Tôi từng đọc được ở đâu đó rằng, nhà buôn và Phật giáo có mối quan hệ hết sức mật thiết khi con đường tơ lụa là mạch huyết giao thương duy nhất giữa châu Á và châu Âu. Các lái buôn thời đó phải đối mặt với rất nhiều rủi ro: thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đạo tặc hoành hành. Nguy cơ trắng tay, thậm chí mất mạng là rất lớn. Phật pháp giống như một nơi nương tựa tinh thần, ban cho họ sự bình an. Các khoản quyên tặng và lễ vật cúng bái nhà chùa chủ yếu là từ các thương nhân. Đây cũng là lý do vì sao dọc theo con đường tơ lụa có rất nhiều ngôi chùa và thiền viện Phật giáo được xây dựng.
Thán phục và xúc động là cảm giác của tôi khi đứng trước Thiên Phật động Kizil ở Khâu Từ. Đó là quần thể chùa hang đá được xây dựng sớm nhất ở Trung Quốc từ thế kỷ thứ ba. Kizil có tất cả 236 hang đá được đánh dấu theo thứ tự. Ở đó, những bức tranh tường, tượng Phật được đắp bằng đất từ bao nhiêu thế kỷ trước mà màu sắc vẫn giữ gần như nguyên vẹn, tươi tắn và sinh động như mới.