Chiều muộn thứ Sáu, trong căn nhà nhỏ ở phố Nguyễn Dũng, Ba Đình, Hà Nội, bà Phí Thị Ninh mở cánh tủ ngắm hàng trăm chiếc váy đủ kiểu dáng và chục đôi giày nhảy rồi lấy một bộ lâu chưa mặc lại. Thoa một lớp kem nền, thêm chút son mỏng, bà chọn thêm khăn trùm đầu hợp màu váy rồi mới ra ngoài.

Hôm nay, bà có hẹn ra phố đi bộ bờ hồ để xem những người bạn trong câu lạc bộ khiêu vũ Đêm Hà Nội biểu diễn. Mới phẫu thuật cắt bỏ khối u ung thư phổi được vài ngày, bà Ninh chưa nhảy múa được nhưng bà vẫn muốn gặp mọi người cho đỡ nhớ tiếng nhạc. 

Cô Phí Thị Ninh (Hà Nội)
Tuổi: 65
Đang điều trị bệnh ung thư phổi

THÔI, COI NHƯ KẾT ÁN TỬ RỒI!

Đầu năm 2019, bệnh xoang mũi của bà Phí Thị Ninh lại tái phát. Năm nào cũng thế, cứ đến mùa mưa phùn là cái mũi lại làm khổ bà. Nhưng khác với những lần trước, ngoài nhức mũi, thi thoảng bà còn cảm thấy tức ngực, hay ho khan lúc nửa đêm. Thấy lạ, bà đi bệnh viện khám. Kết quả chụp chiếu cho thấy có đốm mờ ở phổi, rồi bà uống thuốc cả tháng mà không khỏi. Vào viện Phổi trung ương bác sĩ nói bà bị ung thư giai đoạn 2B gần chuyển sang giai đoạn 3, bệnh đã nặng.

Nhận kết quả, bà Ninh bàng hoàng tuyệt nhiên không tin những gì mình vừa nghe. “Tôi đang khỏe mạnh thế, bác sĩ bảo ung thư thì tin làm sao được”. Hơn chục năm nay, từ khi nghỉ hưu bà đều chăm chỉ tập thể dục. Sáng nào bà cũng đi bộ vài vòng công viên Bách Thảo, nhiều hôm lên tận Hồ Tây rồi vòng về. Những người phụ nữ cùng tuổi trong tổ dân phố đố ai khỏe mạnh được như bà.

Mấy năm gần đây bà còn đi học nhảy. Nhảy cổ điển nhẹ nhàng không đủ “đô”, bà học hẳn môn khiêu vũ thể thao chỉ dành cho giới trẻ. Ở tuổi 65, có những bước nhảy thanh niên còn phải toát mồ hôi khi nhảy mà bà còn theo được. “Cái khác tôi không dám nói chứ về sức khỏe tôi tự tin số một”, bà nhớ lại. Ấy vậy mà bác sĩ nói bà bị ung thư phổi, lại còn có hạch rất to nữa.

“Hơn chục năm nay, từ khi nghỉ hưu bà đều chăm chỉ tập thể dục… Những người phụ nữ cùng tuổi trong tổ dân phố đố ai khỏe mạnh được như bà”. 

“Thôi coi như kết án tử rồi”, bà nghĩ. Sau mấy ngày nằm nhà khóc, bà tặc lưỡi mặc kệ, đằng nào cũng đã ngoài 60 rồi, con cái trưởng thành chẳng còn gì phải lo. Cứ sống 1-2 năm nữa cho thật vui, Trời gọi thì cứ đi thôi. “Xác định tư tưởng nên tôi không nghĩ nhiều, không mất ngủ. Đọc báo trên mạng nhiều người khuyên bệnh nhân ung thư cứ vô tư vui vẻ rồi sẽ tốt. Khi mình buồn, bệnh vẫn nặng. Thề thì sao phải buồn? Gì chứ vui vẻ, lạc quan tôi có thừa”.

Tuy đã chuẩn bị tâm lý rằng điều trị trước sau cũng chết, lại đau đớn tốn kém, nhưng được người thân khuyên nhủ thêm nữa thương chồng con, bà lại vào bệnh viện K và làm quen với những buổi truyền hóa chất. Cứ 3 tuần truyền 1 lần. Lần đầu tiên truyền xong, bà mệt quá ngất đi, phải nằm phòng cấp cứu mấy ngày liền. Tỉnh dậy, bà sợ quá bảo không truyền nữa. Mọi người ai cũng động viên. Chồng bà ngày đi làm tối chăm vợ. Thương chồng, bà lại tiếp tục điều trị.

Truyền xong đợt đầu bà không ăn uống gì được trong 4 ngày, người lả đi đến ngày thứ 5 mới được vài muỗng cháo. Bà Ninh thấy người yếu quá nên trở dậy sắm sửa váy áo để… đi nhảy lại. Cuối tuần bà lên bờ hồ, sáng ngày nào cũng vào công viên Bách thảo. Nhóm nhảy của bà khoảng gần 50 người, người trẻ nhất cũng đã 45 tuổi, có hai người bạn cũng đang chống trọi với bệnh ung thư. Nhìn những người bạn ung thư tuyến giáp, ung thư vú vẫn vui vẻ nhảy, bà Ninh như có thêm đồng minh.

NẰM BẸP Ở NHÀ THÌ CHÁN CHẾT!

Dù lạc quan đến mấy, bà Ninh vẫn sợ hãi những đợt truyền hoá chất. Bà lo cho chính mình của những lúc ấy: “Những lúc hóa trị, người tôi như đi mượn, tóc rụng sạch. Soi gương tôi thấy cái đầu trọc và đôi mắt lồi ra, chính mình cũng phải hãi. Hóa chất làm giảm hệ miễn dịch cơ thể, chỉ một nốt muỗi đốt cũng khiến tôi bị nhiễm trùng, phải truyền kháng sinh mới lành lại được”.

Sau mỗi đợt truyền hóa chất, bà Ninh lại tìm đến nhảy để cơ thể khỏe lại, có thêm niềm vui. Âm nhạc và những điệu nhảy giống như thứ thuốc thần kỳ giúp bà quên đi nỗi đau thể xác: “Nghe tiếng nhạc tôi thấy phấn khởi hẳn ra. Nằm bẹp ở nhà thì chán chết”.

Một ngày của bà bắt đầu bằng giờ tập nhảy lúc sáng sớm, đi ăn sáng, uống nước với bạn bè đến trưa. Từ trưa đến tối bà đi mua sắm quần áo, thăm vài người bạn, cùng xem những clip nhảy múa trên mạng xã hội rồi học theo. Tóc rụng hết, bà quàng khăn, đội mũ thay vì bộ tóc giả vướng víu, khó chịu. Chỉ khi bị bệnh, bà mới biết có bao nhiêu mốt mũ đẹp với đủ loại kiểu dáng. Chỉ khi bị bệnh, bà mới ghé vào cửa hàng in áo phông gần nhà để đặt in những họa tiết yêu thích lên miếng vải về may khăn trùm đầu.

Truyền 4 đợt hoá chất từ tháng 5 đến nay, bệnh của bà Ninh đã đỡ hơn. “Bác sĩ nói chưa thấy bệnh nhân nào hấp thụ thuốc tốt như tôi. Hạch đã tan hết, u teo lại và bong ra nên bác sĩ chỉ định mổ lấy u khỏi người tôi. Mấy chục bệnh nhân ở khoa phổi, chỉ một mình tôi được mổ. Tôi nghĩ mình hồi phục nhanh vì ham nhảy múa”. Buổi tối trước ngày bà đi mổ là lễ Quốc khánh, bà vẫn chạy xe máy lên bờ hồ nhảy nốt buổi cuối.

“Tôi nghĩ mình hồi phục nhanh vì ham nhảy múa”

Sau ca phẫu thuật một tuần, sức khỏe dần hồi phục bà lại đi chơi, đi nhảy. Thỉnh thoảng họp lớp khiêu vũ bà cũng đi bar cùng đám trẻ. “Lên sân khấu nhảy vui mà. Ở tổ dân phố người ta nói: ‘Bà này bị ung thư mà nhảy khỏe, quanh khu này mỗi mình bà đi nhảy suốt ngày”. Bà Ninh không thấy ngại chỉ thấy vui. Không truyền hóa chất nữa, tóc mọc trở lại, bà bỏ mũ, bỏ khăn, khoe mái tóc tém “như đàn ông” và diện những bộ đầm hợp mốt để lên bờ hồ khiêu vũ cùng bạn bè.

“CHÚNG TA LÀ CHIẾN BINH”

Vào tháng 12.2014, tạp chí Đẹp thực hiện chiến dịch “Chúng ta là chiến binh” kể câu chuyện những “chiến binh” ngoài đời thực đang ngày đêm chống lại căn bệnh ung thư quái ác. Chiến dịch đã tạo được sức lan toả mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng và cả những người nổi tiếng như đạo diễn/nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, ca sĩ Sơn Tùng – MTP, nữ diễn viên Chi Pu,… đặc biệt nữ diễn viên Hollywood Angelina Jolie cũng hưởng ứng nhiệt thành bằng cách gửi cho Đẹp những chia sẻ đặc biệt.

Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 20 năm tạp chí Đẹp, ban biên tập chúng tôi quyết định tái khởi động chiến dịch “Chúng ta là chiến binh” như một lời khẳng định: tinh thần “chiến binh” ấy đã, đang và sẽ không bao giờ dừng lại, dẫu là 5 năm trước 5 năm về sau hay mãi mãi.

Hãy cùng Đẹp lan tỏa tinh thần chiến binh bất diệt theo cách thiết thực nhất: gửi câu chuyện về những “chiến binh” đời thực ở quanh bạn về cho Đẹp thông qua email: deponline@dep.com.vn. Chúng tôi tin rằng nhờ những chia sẻ của quý độc giả mà những bệnh nhân ấy không bao giờ đơn độc trong cuộc chiến chống lại tử thần.

Bài Nha Trang Ảnh Trần Giáp Video Trung Hiếu Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP