THÀNH PHỐ NGẦM TRONG LÒNG NÚI

Ý tưởng ghé thăm Cappadocia chạy ngang đầu khi tôi lật một cuốn báo và nhìn thấy hình ảnh những chiếc giày thêu tay cầu kỳ được bày bán tại chợ Grand Bazzar (Istanbul). Hàng loạt những thông tin thú vị sau đó về khu chợ nổi tiếng của con đường tơ lụa, về đế chế Ottoman lừng lẫy một thời kéo tôi vào một hành trình ảo khám phá vùng đất La Mã hùng mạnh. Sau cùng, cú click chuột đặt vé máy bay đến Thổ Nhĩ Kỳ chính là cách tôi hiện thực hóa cuộc du ngoạn tưởng tượng ấy.

Tàn tích của thiên chúa giáo

Là điểm không thể bỏ qua khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, Cappadocia khác xa tưởng tượng của tôi khi đây là một vùng đất nhẹ nhàng và bình yên nằm lọt thỏm giữa thung lũng, bao quanh bởi các dãy núi và đồi đá trập trùng. Khác với Istanbul nhộn nhịp hàng quán, nghệ sĩ đường phố và đầy rẫy kẻ móc túi chuyên nghiệp, Cappadocia thu hút tôi bởi sự độc đáo, hoang sơ, huyền bí từ quang cảnh thiên nhiên. Phần lớn nền khu vực là đá trầm tích được hình thành bởi những trận phun trào của núi lửa từ khoảng 3-9 triệu năm trước. Các tầng đá của Cappadocia, nhất là vùng gần trung tâm thị trấn Goreme bị xói mòn, tạo thành hàng trăm cột đá hình tháp, hình nấm độc đáo. Sau một vòng dạo quanh Goreme, tôi quyết định đặt phòng thêm một đêm nữa để có trọn ba ngày khám phá vùng đất này.

Cappadocia là trung tâm và thành trì cuối cùng của người Thiên chúa giáo, họ dời về đây để chạy trốn sự truy đuổi của quân La Mã khi đế quốc Ottoman tràn vào vùng đất này. Nền đá mềm nên có thể dễ dàng khoét sâu thành nhà trong lòng núi. Ở pháo đài Uchisar, vẫn còn vẹn nguyên những đường hầm và bậc thang nhỏ kết nối các phòng tựa như những mê cung huyền bí dưới lòng đất. Với 36 thành phố ngầm nằm chằng chịt, đầy đủ phòng ốc, nhiều tầng, câu hỏi rằng những người cổ đại đã làm cách nào để ngăn chặn quá trình bào mòn liên tục không chôn vùi hàng nghìn người dân vẫn luôn là một bí ẩn để lại cho khoa học hiện đại.

Địa hình thị trấn Goreme tựa như bề mặt mặt trăng
Địa hình thị trấn Goreme tựa như bề mặt mặt trăng

Những hình ảnh lung linh từ Instagram khiến chúng ta nhầm tưởng những chiếc khinh khí cầu màu sắc sặc sỡ là yếu tố duy nhất hút khách du lịch đến với nơi này. Thực tế, dịch vụ khinh khí cầu ra đời chỉ để giúp du khách thưởng ngoạn hết vẻ đẹp Cappadocia từ trên cao, ngắm nhìn những tháp đá chóp nhọn cao 30-40m hóa thành những cây nấm độc đáo. Trước đây, du khách có thể đặt chỗ trên khinh khí cầu trực tiếp tại địa điểm ngắm, tuy nhiên do nhu cầu quá nhiều nên hiện tại, gần như tất cả vé đều được bán hết từ sớm. Ngoài ra, tùy theo điều kiện thời tiết, các công ty du lịch có thể phải dời hoặc hủy hoàn toàn lịch bay. Như buổi sáng tôi đến điểm ngắm, thời tiết không thuận lợi nên toàn bộ các chuyến đều bị dời lại ngày hôm sau.

Điểm ngắm khinh khí cầu yêu thích của dân địa phương và du khách

Không lên được khinh khí cầu, tôi ghé thăm Goreme Open Air Museum, một trong những di sản văn hóa UNESCO, nơi lưu giữ gần như nguyên vẹn các nhà thờ do tu sĩ Thiên chúa giáo đục đẽo từ thời Trung cổ. Nhiều khu tham quan bị đóng cửa hoặc cấm quay phim chụp ảnh bởi người Hồi giáo nơi này không muốn văn hóa Thiên chúa giáo được truyền bá quá nhiều. Vậy cũng hay, bởi việc tập trung ngắm nhìn lúc nào cũng giúp ta nhớ về những điều tuyệt vời này lâu hơn. Tôi cũng có thể dành thời gian để vẽ vào cuốn sổ tay về nơi chốn đặc biệt này.

Lỡ hẹn với Ercyes

Từ nơi tôi đứng, có ba cung đường đi đến núi Erciyes. Tôi chọn cung đường đi ngang qua Urgup và Basdere, là con đường gần nhất và đẹp nhất bởi nó chạy xuyên qua các thung lũng. Những ngôi làng được xây ẩn trong núi thấp thoáng sau sắc hồng rực rỡ của hoa đào mùa xuân. Đi được nửa chặng đường, tôi gặp một vài người nông dân đang xới đất nên dừng lại nói chuyện với họ. Một cặp vợ chồng nọ còn tặng tôi hai trái táo và túi hồng khô. Tôi ngồi bệt xuống bên đường, vừa nhâm nhi táo vừa tranh thủ vẽ lại cảnh hoa đào. Vẽ xong thì cũng là lúc trời đã dịu nắng. Nhẩm tính, tôi còn phải chạy xe khoảng 10km nữa mới đến được núi Erciyes, mà trời thì đang tối dần. Nhụt chí khi nghĩ đến quãng đường về vừa vắng vẻ vừa tối tăm, tôi quyết định ở lại giúp các cô chú nông dân gom cành cây khô, cuộn rơm thành từng bó to trước khi chia tay họ quay trở về khách sạn.

Về tới thị trấn Goreme vừa kịp lúc hoàng hôn nên tôi chạy thẳng lên sườn đồi gần đó để ngắm mặt trời lặn. Từ trên cao, thị trấn nhỏ được chiếu sáng bởi những chiếc đèn đường vàng dịu và đèn xe máy lấp loáng. Goreme lúc này đẹp lung linh như một ngôi làng cổ tích. Tôi đi lang thang, vô tình bước vào một quán cà phê trong lòng núi. Cánh cửa phòng mở ra, không gian mờ ảo hiện dần lên với bức tường chính là lớp đá dung nham hàng triệu năm tuổi. Cái giá lạnh của đêm sương được xua tan bởi không khí ấm cúng với đèn cầy và tiếng đàn hát. Đêm Cappadocia ấm áp trôi qua khi tôi ủ ấm lòng mình trong một cây nấm khổng lồ.

Ngày hôm sau, đồng hồ đánh thức tôi dậy lúc 5 giờ sáng. Chạy ngay ra ngắm bầu trời, tôi muốn xem liệu Cappadocia có thể dành cho mình chút ưu ái vào ngày cuối cùng hay không. May thay, bầu trời xanh đã tràn ngập ánh nắng cùng lác đác một vài chiếc khinh khí cầu sặc sỡ. Nhảy cẫng lên vì sung sướng, tôi chạy xe máy lên ngọn đồi ngày hôm qua. Khi tôi lên đến nơi, cả thung lũng rộng lớn đã tràn ngập những chiếc khinh khí cầu đủ màu. Tôi đánh bạn với một chú chó, cùng nó chạy băng băng trên sườn đồi. Khinh khí cầu bay xa, tôi lại lái xe máy đuổi theo hướng bay của những quả bóng khổng lồ ấy, và thấy như thể mình tìm được một phần tuổi thơ khi tôi chạy theo những con diều ngày bé.

Kết thúc cuộc đuổi bắt, tôi dừng lại tại điểm đáp của khinh khí cầu, nhâm nhi một ly cà phê nóng với Turkish Delight, viên kẹo đặc trưng của người Thổ, cũng là một cái kết đầy ngọt ngào cho hành trình ba ngày nơi vùng đất Cappadocia cổ tích. Không tráng lệ cũng chẳng xa hoa, Cappadocia mộc mạc vẫn còn những điều bí ẩn về cuộc sống cổ đại chờ được khám phá, nằm đâu đó sâu trong những thành phố ngầm dưới lòng đất.

Bài & ảnh Huỳnh Phương Loan Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP