lực để cho mình sáng tạo.

“Vị vua nào khiến anh khâm phục nhất?

Hoàng đế Quang Trung. Một con người không cần tô hồng để vĩ đại, một con người trát bùn lên vẫn không khiến sự vĩ đại mất đi.”

Xem thêm

QA icon
Trần Văn Đại Lợi

trần văn
đại lợi

mong ước về một thế hệ trẻ yêu sử nhà

Khi biết nhân vật là một giảng viên chuyên ngành lịch sử Việt Nam, người viết chủ động có mặt sớm hơn giờ hẹn để tham gia vào lớp học do nhân vật này đứng lớp mà theo lời “quảng cáo” là “cùng một bài giảng nhưng lần này học sẽ khác lần trước và hình như cũng chưa có bất kỳ một ai… ngủ được trong giờ của thầy.”

Bài: ái liên
Nhiếp ảnh: chu dũng

giáo viên sử là người “đổ móng nhà”...

Thạc sĩ Trần Văn Đại Lợi hiện là giảng viên ngành Lịch Sử, Khoa Sư phạm Khoa học Xã Hội trường Đại học Sài Gòn. Trước đó, anh từng công tác tại nhiều nơi với nhiều vai trò nhưng chỉ khi đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức lịch sử cho lớp trẻ thì mới thỏa mãn hết đam mê dành cho Sử Việt của anh “Từ nhỏ tôi đã hoạch định tương lai của mình sẽ chỉ gắn với đam mê về kiến thức lịch sử dân tộc. Tôi tham vọng đào tạo được một thế hệ giáo viên trẻ, yêu lịch sử không chỉ có trọng trách truyền đạt kiến thức mà còn phải truyền lửa cho nhiều người cùng yêu lịch sử Việt Nam như mình”.

Chia sẻ về hiện trạng “Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết thì tra Google” của giới trẻ ngày nay, Đại Lợi cho rằng vai trò quan trọng nằm ở người truyền đạt kiến thức lịch sử “Tôi nghĩ người thầy dạy lịch sử có thể ví như người đổ móng nhà, còn học sinh là người sẽ quyết định căn nhà đó to nhỏ đẹp xấu thế nào. Người giáo viên, trước tiên, phải làm nhiệm vụ khơi gợi sự hứng thú, yêu thích của học sinh với

lịch sử dân tộc. Từ đó, học sinh mới có động lực để tìm đọc sách, tìm tài liệu, trang bị thêm kiến thức cho bản thân”.

Bên cạnh đó, anh cũng nhấn mạnh để đại đa số người dân hứng thú tìm hiểu Sử Việt thì trách nhiệm không chỉ thuộc về các nhà giáo, sử gia mà cần có sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, văn hóa “Mới đây thành phố vừa khai mạc phố đi bộ Bùi Viện nhưng các phương tiện truyền thông, báo chí và cả mạng xã hội có giới thiệu ông Bùi Viện là ai, đóng góp thế nào cho lịch sử Việt Nam không?

Cá nhân tôi nghĩ chỉ cần một vài động thái nhỏ sẽ thay đổi thói quen học hỏi của mọi người về Sử Việt. Chẳng hạn dưới mỗi bảng tên đường chỉ cần thêm một bảng nhỏ chú thích ngắn gọn về nhân vật/sự kiện được đặt tên cho con đường đó. Hoặc đẩy mạnh hỗ trợ các tác phẩm điện ảnh, nghệ thuật đề tài lịch sử để thu hút giới trẻ. Đây là việc dễ mà khó, khó mà dễ cần sự góp sức của nhiều nguồn lực”.

“Lịch sử dạy về nhân cách và làm nên cốt cách con người. Là một người đàn ông ít nhất phải có chút kiến thức về sử để trước nhất là yêu nước sau là có bản lĩnh và là trụ cột gia đình đồng thời giáo dục con cái.”

Xem thêm

QA icon
Trần Văn Đại Lợi

“Chuyện phiếm giữa tôi và bé Noel (cậu con trai 12 tuổi của Đại Lợi – pv) phần lớn là từ những nhân vật hay sự kiện được đặt tên cho các con đường. Chúng tôi cũng xả stress bằng các chuyến tham quan tại nhiều khu di tích lịch sử. Tôi tự hào vì con mình ít nhiều có hứng thú nhất định với các câu chuyện về lịch sử dân tộc.

Đây cũng là “trợ lý không lương” chuyên đọc các tài liệu nghiên cứu giúp tôi hiệu chỉnh bài giảng tốt hơn”.

Trần Văn Đại Lợi

Giả sử có thể ngược về quá khứ để gặp gỡ một nhân vật lịch sử Việt Nam, anh muốn gặp ai nhất và nói gì?

Tôi muốn gặp Nguyễn Nhạc để nói với ông một điều rằng: Nếu ông không đủ sức hoặc không có ý định tiến quân vào Gia Định thì hãy rộng lượng mà nhường lại và tạo điều kiện cho Nguyễn Huệ thực hiện việc đó. Chuyện bất hòa anh em trong nội bộ Tây Sơn nên gác lại để “giải quyết” sau khi đã thống nhất đất nước.

Theo tôi, chính Nguyễn Nhạc là “mấu chốt” cản trở Nguyễn Huệ thống nhất đất nước. Tôi cảm thấy rất tiếc cho giai đoạn này.

Cuốn sách về lịch sử đang đọc?

“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của tác giả Trần Mai Hạnh, từng là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam ở chiến trường miền Nam.

Địa danh lịch sử yêu thích từng đến?

Đèo Cả và núi Đá Bia thuộc Đèo Cả. Tương truyền trong cuộc viễn chính về phía Nam, vua Lê Thánh Tông đã cho người khắc bia trên dãy núi Đèo Cả. Ngoài ra, từ Đèo Cả nhìn xuống có thể thấy cả vịnh biển Vũng Rô của Phú Yên – nơi tiếp nhận bốc dỡ hàng hóa, chi viện hàng trăm tấn vũ khí đạn dược cho chiến trường khu V và Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với tôi, Đèo Cả là một địa danh đẹp để du lịch và tìm hiểu về lịch sử, địa lý và văn hóa.

Danh ngôn lịch sử yêu thích?

“Sử phải thật, không thiên kiến tô hồng, không chủ quan tùy cảm, không định kiến khen chê” – Lê Anh Dũng.

phan
khắc huy

lan tỏa

tình yêu sử việt

Phan Khắc Huy chia sẻ đam mê tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam có lẽ là ảnh hưởng từ cụ cố là nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi sau nhiều dự án nhỏ lẻ ngẫu hứng cuối cùng Huy cũng mạnh dạn tạo dựng một cơ sở riêng hoạt động quy mô và bài bản hơn về lịch sử văn hóa nước nhà. Dẫu rằng mọi thứ, như Huy chia sẻ, không hề đơn giản chút nào.

Phan Khắc Huy

Hẳn anh lường trước được chông gai, thử thách khi quyết định dấn thân vào con đường kinh doanh giáo dục, lại là giáo dục về lịch sử, văn hóa vốn chẳng ai mặn mà?

Tôi và cộng sự không đặt doanh thu là mục tiêu số một mà cần làm tốt việc lan tỏa kiến thức lịch sử, văn hóa đến cộng đồng. Là người tiên phong nên Cội Việt chẳng có hình mẫu để tham khảo, nghiên cứu. Mọi thứ đều phải tự học, tự làm, tự mày mò, nghiền ngẫm nên làm sai hay gặp thất bại là chuyện hiển nhiên nhưng tôi và các cộng sự không hề cảm thấy nản vì với lịch sử thì không thể “dục tốc” để rồi “bất đạt”.

Làm sao để anh đánh giá hiệu quả và tác động của các chương trình, hoạt động của Cội Việt, bởi theo tôi thì việc đánh giá hiệu quả không đơn giản là định lượng?

Tôi gặp khá nhiều câu hỏi đại loại học lịch sử, học văn hóa thì ra làm được gì? Đối với những thắc mắc như thế này tôi không giải đáp mà để mọi người phải tự thân lý giải. Tôi

nghĩ những điều mà Cội Việt làm, dù chỉ tác động đến một vài cá nhân, hay một nhóm bạn trẻ, là quá thành công rồi. Chúng tôi cố dốc hết lòng, hết sức chèo lái con tàu kiến thức lịch sử, có người theo trọn hành trình, người thì vươn ra biển lớn, người thì không. Nhưng chỉ cần tình yêu dành cho lịch sử, văn hóa Việt Nam vẫn còn thì tàu vẫn sẽ chạy lo gì không có người lên?

Anh có nhận thấy rằng người trẻ bây giờ ít quan tâm đến lịch sử của cha ông?

Tôi không biết người khác nhận xét thế nào nhưng với tôi thì người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ, không vô tâm với lịch sử đâu. Thực tế giờ đây có nhiều bạn trẻ thực hiện các dự án, viết sách, tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và thu hút được sự quan tâm của hàng ngàn người. Lấy ví dụ rõ ràng nhất là các lớp học tại Cội Việt số lượng các học viên trẻ đều chiếm đa số. Chúng ta phải có niềm tin và lạc quan chứ! (cười).

Phan Khắc Huy

“Chúng tôi cố dốc hết lòng, hết sức chèo lái con tàu kiến thức lịch sử. Có người theo trọn hành trình, người thì vươn ra biển lớn, người thì không. Nhưng chỉ cần tình yêu dành cho lịch sử, văn hóa Việt Nam vẫn còn thì tàu vẫn sẽ chạy lo gì không có người lên?”

Phan Khắc Huy

các chương trình của cội việt

1. Thư quán Cội Việt: Trụ sở chính và là thư viện sách miễn phí với 3.000 đầu sách phục vụ bạn đọc tại chỗ từ sáng thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần. Địa chỉ: 195/23 Điện Biên Phủ, Phường 15, Quận Bình Thạnh, TP.HCM.

2. Chương trình giáo dục Travelearn – Đi để học: Các khóa học dưới dạng tour du lịch cho người Việt gồm: “Kể Chuyện Chợ Lớn” (tìm hiểu về gạo và văn hóa miền Tây), Bảo tàng Du ký, Đất Kể (tour gốm Biên Hòa); Nẻo Giác Sài Gòn (tìm hiểu Đạo Phật cơ bản); Sài Gòn Xưa và Nay…

Các khóa học dành cho người nước ngoài: Saigon Then & Now, Another Saigon’s Chinatown, Passage to ChoLon; Mindfulness Saigon…

3. Chương trình giáo dục kiến thức xã hội và ngôn ngữ: Giúp các bạn trẻ có thể thực hành, đem các kiến thức về văn hóa, lịch sử và các kiến thực xã hội ứng dụng vào cuộc sống.

4. Cultural Community Discourse (CCD) – Đối thoại Văn hóa Cộng đồng: Tổ chức mỗi tháng một kỳ dưới dạng buổi thảo luận song ngữ Anh – Việt giữa các nhà nghiên cứu và cộng đồng.

Ngoài ra, Thư Quán Cội Việt còn tổ chức nhiều buổi nói chuyện, workshop về các chủ đề liên quan đến văn hóa, âm nhạc, lịch sử, sách… (có phí lẫn miễn phí).

Phan Khắc Huy

“Nhân vật yêu thích nhất trong lịch sử Việt Nam của tôi là chúa Nguyễn Hoàng. Ông là người rất tài giỏi, khôn ngoan, chịu ẩn mình và có những chính sách hiệu quả để phát triển vùng đất riêng đồng thời mở rộng lãnh thổ về phía Nam.”

Xem thêm

QA icon
Vinh Loc

phạm vĩnh lộc

“lịch sử là những bài học đắt giá cho tương lai”

Tự nhận mình là một “sử gia không chuyên” nhưng những bài viết, chia sẻ về Sử Việt của Vĩnh Lộc (nickname Cọp Xanh) trên Facebook luôn được bạn đọc thích thú đón nhận. Bằng việc đọc sách, trải nghiệm cá nhân phong phú và phong cách viết “bình dân học vụ”, Lộc giúp nhiều bạn trẻ khơi gợi lại tình yêu với lịch sử nước nhà.

Bài: trung phạm
Nhiếp ảnh: đào nhật tân

“Khoảng 10 năm về trước, tôi được đọc và mê như điếu đổ bộ truyện lừng danh “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của Trung Quốc đồng thời rất ái mộ hai nhân vật Quan Công cùng Gia Cát Khổng Minh. Tác phẩm hấp dẫn đến độ tôi đọc đi đọc lại 3 lần, không những vậy còn tìm thêm những cuốn bình giảng và sử liệu về thời đại này.

Cũng vì “cuồng” tác phẩm dã sử “bảy phần thực ba phần hư” hoành tráng này mà tôi tự đặt câu hỏi: “Liệu Sử Việt có được hấp dẫn như thế này không?” Thế rồi tôi bắt đầu lao vào tìm hiểu lịch sử nước nhà, từ những cuốn sách lịch sử chỉ vỏn vẹn trên dưới trăm trang cho đến cả những bộ sách lịch sử hoành tráng. Càng đọc nhiều tôi càng tự hào hơn về quá khứ lẫy lừng của cha ông khi ở giai đoạn nào cũng đều

không thiếu những câu chuyện ý nghĩa, nhân văn và hấp dẫn. Từ đây, tôi bắt đầu có mong muốn chia sẻ tinh túy của Sử Việt đến bạn bè của mình, hiển nhiên không phải đưa cho họ một cuốn sách dầy cộm mà là bằng chính những câu chữ của mình.

Để tạo sự khác biệt so với các bạn viết lịch sử khác, tôi chọn cách “Vừa đi vừa kể chuyện”. Ý tưởng này xuất phát từ cụ Lê Quý Đôn khi trong 6 tháng làm Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hóa, nhà bác học đã đi quan sát rồi chép lại những điều mắt thấy tai nghe cũng như lịch sử hình thành xứ Đàng Trong từ thế kỷ XVIII trở về trước. Tập bút ký gồm 8 quyển có tên là “Phủ Biên Tạp Lục”.

Vinh Loc

“Tôi thường suy nghĩ theo cảm tính nhưng từ khi đọc sử một cách nghiêm túc thì tư duy trở nên logic hơn.”

“Vài năm trở lại đây, nhiều cá nhân và nhóm các bạn trẻ yêu thích Sử Việt đã cho ra mắt rất nhiều cuốn sách có chất lượng về cả hình thức lẫn nội dung. Có cầu ắt sẽ có cung. Mỗi loại hình văn hoá đều sẽ có những độc giả khác nhau. Chính tai tôi từng nghe rất nhiều ý kiến về chuyện người ta chán ghét lịch sử ra sao bởi vì… khó đọc quá. Thành thử, cần phải có một thị trường sách lịch sử dành riêng cho giới trẻ và những người “nhập môn”, càng đơn giản, cách viết lôi cuốn thì càng tốt.

Hai yếu tố làm nên một cuốn sách sử có giá trị là: chính xác về dữ kiện và phong cách viết hấp dẫn. Tôi cho rằng cả hai

đều quan trọng như nhau và tác giả phải biết cân bằng. Nếu quá thiên về số liệu và dữ kiện thì vô cùng khô khan. Ngược lại, nếu sa đà vào việc phóng tác sẽ thành tiểu thuyết dã sử. Làm được việc này cũng khó như làm xiếc thăng bằng trên dây, nếu không khéo sẽ ngã dập mặt trước độc giả. Do vậy người ta sẽ chọn cách an toàn, một là viết nghiên cứu hẳn, hai là sáng tác truyện.

Cá nhân tôi đánh giá rất cao lối viết của sử gia Trần Trọng Kim với “Việt Nam Sử Lược”. Giọng văn như kể chuyện, vừa gần gũi thân tình, lại cung cấp đủ thông tin cần thiết cho người đọc.

Vinh Loc

“Viết sử khó như làm xiếc thăng bằng trên dây, nếu không khéo sẽ ngã dập mặt trước độc giả.”

Xem thêm

qa
Sử ViệtNgoài bờ đông là mặt trờiLịch sử thư pháp Việt NamNgàn năm áo mũSương mù tháng giêng

tóc xanh chấp bút sử nhà

Vài năm trở lại đây, dòng sách lịch sử Việt Nam đang được “hồi sinh” trở lại với nhiều thể loại phong phú từ chính sử, dã sử cho đến tiểu thuyết lịch sử. Điều đáng mừng là các tác giả này tuổi đời còn khá trẻ. Họ là thế hệ 8x và 7x đam mê tìm về Sử nhà, về cội nguồn văn hóa nghìn năm của dân tộc, và quan trọng hơn là họ đã giúp “khai phóng” giới trẻ millennial tiếp cận dễ dàng từ đó thêm yêu lịch sử nước nhà

Bài: quang trung
Nhiếp ảnh: tư liệu
book

NHỮNG CUỐN SÁCH SỬ ĐÁNG CHÚ Ý CỦA CÁC TÁC GIẢ TRẺ

Ngàn năm áo mũ

Năm phát hành: 2013

Tác giả: Trần Quang Đức (1985 )

Trần Quang Đức đã mất 3 năm để hoàn thành khảo cứu về lịch sử trang phục Việt Nam trong cung đình và dân gian trong giai đoạn từ 1009 - 1945, trải dài từ thời Lý tới thời Trần, Lê sơ, Lê trung hưng, Tây Sơn và cuối cùng là thời Nguyễn. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã nhận xét: “Có lẽ đây là một trong những tập tài liệu văn hóa, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và được biên soạn kỹ nhất ở Việt Nam, nếu không nói là quốc tế, cho đến nay”

Lịch sử thư pháp Việt Nam

Năm phát hành: 2016

Tác giả: Nguyễn Sử

Cuốn sách là quá trình khảo cứu công phu các sử liệu Việt Nam cùng với sử liệu Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc bàn về thư pháp, khảo sát và đối chiếu một hệ thống các tác phẩm thư pháp Việt Nam suốt chiều dài lịch sử hiện còn lưu giữ trong các đền chùa, trên bia đá, vách núi, hang động hay trên giấy. Với công trình này, lần đầu tiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Sử đã xác lập một diện mạo toàn vẹn nhất cho lịch sử thư pháp Việt Nam. (Nguồn: Nhã Nam)

Sử Việt – 12 khúc tráng ca (Dũng Phan)

Năm phát hành: 2017

Tác giả: Dũng Phan ( 1988 )

Không như những cuốn sách sử khác, “Sử Việt – 12 khúc tráng ca” của chàng kỹ sư xây dựng Dũng Phan được chính tác giả ví như là một cuốn phim đầy hấp dẫn, thú vị về 12 câu chuyện dựng nước và giữ nước thời phong kiến. Với 5000 bản in được bán hết trước khi chính thức phát hành đủ để thấy được sức “nóng” của cuốn sách lớn đến nhường nào.

Ngoài bờ Đông là mặt trời

Năm phát hành: 2017

Tác giả: Trường An ( 198x )

Thuộc thể loại tiểu thuyết lịch sử, câu chuyện trong “Ngoài bờ Đông là mặt trời” kể về một đất nước phương Đông đầu thế kỷ 19 đối diện với chiến tranh, với những câu chuyện cung nữ, vua quan, người con lai mang hai dòng máu... đã mang lại một phong vị lạ cho người yêu văn học và lịch sử.

Đôi mắt Đông Hoàng & Sương mù tháng Giêng

Tác giả: Uông Triều

“Đôi mắt Đông Hoàng” (2010) là tuyển tập truyện ngắn đầu tay của Uông Triều với hơn phân nửa là truyện lịch sử. Trong khi đó, “Sương mù tháng Giêng” (2015) là tiểu thuyết lịch sử đầu tay của anh cũng được đánh giá cao khi bao quát về vương triều Trần với cấu trúc lồng ghép nhiều giọng kể theo tám chủ đề.

Thời Pháp

mơ về thời hoàng kim

của phim sử việt

Hộ thần vệ quốcHộ thần vệ quốc
Chợ
Camera icon

Các khán giả có chung nhận xét rằng phim Sử Việt cũng như sách sử, đều khô khan, giáo điều và… chẳng giống sử chút nào. Nguyên nhân có thể một phần do hạn chế trong cách kể chuyện, chủ yếu là khâu kịch bản, kỹ xảo còn sơ sài và đặc biệt là cảnh trí cùng trang phục, vốn là huyết mạch chính cho một phim có yếu tố lịch sử, lại không được chú trọng đã khiến các tác phẩm này không thực sự neo đậu được trong tâm trí của người xem.

Từ đó có thể thấy làm phim có yếu tố lịch sử là “hố lửa” thật sự nhưng vẫn có những con người tâm huyết nhảy vào đó. Nhà sản xuất Minh Dofilm cùng cộng sự là một ví dụ điển hình khi theo đuổi dự án điện ảnh huyền sử “Hộ Quốc Vệ Thần” trong 3 năm (thực tế thì dự án này được khởi động từ hơn 10 năm trước). Theo thông tin từ Fanpage chính thức thì “Hộ Quốc Vệ Thần” ban đầu là một dự án phim truyền hình nhưng về sau được phát triển thành phim điện ảnh. Chưa có bất kỳ một thông tin chính thức nào về nội dung, bối cảnh phim, nhân vật nhưng từ những bản phối vẽ đầu tiên “Hộ Quốc Vệ Thần” đã “quật ngã” người yêu điện ảnh bởi sự chỉn chu trong tạo hình nhân vật cũng như bối cảnh hoành tráng.

Đội ngũ đứng sau dự án đều là những nhân vật tên tuổi trong điện ảnh Việt tạo nên một “dream-team” mà bất kỳ bộ phim nào cũng mơ ước có được như biên kịch kiêm đạo diễn Ngô Vĩnh Hoàng, DOP K’Linh, nhạc sĩ Đức Trí, đạo diễn hành động Bùi Văn Hải, đạo diễn Charlie Nguyễn (tham gia với vai trò cố vấn), biên kịch Vincent Ngô… Vậy nhưng theo như chia sẻ của nhà sản xuất Minh Dofilm thì hiện nay đường ra cho “Hộ Quốc Vệ Thần” khá hẹp vì gần như nhà sản xuất nào cũng e dè khi nhìn thấy quy mô khủng khiếp của phim cũng như không tự tin về khả năng thu hồi vốn. “Dù thế tôi vẫn sẽ theo đến khi nào không nổi nữa thì thôi” – nhà sản xuất Minh Dofilm khẳng định.

May mắn hơn “Hộ Quốc Vệ Thần”, dự án “Mai Thị – Nhân Thần Truyện” lấy bối cảnh thời Mạc – Lê Trịnh về Chúa Bà Mai Thị Ngọc Tiến của Mai Thế Hiệp đã hoàn tất phần kịch bản và đang chạy nước rút để có thể bấm máy vào năm 2018. Mai Thế Hiệp cho biết khó khăn và cũng là điểm tự tin nhất của anh đối với bộ phim này chính là phần phục trang “Tôi rất cẩn trọng với “Mai Thị – Nhân Thần Truyện nên đã chủ động liên hệ với nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cũng như những cá nhân, nhóm nắm vững kiến thức, chuyên môn lịch sử nhằm đảm bảo tính chân thật, chuẩn xác cho phim. Về phục trang, tôi được sự hỗ trợ đặc biệt từ “Đại Việt Cổ Phong”, nhóm các bạn trẻ đam mê tìm hiểu về văn hóa cổ Việt Nam, nên cũng

an tâm đôi phần” – Mai Thế Hiệp nói. Anh cũng bộc bạch rằng sở dĩ chọn đề tài này vì bản thân cũng là người đam mê Sử Việt và giai đoạn Mạc – Lê Trịnh là một đoạn lịch sử tàn khốc của dân tộc có nhiều yếu tố để khai thác. Thông qua bộ phim, Mai Thế Hiệp không mong gì hơn ngoài việc có một bộ phim ý nghĩa, nếu không muốn nói là để đời, mà còn hy vọng sẽ ít nhiều giúp khán giả hiểu và yêu thêm một chút về Sử nhà.

Một dự án phim khác dành hơn một năm tiền kỳ trước khi chính thức bấm máy vào cuối năm sau là phim điện ảnh dã sử hợp tác giữa nhà văn Nguyễn Đình Tú và đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh mang tên “Thái giám cuối cùng của Đại Nam Hoàng Triều”. Hiện phim đã hoàn thành kịch bản chi tiết và tiến hành đăng ký bản quyền. Đây là dự án được thai nghén từ khá lâu cũng như mang nhiều tham vọng của đạo diễn “Lô tô” khi dự kiến phim sẽ được gửi đi để tham dự các liên phim quốc tế.

Tuấn Anh cũng thừa nhận rằng làm phim có yếu tố lịch sử thời điểm này tại Việt Nam là vô cùng khó khăn, trong đó tồn tại lớn nhất vẫn là phục trang còn hạn chế và thiếu một phim trường tiêu chuẩn, “Nhưng 15 năm trước tôi đã xác định con đường về lâu về dài của mình là chỉ đi theo dòng phim dã sử, lịch sử Việt Nam. Bên cạnh đó với tư cách là một người làm nghệ thuật thì tờ giấy thông hành tuyệt nhất để đi khắp năm châu là làm ra những bộ phim có giá trị về lịch sử đất nước và truyền cảm hứng tự hào dân tộc”.

Bên cạnh “Hộ Quốc Vệ Thần”, “Mai Thị – Nhân Thần Truyện”, “Thái giám cuối cùng của Đại Nam Hoàng Triều” thì nhiều dự án phim điện ảnh có yếu tố lịch sử khác cũng đang được khởi động, hứa hẹn đây sẽ là mảnh đất màu mỡ trong tương lai gần để các nhà làm phim khai thác. Dẫu biết còn nhiều thử thách, khó khăn nhưng điều đó chưa bao giờ làm chùn bước những con người có tâm huyết với sử nhà và chúng ta có quyền mơ về thời hoàng kim của dòng phim điện ảnh lịch sử Việt Nam với những bộ phim chỉn chu, chất lượng và thật.