Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn: “Đại ca” của những “đệ tử” trọc đầu - Tạp chí Đẹp

Cô Kim Phấn thân thương gọi các bệnh nhi của Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM trong lớp học đặc biệt của mình là những “đệ tử” trọc đầu, còn cô là “đại ca”. Cuộc gặp gỡ giữa Đẹp và cô Phấn cùng những “đệ tử ruột” chỉ gói gọn trong hai ngày cuối tuần, cũng là hai ngày mà cô bận rộn nhất. Đã ngần ấy năm gắn bó với đám đệ tử nhưng cô Phấn chưa hề có ý định bỏ lớp dù nhiều lúc tưởng chừng đã “khóc cạn nước mắt”, “ruột gan quặn đau” khi trải qua bao cuộc chia ly với các em học sinh mắc bạo bệnh…

HÀNH TRÌNH NHIỀU NỖI BUỒN

Cơ duyên nào đã đưa cô đến với lớp học đặc biệt này?

Năm 2007, thông qua chương trình “Ước mơ của Thúy”, tôi đến gặp nhân vật chính của chương trình là cô bé Lê Thanh Thúy. Từ ấy, tôi đều đặn ghé thăm và tặng quà cho các bệnh nhi. Đến năm 2009, nhu cầu các bé muốn đọc, muốn viết tên của mình ngày càng tăng bởi có nhiều bé vào đây từ 3, 4 tuổi cho tới lúc đi học thì không được đến trường, lại chỉ có ước ao biết đọc biết viết tên của mình là đủ.

Vì là giáo viên nên tôi được đề nghị mở lớp và ngay lập tức đồng ý mà không biết rằng chính cái gật đầu ấy đã đưa tôi đến và gắn bó với nơi này, cũng như mang niềm vui, con chữ đến cho các em trong suốt 10 năm.

Với cô, cảm giác đầu tiên khi đứng lớp có gì khác so với bây giờ?

Khi ấy, tôi cũng đứng ở căn phòng này, xung quanh là những em bé trọc đầu, cảm giác hơi… rờn rợn. Không phải là vì sợ đâu mà vì đó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh tượng đặc biệt này. Chỉ khi bắt tay vào dạy học, tôi mới nhận thức được mình là cô giáo, kia là các em học sinh, và tôi cần gạt bỏ những cảm xúc bên lề để truyền tải kiến thức cho các em.

Dần dà tôi mến rồi thương các em nhiều hơn. Ngày qua ngày, chứng kiến bao cuộc chia ly khóc cạn cả nước mắt nhưng tôi vẫn tiếp tục đứng lớp. Cứ như vậy, cho đến bây giờ nhìn lại, tôi phát hiện hóa ra mình đã ở đây lâu đến như thế.

Đâu là cuộc chia ly mà cô nhớ nhất?

Là cuộc chia tay với bé Ngọc Chi đã theo lớp học 10 năm, cũng là học trò lâu năm nhất của tôi. Thật không may, cũng trong thời gian ấy, tôi phải nói lời tạm biệt với hai cô bé rất thân thiết khác. Dẫu rằng với những người như chúng tôi chia ly là điều hiển nhiên nhưng nếu nó diễn ra liên tục trong một thời gian ngắn thì đó là nỗi đau khôn xiết.

Thời điểm nghe tin Chi rơi vào trạng thái hôn mê sâu, tôi rất bình tĩnh thông báo tình hình bé cho người khác vào thăm. Tôi không vào, chỉ theo dõi tin tức qua họ. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ tại sao mình không đi thăm, bởi nếu đến ít nhất tôi đã thỏa mãn được cảm xúc lo lắng, nhớ thương của mình lúc ấy thay vì trằn trọc mất ngủ cả đêm. Thậm chí còn không dám liên lạc với phụ huynh vì sợ phải nghe những điều mình không muốn.

Đến khi phụ huynh thông báo đưa các bé về tôi biết thời khắc ấy đã đến. Lấy hết can đảm tôi đến bệnh viện gặp các em lần cuối. Ngày các em mất tôi không dự đám tang. Mãi ba ngày sau tôi mới đến thắp nén nhang. Mọi thứ còn nguyên, vòng hoa còn tươi, trái cây còn tươi, khói nhang nghi ngút và cả những gương mặt trẻ thơ trên di ảnh kia. Tôi ra về mang theo nỗi đau cứ âm ỉ trong lòng. Mỗi buổi sáng ngủ dậy tôi lại tự hỏi: “Ủa, Chi mất rồi sao?”, sáng hôm sau lại tiếp tục: “Chi mất thiệt rồi à?”.

NHỮNG NIỀM VUI NHO NHỎ ĐÁNG GIÁ BIẾT CHỪNG NÀO!

Ắt hẳn vượt qua những nỗi đau này không hề dễ dàng với cô chút nào?

Thường khi các bé mất, tôi sẽ dùng chính những quyển vở các bé đã từng viết, trang trí lại bìa vở. Dò theo ngày tháng các buổi học được ghi trong vở, tôi sẽ lấy hình chụp các bé trong điện thoại, làm thành một album ảnh khoảng 8 trang thật đẹp. Đó là cách tôi giữ các bé bên cạnh mình.

Tại sao cô lại gọi các bé là đệ tử ruột?

Vì bên cạnh việc học, bất kỳ chuyện gì bọn trẻ cũng gọi “cô Phấn”. Bọn trẻ từ quê lên khám bệnh cũng “mang cái này cho cô Phấn” dù chỉ là những món quà quê đơn sơ như quả dừa, quả bưởi, trứng gà… Các bé ở trên này ngoài dạy chữ còn được tôi dạy hát, dạy múa, đều nhớ rõ và học thuộc tất cả những bài mà cô dạy. Những bộ đồ tôi mặc không vừa nữa tôi đều để dành cho tụi nhỏ, rồi hạnh phúc tự nhủ: “Mấy đứa lớn hết rồi, đã có thể mặc được đồ của cô rồi”.

Chắc hẳn tình cảm từ phụ huynh và các bé là thứ cô “lời” nhất khi theo dạy lớp học đặc biệt này?

Đúng vậy. Tôi nhớ có một bé tên Phương Như, nhà ở quận Tân Bình, đã vào viện từ hồi 4 tuổi rồi bắt đầu học những nét chữ đầu đời ở đây. Con bé lanh lắm, lúc nào cũng giống như lớp trưởng, tíu tít nói chuyện và học hành rất chăm chỉ. Có lần tôi nhận được điện thoại của bé khoe: “Bài báo này có ghi tên cô và con ở trỏng nè”. Tôi vui lắm bởi mình đã dạy bé những nét chữ đầu tiên, rồi chứng kiến việc mình làm cho bé đã có chút thành quả.  

Tỷ lệ chữa khỏi bệnh của các em ở đây chỉ dao động khoảng 30%. Nhiều em được chữa khỏi lâu lâu cũng ghé qua đây hỏi thăm các cô giáo kể về cuộc sống hiện tại. Những em đang ở tình trạng ổn định, mỗi lần tái khám thường xin phụ huynh khám bệnh vào những ngày có các cô. Hay rất nhiều lần những phụ huynh khác ghé thăm mà không phải giờ học của lớp (lớp chỉ mở vào thứ 6 và thứ 7 hàng tuần – PV), họ thường để lại số điện thoại để có thể trò chuyện cùng tôi. Tất cả những tình cảm ấy thật quý giá.

“CHÚNG TÔI KHÔNG Ở ĐÂY VÌ TIỀN”

Gia đình cô nói gì khi cô quyết định làm công việc này?

Thực ra một tuần lễ 168 tiếng nhưng tôi chỉ dành 4 tiếng cho hai buổi học. Ở nhà, nhiều khi hai tiếng chỉ đủ cho một giấc ngủ, nhưng ở lớp, trong khoảng thời gian quý giá đó, có rất nhiều người cần tôi, bản thân tôi cũng làm được nhiều việc cho các bé. Gia đình tôi cũng ủng hộ tôi đồng hành cùng lớp.

Bên cạnh việc nhà, mỗi khi có thời gian tôi lại tranh thủ ngồi viết bài đăng Facebook, chia sẻ những hoạt động của lớp cho mọi người cùng xem. Nhiều người nghĩ tôi rảnh lắm nhưng thật ra tôi chỉ “rảnh” khi tranh thủ thời gian giữa gia đình và việc dạy thôi.

Bước qua tuổi 63, có bao giờ cô đã nghĩ đến việc sẽ về hưu và ít gắn bó với lớp trong tương lai?

Tôi vừa kỷ niệm 10 năm đồng hành cùng các em. Một chặng đường vừa dài vừa gian khổ. Tôi cũng từng tính đến chuyện đào tạo nhân sự, sắp xếp mọi việc theo trình tự hơn để nếu có nghỉ sẽ có người tiếp tục kế thừa hành trình của mình. Nếu không thể tham gia cùng lớp, tôi sẽ ở nhà, chỉ đạo từ xa, gọi điện… còn bỏ hoàn toàn thì tôi không bỏ nổi, bởi ngoài tình yêu dành cho các bé, còn là tình yêu dành cho cộng sự. Hiện tại tôi đã 63 tuổi, tôi hy vọng mình sẽ đi cùng các em ít nhất đến năm 70 tuổi.

Điều quan trọng nhất để duy trì lớp là gì? Liệu có phải vấn đề tài chính?

Tài chính chưa bao giờ là nỗi lo của chúng tôi, bởi có những thứ có tiền mà muốn cũng không được. Có bỏ tiền ra cũng chưa chắc đã có được một lớp học như thế này. Bởi chưa chắc đã có được các cô giáo, các tình nguyện viên nhiệt tình vì lớp. Tiền không phải là yếu tố giúp duy trì lớp, bởi nơi đây hỗ trợ bệnh nhi về mặt tinh thần, còn vật chất đã có các chương trình khác. Thậm chí từng có các mạnh thường quân đến tặng quà cho các bé, quà dư lại ngỏ ý tặng tình nguyện viên, các em trả lời khẳng khái: không lấy! Chúng tôi không ở đây vì tiền. 80 người gồm đội ngũ giáo viên và tình nguyện viên toàn là những người xuất sắc về học vấn, đạo đức và tinh thần xả thân.

Khi duy trì lớp này, tôi nghĩ điều cần nhất là những trái tim tình nguyện. Mỗi người chúng tôi đều phải hết lòng hết sức, cảm thông, và yêu thương các bé thật sự mới có thể ở đây lâu dài. Không vụ lợi, không vì một lý do nào khác, có vậy thì mới đồng hành với lớp lâu dài được.

Cảm ơn những chia sẻ của cô.

“CHÚNG TA LÀ CHIẾN BINH”

Vào tháng 12.2014, tạp chí Đẹp thực hiện chiến dịch “Chúng ta là chiến binh” kể câu chuyện những “chiến binh” ngoài đời thực đang ngày đêm chống lại căn bệnh ung thư quái ác. Chiến dịch đã tạo được sức lan toả mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng và cả những người nổi tiếng như đạo diễn/nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, ca sĩ Sơn Tùng – MTP, nữ diễn viên Chi Pu,… đặc biệt nữ diễn viên Hollywood Angelina Jolie cũng hưởng ứng nhiệt thành bằng cách gửi cho Đẹp những chia sẻ đặc biệt.

Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 20 năm tạp chí Đẹp, ban biên tập chúng tôi quyết định tái khởi động chiến dịch “Chúng ta là chiến binh” như một lời khẳng định: tinh thần “chiến binh” ấy đã, đang và sẽ không bao giờ dừng lại, dẫu là 5 năm trước 5 năm về sau hay mãi mãi.

Hãy cùng Đẹp lan tỏa tinh thần chiến binh bất diệt theo cách thiết thực nhất: gửi câu chuyện về những “chiến binh” đời thực ở quanh bạn về cho Đẹp thông qua email: deponline@dep.com.vn. Chúng tôi tin rằng nhờ những chia sẻ của quý độc giả mà những bệnh nhân ấy không bao giờ đơn độc trong cuộc chiến chống lại tử thần.

Bài April  Ảnh NVCC 

Video Trung Hiếu Thiết kế Anh Hoa

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP