Chủ nhân cửa tiệm sổ tái chế L’escargot Papier: Ai cũng cần một Neverland cho riêng mình - Tạp chí Đẹp

Bạn có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của cái tên L’escargot Papier không?
L’escargot Papier có nghĩa là ốc sên giấy, tôi thích cái tên này vì nó mô tả trạng thái thư thả chậm rãi của những chú ốc sên, cũng giống như mỗi khi ngửi thấy mùi hương của giấy, tôi lại thấy bình tâm và thư giãn.

Cơ duyên nào khiến bạn mở cửa tiệm này?
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những ấn bản “Doraemon” và “Bảy viên ngọc rồng” giấy đen sì có giá 2.300 đồng một cuốn. Tôi vẫn nhớ hồi lớp 6, lớp 7, khi chưa quá bận rộn với các kỳ thi, tôi rất thích đi coi sách mới ở hiệu sách Kim Đồng, đi mua tem sưu tập ở Tổng Công ty Tem Việt Nam trên đường Trần Hưng Đạo, hay ngồi đọc sách giữa không gian yên tĩnh của Thư viện Hà Nội cũ với những khung cửa sổ cao, không song sắt, nhìn ra khoảng sân rợp bóng hoàng lan. Có lẽ những điều đó đã khiến tôi yêu những gì liên quan tới giấy chăng?

Năm 2013, tôi mở một cửa hiệu tất thời trang tên là L’escargot nhưng không thành công như mong đợi. Thu hoạch lớn nhất hồi đó đến từ những người bạn tôi quen được ở các hội chợ bán hàng. Sau này tôi đi học cao học rồi chuyển qua New York sinh sống với chồng, và vì không muốn quay lại với công việc chuyên môn đã làm ở Việt Nam, lại thấy tiềm năng từ việc làm sổ tay và bán sách qua mạng nên tôi quyết định thử dành thời gian cho L’escargot Papier. Mọi chuyện cứ bắt đầu tự nhiên vậy thôi.

Yến có thể kể về những cuốn sổ tay đầu tiên bạn làm và những cuốn sách đầu tiên bạn sưu tầm không?
Từ bé, tôi đã hay tự làm những cuốn sổ nháp từ giấy in một mặt mẹ tôi đem về từ cơ quan. Tới khi làm tất giấy, có những đợt bán ế quá, tiếc của đống giấy xi măng mình đã mua để gói tất, thế là tôi thử làm những cuốn sổ mỏng từ loại giấy này.

Về sau khi ở New York, ngày nào tôi cũng thấy người dân ở đây bỏ đi rất nhiều sách. Nhiều cuốn họ đem bỏ trước cửa bị mưa ướt hết, tôi tiếc rẻ nhặt về, giữ lại bìa của chúng và thay thế ruột sách đã ướt bằng giấy viết hoặc giấy vẽ, ai ngờ lại bán được.

Làm một thời gian, khi lượng sách lượm ngoài đường không đủ làm sổ bán nữa, tôi tìm thêm sách trong các đợt giảm giá. Ở đây, ngoài những quyển đã hỏng, tôi còn tìm được những cuốn sách cũ nhưng vẫn còn khá đẹp. Rồi lại vì tiếc của, không muốn phá chúng làm sổ, tôi đăng bán thử theo dạng sách sưu tập thì cũng được đón nhận. Nghĩ đi nghĩ lại, chính cái tính tiếc của và một chút may mắn đã đem tôi tới với công việc này chăng?

Điều tôi thích nhất ở những cuốn sách cũ là lịch sử của chúng – câu chuyện về người chủ cũ, hoặc vài dòng ai đó viết bên trong… Còn những cuốn sách của Yến thì sao, hẳn chúng cũng có những chuyện đời thú vị?
Ôi, đôi khi không hẳn là những câu chuyện thú vị đâu, thực ra nghe còn có vẻ… hơi khiếp là đằng khác! Vì hầu hết các cuốn sách vintage tại L’escargot Papier đều là của những người đã khuất. Tôi thường tìm sách ở các buổi garage sales, chủ nhân của chúng không còn nữa và con cái họ đem bán những kỷ vật cũ. Tôi thường xuyên nghe được những câu đại loại thế này: “Đây là mấy cuốn sách ba chồng tôi rất yêu thích, nhưng giờ ông đã mất mà tụi tôi không cần nữa, nên tụi tôi đem bán đi”.

Những người mua sách của tôi thì vô cùng trân trọng sách. Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm, vào khoảng ba tháng trước, tôi nhận được email của một bạn khách quen, bạn ấy cảm ơn vì đã tìm được một cuốn sách hoàn hảo dành tặng cho người bạn thân đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư. Thật vui khi trở thành cầu nối cho những cuốn sách, giúp chúng tìm được chủ nhân mới, người sẽ tiếp tục yêu thương chúng như người chủ nhân đã qua đời.

Những cuốn sách mà bạn quý nhất trong bộ sưu tập sách vintage của mình là gì?
Vì nơi tôi sống hiện tại luôn ngấp nghé thiên tai, nào cháy rừng, động đất, sạt lở, nên tôi không có thói quen giữ lại nhiều đầu sách quý. Sợ nếu có gì xảy ra thì mình mất hết, thế thì tiếc lắm. Vậy nên, tôi chỉ giữ vỏn vẹn ba cuốn sách để trong trường hợp khẩn cấp mình có thể mang theo thôi. Đó là “Hours of Gladness” của Maurice Maeterlinck, minh họa bởi Edward Julius Detmold, xuất bản năm 1912. Đây là tập hợp trên dưới mười bài tiểu luận của tác giả về mùa xuân, mùi hương, các loài hoa và khu vườn. Cuốn thứ hai là “The Violet Fairy Book” của Andrew Lang, xuất bản năm 1901, là một trong bộ 12 cuốn sách tập hợp các câu chuyện cổ tích và thần thoại từ khắp nơi trên thế giới. Và cuối cùng là ấn bản “Peter & Wendy” (nguyên tác của “Peter Pan: Đứa bé không bao giờ lớn” – PV), tác giả James Matthew Barrie, xuất bản năm 1911. Peter Pan có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người, và tôi luôn nghĩ ai cũng cần một Neverland cho riêng mình.

Việc sáng tạo và tái chế sổ tay thì sao, bạn tìm thấy niềm vui gì từ công việc đó?
Có lẽ là sự yên bình. Tôi thích nghe tiếng giấy sột soạt, tôi mê mùi thơm của giấy mới. Khi đóng sổ, tôi phải thực sự tập trung để không bị khâu nhầm tai sổ hay dán nhầm trang, lúc đó chỉ gắng làm sao cho đường khâu thẳng thớm nên đầu óc tôi như được giải phóng khỏi các lo toan thường nhật.

Chưa hết, việc đem lại cuộc sống mới cho những cuốn sách đã hỏng dưới dạng những cuốn sổ tay khiến tôi cảm thấy mình như có một siêu năng lực đặc biệt vậy, kiểu như, mình đang thay đổi cuộc sống của những vật dụng không còn giá trị nữa.

Tôi cũng thích cảm giác được kết nối với những người yêu vẽ vời và viết lách. Đôi khỉ chỉ một email ngắn ngủi “cảm ơn vì tất cả những gì bạn đang làm” cũng đủ để tôi hân hoan cả tuần.

Chắc chắn bạn là một “mọt sách” rồi. Cuốn sách bạn yêu thích nhất là gì?
Tới thời điểm hiện tại vẫn là cuốn “Zorba – Con người hoan lạc” của tác giả Nikos Kazantzaki.

Zorba nổi tiếng là một người luôn hừng hực sống, có phải Yến cũng như vậy không?
Cũng không hẳn đâu, tôi là người hay lo xa và rất cầu toàn. Nhưng có lẽ chính bởi vậy mà tôi thích cuốn sách này. Một cuốn sách tôn vinh cuộc sống và niềm vui sống, giúp tôi có những suy nghĩ tích cực hơn.

Tôi hỏi vậy bởi theo dõi Yến trên mạng xã hội, thấy Yến là một người thích du lịch lắm, hình như bạn đã từng đi xuyên Mỹ rồi?
Tôi đã đi xuyên Mỹ hai lần, lần đầu tiên vào năm 2016 sau khi chồng tôi tốt nghiệp cao học và đang chờ xin việc. Lúc đó, hai vợ chồng không có việc gì làm nên chạy xe rong ruổi nước Mỹ những 6 tuần. Lần thứ hai là khi hai vợ chồng chuyển nhà từ New York qua Berkeley sống. Lúc này bọn tôi đang nuôi một chú chó lai, và vì không muốn bạn chó bị đóng kiện, gửi hàng theo máy bay nên bọn tôi quyết định lái xe xuyên Mỹ.

Ngoài L’escargot Papier, bạn còn làm công việc nào khác không?
Tất nhiên rồi, tôi làm biên dịch cho một công ty thời trang của Thụy Điển. Thật ra biên dịch mới là công việc đem lại nguồn thu nhập chính nên tôi cũng ưu tiên nó hơn một chút. Còn với L’escargot Papier, tôi thường tận dụng khoảng thời gian cuối ngày hoặc cuối tuần để chụp ảnh sản phẩm.

Thực ra có thu nhập ổn định từ công việc bán sách và sổ tay thủ công luôn là niềm mơ ước của tôi. Mẹ tôi hay trêu đây là công việc lấy công làm lãi, còn chồng tôi thì gọi nó là “lao động vì tình yêu”. Bởi lẽ với khoảng thời gian và công sức bỏ ra cho việc này, nếu bạn dành để làm việc khác thì nguồn thu nhập sẽ tốt hơn rất nhiều

Đó là phàn nàn của Yến với việc làm sổ-sách sao?
Ừ, phàn nàn của tôi đó. Ước gì chỉ bán sách và sổ tái chế mà mười năm tiết kiệm được đủ tiền để mua một căn chung cư 60m2 thì đỡ quá…

Thu nhập không hấp dẫn, vậy điều gì giữ bạn lại với công việc vất vả này?
Tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên với những cuốn sách mình tình cờ tìm được. Có những cuốn tôi biết chúng đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được mắt thấy tay rờ lần nào, rồi bỗng dưng một hôm đẹp trời, chúng hiện ra vào đúng lúc tôi ít ngờ tới nhất. Có lẽ chính sự bất ngờ ấy khiến tôi luôn phấn khích với công việc này. Tôi luôn thấy mình như đang trong một cuộc săn tìm kho báu.

Còn lý do khiến Yến yêu sách?
Có lẽ vì chúng là thực tại thay thế. Là thế giới mà bạn có thể trở thành bất cứ ai.

Bài Hiền Trang Ảnh NVCC
Thiết kế Redmaz

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP