CEO Đông A Books & Cá Chép Bookstore Nguyễn Thủy Hằng Giang: Ai bước ra ánh sáng thì có gì quan trọng? - Tạp chí Đẹp

16 năm Đông A Books ra đời và ghi dấu ấn với những đầu sách chất lượng từ nội dung đến hình thức có thể sánh ngang các đầu sách quốc tế, với Tủ sách Đông Dương, với những bản sách đặc biệt (bản S) khơi lại thú chơi sách từ trước năm 1975 là 16 năm chị Nguyễn Thủy Hằng Giang thầm lặng đứng sau chồng, anh Trần Đại Thắng – Tổng Giám đốc Đông A Books, để anh thỏa sức vẫy vùng và cống hiến trọn vẹn tình yêu cho sách.

Không chỉ phát triển mảng kinh doanh cho Đông A, chị còn điều hành Cá Chép – hệ thống nhà sách concept đầu tiên tại Việt Nam. Một bên là xuất bản – phát hành, một bên là bán lẻ với hai quy trình vận hành hoàn toàn khác nhau. Nhiều năm nay, người xuất hiện trước truyền thông vẫn luôn là chồng chị, anh Thắng. Cuộc trò chuyện với Đẹp lần này là một sự hiếm hoi. Chị nói: “Tôi thích sự bình yên và giản dị, có lẽ vì tôi là người sống thiên về nội tâm”.

GẮN KẾT NHỜ SÁCH, ĐI XA CŨNG NHỜ SÁCH

Điều gì khiến một người phụ nữ yêu thương và muốn gắn bó với một người đàn ông? Với nhiều phụ nữ, có thể là sự ngưỡng mộ. Điều đó đúng nhưng chưa đủ với câu chuyện của chị Giang – anh Thắng. Sợi dây buộc chặt họ đến từ lý tưởng chung và tình yêu vô bờ bến dành cho sách.

Chị biết anh từ thuở là sinh viên cùng ngành học. Tốt nghiệp, chị về làm thiết kế mỹ thuật cho một tạp chí, anh làm tại một nhà xuất bản. Họ kết hôn, cuộc sống êm đềm trôi nhưng trong thâm tâm, anh chị luôn muốn làm một điều gì đó lớn hơn. Chị xem nhiều sách nước ngoài, thường cũng trăn trở: “Tại sao trẻ em Việt Nam không được đọc những quyển sách ấy? Đó là những bộ sách bách khoa tri thức, nhờ đó trẻ em trên thế giới tiếp nhận rất sớm về mỹ thuật, triết học, khoa học. Tôi bỗng nghĩ nếu được chọn, mình sẽ làm những đầu sách này cho trẻ em”.

Một ngày, anh bàn với chị về việc nghỉ cơ quan để mở công ty. Tính anh nghệ sĩ và bay bổng, chị lãng mạn nhưng có chút tư duy về kinh doanh nên thoáng lo. Cuối cùng, chị đã chọn nắm tay anh cùng đi tới. “Chúng tôi làm với tất cả những gì mình biết, tất cả những gì mình cảm nhận”. Đông A Books bắt đầu với những quyển sách đẹp mắt, chất lượng dành cho trẻ em. Anh phụ trách khâu mỹ thuật, sáng tạo nội dung; chị đảm đương những khâu còn lại, từ bản thảo, in ấn cho đến phát hành, truyền thông, nhân sự… và vun vén gia đình.

Vợ chồng anh Trần Đại Thắng và chị Nguyễn Thủy Hằng Giang đã cùng nhau xây dựng nên nhà xuất bản Đông A Books và hệ thống nhà sách Cá Chép

2020 là năm nền kinh tế thế giới lao dốc vì Covid-19. Để thích ứng với biến cố này, chị Giang quyết định chuyển dịch một phần trọng tâm kinh doanh sang mô hình trực tuyến. Chính nhờ nỗ lực này của chị mà anh Thắng có thể yên tâm phát triển Tủ sách Đông Dương và các bản sách đặc biệt, gây tiếng vang sâu rộng trong cộng đồng chơi sách.

Tình yêu anh chị dành cho nhau không chỉ đến từ sự cảm thông, thấu hiểu mà còn đến từ một lý tưởng chung. “Rời công ty về nhà, anh chị thường nói với nhau những gì?” – tôi hỏi. “Vẫn là sách thôi. Vợ chồng tôi rất đơn giản, luôn tìm thấy niềm vui từ những điều nho nhỏ. Chỉ cần kê hai chiếc ghế ra ban công, thêm hai ly trà, chúng tôi có thể hàn huyên về sách không biết chán. Đó là cách chúng tôi tạo cho nhau động lực hằng ngày”.

“Vậy ngoài sách, anh chị còn có thú vui nào khác không?” – tôi hỏi. “Là sách cổ” – chị cười. Ba năm trước thôi, khi Covid-19 chưa xuất hiện, trong một lần đến Paris, anh chị dậy thật sớm để đến một hiệu sách cũ, khi họ ngẩng đầu lên vì chiếc bụng đói ỉ ôi, trời đã tối mịt. Họ bước ra cửa, tay xách nách mang mà lòng hân hoan lạ lùng.

Hai mươi năm có lẻ trở thành người đồng hành của nhau, một lần anh bảo, yêu và cưới nhau bao nhiêu lâu, anh vẫn chưa thể khám phá, chưa thể hiểu hết chị. Đó có lẽ là lần hiếm hoi anh bày tỏ tình cảm bằng lời. Là mẫu đàn ông ít nói, anh càng hiếm khi biểu lộ sự quan tâm vào những ngày đặc biệt của hai vợ chồng. Ấy vậy mà, trong không gian tại nhà sách, lần đầu tiên, anh bày một bàn tiệc ấm mừng kỷ niệm 20 năm ngày cưới.

SAU NHỮNG TRANH LUẬN NẢY LỬA, QUAN TRỌNG LÀ VẪN MUỐN NGỒI XUỐNG CÙNG NHAU

Khi một người đàn ông bất ngờ làm điều gì đó đặc biệt, người phụ nữ thường tự hỏi “lão ấy” đã làm sai chuyện gì rồi…
Chắc là do… Covid! Tôi xúc động lắm vì suốt 19 năm qua, kỷ niệm ngày cưới vẫn là một ngày bình thường như bao ngày khác. Tôi không nghĩ anh còn nhớ. Cũng có thể anh nhớ đấy nhưng thấy vợ không có phản ứng gì nên anh… thôi.

Có lẽ chị cần phải “đòi hỏi” nhiều hơn để anh có cơ hội thể hiện tình cảm…
Đúng là vậy thật! Biết đâu anh có điều gì đó muốn nói với mình mà không mở lời được. Từ trước đến nay, trong công việc hay trong đời sống, mỗi khi biết tôi gặp chuyện không vui, anh vẫn thường quan tâm, động viên bằng ánh mắt. Sự chín chắn và điềm đạm đó là điều khiến tôi rung động từ những ngày đầu tiên.

Vừa vận hành công ty, vừa chăm sóc gia đình, con cái, hẳn cũng có lúc chị thấy mệt?
Tôi không nhìn mọi việc dưới góc độ gánh nặng mà coi đó là những món quà, những nhân duyên sâu sắc đã kết nối chúng tôi thành một gia đình. Với anh xã, tôi là vợ, là bạn, là cộng sự, là tri âm tri kỷ. Đã là tri kỷ, ai bước ra ánh sáng thì có gì quan trọng chứ? Với con cái, tôi là mẹ, cũng là bạn, là chỗ dựa tinh thần của con. Những khi công việc bị quá tải và cần cân bằng chính mình, tôi chăm chút thêm năng lượng tinh thần cho bản thân bằng cách đọc sách, trồng cây và tập yoga. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là mình phải thấy thoải mái và hạnh phúc với những gì mình làm.

Bát đũa cùng mâm còn có lúc xô, hai vợ chồng làm cùng công việc càng khó tránh khỏi những bất đồng quan điểm…
Bất đồng trong công việc, trong gia đình, tôi nghĩ cặp vợ chồng nào cũng có. Nhất là khi cả hai làm cùng công ty. Có lúc anh muốn A, tôi muốn B. Bên làm chuyên môn thì muốn chất lượng tốt nhất, bay bổng và thỏa sáng tạo cá nhân nhất. Bên làm kinh doanh thì nhìn bằng đôi mắt thực tế hơn. Thế là mâu thuẫn nảy sinh. Quan trọng là sau những màn tranh luận nảy lửa ấy, chúng tôi vẫn còn muốn ngồi xuống phân tích cho nhau nghe.

Đảm trách phần kinh doanh, thú thật cũng có những lúc tôi do dự vì phía sau tôi còn là đời sống của biết bao nhiêu nhân viên và gia đình họ. Chính những lúc ấy, anh xã đã cho tôi niềm tin bước về phía trước. Năm 2009, khi tôi quyết định vào Tp. HCM mở rộng thị phần kinh doanh của Đông A, sự thay đổi môi trường khiến tôi lúng túng. Tôi mất tự tin, không biết mình có bắt kịp không, có chuyển đổi tư duy được không trước nhịp sống quá nhanh ở mảnh đất này. Anh đã động viên tôi rằng: “Em cứ thử đi rồi mới biết mình đúng hay sai”.

Và chị đã lao tới vì lời động viên ấy?
Theo nghĩa tích cực nhất của nó. Trong đời sống, bạn còn cần gì hơn vào đúng thời điểm đang do dự, băn khoăn, có người bảo với bạn rằng: “Không sao cả, cứ đi đi!”. Ý nghĩa hơn, lời động viên ấy lại đến từ người bạn đời của mình. Nó không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn là động lực, là niềm tin lớn lao. Tâm trạng mình trở nên nhẹ nhàng, đỡ áp lực hơn rất nhiều. Và tôi đã nghĩ, nếu thất bại thì coi như mình… xé nháp.

Đã có lần thất bại nào cay đắng, đau đớn chưa?
Nhiều chứ. Nhưng không thể quên được là lần tôi quyết định đầu tư vào xưởng in để tăng chất lượng in ấn. Triển khai rồi mới thấy có hàng nghìn việc con con mình không thể nào theo dõi hết. Suốt mấy năm, tôi chạy lên chạy xuống từ nhà sách đến nhà in, người gầy xọp. Anh xã bơ phờ mặt mũi, chẳng còn thời gian lo chuyên môn. Anh xót vợ nhưng chắc là sợ vợ buồn nên cũng gắng theo. Khi tôi quyết định sang xưởng, anh mới thở phào nhẹ nhõm. Cú ngã đó nhắc nhở tôi rất nhiều trước khi ra một quyết định nào đó.

Hai mươi năm song hành cùng nhau, hạn chế nào ở anh mà chị nghĩ nếu thay đổi sẽ tốt hơn?
Anh kiệm lời, mê công việc sáng tạo nên ít biểu lộ tình cảm với vợ con. Mình là phụ nữ mà, đôi khi cũng cần được vỗ về cảm xúc vào những lúc mỏi mệt. Chẳng cần gì to tát, lớn lao đâu. Chỉ cần hỏi: “Hôm nay em có mệt không?” thay vì im lặng, gật gật như anh xã mình.

Nếu được quay trở lại hai mươi năm trước, chị sẽ chọn anh hay một anh nào đấy quan tâm, tình cảm hơn?
Vẫn chỉ là anh thôi. Mỗi người đều có một khiếm khuyết mà, mình ở lâu, dần hiểu rồi thấy cũng không ảnh hưởng gì lắm. Mình đã chiến đấu với biết bao điều ngoài kia, không nề hà khó khăn hay lỗi của nhân viên, cộng sự, tại sao những lỗi nhỏ của chồng, mình lại không bỏ qua, không chấp nhận được? Tôi coi trọng chữ tâm và chữ tài ở một người đàn ông. Tình cảm tôi dành cho anh xã bây giờ vẫn vậy. Mỗi khi cần tham khảo việc gì đó, trong công việc hay gia đình, anh vẫn hỏi ý kiến vợ. Rõ ràng, mình vẫn được tôn trọng và người đàn ông này vẫn cần mình đồng hành.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Bài Hoàng Linh Lan Nhiếp ảnh Lucas Tran Trang điểm Ruan Dang
Địa điểm 102 Production Thiết kế Nguyên Khôi

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP