Với “Em và Trịnh”, phần nào trong hạng mục công việc của mình khiến chị cảm thấy khó nhất?
Chắc là cả bộ phim (cười). Khác với “Gái già lắm chiêu 3” thì “Em và Trịnh” có câu chuyện, bối cảnh và nhân vật hết sức phức tạp và đồ sộ.
Ai cũng biết, đây là bộ phim về một con người có thật, về những sự kiện có thật trong lịch sử cách chúng ta cả vài thập niên nên yếu tố chính xác, chân thật và “giống” là không bàn cãi. Thế nhưng với Production Design thì còn hơn cả như vậy. Công việc của chúng tôi là tạo nên hình ảnh vừa đẹp vừa nghệ thuật vừa “biết nói” cho bộ phim để làm sao thông qua đó diễn tả được 100% ý đồ của đạo diễn và biên kịch.
Ví dụ, tạo hình của Dao Ánh và Michiko ít người nhận ra nhưng cả hai nhân vật này đều có một bảng màu, hình đại diện và sắc thái khác nhau. Chẳng hạn như Dao Ánh được ví như ánh hướng dương nên sẽ có màu sắc chủ đạo là màu vàng, hoa hướng dương là biểu tượng chính và mỗi khi Dao Ánh xuất hiện sẽ có những khung hình tròn làm nền để tạo sự dịu dàng, đáng yêu và ngay thơ. Trong khi Michiko lại là một cô gái đầy cá tính với những khung hình vuông, cùng màu sắc rực rỡ, cá tính. Hoặc căn phòng của Trịnh Công Sơn ở mỗi bối cảnh, mỗi giai đoạn cũng phải khác biệt nhưng đều thể hiện được tính cách nhất quán của người nhạc sĩ tài hoa, đa cảm này.
Tôi nghĩ thú vui của một Production Designer là nhìn thấy được những tiểu tiết mà ít người chú ý và tận hưởng “trò chơi sắp đặt” đầy kích thích này khi nhìn thấy phim được trình chiếu. Bởi mọi thứ ở trên giấy thì khác, lên bản vẽ sẽ khác, lên trường quay lại càng khác rồi lên ở màn ảnh rộng thì lại hoàn toàn khác nữa